Hành trình gần 300 ngày gian nan tìm xác con và những chuyện chưa kể trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường từng gây chấn động dư luận
Ròng rã gần 300 ngày tìm kiếm con gái bị chủ thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xuống sông Hồng, mỗi lần nhắc lại, bà Nguyễn Thị Hiền không thể nào quên được. Có những chuyện cho đến bây giờ, sau 5 năm người mẹ ấy mới kể ra trong cuộc hành trình tìm kiếm con.
Cách đây hơn 5 năm, vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác nạn nhân từng gây chấn động dư luận. Sau vụ án, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường – chủ thẩm mỹ viện trên bị Toà án nhân dân Tối cao tuyên phạt 19 năm tù trong phiên toà phúc thẩm. Bị cáo Đào Quang Khánh – bảo vệ thẩm mỹ viện Cát Tường bị tuyên phạt 33 tháng tù giam và đã được mãn hạn tù vào năm 2017.
Vẫn luôn thương nhớ con gái khôn nguôi
Chúng tôi tìm về nhà bố mẹ đẻ chị Lê Thị Thanh Huyền ở sâu trong ngõ đường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại chuyện trước đây, ông Lê Văn Viễn (83 tuổi, bố chị Huyền) và bà Nguyễn Thị Hiền (72 tuổi) lại thấy đau lòng. Quãng thời gian 5 năm đã qua, ông Viễn và bà Hiền đã phần nào nguôi ngoai nỗi đau mất con. Thế nhưng lòng ông bà lại luôn đau nhói lòng mỗi khi đến ngày giỗ con hay cận kề ngày lễ Tết không còn con gái bên cạnh.
Suốt 5 năm qua, bà Hiền chưa thể thật sự nguôi ngoai nỗi đau mất con.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Hiền cho biết, hiện tại hai người con trai của chị Huyền đã khôn lớn (trong đó người con đầu hiện đang học Đại học Ngoại ngữ, người con thứ 2 đang học lớp 8). Còn anh Huy (chồng chị Huyền) cũng đang làm công việc buôn bán sơn. Cuộc sống cũng đã dần quen và vơi đi nỗi đau kể từ khi thiếu bóng dáng chị Huyền.
“ Năm ngoái gia đình chúng tôi cũng đã bốc mộ và đưa di cốt Huyền về chôn cất tại nghĩa trang quê chồng ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Giờ con đã mồ yên mả đẹp nên phần nào tôi cũng yên lòng“, bà Hiền nói.
Ròng rã suốt nhiều tháng trời bà Hiền đi tìm con trong vô vọng.
Nhắc lại quãng thời gian và hành trình đi tìm xác con gái bà Hiền vẫn nhớ như in. Đó là lúc gia đình bà rơi vào hoàn cảnh bí cực nhất cuộc đời. Bà mất con nhưng không biết xác con ở đâu, ròng rã 9 tháng trời gian truân đi tìm thi thể con trong vô vọng.
Bà Hiền kể, tối 19/10/2013 (ngày chị Huyền mất) gia đình không thể liên lạc được với chị, lòng bà cũng thấy bồn chồn không yên. “ Hôm đó, Huy gọi điện cho tôi bảo “mẹ có thấy vợ con sang nhà không” tôi bảo không. Sau đó cháu ngoại cũng điện hỏi “mẹ cháu có sang bà không”.
Gia đình tôi mất liên lạc với Huyền rồi bắt đầu gọi điện thoại cho các bạn của Huyền nhưng không có hy vọng. Thậm chí chúng tôi còn nhờ cả đài VOV rà soát trong ngày đó có vụ tai nạn khi con gái đi xe máy không nhưng không có vụ nào”, bà Hiền nhớ lại.
Video đang HOT
Bà Hiền trong lần khấn cầu dưới chân cầu Long Biên với hy vọng tìm thấy thi thể chị Huyền.
Đến nửa đêm, một người đi đường báo tin nhìn thấy điện thoại của chị Huyền cùng xe máy ở ven đường quận Long Biên. Ngay trong đêm mọi người trong gia đình đã đến đây thì không thấy người đâu. Sự việc sau đó được gia đình bà Hiền báo lại với cơ quan công an.
Ba ngày sau, gia đình bà Hiền được cơ quan công an gọi điện lên báo tin chị Huyền sau khi phẫu thuật tại thẩm mỹ viện Cát Tường, đường Giải Phóng, Hà Nội đã tử vong và bị chủ thẩm mỹ viện Cát Tường cùng nhân viên chở xác phi tang đồng thời vứt xe ở địa bàn quận Long Biên tạo hiện trường giả.
“Nghe công an báo tin mà tôi suy sụp hoàn toàn. Sau đó tôi cố giữ bình tĩnh cùng người thân tìm đến chân cầu Thanh Trì nơi Tường khai phi tang xác con để tìm kiếm với hy vọng tìm thấy thi thể của con gái. Hôm đó tôi cầm nắm hương vừa khấn vừa khóc nói: “Con sống khôn thác thiêng cho mẹ tìm được con. Mẹ không tìm được con mẹ đau lòng lắm”. Sau khi thắp hương xong gia đình thuê thợ lặn tìm kiếm suốt hai ngày trời nhưng không có kết quả“, bà Hiền kể lại.
Từng 4 lần về quê hương Nguyễn Mạnh Tường tìm kiếm thi thể con gái
Hành trình những ngày tiếp theo tìm kiếm xác con gái, bà Hiền vẫn chưa thể nào quên. Bà cùng chồng chị Huyền, một số người thân gia đình nội ngoại ròng rã tìm kiếm khắp các hang cùng ngõ hẻm, gần như khu vực nào quanh lối dưới chân cầu Thanh Trì đều in dấu chân người thân tìm kiếm.
Bà Hiền cùng người thân trong những lần tìm kiếm chị Huyền dọc bãi sông Hồng.
“ Chúng tôi đi nhiều đến nỗi con đường dẫn xuống cầu Thanh Trì thành đường mòn. Đi dọc hai bên bờ sông dài hàng chục km phát tờ rơi ghi số điện thoại của gia đình nếu ai thấy thi thể xin báo cho chúng tôi. Có lúc tay tôi cầm theo con dao một mình lần tìm trong các bụi chuối dưới chân cầu, cứ thế cứ thế lần tìm vì sợ rằng Tường không vứt thi thể con gái tôi xuống sông mà chôn đâu đó phi tang. Mọi người cũng tìm các khu nhà hoang quanh khu vực Thanh Trì, Long Biên nhưng không có kết quả”, bà Hiền nói.
Mong muốn tìm thấy thi thể con, thậm chí gia đình bà Hiền đã thuê thợ hút cát đào bới các đống cát dưới bãi sông Hồng với hy vọng ở đâu đó trong các bãi cát chứa thi thể chị Huyền. Bà cũng nghe theo nhiều nhà ngoại cảm báo con gái ở nơi này nơi kia, gia đình đều cất công tìm đến.
Nghe tin ở đâu báo có hy vọng tìm thấy con là bà Hiền lại cùng người thân tới đó.
“ Tôi nhớ có nhà ngoại cảm bảo con tôi được chôn ở bãi ngô ở Ba Vì, cả gia đình hôm đó đi xe ô tô lên tận nơi tìm kiếm, thấy dấu vết mới nào đều đào bới đến nỗi phải gửi lời xin lỗi và tiền bồi thường cho chủ bãi ngô. Ít ngày sau có nhà ngoại cảm lại báo con tôi trong lúc bị vứt xuống sông thì thi thể mắc vào thuyền kéo dạt lên cầu Việt Trì, Phú Thọ. Cả gia đình tôi nghe theo, thuê thợ lặn tìm kiếm suốt hai ngày trời không có kết quả rồi lại quay về“, bà Hiền bật khóc nói.
Cứ như thế, hàng chục chuyến đi trong một tuần. Ở đâu báo tin, bà Hiền cùng chồng chị Huyền và người thân lại vội vã lên đường với hy vọng sớm tìm thấy con. Lúc nào bà cũng chuẩn bị sẵn balo bên trong chứa vật dụng cần thiết sẵn sàng lên đường mọi lúc mọi nơi.
Bà đã trải qua gần 300 ngày đau khổ tìm thi thể con gái.
“Tôi không thể nhớ hết rằng mình đã đi những đâu tìm kiếm con. Về Hà Nam quê hương của Tường tôi cũng đã về tới 4 lần, có lần nhà ngoại cảm bảo thi thể con tôi được Tường chở về khu lò gạch, nhà không nóc. Chúng tôi về tận nơi đúng khu đó rồi chia nhau đi tìm kiếm cũng không có kết quả…“, bà Hiền kể tiếp.
Có lần anh Huy cùng một số người thân thuê thuyền đi dọc sông Hồng đến tận cửa biển ở Thái Bình thì bị lật thuyền. Cũng may tất cả đều biết bơi nên thoát chết, nhưng tất cả điện thoại đều hỏng.
Quãng thời gian đó bà Hiền cùng người thân đã khóc rất nhiều, chuỗi ngày tìm kiếm cứ thế trôi trong vô vọng dù rất nhiều nhà ngoại cảm, nhiều người dân giúp đỡ.
Đúng gần tròn 9 tháng sau khi chị Huyền tử vong rồi bị vứt xác phi tang, thi thể được tìm thấy ở khu vực bến đò Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội). Nhận được tin báo, bà Hiền vội vã đi xe ô tô xuống tận nơi.
“ Khi đi gần tới nơi lòng dạ tôi bồn chồn không yên. Đi tới nhìn, tôi thấy thi thể mất phần đầu, hai tay, hai chân nhưng tôi nhận ra đó chính là con gái mình, dáng Huyền cao. Phần thi thể con vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn báo công an xuống mổ pháp y, lấy mẫu xét nghiệm ADN để biết chính xác đó là con gái mình”, bà Hiền cho hay.
Định Nguyễn
Theo saostar
Bắc Ninh: Có nên phạt tù người tâm thần?
Một buổi sáng cuối tháng 9/2018, một người phụ nữ với gương mặt khắc khổ được chồng dìu đến Báo Gia đình &Xã hội với những tập đơn kêu cứu trên tay.
Theo phản ánh, người phụ nữ này mới bị TAND huyện Yên Phong (Bắc Ninh) tuyên phạt 20 tháng tù giam. Điều đáng nói, trước khi bị kết án, người phụ nữ này có tiền sử tâm thần, gần 30 năm qua vẫn hàng ngày phải uống thuốc điều trị.
Vợ chồng bà Đào tìm đến Báo Gia đình & Xã hội. Ảnh: Bình Minh
Tại cả đôi bên
Giọng nói yếu ớt, đứt quãng, không trọng tâm, thỉnh thoảng người phụ nữ ấy lại cầm tờ đơn vo tròn lại trong một trạng thái vô thức. Chị cứ luyên thuyên kể về vụ việc đã khiến mình trở thành bị cáo của một vụ án "cố ý gây thương tích". Ngồi kế bên, người chồng liên tục nhắc nhở và phải đỡ lời cho vợ.
Theo lời kể của anh Nguyễn Văn Luyện (SN 1962, trú tại xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), trong khi xô xát với gia đình hàng xóm, vợ anh là chị Lương Thị Đào (SN 1961) đã dùng chiếc búa nhỏ khua về phía trước và đánh trúng vào trán chị Đinh Thị Chung. Bản thân chị Đào cũng bị đánh lại gây thương tích. Sau vụ xô xát, chị Đào bị khởi tố và bị tuyên án 20 tháng tù giam. Trước khi bị kết án, chị Đào đang là bệnh nhân tâm thần, gần 30 năm qua vẫn hàng ngày phải uống thuốc điều trị. "Trong sự việc này, nạn nhân cũng có lỗi khi có những hành vi kích động khiến vợ tôi không làm chủ được mình", anh Luyện chia sẻ.
Cáo trạng thể hiện, khoảng 16h ngày 1/7/2017, ông Đinh Quang Văn (SN 1959, trú tại xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) và chị Đinh Thị Hiệp (SN 1987, con gái ông Văn) có lời qua tiếng lại với chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1979, đang xây dựng tầng 2 cho gia đình chị Đào). Lúc này, chị Đào đến và cãi nhau với bố con ông Văn. Khi ông Văn, chị Hiệp lên tầng 2 của gia đình mình, chị Đào nhặt một chiếc búa đinh đập về hai người nhưng không trúng. Ít phút sau, chị Đinh Thị Chung (SN 1980, con gái ông Văn) sang can ngăn và hai bên đẩy nhau về phía tường.
Sau đó, chị Đào đẩy chị Chung ngã vào đống gạch và cầm búa đập trúng vào phần trán phải gây chảy máu. Chị Chung lấy gạch ném vào tay trái và phía sau tai bên trái chị Đào. Chị Hiệp chạy đến ôm chị Đào, ghì đè xuống đống gạch. Cùng lúc, chị Đinh Thị Lực (SN 1990, con gái ông Văn) sang và tát nhiều nhát vào mặt chị Đào. Được can ngăn, chị Chung, chị Đào ngừng xô xát và được người thân đưa vào viện điều trị. Theo kết quả giám định, chị Chung bị thương tích 17%, chị Đào là 2%. Từ kết quả giám định trên, chị Đào bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích, còn chị Chung thì không bị xem xét xử lý vì được coi là "phòng vệ chính đáng".
Trong quá trình tìm hiểu về vụ án này, chúng tôi được cung cấp một đoạn clip dài khoảng 11 phút ghi lại toàn cảnh nội dung vụ xô xát xảy ra hôm 1/7/2017. Phần đầu của đoạn clip ghi lại cảnh "lời qua, tiếng lại" giữa hai bên, sau đó là màn ném gạch về phía nhau giữa gia đình ông Văn và chị Đào. Tại phút thứ 6, chị Chung sang và xảy ra xô đẩy với chị Đào khiến một góc bức tường đang xây bị đổ. Chị Đào có cầm chiếc búa khua mạnh và trúng vào chị Chung. Cùng lúc, người nhà chị Chung có vật chị Đào xuống đống gạch, một người phụ nữ mặc áo đỏ (sau này được xác định là chị Đinh Thị Lực) đã dùng tay đánh nhiều nhát vào người chị Đào.
Có nên phạt tù?
Theo các tài liệu chúng tôi có được, từ năm 1990, chị Đào đã xuất hiện những cơn co giật toàn thân, sùi bọt mép, được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Bắc (cũ) với chẩn đoán: "Động kinh toàn thể". Tại "Sổ điều trị ngoại trú tâm thần" do Bệnh viện Tâm thần Bắc Ninh cấp cho bệnh nhân Đào thể hiện: "Động kinh toàn thể".
Ngày 16/11/2017, Viện Pháp y tâm thần Trung ương có kết luận giám định pháp y tâm thần số 394/KLGĐ thể hiện: "Từ năm 2000, bệnh nhân Đào được quản lý điều trị bệnh động kinh tại Trạm Y tế xã Yên Trang, huyện Yên Phong) cho đến nay. Trong quá trình sinh hoạt tại địa phương có biểu hiện nóng tính, hay chửi bới, va chạm với người xung quanh, hành vi khó kìm chế. Ngày 26/10/2017, bệnh nhân Đào được đưa đến Viện Pháp y tâm thần Trung ương để theo dõi, giám định nội trú với biểu hiện tỉnh, tiếp xúc được, cảm xúc không ổn định. Hành vi dễ bùng nổ, tư duy lai nhai, vụn vặt, nhân cách biến đổi. Hàng ngày ăn ngủ thất thường. Trong thời gian theo dõi giám định, xuất hiện cơn co giật kiểu động kinh. Kết luận: Trước, trong, sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bệnh nhân Đào bị động kinh toàn thể cơn lớn. Tại thời điểm trên, đối tượng đủ khả năng nhận thức, hạn chế khả năng điều khiển hành vi".
Nói về vụ án của chị Đào, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, qua xem clip có thể thấy vụ việc trên cũng có một phần lỗi của gia đình bị hại. "Do hai bên ném gạch qua lại, sau đó gia đình ông Văn tràn sang nhà gây gổ, kích động khiến cho chị Đào không làm chủ được hành vi của mình dẫn đến hành động trên", luật sư Thu Anh nhận định.
Cũng theo luật sư Thu Anh, những giấy tờ kèm theo cho thấy, bệnh nhân Đào đang được điều trị tâm thần. "Theo quan điểm của tôi, đối với người tâm thần phạm tội, dù miễn trách nhiệm hình sự hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ thì vẫn cần phải ưu tiên chữa bệnh để họ khỏi bệnh hoặc ít nhất là giảm thiểu các hành vi mất kiểm soát. Đưa họ vào tù mà không chữa bệnh cho họ, sau khi họ ra tù hoặc thậm chí ở ngay trong tù, biết đâu một lúc nào đó cơn bệnh phát tác, họ lại gây nguy hiểm cho những người xung quanh", luật sư Thu Anh nói.
Cùng chung quan điểm trên, luật sư Vũ Đức Long (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, nếu bệnh nhân Đào có tội cũng không nhất thiết phải áp dụng hình phạt tù mà nên áp dụng Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015 để bắt buộc chữa bệnh. Theo đó, đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, VKSND hoặc TAND căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Luật sư Vũ Đức Long chia sẻ: "Như vậy, bắt buộc chữa bệnh có mục đích đầu tiên là phòng ngừa khả năng gây thiệt hại cho trật tự, an toàn xã hội của người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác gây rối loạn hoạt động tâm thần. Bên cạnh đó, bắt buộc chữa bệnh còn mang nội dung nhân đạo cao cả, thay vì áp dụng hình phạt đối với người có hành vi nguy hiểm cho xã hội".
Theo dự kiến, ngày 4/10, TAND tỉnh Bắc Ninh sẽ đưa vụ án trên ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Hy vọng rằng, bên cạnh chữ lý, sẽ có một tý chữ tình trong vụ án này. Trong một diễn biến liên quan, những ngày qua, bà Đào lại phát bệnh nên được gia đình đưa vào Bệnh viện Tâm thần Bắc Ninh chữa trị.
Bình Minh
Theo giadinh.net
Mấy chục năm qua cầu tạm xuống cấp Chỉ với vài cọc xi măng, cột sắt, một ít tre, gỗ, dây thép buộc... người dân thôn Cát Tường, xã An Mỹ, huyện Bình Lục, đã có một chiếc cầu dài khoảng 40m bắc qua sông Sắt để đi lại hàng chục năm nay. Cầu thì ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, nhưng người dân vẫn phải đánh liều đi qua. Thôn...