Hành trình khám phá Đắc P’ree
Bằng “con ngựa sắt”, từ TP Đà Nẵng, độc giả Hoàng Nguyên và bạn bè quyết định vượt đường rừng gần 200km để khám phá cuộc sống sinh hoạt của đồng bào người Ve ở xã biên giới Đắc P’ree.
16h chiều, vừa đặt chân đến xã Chà Vàl – trung tâm của các xã vùng cao Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) cũng là lúc cơn mưa rừng đổ xuống khiến chúng tôi phải tạm dừng chân qua đêm. Sáng hôm sau, bầu trời Chà Vàl trong sáng lạ thường. Sau cuộc vui ly cà phê ở phố núi, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình khám phá Đắc P’ree , bỏ lại sau lưng những ánh mắt nhìn thẳng, đầy ngạc nhiên của người dân bản xứ.
Hơn 7h sáng, nhóm chúng tôi đã lục đục chuẩn bị hành lý để thực hiện một chuyến “phượt” dài lên xã biên giới Đắc P’ree. Sau cơn mưa hôm trước, đường đất lên Đắc P’ree trở nên khá thuận lợi, đất khô mịn ngoằn ngoèo, trượt dài theo từng con dốc thẳng đứng đến thót tim. Một cảm giác mạnh khiến nhóm “ du lịch bụi” của chúng tôi thích thú.
Hơn 10h, Đắc P’ree hiện hữu trước mặt chúng tôi là một khung cảnh hoang sơ, bao trùm cả một không gian núi rừng bạt ngàn. Đứng trên vạt đồi ngắm xuống làng bản của đồng bào người Ve nằm phái dưới thung lũng đẹp, giữa một bên dòng suối Ring hiền hòa. Từng cơn gió Lào khô khốc thổi mạnh, những rừng cây rậm rạp tỏa bóng xanh ngát giữa lưng chừng đèo tạo cảm giác miên man đến kỳ diệu.
Tạt vào một quán nước nhỏ ngay cạnh chiếc cầu treo thôn 58 (xã Đắc P’ree) để giải khát, cô chủ quán cũng là người dân tộc Ve hồ hởi khoe: “Ở đây chỉ có một quán nước này thôi. Người dân mỗi khi từ rẫy về cũng đều ghé vào uống nước”. Từ quán nước, nhìn qua bên kia sông theo dây cáp của chiếc cầu treo, hai mẹ con người Ve vừa mới từ nương trở về nhà y hệt như đang đi trên không trung, rất vội vã.
Chiều, ánh nắng vàng vọt phủ khắp núi đồi. Hàng chục thanh niên người Ve cùng nhau ra sân trước làng chơi bóng chuyền. Những nét mặt căng thẳng trong mỗi pha bóng, hay những tiếng cười giòn tang sau mỗi trận đánh thắng đã làm vang khắp núi rừng, cùng tiếng hò reo cổ vũ của các “cổ động viên” trong buôn. Một không khí vui chơi sôi nổi, hào hứng giữa núi rừng hoang sơ tạo nhiều ấn tượng đối với nhiều du khách lần đầu tiên đến thăm.
Tối đến, theo yêu cầu, chúng tôi được già làng Zơrâm Liếu đãi một chầu rượu Tà-vạt (một loại rượu được lấy từ thân cây) cùng món Láp gà, một món ẩm thực truyền thống rất độc của đòng bào Ve. Những chén rượu nồng được rót đều theo câu ca của già làng, đưa chúng tôi trở về với huyền thoại du dương, trầm bổng giữa bao la đại ngàn hùng vỹ.
Đêm Đắc P’ree, dịu dàng cùng lời hát người Ve…
Buổi sáng, Chà Vàl trong sáng lạ thường, tạo cảm hứng để chúng tôi lên với buôn làng Đắc P’ree
Những cung đường đất ngoằn nghoèo thú vị
Dưới những sườn đồi, bản làng người Ve ở thôn 58 hiện rõ nét hoang sơ, kỳ vỹ
Video đang HOT
Buổi sáng, những chuyến xe chở thịt cá “di động” đến tận buôn làng
Cô chủ người Ve bên một góc quán nước hiếm hoi tại Đắc P’ree
Từ quán nước, nhìn sang bên chiếc cầu treo, hai mẹ con người Ve trở về trong vội vã
Sau buổi lên nương, thanh niên Đắc P’ree lại vui chơi thể thao trước sân của làng
Đồng bào người Ve thường có một gian bếp treo đầy thịt rừng khô làm lương thực
Cùng du khách chung vui rượu Tà-vạt và món Láp truyền thống
Trẻ em tung tăng trên con đường quốc phòng vừa mới mở
Khi ánh nắng bắt đầu lên, đồng bào Ve lại tranh thủ phơi thóc
Những trẻ em người Ve tắm nước bên con dốc đầu làng
Và tranh thủ tung chài bắt cá, cải thiện đời sống
Phút dừng chân bên vệ đường của các thiếu nữ sơn cước
Khi chưa có điện lưới quốc gia được kéo về, đồng bào người ve ở xã Đắc P’ree đã biết sử dùng máy tua-bin để phục vụ cuộc sống
Theo Bưu Điện Việt Nam
'Hoa của bản' đậu đại học dưới xuôi
Mấy ngày nay, đi đâu cũng nghe bà con xã vùng cao Đắc Pree, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam kháo nhau về câu chuyện cô bé "vừa đẹp người, vừa giỏi giang" Zơrâm Thị Tý ở thôn 58 đậu đại học dưới xuôi.
Ngay cả những Amế (mẹ), Ama (bố) dù vẫn chưa hiểu hết "học đại học" là gì cũng góp lời khen cô học trò cần mẫn của bản làng: "Cái Tý thì tui biết, con bé vừa đẹp người, vừa giỏi giang chăm chỉ. Nó được đi học đại học gì đấy là đúng rồi".
Kỳ thi tuyển sinh ĐH vừa qua, Zơrâm Thị Tý vừa thi đỗ thừa điểm vào khoa Luật, Đại học Huế (Tý được 17 điểm, trong khi điểm chuẩn vào khoa Luật là 15).
Zơrâm Thị Tý, người con dân tộc Ve đầu tiên của xã Đắc Pree đậu đại học.
Hoa của bản
Đi khắp thôn 58 Đắc Pree, từ già đến trẻ không ai là không biết cô học trò xinh xắn Zơrâm Thị Tý. Bởi không chỉ đẹp như bông hoa trang giữa rừng, Tý còn là cô bé giỏi giang được lòng tất cả các Amế, Ama của bản.
Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em (nhà Tý có 6 anh chị em, Tý là con thứ 3), từ nhỏ, Tý đã phải đảm đương hầu hết những công việc quan trọng của gia đình, từ chăm em, quét tước dọn dẹp nhà đến lên nương làm rẫy. Ở nơi heo hút nhất nhì của tỉnh Quảng Nam, nơi cái chữ đến với vùng cao nhọc nhằn còn hơn cả cây lúa, cây bắp lớn lên trên sườn đồi, thế nhưng từ nhỏ Tý đã nổi tiếng ham học. Cái chữ như hút hồn Tý còn hơn cả những trò chơi của tụi con nít vùng cao như tắm suối, chơi khăng. Thế nên mặc cho bạn bè cùng trang lứa bỏ lớp bỏ trường theo Amế, Ama lên rẫy, Tý vẫn đều đặn đến trường, nuôi cho mình ước mơ con chữ.
Zơrâm Thị Tý trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Ve.
Ở vùng cao quê Tý, muốn đến trường, cách duy nhất là cuốc bộ gần 5 cây số đường rừng. Những hôm trời nắng còn đỡ, đến mùa mưa, con đường đi học trở thành nỗi ám ảnh bởi bùn đất trơn trượt, cheo leo giữa sườn đồi, sơ sẩy là ngã đến bong gân. Có nhiều hôm đi học, Tý còn phải địu em trên lưng đến trường, bởi bố mẹ đều đi rẫy không cón người trông nom. "Khổ nhất là đang học mà em quấy khóc... là em phải bỏ buổi học để địu em về", Tý chia sẻ.
Vất vả là thế, thế nhưng ngay từ khi còn học ở huyện,Tý đã trở thành gia sư cho rất nhiều bạn bè cùng trang lứa bởi không những thông minh, sáng dạ mà cô học trò nhỏ vùng cao còn rất nhiệt tình giúp đỡ bạn bè. Không những thế, Tý còn là thành viên trụ cột của đội bóng đá nữ của trường. Tý kể: "Lúc nhỏ nhìn thấy mấy bạn nam chơi đá bóng mà em thích lắm. Nhưng mà nhà nghèo không có tiền mua bóng, nên em hái quả bòng non làm bóng chơi cùng mấy đứa em. Càng chơi càng thích, nên em xin tham gia luôn vào đội bóng đá nữ của trường". Niềm đam mê ấy theo Tý đến tận cấp 3, khi đã được chuyển xuống học ở trường PTDTNT tỉnh Quảng Nam, cùng với đó là những tấm huy chương ở các giải thể dục thể thao cấp tỉnh và toàn quốc.
Người con dân tộc Ve đầu tiên của Đắc Pree đậu ĐH
Đến tận hôm nay, tin Zơrâm Thị Tý đậu ĐH vẫn còn là câu chuyện xôn xao mà các Amế, Ama người Ve kể nhau nghe trong những lần trò chuyện. Bởi Tý là người con dân tộc Ve đầu tiên của bản làng Đắc Pree đỗ ĐH hệ chính quy. Mẹ của Tý, bà Un Thị Nhâm, mặc dù đang ốm vẫn gắng gượng ngồi dậy kể cho chúng tôi nghe về Tý như là một niềm tự hào. Bà cho biết: "Năm rồi nghe tin tôi ốm, nó nhất quyết đòi bỏ học về chăm sóc cho mẹ. Bỏ học mà tối tối nó vẫn lấy sách, lấy vở ra xem, tội lắm. Gia đình mới động viên cho nó đi học lại".
"Nghe tin nó đậu đại học, con bệnh của tôi nó cũng bớt hành hạ, thấy đỡ đau hơn mấy bữa nhiều", mẹ Tý cười bảo.
Ngoài giờ học, Tý dành phần lớn thời gian làm việc nhà phụ giúp gia đình.
Với quyết tâm thi vào ĐH, dù đường xá cách trở, phương tiện học tập chỉ là những bộ sách vở cũ từ hồi phổ thông, thế nhưng Zơrâm Thị Tý vẫn miệt mài ôn luyện. Em còn đi mượn thêm sách vở của các bạn, xuống tận thị trấn cách xa hàng chục cây số nhờ người quen tìm giúp những đề thi trên mạng Internet để ôn luyện. Dành dụm được một số tiền ít ỏi, Tý quyết định ra Huế xin vào một lớp luyện thi cấp tốc.
Ông Zơrâm Nhêr, trưởng thôn 58, xã Đắc Pree, quê của Tý, tự hào: "Ở bản ni, điện chưa có, đường ô tô còn làm dang dở, chuyện học của mấy đứa nhỏ càng khó khăn hơn. Đường xá đi lại vất vả, cuộc sống của đồng bào thiếu thốn nên chuyện học lâu nay cũng chưa được nhiều phụ huynh quan tâm đúng mức. Nhưng chuyện em Zơrâm Thị Tý thi đỗ vào đại học, đồng bào Ve ai cũng mừng và sẽ lấy đó làm tấm gương sáng để giáo dục con cháu sau này" .
Đậu ĐH là thành quả của quá trình học tập miệt mài của Tý, thế nhưng niềm vui chưa dứt thì gánh nặng đi học đã trở thành nỗi lo cho em. Được biết, hoàn cảnh gia đình của Tý hết sức khó khăn, bố Tý là bệnh binh, hiện không có khả năng lao động. Mẹ em là lao động chủ yếu trong nhà lại đang đau nặng, tốn rất nhiều tiền chữa trị.
"Ở dưới xuôi ôn luyện thi, em đã biết đi học tốn kém như thế nào. Em rất lo đến khi nhập học, không biết lấy tiền đâu ra mà trang trải nữa. Nhưng khó khăn như thế nào, em cũng sẽ nhất quyết cố gắng học, sau này trở về quê hương xây dựng cho quê hương mình", Tý chia sẻ.
Suốt 12 năm liền, Zơrâm Thị Tý luôn đạt học sinh tiên tiến; được cử đi học lớp Cảm tình Đảng; được nhận học bổng Odon Vallet và nhiều giải thưởng khác. Không những học tốt, Tý còn giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi thể dục thể thao cấp trường, cấp tỉnh và toàn quốc. Năm 2005, tại Hội thi Văn hóa - Thể thao các trường PT DTNT tỉnh Quảng Nam lần thứ II, Tý được chọn vào đội bóng đá nữ của trường và cùng các bạn đoạt huy chương vàng (HCV) đồng đội. Riêng Tý mang về tấm huy chương bạc (HCB) điền kinh (thi chạy 100m). Năm 2006, tại Hội thi Văn hóa - Thể thao các trường PT DTNT toàn quốc lần thứ V-2006, tổ chức tại Bắc Giang, Tý đoạt HCB môn đẩy gậy. Trong các năm học 2005 - 2006 và 2006 - 2007, Tý đoạt huy chương đồng - HCB chạy 200m tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, năm học 2007 - 2008, Tý "rinh" về tấm HCV môn tháo lắp súng tiểu liên AK tại Hội thao giáo dục quốc phòng học sinh THPT tỉnh Quảng Nam lần thứ I - 2007, do Sở GD-ĐT phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam tổ chức.
Theo Dân Trí