Hành trình khắc nghiệt trở thành lính đặc nhiệm SAS Anh
Chỉ có niềm khao khát mãnh liệt trở thành những lính đặc nhiệm tinh nhuệ nhất mới có thể giúp các ứng viên vượt qua đợt huấn luyện gian khổ của SAS.
Một binh sĩ đặc nhiệm SAS của Anh. Ảnh: Unilad
Những tháng gần đây, đặc nhiệm không quân Anh (SAS) đã thu hút sự chú ý của dư luận thế giới, khi lính bắn tỉa của lực lượng này liên tiếp lập chiến công, tiêu diệt nhiều thủ lĩnh cấp cao phiến quân IS ở hai chiến trường Syria và Iraq. Tuy nhiên để có thể trở thành một người lính đặc nhiệm SAS, các quân nhân Anh phải trải qua quá trình tuyển lựa, huấn luyện rất khắc nghiệt, theo EliteUKForces.
Đặc nhiệm SAS của Anh được tổ chức thành ba trung đoàn 21, 22 và 23, trong đó trung đoàn số 22 là lực lượng thường trực chiến đấu, còn trung đoàn số 21 và 23 là các đơn vị dự bị trong nước.
Quá trình lựa chọn để gia nhập SAS rất khắc nghiệt. Các ứng viên không chỉ phải có sức khỏe dẻo dai, quyết tâm tiêu diệt kẻ thù mà còn phải có khả năng tập trung tinh thần tối đa, khao khát lớn muốn tham gia vào một trong những lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới.
Đặc nhiệm SAS của Anh không tuyển mộ công khai với mọi đối tượng mà chỉ tuyển chọn từ các thành viên trong lực lượng vũ trang Anh. Quá trình tuyển lựa và huấn luyện ứng viên SAS kéo dài 5 tháng diễn ra rất căng thẳng. Cứ 125 lính dự tuyển vào SAS thì chỉ chọn được 10 người đủ tiêu chuẩn. Chỉ các ứng viên có sức chịu đựng tốt nhất, khỏe nhất và thể hiện khao khát lớn nhất mới được gia nhập SAS.
Để tham gia đặc nhiệm SAS trước hết các ứng viên phải là thành viên đã trải qua huấn luyện cơ bản về thể lực và chiến thuật của quân đội Hoàng gia Anh. Đặc nhiệm SAS cũng chấp nhận các binh sĩ trong Khối Thịnh vượng Anh như Fiji, Australia, New Zealand… tham gia vào hai trung đoàn dự bị số 21 và 23.
Khi đã xác định mục tiêu gia nhập SAS, các ứng viên cần nộp Đơn hướng dẫn hành chính chung trong quân đội (AGAI) để xác nhận rằng mình nhận thức đầy đủ các thách thức phía trước. Sau đó, các ứng viên cần vượt qua vòng Kiểm tra Sức khỏe Chiến đấu (BFT) diễn ra tại sở chỉ huy SAS ở Stirling Lines, Hereford. Trong bài kiểm tra BFT, các ứng viên phải chạy 2,5 km theo đội hình tổ trong 15 phút, sau đó chạy cá nhân ở quãng đường tương tự với thời gian dưới 10 phút 30 giây. Thông thường có khoảng 10% ứng viên trượt trong bài kiểm tra này.
Sau khi nộp đơn và kiểm tra sức khỏe, các ứng viên sẽ chờ đến khi đợt tuyển lựa bắt đầu, thường thì quá trình lựa chọn này diễn ra hai lần mỗi năm vào mùa hè và mùa đông, bất kể nóng bức hay giá rét. Quá trình lựa chọn và huấn luyện đặc nhiệm SAS sẽ diễn ra theo ba giai đoạn
Giai đoạn một là rèn sức chịu đựng, thể chất và khả năng định hướng, hay còn gọi là “giai đoạn học trên đồi”. Đây là giai đoạn kiểm tra cả về thể chất và tinh thần của các ứng viên.
Giai đoạn học trên đồi này kéo dài ba tuần ở Brecon Beacons và Black Hills ở South Wales. Các ứng viên phải khoác ba lô hành quân đường dài với trọng lượng tăng dần theo khung thời gian ngày một hạn hẹp, định hướng đường đi giữa các chốt có huấn luyện viên giám sát.
Ứng viên SAS hành quân trên con đường lầy lội ở đồi Brecon Beacons. Ảnh:Telegraph
Mỗi ứng viên sẽ được phát một thiết bị định hướng để tự tìm đường đến địa điểm tiếp theo. Giai đoạn này có hai khoa mục chính là cuộc hành quân “Fan Dance” dài 24 km ở núi Brecon Beacons thuộc xứ Wales và hành quân đường dài 64 km “Long Drag”, nơi sức chịu đựng của họ bị đẩy lên đến cực điểm. Họ phải mang ba lô nặng 25 kg cộng thêm súng trường, lương thực và nước uống, và chỉ được sử dụng bản đồ và la bàn để định hướng trong thời gian tối đa cho phép là 20 giờ.
Video đang HOT
Giai đoạn hai là huấn luyện trong rừng: các ứng viên sau khi vượt qua giai đoạn một sẽ chuyển sang huấn luyện tại Belize nằm sâu trong các khu rừng. Các ứng viên sẽ học các nguyên tắc cơ bản là sinh tồn và tuần tra trong các điều kiện khắc nghiệt. Các ứng viên sẽ hoạt động theo tổ 4 người và được cấp khẩu phần ăn để tiến hành các chuyến tuần tra trong rừng kéo dài nhiều tuần phía sau “phòng tuyến kẻ thù” với yêu cầu phải sống sót.
Đây là những thử thách thật sự về cả tinh thần lẫn thể chất. Các lực lượng đặc nhiệm cần những người có thể hoàn thành nhiệm vụ dù liên tục chịu áp lực, trong các môi trường khắc nghiệt kéo dài nhiều tuần mà không hề được giải cứu về căn cứ.
Giai đoạn ba có tên gọi Trốn thoát, Tránh bị bắt giữ (E&E) và Tra hỏi Chiến thuật (TQ). Thông thường chỉ có một lượng nhỏ ứng viên vượt qua giai đoạn huấn luyện trên đồi và trong rừng để bước vào giai đoạn huấn luyện cuối cùng.
Trong khóa học E&E, các ứng viên được chỉ dẫn ngắn gọn về các kỹ thuật chạy trốn thích hợp, và có thể sẽ được trò chuyện với Cựu tù binh chiến tranh (POW) hoặc các lính đặc nhiệm từng rơi vào tính huống E&E trong thực tế.
Tiếp đó, các ứng viên sẽ được thả vào vùng nông thôn, mặc các bộ quân phục từ thời Thế chiến II với nhiệm vụ tìm cách vượt qua một loạt các địa điểm mà không bị “kẻ địch” săn lùng, bắt giữ. Khóa học này kéo dài ba ngày, sau đó dù bị bắt hay không, tất cả các ứng viên sẽ phải tham gia khoa mục TQ.
Tra hỏi Chiến thuật (TQ) kiểm tra khả năng chống thẩm vấn của lính đặc nhiệm SAS trong tương lai. Các ứng viên sẽ bị thẩm vấn rất khắc nghiệt, thường là bị bắt đứng nghiêm nhiều giờ và bị tra tấn bởi những tiếng ồn cực lớn xung quanh. Họ chỉ được phép trả lời về tên, cấp bậc, số hiệu và ngày tháng năm sinh với thẩm vấn viên, và tuyên bố “xin lỗi tôi không thể trả lời” với mọi câu hỏi khác.
Các ứng viên sẽ phải đối mặt với những chuyên gia thẩm vấn dày dạn kinh nghiệm. Ảnh: Telegraph
Nếu làm sai, ứng viên sẽ không vượt qua được khóa huấn luyện này. Tuy nhiên, thẩm vấn viên sẽ sử dụng mọi chiêu trò để buộc ứng viên trả lời, và tình huống thẩm vấn thực tế sẽ khắc nghiệt hơn rất nhiều, thậm chí có thể khiến họ mất mạng. Việc phải đứng nghiêm trong thời gian dài và bị tra tấn bởi tiếng ồn khiến ứng viên bị mất nhận thức về thời gian, không gian và rất dễ phạm sai lầm. Đặc nhiệm SAS cần những người chịu được sự tra khảo như vậy trong thời gian dài.
Một số ít ứng viên vượt qua quá trình tuyển lựa và huấn luyện khắc nghiệt trên sẽ được trao chiếc mũ nồi màu be với biểu tượng dao găm có cánh nổi bật để trở thành thành viên mới của đặc nhiệm SAS. Sau khi được biên chế vào trung đoàn SAS thường trực, họ sẽ tiếp tục được huấn luyện chuyên sâu, và nhiều lính SAS vẫn bị gửi trả về đơn vị trong quá trình huấn luyện này.
Duy Sơn
Theo VNE
Bi kịch của người lính bắn tỉa giữ kỷ lục thế giới
Từng thực hiện phát bắn không tưởng diệt phiến quân từ khoảng cách kỷ lục, người lính bắn tỉa Anh đang phải sống những ngày như "địa ngục trần gian".
Craig Harrison, người giữ kỷ lục thế giới về phát súng bắn tỉa diệt mục tiêu xa nhất. Ảnh: NYPost
Tháng 10/2009, trung sĩ Craig Harrison thuộc lực lượng bắn tỉa của quân đội Anh ở Afghanistan đã được công nhận kỷ lục bắn tỉa xa nhất thế giới khi tiêu diệt hai phiến quân Taliban ở khoảng cách 2.475 m, xa hơn 900 m so với tầm bắn hiệu quả của khẩu súng trường ông sử dụng, theoMilitary.com.
Người lính bắn tỉa này đã trở thành huyền thoại với những phát đạn "không tưởng" được thực hiện ở Musa Qala, tỉnh Helmand, Afghanistan lúc đó. Tuy nhiên, trong cuốn hồi ký mới xuất bản của mình, huyền thoại sống này tiết lộ từng muốn tự sát khi bị ám ảnh bởi quá khứ chiến trận.
Trong cuốn hồi ký "Phát bắn xa nhất" của mình, trung sĩ Harrison, đến từ Cheltenham, Gloucestershire, kể lại những tình tiết dẫn tới các phát bắn kỷ lục này, cùng những di chứng hậu chiến nặng nề mà ông phải chịu đựng suốt nhiều năm sau đó.
Hôm đó, tổ chiến đấu của Harrison trên ba chiếc xe bọc thép đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra hộ tống các binh sĩ Afghanistan lúc rạng sáng ở khu vực phía nam Musa Qala thì bất ngờ rơi vào ổ phục kích của phiến quân Taliban.
Khu vực này có rất nhiều phiến quân Taliban hoạt động, và trung sĩ Harrison đã phải sử dụng khẩu súng trường bắn tỉa chính xác phiên bản quốc tế L115A3 của mình hết công suất.
Khi các đồng đội bị mắc kẹt dưới một mương nước trong làn hỏa lực địch, trung sĩ Harrison quan sát thấy khẩu súng máy của địch đang bắn xối xả vào họ từ khoảng cách ngoài tầm bắn hiệu quả của khẩu súng trường bắn tỉa mà ông đang cầm trên tay.
Theo tính toán trên máy tính của xạ thủ hỗ trợ, với khoảng cách xa như vậy, viên đạn bắn tỉa bay với vận tốc siêu thanh phải mất tới 6 giây mới có thể đến vị trí tay súng Taliban đang nã từng loạt đạn ngắn vào đội hình của lính Anh.
Trung sĩ Harrison cho biết "tất cả bằng chứng đều cho thấy không thể thực hiện phát bắn như vậy. Ở khoảng cách xa như thế, mọi yếu tố như tốc độ gió, nhiệt độ và độ ẩm đều ảnh hưởng tới phát bắn".
"Thậm chí tốc độ quay của Trái Đất trong 6 giây đó cũng ảnh hưởng tới đường đạn. Điều đó khiến tôi phải cân nhắc rất nhiều. Ngoài ra, lúc ấy tôi đang trong tình trạng rối bời bởi tình hình khẩn cấp và hiểu rằng mình không có nhiều thời gian lựa chọn", Harrison kể lại.
Phát bắn đầu tiên ông trượt mục tiêu, nhưng ông nhanh chóng lấy lại đường ngắm và tiếp tục bắn phát thứ hai trong lúc phiến quân Taliban cầm khẩu súng máy và tên mang đạn đứng bên cạnh cố gắng phát hiện vị trí của tay súng bắn tỉa.
6 giây sau khi viên đạn thứ hai rời khỏi nòng súng, phiến quân cầm súng máy này gục xuống đất, chết tại chỗ. "Thật không thể tin nổi, lúc đó tôi đã gần như mất kiểm soát vì hưng phấn. Tôi tự nhủ phải bình tĩnh để xử nốt tên còn lại".
Phát bắn thứ ba của trung sĩ Harrison bị trượt mục tiêu, nhưng phát bắn tiếp theo đã tiêu diệt tên tiếp đạn của ổ súng máy. "Tôi bắn trong chớp mắt, và 6 giây sau tôi thấy tên thứ hai gục xuống", ông kể.
"Khi đó tôi rất vui bởi không còn bất kỳ mối đe dọa nào nữa. Một cảm giác nhẹ nhõm trào dâng trong tôi. Bạn bè tôi đã thoát khỏi nguy hiểm. Nếu tôi không làm những gì cần phải làm, 8 đồng đội của tôi có thể đã hy sinh hoặc bị thương".
Sau đó, khi một trực thăng Apache đo khoảng cách những phát bắn mà Harrison đã thực hiện - 2.475 m, tương đương độ dài 24 sân bóng đá - người lính bắn tỉa này mới biết mình vừa đạt được một kỷ lục thế giới đáng sợ.
Một khẩu súng bắn tỉa L115A3, loại súng được Harrison sử dụng để thực hiện phát bắn không tưởng. Ảnh: Military.com
"Lính bắn tỉa luôn có cảm giác đóng băng từ bên trong khi nổ súng bắn ai đó. Như thể khi đó thời gian trôi chậm lại, và tất cả các giác quan được đẩy lên cực độ. Khi viên đạn trúng mục tiêu, họ tận hưởng niềm hân hoan hệt như một liều ma túy chạy qua tĩnh mạch", ông cho hay.
"Tôi không phải là một nhà tâm lý hay tên đồ tể. Tôi không khao khát việc giết chóc. Tôi chỉ yêu khoảnh khắc hân hoan khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".
Bi kịch hậu chiến
Cuối năm 2009, một viên đạn của phiến quân đã bay xuyên qua mũ sắt của trung sĩ Harrison. 10 ngày sau đó, xe tuần tra Jackal của ông bị trúng mìn do Taliban cài ven đường và nổ tung, nhưng ông may mắn thoát nạn.
Trở về nước Anh, trung sĩ Harrison được Bộ Quốc phòng ca ngợi như một người hùng vì những phát bắn phá kỷ lục đó. Thế nhưng các chỉ huy quân đội đã sơ suất tiết lộ danh tính của ông với giới truyền thông, và Harrison lập tức trở thành mục tiêu săn lùng của những kẻ khủng bố. Cả ông, người vợ Tanya và cô con gái 16 tuổi đều cảm thấy lo sợ mỗi khi mở rèm cửa nhà mình.
Có vẻ như một trong những phiến quân Taliban bị ông tiêu diệt ở Afghanistan là lãnh đạo cấp cao trong nhóm khủng bố, và giờ đây chúng muốn trả thù.
"Chúng đã đưa tất cả thông tin chi tiết về tôi lên mạng Internet. Al-Qaeda đã và đang lên kế hoạch bắt cóc một quân nhân Anh để hành quyết, và tôi bị liệt vào danh sách đen của chúng. Người ta tìm thấy một chiếc xe có ảnh của tôi cùng những dụng cụ cần thiết cho một vụ bắt cóc ở miền bắc", Harrison cho hay.
"Kể từ đó trở đi cuộc sống của chúng tôi thực sự bắt đầu bị phơi bày ra ánh sáng", ông nói. Điện thoại của Harrison được gắn thiết bị dò tìm vệ tinh, và bà Tanya cũng mang theo một thiết bị có thể giúp cảnh sát xác định vị trí.
Lính bắn tỉa Anh ở chiến trường Afghanistan. Ảnh: Military.com
Sau quãng thời gian chiến đấu ở Afghanistan, Harrison mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Chính vì điều này, cấp trên của ông đã từ chối trao huân chương Thập tự vì lòng dũng cảm cho Harrison, vì lo ngại ông không chịu được áp lực. Trung sĩ Harrison đã "chết lặng" vì quyết định này.
Không những thế, Harrison cũng bị những di chứng tổn thương não nghiêm trọng trong vụ chiếc xe tuần tra Jackal của ông bị trúng mìn ở Afghanistan.
Sau một lần tự tử bất thành, ông quyết định xuất ngũ vì áp lực và bắt đầu một cuộc sống mới bằng cách chế tạo trang bị cho các lính bắn tỉa khác, những người mà ông gọi là "binh sĩ chuyên nghiệp nhất".
"Người ta không thể hiểu được những gì đang ám ảnh tâm trí tôi. Tôi tưởng tượng ra những nạn nhân mà tôi đã giết. Mỗi ngày đều là một địa ngục trần gian", cựu binh sĩ bắn tỉa này thổ lộ.
Duy Sơn
Theo VNE
Lính bắn tỉa Anh 'kết liễu' chỉ huy IS ở cự li 1,2 km Một lính bắn tỉa của lực lượng đặc nhiệm Anh (SAS) đã kết liễu một chỉ huy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khi người này đang "lên lớp" hướng dẫn cách hành quyết cho các tân binh. Tờ Express (Anh) đưa tin lính bắn tỉa SAS này cùng bảy tay súng khác thuộc SAS chia thành hai nhóm...