Hành trình đưa sách lên non
Năm đó, bài viết trên Facebook mong muốn giúp đỡ sách vở của cô Thủy có hơn 2.000 lượt chia sẻ.
Niềm vui của học sinh khi được tặng những bộ sách mới.
Sau 25 ngày, mấy chục nghìn cuốn sách cũ và mới được phụ huynh, học sinh mọi nơi gửi về. Nhờ vậy, thay được 70% lượng sách cũ nát của học sinh trong toàn huyện Tân Uyên.
Với cô Đào Thị Thu Thủy ( Trường Tiểu học Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, Lai Châu) trao những món quà ý nghĩa đến học sinh nghèo chính là hạnh phúc.
Bắt duyên từ con trâu và quyển sổ..
Đã chục năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục Tân Uyên, cô Đào Thị Thu Thủy (SN 1984) biết và hiểu rõ nỗi khó khăn của học sinh nghèo nơi đây.
“Trong quá trình công tác, mình cảm thấy yêu mến vùng đất này, sống và cống hiến như quê hương vậy. Với mình, cuộc sống là một sự cố gắng, nỗ lực. Sau này về già, kỷ niệm còn lại sẽ là những thành quả mà mình đã sống vì mọi người”, cô Thủy trải lòng.
Với lối sống cởi mở, hướng đến cộng đồng, nên khi có duyên để giúp ích cho mọi người, cô Thủy đã không ngần ngại “bắt duyên”. Cô bắt đầu làm từ thiện từ tháng 1/2016 với chương trình tặng 2 con trâu và 2 sổ tiết kiệm cho gia đình học sinh nghèo.
Trong 6 năm qua, cô Thủy đã mang đến niềm vui cho nhiều học trò và người dân nơi đây. Cô đã kết nối nhà hảo tâm để thực hiện nhiều chương trình từ thiện. Cô huy động mọi người quyên tặng sách giáo khoa (SGK). Có lúc lại kêu gọi, trao tặng xe đạp cho học sinh nghèo hay việc nhận đỡ đầu trẻ mồ côi.
Ngoài ra, cô kêu gọi các mạnh thường quân chung tay xây nhà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Có lần cô kêu gọi, phối hợp tổ chức chương trình tặng – bán quần áo cho bà con với giá 2 – 5 nghìn đồng. Kinh phí thu được lại mua đồ dùng cho học sinh…
Cô Thủy cho biết: “Trên này mùa rét rất lạnh, nhiều học sinh đến trường chỉ mặc duy nhất cái áo. Có lẽ một phần các em đã quen với cái lạnh nơi đây nhưng hầu hết là con em gia đình không có đủ điều kiện để sắm áo mới. Chính vì thế, mình đã huy động, quyên góp thực hiện Chương trình “Áo ấm mùa đông”. Đến nay, đã 5 năm, chương trình vẫn được duy trì. Thật ra mình chỉ góp sức thôi, còn lại kinh phí đều huy động các nhà hảo tâm khắp nơi. Nên chẳng thể gọi mình làm từ thiện mà mình xin đóng vai trò làm cầu nối”.
Với cô Thủy, kỷ niệm đáng nhớ thì rất nhiều. Mỗi chương trình, việc làm đều có kỷ niệm. Nhưng cô vẫn nhớ mãi một học trò mà cô từng giúp đỡ để em quay trở lại trường sau thời gian bỏ học. Sau này, em học tập chăm chỉ rồi đạt thành tích cao trong học tập.
“Cách đây 4 năm, có em học sinh cũ của mình lên lớp 6 thì bỏ học. Mình đã lên vận động để trở lại trường, tiếp tục ước mơ học tập. Trong 4 năm qua, mình luôn quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ để em đó tiếp tục đi học. Em này có hoàn cảnh rất đáng thương, mồ côi bố, mình mẹ nuôi 4 người con. Điều khiến mình vui nhất là trong thời gian đi học, em luôn là học sinh khá, giỏi”, cô Thủy tâm sự.
Video đang HOT
Hình ảnh cô Thủy vào “mùa sách”.
“Vá sách” cho trò
Nói về chương trình tặng SGK cho học sinh, với cô Thủy, đó chính là đóng góp lớn mà thanh xuân của cô đã gắn bó và sẽ đồng hành. Năm 2017, học sinh huyện Tân Uyên không còn được hỗ trợ SGK nữa, trừ xã đặc biệt khó khăn. Cô đã viết và đăng bài lên mạng xã hội Facebook để chia sẻ về tình hình thực tế của nhà trường. Cô gửi gắm mong muốn được mọi người giúp đỡ sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo.
Cô Thủy tâm sự: “Năm đó, bài viết trên Facebook của mình có hơn 2.000 lượt chia sẻ. Mấy chục nghìn cuốn sách cũ và mới, hàng chục nghìn vở viết, đồ dùng học tập được phụ huynh, học sinh mọi nơi gửi về cho mình. Kết quả chỉ sau 25 ngày huy động, mình thay được 70% lượng sách cũ nát của học sinh trong toàn huyện Tân Uyên. Phải nói là chương trình thành công ngoài mong đợi”.
Thành công không chỉ ở những con số mà là sự lan tỏa. Từ năm đó, học sinh vùng xuôi giữ sách cẩn thận hơn để cuối năm tặng cho các bạn vùng cao. Hàng vạn cuốn sách cũ không ra hàng giấy vụn mà được “tái sinh” thành sách mới cho học sinh nghèo vùng cao. Nhiều hội, nhóm từ thiện đã huy động sách cũ đi tặng, điều mà trước đây chưa ai làm.
“Ở huyện mình, chẳng còn cảnh 2 – 3 học sinh chung một cuốn sách. Không còn những cuốn sách rách đầu, thiếu đuôi… Dư sách, mình tặng cho các huyện lân cận”, cô Thủy phấn khởi.
Từ những món quà nhỏ cho đến các hiện vật có giá trị kinh tế cao được tặng đến người dân nghèo.
Xuyên đêm đón sách
Có sách mới là niềm vui của học trò và cũng là niềm hạnh phúc mà cô Thủy có được. Song có lẽ, trước những niềm vui đó, ít ai biết được những nhọc nhằn, vất vả của cô trong hành trình mang sách đến cho học sinh. Mỗi đợt như thế được cô gọi đó là “mùa sách”.
Cô Thủy cho biết: “Nhận sách cho học sinh cũng vất vả lắm, xe lên Lai Châu toàn đi đêm. Lúc ấy, con gái mình 10 tháng tuổi, cháu toàn ngủ với bà nội để 3 – 4 giờ sáng, mẹ lại đi đón sách. Sau khi nhận được những bao sách to, nặng, một mình lại khệ nệ mang về nhà. Trời tạnh không sao, nhưng sợ nhất là những đêm mưa. Mình có áo mưa thì che cho sách, người phải chịu ướt”.
Cô Thủy vẫn nhớ mãi cái lần xe khách đi quá điểm hẹn để giao hàng gần 1 cây số. Cô phải đuổi theo để nhận “hàng”. Lần ấy, một mình phải mất cả tiếng đồng hồ mới chở hết số sách về. Lại có lần, sách gửi lên rải rác ở nhiều xe khác nhau, mỗi xe một loại. Cô mất luôn mấy tiếng đồng hồ, từ 3 giờ – 6 giờ 30 phút để đón sách. Lấy được sách rồi, cô lại hớt hải lên trường với cái bụng đói bởi chẳng có thời gian ăn.
“Mùa sách, chẳng có móng tay nào mọc được, lưng đau còng cả xuống… cơ mà mình ham lắm, vì mỗi một cuốn sách lên đến nơi là có công sức của bao người. Suốt mấy tháng, chỉ đón và soạn sách, chia theo khối để các trường đến nhận theo nhu cầu về cho học sinh kịp có sách đi học…”, cô Thủy nói.
5 mùa sách qua đi, cô Thủy đã dành nhiều thời gian, sức lực của mình để những cuốn sách đến tận tay học sinh. Không những thế, cô còn huy động cả gia đình, hàng xóm và giáo viên các trường phụ giúp. Cô không bỏ phí cuốn sách nào với mong muốn không để học sinh nghèo nào đến trường phải học chay.
“Trong suốt 5 năm qua, mình cảm thấy bản thân mình luôn cố gắng và luôn biết ơn các mạnh thường quân, nhà hảo tâm xa gần đã giúp mình trong hoạt động từ thiện. Thời gian tới, mình sẽ tiếp tục duy trì để giúp đỡ cộng đồng”, cô Thủy tâm sự.
Hàng trăm người đi bộ từ Bình Dương lên Đắk Nông để về quê
"Ở lại thì không còn tiền ăn, ra về thì không có phương tiện. Em đã khóc rất nhiều khi phải lựa chọn đi bộ gần 2.000 km trong khi mình đã ở những tháng cuối thai kỳ", Kính kể.
Quãng đường đi xe máy về quê của các công nhân làm việc tại Bình Dương, Đồng Nai tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Nhưng họ đành chấp nhận vì không thể tiếp tục bám trụ nơi đất khách.
Có người còn quyết định đi bộ theo đường Hồ Chí Minh để ra bắc. Không ít trường hợp bị thương, kiệt sức dọc đường.
"Nếu không về, không còn tiền để trụ lại"
Trong đoàn 500 người đi bộ từ huyện Tân Uyên (Bình Dương) về Hà Giang có nhiều trẻ em, phụ nữ mang thai. Sau nhiều tháng thất nghiệp, họ không còn tiền. Phương tiện vận tải hành khách không hoạt động, những người này đành đi bộ về quê dù quãng đường dài hơn 1.800 km.
Đôi chân của Chẩu Thị Kính (thai phụ 26 tuổi, dân tộc Mông) sưng tấy sau gần một ngày đi bộ. Tối 2/10, Kính cùng chồng hòa vào dòng người xuất phát từ huyện Tân Uyên.
Đến Đắk Nông, đoàn người dừng lại, trông chờ sự trợ giúp của địa phương. Chính quyền tỉnh Đắk Nông sau đó liên hệ các đơn vị vận tải huy động xe khách chở đoàn người đến địa phận Đắk Lắk.
Không có xe, chị Kính cùng chồng định đi bộ từ Bình Dương về Hà Giang. Ảnh: T.N.
Chẩu Thị Kính cho biết vợ chồng chị quê huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Đầu năm 2021, Kính gửi 2 con nhỏ cho ông bà nội rồi cùng chồng vào Bình Dương làm công nhân. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, họ mất việc sau 3 tháng, đúng lúc Kính mang thai đứa con thứ 3.
"Có bầu, chân em sưng to, đi lại khó khăn nên không mang được đồ đạc. Từ khi xuất phát, chồng em mang theo 3 túi hành lý, nhưng đi quãng đường dài không đủ sức nữa rồi. Đồ đạt giờ bỏ hết, chỉ mang theo mấy bộ quần áo", Kính thở dài, đưa đôi mắt nhìn chồng đang nằm ngủ thiếp trên nền đất.
Trước khi hòa vào đoàn người đi bộ, vợ chồng Kính đã cân nhắc rất kỹ. Cô bật khóc về hoàn cảnh của bản thân: "Ở lại thì không còn tiền ăn, ra về thì không có phương tiện. Em đã khóc rất nhiều khi phải lựa chọn đi bộ gần 2.000 km trong khi mình đã ở những tháng cuối thai kỳ. Nhưng nếu không về, trong người không còn tiền để trụ lại. Bây giờ, ngoài 50.000 đồng tiền mặt, vợ chồng em chỉ còn 5 gói mì tôm được phát dọc đường".
Chiếc xe máy không yên được anh A Mà thay bằng 3 chiếc gối để về quê. Ảnh: T.N.
May mắn hơn vợ chồng Kính, gia đình 4 người của anh A Mà (quê Nghệ An) tìm được chiếc xe máy cũ để làm phương tiện di chuyển. Gọi là xe nhưng phương tiện chỉ còn mỗi bộ khung.
Xe không có yên nên anh Mà dùng 3 chiếc gối làm đệm. Xác định xe chỉ đủ chỗ chở 4 người, họ mang theo những vật dụng cần thiết, nhiều đồ đạc đành bỏ lại Bình Dương.
Giống như vợ chồng Kính, Mà và vợ là công nhân thất nghiệp nhiều tháng nay. Lương họ chỉ đủ sống nên khi dịch ập đến, cả nhà phải chắt bóp. Được các mạnh thường quân giúp đỡ nhưng trước cảnh bữa thiếu, bữa đủ, cả nhà quyết định về quê.
Vợ và 2 con anh Mà bị xây xát nhiều chỗ trên cơ thể, kiệt sức khi về quê. Ảnh: T.N.
Trong lúc trò chuyện với phóng viên, con gái nhỏ của anh Mà khóc thét vì đau. Người đàn ông này cho biết cả nhà vừa té xe nửa tiếng trước. Hai con gái của anh bị xây xát nhiều nơi trên cơ thể. Bé 3 tuổi liên tục khóc quấy, còn đứa con lớn nằm trên đường nghỉ ngơi sau hành trình dài.
"Giờ không về quê thì biết sống sao. Tôi chỉ mong quãng đường gần 1.000 km còn lại cả gia đình được bình an", người đàn ông này nói.
"Hỗ trợ người dân để họ không cảm thấy bị bỏ rơi"
Từ khi người dân về quê, dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh xuất hiện các địa điểm tiếp lương thực, nước uống. Nhiều trường hợp khó khăn được chính quyền và mạnh thường quân hỗ trợ.
Anh Nguyễn Hải Bắc, Trưởng nhóm tình nguyện Đắk R'lấp 24H ở Đắk Nông, thường xuyên giúp đỡ những người gặp khó trên đường về quê.
Ngoài giúp người dân thuê phương tiện, nhóm của anh Bắc còn mua xe máy cũ cho hàng chục trường hợp đi bộ. Nhóm cũng nhiều lần cùng mạnh thường quân góp tiền mua thức ăn, hỗ trợ công dân khó khăn khi đến huyện Đắk Rlấp.
"Họ lam lũ quanh năm, đến đường về nhà cũng nhiều trắc trở, thiếu thốn mọi bề. Người lớn đã đành, trẻ con cũng phải chịu lây, dầm mưa dãi nắng nên anh em bắt tay vào giúp đỡ. Bớt một người khổ là thêm một phần vui cho mình và xã hội", anh Bắc tâm sự.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cùng mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí cho người dân về quê. Ảnh: T.N.
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết hơn 8.000 người đã di chuyển qua địa phương này trong 3 ngày qua. Lực lượng chức năng đã phát lương thực, nước uống và dẫn người đi xe máy qua địa phận.
Còn những người dân đi bộ về quê, tỉnh bố trí phương tiện chở đến cầu 110 giáp ranh Gia Lai để địa phương này tiếp tục hỗ trợ. Theo ông Nghị, Đắk Lắk quyết không để người dân phải đi bộ.
"Tôi đã chỉ đạo cán bộ làm việc tại các chốt kiểm soát dịch phải đảm bảo cho người dân có thức ăn, nước uống, không được để đói. Ngoài ra, cán bộ cũng phải niềm nở, không được để người dân tủi thân. Cần động viên, hỗ trợ người dân để họ không cảm thấy bị bỏ rơi", ông Nghị nói.
Nổ lớn ở Lai Châu, gần 60 hộ dân bị thiệt hại Cơ quan chức năng Lai Châu đang làm rõ sai phạm của từng cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc để xảy ra vụ nổ lớn khiến gần 60 hộ dân ở huyện Tân Uyên bị thiệt hại. Ngày 8/8, UBND huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) cho biết, vụ nổ xảy ra ngày 6/8 tại xã Pắc Ta. Hôm đó, huyện...