Hành trình “đánh thức” núi lửa Bromo
Núi Bromo (tiếng Indonesia là Gunung Bromo) – ngọn núi lửa đang hoạt động và là một phần của dãy núi Tengger thuộc đảo Đông Java, Surabaya, Indonesia từ hàng ngàn năm về trước.
Với độ cao 2.329m, tuy không phải là đỉnh cao nhất của dãy núi nhưng lại là khối núi lửa nổi tiếng và thu hút khách du lịch nhất ở Indonesia.
Dòng người nối chân nhau từ chân núi lên đến miệng núi để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Bromo
Ngọn núi lửa Bromo có diện tích khoảng 800km2 thuộc Vườn quốc gia Bromo Tengger Semeru. Tính chất không ổn định của các mảng địa chất trên vành đai lửa Thái Bình Dương ở đây đã tạo nên những kiệt tác thiên nhiên độc đáo.
* Trải nghiệm bình minh siêu thực
Với những tín đồ yêu thích du lịch trải nghiệm, chinh phục hoặc muốn ngắm nhìn vẻ đẹp đích thực của thiên nhiên, Bromo là điểm đến nhất định phải ghé một lần trong đời. Đây là một trong 10 ngọn núi lửa đẹp nhất trên thế giới đang còn hoạt động. Trung bình núi lửa sẽ hoạt động lại sau vài năm, dung nham luôn trong trạng thái sẵn sàng phun trào với nhiệt lượng và khói lưu huỳnh xuyên suốt. Do đó ở một vài thời điểm, tùy tình hình điều kiện an toàn, thời tiết mà trung tâm giám sát hoạt động địa chất sẽ cảnh báo có thể cho phép khách du lịch tham quan hay không.
Với người dân Indonesia, Bromo không chỉ là biểu tượng du lịch mà còn là ngọn núi lửa thiêng. Chính vì thế, dọc hai bên đường có rất nhiều sạp hàng bán các bó hoa nhỏ để người dân bản địa và du khách có thể mua hoa thả vào miệng núi cầu nguyện sự may mắn, bình an. |
Thông thường trước khi đến Bromo, du khách sẽ trải nghiệm ngắm bình minh ở đồi King Kong (đỉnh Gunung Penanjakan) đối diện với độ cao 2.770m, nơi có thể nhìn toàn cảnh về phía núi lửa Bromo ngoạn mục. Để đón được khoảnh khắc bình minh này, mọi người phải bắt đầu hành trình từ khoảng 2-3 giờ sáng khi vạn vật còn chìm trong bóng đêm. Ở đây, có thể lựa chọn nhiều phương thức di chuyển bằng xe jeep chuyên dụng, xe máy hoặc thử thách trekking (đi bộ) đường dài chinh phục đỉnh Gunung Penanjakan.
Biên độ nhiệt tại khu vực này có sự chênh lệch rất lớn giữa ngày và đêm. Ban ngày có thể lên đến 35-370C, còn về khuya gần sáng nhiệt độ trên các dãy núi khá thấp chỉ từ 5-100C, gió rít buốt.
Vào khoảnh khắc mặt trời dần ló rạng, khung cảnh chuyển từ màu vàng cam sang tím và tiếp theo đó bầu trời xanh ngắt hiện ra “đánh thức” một khoảng không rộng lớn, kỳ vĩ. Phía bên kia đồi, những ngọn núi thấp thoáng ẩn hiện nhả khói ngùn ngụt giữa biển sương mù; bên dưới là sa mạc được tạo ra từ tàn tro núi lửa của ngọn Bromo đang hoạt động và phía dưới là ngôi làng Cemoro Lawang lấp ló trong mây mờ.
Video đang HOT
Lúc này, một vài tiếng hò reo, trầm trồ cùng vô số những âm thanh tí tách của máy ảnh, điện thoại, flycam reo vang tới tấp sau sự mãn nhãn, phấn khích của những lữ khách săn bình minh. Có lẽ bất cứ ai được trải nghiệm khoảnh khắc này cũng sẽ ngây người trước vẻ đẹp siêu thực ngỡ chỉ có trong tưởng tượng hoặc qua tranh vẽ, vẻ đẹp mà đôi khi chỉ được tận mắt ngắm nhìn một lần trong đời…
* Thử thách lòng dũng cảm trước thiên nhiên kỳ vĩ
Sau khi khởi đầu ngày mới bằng một bình minh tuyệt đẹp, du khách tiếp tục di chuyển xuống thung lũng để đi đến núi lửa Bromo. Khoảng hơn 95% du khách đến đây đều lựa chọn di chuyển bằng xe jeep chuyên dụng. Trên cả cung đường, từng đoàn xe đủ màu sắc cứ nối đuôi nhau trông vô cùng đẹp mắt.
Xe jeep chỉ có thể đưa du khách đến bãi hoang mạc, việc di chuyển đến chân núi phải trekking 2km qua biển cát hoặc thuê ngựa cưỡi (nếu không biết cưỡi sẽ có người địa phương hỗ trợ dẫn dắt) băng băng qua những lớp bụi mờ ảo oai hùng như những bộ phim cổ trang để đi đến miệng núi.
Du khách thích thú tạo dáng cùng xe jeep chuyên dụng dưới bãi hoang mạc tro bụi núi lửa Bromo
Bromo không phải là vùng đất dành cho những người “yếu tim” bởi đoạn đường trekking qua sa mạc tàn tro, cát khói từ núi lửa mờ mịt cùng những con dốc khó nhằn sẽ dễ làm lữ khách nản lòng. Thời điểm thuận lợi nhất để đến Bromo là vào mùa khô của Indonesia, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10, lúc này trời không mưa, mây xanh trong nhẹ nhàng. Càng lên cao, không khí càng loãng. Thế nhưng từng dòng người vẫn nối chân nhau như đi hành hương từ chân núi lên đến miệng núi.
Gần 1 giờ vượt qua hành trình trekking dài và 250 bậc thang thẳng đứng, những lữ khách yêu thiên nhiên lúc này sẽ được “khai nhãn” bằng khung cảnh miệng núi lửa Bromo đang hoạt động qua những làn khói bốc lên nghi ngút cùng lúc với tiếng gầm rú âm ỉ của dung nham từ đáy sâu. Ngập trong mắt lữ khách là vực sâu hun hút hình tròn dốc thẳng đứng, cheo leo với đường kính gần 10km. Bên dưới lòng núi lửa còn có những khối màu vàng nhạt của lưu huỳnh, người dân địa phương vẫn đang khai thác lưu huỳnh dạng rắn tại một số khu vực bên trong núi lửa.
Từ trên cao nhìn xuống, khung cảnh hùng vĩ, không gian rộng lớn với trùng điệp núi đồi, sa mạc cùng những ngôi làng ẩn hiện, cảm giác mỗi người đều là nhân vật chính đang tự do tự tại ở phim trường hoành tráng của riêng mình. Choáng ngợp, trầm trồ, một chút lo sợ là những cảm giác khi chênh vênh trên miệng núi lửa Bromo.
Trekking Bromo là hành trình đầy ngoạn mục và thú vị trên suốt chặng đường đi qua. Tham quan núi lửa không phải đơn giản chỉ đi và đến, nó còn đòi hỏi sự kỳ công nhất định, đôi khi còn cần chút mạo hiểm. Tựu trung lại, đó là cảm giác thỏa mãn đến tuyệt vời của những đôi chân đam mê xê dịch. Bởi chinh phục hành trình này không chỉ để khám phá sự kỳ diệu của thiên nhiên, tạo hóa mà còn để minh chứng cho sự bền bỉ, phá vỡ những giới hạn mà trước đây bản thân mỗi chúng ta nghĩ rằng mình không thể chạm đến!
Đường lên núi Tô
Trải qua hành trình dài, chúng tôi đến Tri Tôn khi trời sắp tắt nắng. Thị trấn nhỏ nhộn nhịp nằm cạnh dãy núi liền mạch và những cánh đồng bát ngát.
Theo hướng dẫn của người địa phương, chúng tôi đi xe máy đến hồ Tà Pạ để kịp đón mặt trời lặn bên kia hồ và ngắm sự thanh bình của cánh đồng Tà Pạ xanh mướt. Không khí buổi chiều mát mẻ và dễ chịu, nhiều người dân địa phương thong dong tản bộ vừa tập thể dục vừa ngắm hoàng hôn. Tranh thủ hỏi thăm vài bậc cao niên về những địa điểm nổi tiếng ở Tri Tôn, chúng tôi được khuyến khích nên trải nghiệm đi xe máy lên đỉnh Cô Tô vào sáng sớm. Nhanh chóng liên hệ với đội xe máy chở khách tham quan núi Cô Tô, chúng tôi được hẹn vào lúc 4g00 sáng hôm sau.
1. Đặt báo thức và ngủ sớm, 3g30 sáng, chúng tôi nhờ xe máy đi từ trung tâm thị trấn vào hồ Soài So - nơi tập kết của đội xe ôm. Mỗi người ngồi một xe, bắt đầu hành trình chưa đầy 30 phút lên đỉnh núi Cô Tô.
Trời chưa kịp sáng, đường lên núi nhỏ xíu, chỉ đủ chỗ cho 2 chiếc xe ngược chiều, xung quanh là cây cối chìm trong màn đêm. Ánh đèn duy nhất là từ đoàn xe lên núi của chúng tôi. Tiếng động cơ liên tục phả vào không gian trên con đường bé xíu, thi thoảng cặp sát vách núi.
Núi Cô Tô (còn gọi là núi Tô) thuộc địa phận xã Núi Tô của huyện Tri Tôn cao 614m, là ngọn núi lớn trong dãy Thất Sơn (Bảy Núi) ở An Giang, nằm giáp biên giới Campuchia, nơi có đông người Khmer sinh sống. Thất Sơn nói chung và Cô Tô nói riêng là vùng đất có nhiều truyền thuyết. Người dân trong vùng truyền nhau về các truyền thuyết này và tin vào sự linh thiêng của vùng đất. Cô Tô, núi Tô hay Phụng Hoàng Sơn đều là tên gọi núi Cô Tô. Người dân trong vùng nói ngọn núi có hình dáng giống như cái tô úp ngược nên được gọi là núi Tô. Còn Phụng Hoàng Sơn là bởi nhìn từ xa ngọn núi trông giống một con chim phụng hoàng đang cất cánh.
Có 2 cách để lên núi Cô Tô. Một là leo bộ theo các bậc thang đá, hai là đi xe ôm. Đường đi bằng xe máy vô cùng khó đi. Những con dốc gần như dựng đứng, nhiều đoạn cua gấp khúc liên tục. Đường hẹp lại trơn, nên chỉ có cư dân địa phương thuộc đường với những chiếc xe "chuyên dụng" mới có thể chở khách leo núi.
Theo lời anh xe ôm, xe muốn leo núi phải thay đĩa 13 răng, độ máy, thay bố thắng và vỏ xe phù hợp với đường núi. Vỏ xe thường 1 tháng phải thay 2 lần do rất nhanh mòn và nhớt thì cứ 5 - 7 bữa phải thay một lần, nếu không sẽ " banh máy".
"Để tham gia đội xe ôm chở khách lên núi, tụi tôi phải luyện tập cả năm để chạy thiệt rành rẽ. Chạy quen và chở người thân vững rồi mới dám nhận chở khách", anh xe ôm chở tôi vừa chạy vừa cho biết.
2. Chúng tôi dự định lên núi Tô là để săn mây, nhưng có lẽ ngắm bình minh trên đỉnh núi cũng là một điều thú vị không kém. Đoàn chúng tôi ngừng lại ở Vồ Hội, im lặng ngồi trên những tảng đá to ngắm cánh đồng rộng lớn mờ ảo trong sương từ từ hiện ra rõ nét bên dưới khi mặt trời dần lên.
Đón những ánh nắng đầu tiên, chúng tôi bắt đầu trò chuyện về cuộc sống của người dân trong vùng. Anh đội trưởng đội xe ôm cho biết các anh chạy xe chở khách lên núi đã hơn chục năm, từng đoạn đường, mỗi khúc quanh các anh đều nhớ kỹ trong đầu nên dù trời chưa sáng, không nhìn rõ đường thì các anh vẫn nhớ đến lúc nào là dốc lên, lúc nào là đường hẹp, lúc nào có suối nhỏ chảy ngang...
Chúng tôi hỏi anh mùa nào chạy là lo nhất, anh cho hay không sợ mưa nắng chỉ sợ đường đóng rong, bánh xe dễ trượt, không chạy được. Anh nói mỗi tháng mình chạy xe thì đóng vào quỹ 200 ngàn đồng. Quỹ này của anh em xe ôm để dành sửa đường. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cuối năm là anh em lót thêm đá, vá những chỗ đọng nước để tránh rong rêu mọc.
Theo lời anh, những khi khách đông anh có thể chạy được cả chục quận (lượt), nhưng ngày khách đông không có nhiều. Rất nhiều ngày anh và những anh em khác không có cuốc xe nào.
Khách viếng núi Tô nếu đi xe ôm qua hết các điểm chỉ tốn chừng 350.000 đồng. Mỗi điểm tùy vào độ cao sẽ có mức giá khác nhau. Vì thường phục vụ cho khách hành hương nên giá cả được niêm yết rõ ràng. Người đến núi Tô chủ yếu ghé viếng Miếu Bà Cố hoặc lên điểm cao nhất của núi là Điện Kín hay còn gọi là Cấp I. Còn người đi trải nghiệm, tham quan thì không bỏ qua Sân Tiên, Vồ Hội, những nơi có thể nhìn ngắm toàn cảnh cánh đồng Tà Pạ dưới chân núi. Đặc biệt là tại vị trí đặt chữ TRI TÔN, ai đến núi Tô cũng đều muốn có một vài tấm ảnh kỷ niệm với dòng chữ này như một cách đánh dấu nơi đã đến.
3. Đoạn xuống núi có vẻ khó đi hơn, anh xe ôm giảm tốc liên tục bằng cả thắng tay lẫn thắng chân. Có lẽ cảm nhận được tôi đang sợ, anh luôn miệng nói chuyện như muốn trấn an tôi. Chạy đến một đoạn, anh chỉ: "Nhà anh đây nè. Anh ở từ nhỏ, lớn lên làm nghề chạy xe luôn. Ở đây bà con chủ yếu làm nông, người trên núi ai cũng có vườn cây ăn trái hoặc vườn tre. Mấy con đường đất nhỏ nhỏ cắt ngang đường chính này là đường vô vườn của bà con đó".
Giữa đường về, anh ghé qua một quán nước bên đường hỏi mua bưởi rồi tặng chúng tôi. Anh nói dân ở đây bán trái cây hái từ vườn nhà nên ngon lắm, tụi tôi ăn để nhớ núi Tô, nhớ chuyến đi.
Dự định săn mây trên núi Tô của chúng tôi dẫu không thật sự như ý nhưng sự nhiệt tình, chân thành và những câu chuyện đời của người chạy xe ôm lên núi làm chúng tôi cảm động. Những điều ấy chắc chắn sẽ còn sống rất lâu trong nỗi nhớ và thôi thúc chúng tôi trở lại đây, nhiều lần nữa...
Ngược dòng Đồng Măng Trở về từ hồ Piscine ở xã Bình An, ngay trong những ngày đầu năm mới, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình khám phá huyện Bắc Bình, một vùng đất huyền bí với nhiều cảnh sắc thiên nhiên xinh đẹp. Hành trình chúng tôi hướng đến lúc này là ngược dòng đập Đồng Măng. Đồng Măng chỉ là 1 đập tràn nhỏ...