Hành trình đổi phận buồn của chàng trai tên Hận
Đinh Hữu Hận chạy chiếc xe máy Cub 50 cà tàng từ làng quê nghèo ở Phước Chánh (xã Quế Mỹ, Quế Sơn, Quảng Nam) chở theo bao gạo cùng mấy bịch mắm cá mẹ làm vào Đà Nẵng, bắt đầu hành trình 4 năm đại học, để thay đổi phận buồn.
Hận ở tạm trong căn phòng trọ của bạn, chờ ổn định để đi làm thêm – Ảnh: B.D.
Phải qua nhiều lần liên lạc, chúng tôi mới tìm được chỗ trọ của Đinh Hữu Hận – tân sinh viên ngành địa lý du lịch, Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng.
Học lớp 9 mới biết mặt ba
Đinh Hữu Hận kể từ nhỏ hai mẹ con sống đơn chiếc trong ngôi nhà cấp 4 ở thôn Phước Chánh. Mẹ Hận làm một sào lúa, cứ tới mùa gieo sạ xuống giống xong thì bà lại ngược lên rừng từ sáng tới tối để bóc vỏ keo, kiếm tiền nuôi đứa con trai cùng mẹ già.
Mẹ Hận không nói cho con trai biết về người ba của con. Có lần Hận lần hỏi ngoại thì được bà nói ba Hận đang ở bên kia cánh đồng, cách mấy bước chân.
Mãi sau này khi nhiều lần hỏi, Hận mới được mẹ kể gia đình của ba không thừa nhận hai mẹ con nên bà đã quay về nhà mẹ chờ ngày sinh nở, nuôi con một mình. Cái tên Hận có từ đó.
Một ngày cuối năm lớp 9, mẹ đi làm về, vẻ buồn bã và nói Hận tự tìm ngôi nhà cấp 4 nằm giữa đồng của một người bên kia cánh đồng. Đó chính là ngôi nhà của ba cậu.
“Do biết tin ba mình ung thư giai đoạn cuối, thời gian chỉ còn tính bằng ngày nên mẹ nói mình qua cho ba con gặp nhau. Gạt bỏ hết mọi giận hờn, mẹ muốn mình biết gốc gác, ông bà của mình như bao đứa trẻ khác” – Hận kể.
Cậu bé chăn bò và quyết tâm mãnh liệt thay đổi số phận buồn
Hận vào đại học với đôi tay trắng để nỗ lực thay đổi cuộc đời buồn của mình – Ảnh: B.D.
Chàng tân sinh viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng nói khi gặp ba thì thời gian của ông không còn nhiều.
Video đang HOT
Ông nghèo, đi làm công, sống với mẹ già và cũng không lập gia đình nhưng do ngăn trở trong lòng mà không thể tìm tới nhận con.
Đinh Hữu Hận nói gặp ba được vài tháng thì ông mất. Bà nội của Hận cũng không có người thân thích nên buộc phải vào trung tâm dưỡng lão ở Hội An để sống những ngày tháng cuối đời. Ngôi nhà khóa trái cửa, thỉnh thoảng Hận cùng mẹ về lo nhang đèn hương khói.
Trong cuộc đời buồn bã và thiếu thốn đủ bề, Đinh Hữu Hận vẫn được mẹ nuôi đi học đầy đủ. Điều làm nhiều bà con chòm xóm rất ngạc nhiên là cậu bé chăn bò nổi tiếng ở trong làng Phước Chánh này lại học rất giỏi.
Hận nói rằng do thấy mẹ lao lực, làm không đủ ăn nên cậu bảo với mẹ mua một con bò giống rồi về Hận chăm sóc, cho bò sinh sản để bán bê con lấy tiền trang trải. Hằng ngày sau giờ lên lớp, Hận lại về nhà thả cặp sách rồi đội chiếc nón cời dẫn bò ra đồng. Bò gặm cỏ và giờ học của Hận cũng diễn ra ở trên ruộng đồng, theo năm tháng đến trường.
Sau cuộc tình buồn với người đàn ông đầu tiên, lửa lòng tưởng như nguội lạnh với mẹ của Đinh Hữu Hận. Nhưng khi Hận bắt đầu lớn khôn, mẹ Hận lại chùng lòng rồi nhận lời thương yêu với một người đàn ông khác. Tuy nhiên, một lần nữa duyên tình lận đận lại tiếp tục đeo đẳng. Người đàn ông thứ hai đã bỏ mẹ Hận cùng một mầm sống đang lớn dần.
Thương mẹ, Hận càng cố gắng học thật tốt, vừa phụ mẹ nuôi bò, chăm em. Ước mơ thay đổi cuộc đời bằng con đường học hành trong Hận lại thêm mãnh liệt.
Trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn đủ bề nhưng Hận vẫn đạt học lực giỏi suốt 3 năm cấp 3. Khi đặt giấy bút chọn ngành địa lý du lịch tại Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Hận nói ước mơ cháy bỏng của mình là được trở thành thầy giáo.
Nhưng thay vì chọn thẳng vào sư phạm, Hận lại theo học cử nhân để sau này học thêm nghiệp vụ sư phạm và xin đi dạy, nếu không thực hiện được mong ước ấy thì với bằng cử nhân cũng dễ dàng chọn cơ hội việc làm trong ngành du lịch.
Chàng tân sinh viên này nói hôm nhập học, thấy hoàn cảnh mình khó khăn nên một người trong làng giới thiệu cho một nhà hảo tâm ở Đà Nẵng để Hận đến xin ở nhờ. Đó là nơi che chở cho những ngày đầu tiên cuộc đời sinh viên của Hận. “Mình sẽ tìm việc làm thêm để tự học, tự theo đủ 4 năm đại học” – Hận nói.
Mẹ Hận bật khóc khi thấy con trai bảo rằng đã để dành được hơn 1 triệu tiền hỗ trợ học tập năm học 12 dành cho học sinh nghèo để phụ mẹ đóng tiền học phí.
“Mẹ khóc, mình cũng khóc. Bà bảo rằng đời mẹ đã buồn thì con phải ráng thay đổi, phải đi theo một con đường khác. Khổ cực bao nhiêu mẹ còn sức thì cũng ráng theo con” – Hận nói.
Xe xôi lề đường đưa cháu vào đại học
Căn phòng cuối xóm trọ nghèo ở phường 16, quận Gò Vấp (TP.HCM) rộng chừng 15m2 là nơi bà Thạch Kim Sa cùng hai cháu nội sinh sống. Buổi chiều muộn, những cơn mưa nặng hạt của Sài Gòn mùa này cứ lộp độp trên mái tôn, hắt vào khiến nền nhà sũng nước.
Trần Thị Hoài Trinh và bà nội bên chiếc nồi hầm đậu chuẩn bị cho mẻ xôi bán vào sáng hôm sau - Ảnh: B.MINH
Bà Sa, 78 tuổi, ngồi cạnh bếp, tay đảo đều nồi đậu đen. Thi thoảng bà lại bóp thử vài hạt xem đậu đã mềm chưa.
Gần 30 năm, bà vẫn cặm cụi nấu xôi mỗi buổi chiều muộn đến tận khuya. Hàng xôi ấy vừa đưa cô cháu gái Trần Thị Hoài Trinh vào giảng đường Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM.
Lời hứa với con trai
Suốt cuộc trò chuyện, chưa khoảnh khắc nào bà Sa rơi nước mắt, chỉ có tiếng cười nhưng lại nghe chua chát, không giấu được nỗi buồn.
Hoài Trinh ngồi trên chiếc giường tầng đặt sát góc phòng, đôi mắt lúc ấy đỏ hoe, ầng ậc nước như thấm từng vất vả, cơ cực của bà nội.
Trinh lên 2 tuổi, mẹ bỏ đi để lại hai chị em nheo nhóc. Bà nội cô bé kể cũng không biết con dâu đi đâu vì vốn dĩ từ đầu mẹ hai đứa trẻ ấy đã ở riêng. Ba năm sau, cha Trinh gặp bạo bệnh rồi qua đời.
Bà Sa nhớ như in khi con trai mắc bệnh, nhà làm gì có tiền đi bệnh viện, chỉ ra tiệm mua ít thuốc uống đỡ qua ngày.
"Trước lúc mất, nó có trối lại, năn nỉ tôi nuôi hai đứa nhỏ. Tôi đã hứa với nó rồi, nên có cỡ nào cũng phải ráng làm nuôi hai đứa cháu ăn học cho thành người", bà Sa kể.
Hàng chục năm trời, bà Sa một mình cặm cụi với hàng xôi mỗi ngày, mưu sinh và chở che hai đứa cháu tội nghiệp.
Cứ 13h mỗi ngày bà bắt đầu nổi lửa hầm đậu, ngâm nếp đến tận khuya. Nhiều khi mệt quá, bà lên giường chợp mắt dăm mười phút rồi lại bật dậy xuống làm tiếp.
2h sáng, công đoạn hấp xôi mới bắt đầu để kịp gần 6h đẩy xe ra đầu ngõ bán. Tuổi cao, sức mỗi ngày một yếu, lại đau xương khớp nhưng bà đều cố gắng tự bưng bê, làm hết mọi thứ vừa vì quen tay vừa không muốn hai đứa cháu vất vả.
"Tôi không muốn phiền tụi nó học hành, làm không quen lỡ đâu đổ nước sôi lại phỏng thì tội. Chỉ hôm nào làm không kịp, tận 11h đêm mà chưa ngâm nếp tôi mới đành gọi bé Trinh phụ", bà Sa cười.
Mình muốn học lên cao, có công việc ổn định để còn kịp chăm sóc bà. Bà đã nỗ lực, hy sinh cả cuộc đời cho cháu...
TRẦN THỊ HOÀI TRINH
Tôi ráng bán nhiều xôi mới có thêm đồng ra đồng vào lo cho cháu. Học hành là tương lai của tụi nó, để không phải nhọc thân như bà nội bây giờ.
Bà THẠCH KIM SA (bà nội Hoài Trinh)
Phải thay đổi cuộc sống
Trong nỗi cơ cực qua năm tháng, điều không chỉ bà nội mà cả cô cháu gái nhắc đi nhắc lại chính là khát khao phải thay đổi cuộc sống.
Niềm hy vọng ấy đang được đặt vào cô cháu gái vừa có những ngày đầu tiên của đời tân sinh viên, đặt chân vào giảng đường.
Sau nhiều năm không liên lạc, mới đây mẹ Trinh có trở về gặp con nhưng hiện đã có gia đình mới, có thêm con riêng.
Bà Sa bảo cũng không kỳ vọng gì từ con dâu, thôi thì vẫn gánh trên vai mình trách nhiệm nuôi cháu như lời hứa với cha tụi nhỏ trước khi nhắm mắt.
Những ngày ngồi rửa đậu, thổi xôi, bao dòng suy nghĩ, ký ức của những tháng năm qua cứ hiện về.
Người bà đầu tóc bạc trắng nhắc hồi ba con Trinh mới mất, bà phải bỏ hai chị em Trinh lên xe xôi rồi đẩy đi bán cùng để còn trông cháu. Ngày nắng không nói, ngày mưa lớn nhỏ gì mấy bà cháu cũng phải đi bán, lay lắt rồi cũng qua ngày.
Mấy chục năm bán xôi, bà Sa nói mình hiểu rất rõ giá trị của việc học. Hồi đó bà từng được học hết lớp đệ tam rồi lấy chồng sớm và cuộc đời cứ thế không thể ngoi lên được nữa dù muốn lắm.
Bất chợt, bà Sa ngẩng lên bảo: "Nhiều khi nghĩ thấy tủi, ngày nào cũng lủi thủi, nhưng buồn cũng phải làm thôi. Có ngày đi bán tôi chỉ mong nghỉ được một bữa, được vậy chắc tôi mừng lắm".
Cũng như bà, Hoài Trinh tâm niệm phải học mới mong thay đổi cuộc sống. Vì thế, cô học sinh lớp chọn của Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Gò Vấp) đã cố gắng học mỗi ngày, mà suốt 12 năm qua chưa bao giờ không là học sinh giỏi.
Thương bà lắm nhưng cô bé ít khi nói với ai, ngay cả nói cùng bà. Bởi bà nội giờ là người thân ít ỏi còn lại với Trinh trên đời này.
"Lúc nào bà cũng chỉ dặn mình ráng học chứ chưa bao giờ kể nỗi vất vả của bà nhưng mình biết hết, hiểu rõ việc nội làm cho mình nên lúc nào cũng phải ráng học thật giỏi", Trinh bộc bạch.
Quay lại giảng đường sau khi cố tình thi trượt để phụ giúp gia đình Nam sinh lớp 9 cố tình trượt kỳ thi chuyển cấp để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. 3 năm sau, Hưng quay lại trường lớp với vô vàn khó khăn, chạy xe ôm công nghệ để níu giữ ước mơ thoát nghèo. Nguyễn Ngọc Hưng ngày ngày chạy xe ôm công nghệ để kiếm tiền đóng học phí và trang...