Hành trình hơn 8 năm vượt qua ‘cơn ác mộng’ bị chồng tưới xăng đốt
Hơn 8 năm trước, khi bị chồng tưới xăng đốt, sự sống của Thùy Dung rơi vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, bác sĩ báo gia đình chuẩn bị hậu sự cho cô.
Dung từng là một cô gái xinh đẹp, sau biến cố đau đớn, hai đứa con cũng không nhận ra mẹ.
Hơn 8 năm trước, câu chuyện của Nguyễn Thùy Dung (trú tại Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội) bị chồng tưới xăng đốt trong ngày mùng 2 Tết từng gây xôn xao dư luận. Dù người chồng đã chịu sự trừng trị của pháp luật nhưng nỗi đau mà Dung phải chịu đựng vẫn dai dẳng kéo dài.
Dung từng là một cô gái rất xinh đẹp, sau khi bị chồng đốt, không ai còn nhận ra cô. Hơn 8 năm sau biến cố, người phụ nữ đã vượt qua nghịch cảnh, hồi sinh kỳ diệu, xây dựng được một cuộc sống mới.
Cuộc đời hồi sinh nhờ sự kiên trì của mẹ
Nhớ lại cuộc hôn nhân đau khổ, Dung tâm sự, năm 2011, cô kết hôn nhưng chồng cờ bạc, ham chơi. Cô thường xuyên phải trả nợ cho chồng.
Không chịu đựng thêm được nữa, Dung quyết định ly hôn và dọn về nhà mẹ đẻ ở. Mùng 2 Tết năm 2016, người chồng hẹn gặp để trao đổi về đơn ly hôn. Vừa gặp nhau, anh ta đã đòi tiền. Khi Dung không đưa tiền, anh ta bất ngờ tưới xăng lên đầu, quần áo cô rồi bật lửa đốt. Dung gào thét trong ngọn lửa tử thần.
Sau biến cố lớn, Dung đã tha thứ cho chồng cũ và làm lại cuộc đời mới. Ảnh: NVCC.
“Khi tỉnh dậy, toàn thân tôi đau đớn và nghĩ rằng mình vẫn đang quằn quại trong đám cháy. Mẹ nói tôi đã hôn mê gần 20 ngày”, Dung nhớ lại.
Bà Phí Thị Duyên (mẹ của Dung) chia sẻ, lúc vào viện cấp cứu, con gái bà bị bỏng toàn thân, hôn mê sâu, tiên lượng ngàn cân treo sợi tóc. Bác sĩ giải thích bỏng xăng nặng, khó phục hồi, tiên lượng tử vong cao nên gia đình chuẩn bị tinh thần. Người nhà đã thuê xe để đưa cô về.
Video đang HOT
Tuy nhiên, bà Duyên vẫn hy vọng có phép màu xuất hiện và kiên trì xin cho con ở lại viện, chỉ còn 1% cơ hội sống cũng không muốn từ bỏ. Nhờ quyết định của mẹ, sau 17 ngày, Thùy Dung bắt đầu có phản ứng, tỉnh dần. Giữ được mạng sống, Dung bắt đầu trải qua những ngày tháng kinh hoàng nhất cuộc đời mình.
“Toàn thân tôi đau đớn và sợ nhất khi thay băng. Mặt, tay, chân chằng chịt băng bó và tôi cảm giác vết thương vừa đỡ đau lại bị gỡ toạc ra. Mỗi sáng ngủ dậy, tôi sợ và cầm tay mẹ hỏi hôm nay phải thay băng không? Mẹ hiểu nên chỉ bảo ‘nốt lần này’ nhưng số lần kéo dài vô tận”, Dung nói.
Dung trong những ngày nằm viện được mẹ chăm sóc. Ảnh: Znews
Sau đó, cô tiếp tục bước vào các cuộc phẫu thuật ghép da. Ban đầu, Dung nghĩ bản thân chỉ phải phẫu thuật 1-2 lần nhưng suốt thời gian đó cô đã ra vào phòng mổ hơn 10 lần. Bác sĩ lấy da bụng, da đùi ghép vào vùng da tổn thương. Phần mũi bị cháy không còn hình thù nên phải tạo hình lại. Tổn thương sức khỏe của cô lên tới 80%.
Ngày mới ra viện, cô không dám soi gương. Làn da ngày nào không còn thay vào đó là nhúm sẹo co kéo, tay rút lại, miệng cũng không thể há to khi ăn. Mẹ cho Dung dùng ống hút và những chiếc thìa cà phê bé xíu bón từng miếng cháo, hạt cơm.
Đau lòng nhất là hai con gái không nhận ra Dung. Mỗi lần muốn cô ôm con, chúng lại khóc thét và nói: “Không phải mẹ Dung”.
Hai tay của Dung vẫn bị sẹo co kéo. Ảnh: NVCC.
“Tôi đau đớn cả về thể xác và tinh thần. Bản thân còn không muốn nhìn nhận chính mình, các con như vậy cũng đúng. Tôi không dám bước ra khỏi nhà và từng nghĩ tới cái chết vì không muốn làm gánh nặng cho mẹ. Nhìn mái tóc mẹ bạc trắng, tôi đã khóc rất nhiều và tự nhủ cần cố gắng vượt qua” – chị Dung nói.
Khi đó, Dung không thể thở bằng mũi, phải dùng miệng. Lỗ mũi nhỏ xíu, bác sĩ đã tạo hình nhưng chỉ được một bên. Gần một năm sau, bản thân Dung và các con mới quen dần hình hài này.
Cơn ác mộng quá khứ, cảm giác giãy giụa trong đám lửa đã không còn
Từ khi hồi phục, tay có thể bấm những ký tự trên điện thoại, Dung tìm đến bán hàng online. Mỗi ngày, cô lên mạng đăng bán các loại đồ gia dụng. Cô tập đi lại xe máy để tiện di chuyển từ nhà ra Hà Đông (Hà Nội) lấy hàng. Mỗi khi tích cóp được ít tiền, cô đi làm phẫu thuật. Đến nay, Dung đã thực hiện 20 cuộc phẫu thuật.
Gần 2 năm trước, Dung quen người đàn ông tên Kiều Bảo Ngọc (sinh năm 1993, trú tại Ứng Hòa, Hà Nội). Anh Ngọc từng kết hôn nhưng không may vợ qua đời. Khi biết đến hoàn cảnh của Dung qua đoạn clip trên mạng, người đàn ông đồng cảm nên quyết định nhắn tin, chia sẻ với cô. Nghị lực vươn lên của Dung khiến anh cảm động, muốn bao bọc cho mẹ con cô.
Cô đã tự tin đi chơi cùng bạn bè. Ảnh: NVCC.
Khi đến với nhau, hai người cũng gặp nhiều trở ngại. Anh Ngọc là con trai duy nhất trong gia đình, Dung tự ti vì thân hình xấu xí. Tuy nhiên, người đàn ông này đã thẳng thắn chia sẻ: “Con người chỉ cần lương thiện, sống có tâm thì còn hơn gấp nghìn lần vẻ ngoài xinh đẹp. Anh không màng những ánh mắt dò xét hay lời dị nghị từ mọi người xung quanh”.
Tình cảm chân thành giúp họ vượt qua rào cản, tự tin. Từ đầu năm 2023, Dung và anh Ngọc dọn về sống chung và đón thêm thành viên mới. Hằng ngày, chồng đi làm cơ khí, Dung ở nhà bán hàng online. Buổi tối, chồng phụ giúp cô giao hàng.
Nói về tương lai, Dung không dám mơ tới những việc lớn lao. Cô chia sẻ chỉ mong gia đình khỏe mạnh, yêu thương nhau. Từ ngày sống cùng anh Ngọc, Dung cảm thấy tự tin hơn, không lo lắng về tương lai mù mịt. “Những cơn ác mộng trong quá khứ, cảm giác giãy giụa trong đám lửa đã không còn”, cô nói.
Hiện tại, ông bà nội của hai đứa trẻ vẫn tới đón các cháu về chơi. Từ trong lòng, cô đã không còn hận thù gì với người chồng cũ. Dung tâm sự: “Chúng tôi là mối nghiệt duyên và đã trả nợ xong. Tôi chỉ mong các con lớn lên hiểu hoàn cảnh của cha mẹ và học hành tử tế”.
2 người chết do mưa lũ, Hà Nội chỉ đạo 4 huyện ứng phó khẩn cấp
Tối 25/7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã có công văn gửi 4 huyện gồm: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức, đề nghị tập trung ứng phó với mưa lũ, ngập lụt.
Mực nước sông Bùi tại huyện Chương Mỹ vẫn trên mức báo động III.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, hiện nay, do ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai cực đoan, tình hình mưa lũ, ngập lụt trên địa bàn các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức vẫn đang diễn biến phức tạp.
Mực nước trên Sông Tích tại trạm thủy văn Kim Quan (huyện Thạch Thất), trạm thủy văn Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai), sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) vẫn duy trì ở trên mức báo động III.
Tổng hợp báo cáo trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức đã xuất hiện những thiệt hại. Đặc biệt, đã ghi nhận 2 người chết do bị nước lũ cuốn trôi tại các huyện Quốc Oai và Chương Mỹ. Ngập lụt diện rộng vẫn đang xảy ra tại một số khu vực...
Ngầm tràn tại xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai), nơi ông Nguyễn.V.T bị cuốn trôi và tử vong sau đó.
Để ứng phó hiệu quả với tình hình thời tiết, thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, sớm ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đề nghị các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức tập trung triển khai các giải pháp ứng phó với mưa lũ, ngập lụt.
Theo đó, TP Hà Nội đề nghị 4 huyện tăng cường theo dõi thông tin, kịp thời nắm bắt tình hình thời tiết, thiên tai, sự cố. Kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đi qua các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm xung yếu; có biện pháp ngăn chặn, cấm người và phương tiện tham gia giao thông qua lại để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Các địa phương chỉ đạo tổ chức triển khai khẩn trương, hiệu quả phương án ứng phó thiên tai, sự cố, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng tránh dịch bệnh, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm đảm bảo an toàn về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ.
Bên cạnh đó, cần duy trì tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến thiên tai, sự cố, các thiệt hại và công tác ứng phó, khắc phục về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội theo quy định.
Người kiểm lâm bị chém cụt tay vẫn tiếp tục giữ rừng Bị nhóm "lâm tặc" lấy đi một cánh tay lúc tuổi đời mới 26 và nhiều lúc cận kề cái chết nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, chàng kiểm lâm đã vượt qua mọi nghịch cảnh, khó khăn, gian khổ để tiếp tục với công việc giữ rừng. Đó là kiểm lâm viên Dương Quang Hùng, năm nay tròn 40 tuổi,...