Hành trình 40 năm tìm cha của cựu binh Trường Sa
Ông là Trần Ngọc Châu (47 tuổi, trú xã Cẩm Kim, TP Hội An, Quảng Nam)- cựu binh Trường Sa.
Ông Châu, tức Nguyễn Văn Dũng
Tằn tiện từng đồng tiền công phu hồ, xuôi ngược đôi miền Quảng Nam – Đồng Nai tìm cha. Giọt nước mắt trùng phùng chảy tràn trên khuôn mặt xạm đen của người cựu binh Trường Sa khi “giấc mộng lạ” của chính người cha đã đưa họ gặp nhau.
Ông là Trần Ngọc Châu (47 tuổi, trú xã Cẩm Kim, TP Hội An, Quảng Nam)- cựu binh Trường Sa.
Nước mắt ngày gặp lại
Ông Châu khuôn mặt rám nắng, mái tóc phủ bạc, đôi bàn tay nổi đường gân xanh, chai sạn, tạm gác công việc phu hồ của mình để tiếp chuyện tôi. Ký ức đứt đoạn.
Ông chẳng nhớ nổi mình sinh ở đâu, tuổi ấu thơ thế nào. Chỉ biết năm lên 7 tuổi, khi đang ở Đồng Nai, cậu bé Châu bất ngờ được người đàn ông tên Trần Huynh rủ theo xe về Hội An (Quảng Nam), nhận làm con nuôi. Châu lớn lên giữa phố cổ như bao trẻ bình thường khác.
Năm 12 tuổi, ông Huynh dần hé mở nguồn gốc thân phận Châu. Biết mình chỉ là con nuôi, khát khao tìm lại gia đình thôi thúc. “Bố mẹ nuôi, anh chị em đối xử tốt với nhau. Nhưng nhiều lúc nghĩ mình là con nuôi, tôi có phần tủi thân”, ông Châu bộc bạch.
Hết cấp 1, ông Châu nghỉ học, ở nhà chăn trâu. Đến tuổi nhập ngũ, ông lên đường, gia nhập Trung đoàn công binh 83, ra xây dựng đảo Sinh Tồn Đông, Trường Sa lớn.
Tháng ngày giữa biển đảo mênh mông, càng khiến ông mong điểm tựa đích thực từ chính gia đình, bố mẹ ruột của mình. Bất cứ đi đâu, làm gì, ông Châu dò hỏi tin tức để tìm mối liên hệ dù nhỏ nhất với gia đình. Đương nhiên, ký ức ở Đồng Nai khiến ông mặc định quê quán mình nơi đó.
“Tôi chỉ nhớ cha nuôi kể khoảng năm 1973, cha nuôi thấy tôi sống trong gia đình của người tên Tân trên Đồng Nai. Nhưng gia đình này cũng nhận tôi từ tay một người phụ nữ nghèo không rõ lai lịch”, ông Châu kể.
Đoàn viên sau gần 50 năm li tán, hai anh em ruột Nguyễn Văn Sâm – Nguyễn Văn Dũng (tức Châu) ngày hội ngộ
Rời quân ngũ, ông Châu về lại Hội An, lập gia đình với thiếu nữ trong thôn Phan Thị Kim Oanh. Mái ấm mới, cùng cậu con trai kháu khỉnh, chẳng làm người cựu binh vơi bớt niềm khắc khoải tìm cha.
Ông Châu bảo, nhiều khi bế con, nghe tiếng con gọi, tôi lại cố nghĩ về thời ấu thơ mình từng như thế. Hai vợ chồng làm nghề phu hồ mưu sinh, ngang dọc khắp các công trình trong thôn, dưới xóm và vùng lân cận.
Tằn tiện đồng nào, ông Châu lại lên đường ngược xuôi vào Đồng Nai. Ngặt nỗi, ngay cả tên chính xác địa danh, gia đình nuôi ngày đó… ông Châu không rõ nên mọi chuyến đi đều bất thành. Không bỏ cuộc, mỗi năm ít nhất vài lần ông lại vào Nam, lân la hỏi thăm.
Video đang HOT
“Tôi biết ông tìm thế chẳng khác nào mò kim đáy biển. Nhưng thấy ổng đau đáu mỗi ngày, tôi không nỡ can ngăn. Nhiều khi hết tiền, anh chạy vạy vay mượn để lên đường. Hai vợ chồng liên hệ địa phương, đăng ký với cả chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly của truyền hình. Nhưng rồi tất cả đều chìm trong vô vọng”, bà Oanh nói.
Một buổi trưa giữa tháng 4/2012, ông Châu như thường lệ, nhấp chén trà cũng cánh bạn thợ nề trong ít phút nghỉ ngơi. Bất ngờ, cậu con trai từ nhà điện báo có cụ ông ở huyện Phú Ninh (Quảng Nam) ghé nhà tìm gặp. Đằng đẵng những tháng ngày tìm cha bất thành, dù chỉ trong trực giác, linh tính ông không dám hi vọng đó là cha mình. Ông thản nhiên về nhà, chào người trưởng thôn đi cùng khách lạ.
Không hiểu sao trên đường về, ông Châu linh cảm đang có một điều gì đó rất lớn lao chờ đợi mình. Linh cảm ấy khiến ông bần thần, rưng rưng rất lạ. Ông thấy một cụ ông gầy nhom, chăm chăm để ý từng cử chỉ của mình.
Vừa thấy ông bỏ mũ chụp đầu, cụ xáp lại. Rồi reo lên xúc động: Có phải con không? Đúng rồi dáng người, cử chỉ, nét mặt… Ông Châu ôm chầm lấy cụ ông, giọng khản đặc “Cha ơi!”.
Những giọt nước mắt chảy tràn trên hai khuôn mặt. Đến giờ, ông Châu vẫn nhớ rõ cảm giác của mình ngày đó. Bâng khuâng, xao xuyến, lâng lâng. Bao nhiêu mong nhớ, bao nhiêu ngày ròng rã tìm kiếm, không ngờ ngày trùng phùng lại ngay chính dưới mái nhà mình. Ông Châu vội gọi vợ con, hàng xóm đến chứng kiến.
Tìm nhau từ “giấc chiêm bao”
Cụ Nguyễn Não (trú xã Tam Lập, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) cha ông Châu tuổi nay ngoài 80. Ngày cụ dẫn theo người đàn ông lạ mặt về nhà, khiến hai con trai cụ ngỡ ngàng.
Chưa bước vào cửa, mọi người bất ngờ phát hiện cả ba đều giống nhau như đúc. Mâm cơm đoàn tụ là bữa ngon nhất trong đời. Mọi người hồ hởi ôn lại những tháng ngày lưu lạc.
Không riêng ông Châu, cụ Não và anh em trong nhà cũng tất tả ngược xuôi tìm nhau sau thời ly tán. Cụ Não có 4 người con. Châu tên thật là Nguyễn Văn Dũng, con út.
Thập niên 60 thế kỷ 20, Phú Ninh là vùng trọng điểm bắn phá ác liệt của địch. Gia đình người lính du kích Nguyễn Não vẫn quyết bám trụ với quê hương cách mạng.
Năm 1967, sau trận càn, mẹ ông Châu trúng đạn, tử vong. Chưa đầy 2 năm sau, người anh thứ cũng ra đi vì nghèo đói. Chưa hết tang thương, đau buồn, năm 1969, cụ Não bị địch bắt, đày ra Côn Đảo. Ba đứa con, lớn mới chỉ lên 10, nhỏ sắp tròn 2 tuổi lang thang, cơ cực.
Người anh cả Nguyễn Văn Sâm lúc đó thành trụ cột, dắt díu nuôi em. Sau trận bom ác liệt, 3 anh em chạy loạn, ly tán, dạt tận miền Đồng Nai. Lúc này, chỉ người anh hai (6 tuổi) được một người tốt bụng nhận đưa về Cô nhi viện (Quảng Nam), còn Sâm và Châu thất lạc.
Năm 1975, cụ Não trở về từ nhà tù Côn Đảo. Về quê, ông cố tìm lại các con. Gần chục năm, cụ chỉ tìm được Sâm và người em kế, còn thông tin về út Dũng vẫn bặt vô âm tín.
Cụ Não nhiều lần ngược xuôi lên mạn Đồng Nai, về Quảng Nam dò tìm, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Ước vọng trước khi mất phải thấy mặt con ngày càng thôi thúc, ngày ngày cụ Não thắp nhang lên bàn thờ người vợ quá cố cầu khấn.
Cách ngày trùng phùng ít bữa, bất ngờ trong giấc chiêm bao, ông Não như nghe tiếng vợ mình chỉ dẫn: con trai hiện đang ở Hội An, đã đổi tên khác nhưng có đặc điểm tóc bạc trắng đầu hơn cả cha. Vỏn vẹn 400 ngàn đồng trong túi, cụ chống gậy lên đường.
Duyên số thế nào, vừa nói qua vài chi tiết, người trưởng thôn lúc đó đã dẫn thẳng đến nhà ông Châu. “Ngày gặp, bố tôi kể nhiều năm tìm con không được nên mẹ ở chín suối linh thiêng biết và báo mộng. Nhờ đó mà cả hai mới gặp nhau”. Giọng ông Châu thổn thức: mừng vì được gặp cha, gặp lại anh em, tôi thỏa nguyện cho tháng ngày trống vắng. Nhưng vẫn day dứt buồn vì chỉ gặp mẹ qua di ảnh.
Ngày 22/12/2012, trong cuộc gặp gỡ với đồng đội cũ – những cựu binh Trường Sa, ông Châu xúc động khi lần đầu tiên được giới thiệu về chính cha ruột và anh ruột Nguyễn Văn Sâm.
Ông Bùi Phước Minh, Trưởng ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa Hội An bộc bạch: chuyện Châu đi tìm cha, ai cũng hiểu nỗi niềm và chia sẻ. Mọi người khâm phục Châu bởi sự kiên trì. Cứ tưởng sau bao khó khăn, Châu chùn bước. Bản chất người lính là như vậy, thực hiện đến cùng mệnh lệnh trái tim.
Cuộc sống bộn bề khó khăn, chật vật. Nhắc về ký ức Trường Sa, người cựu binh bồi hồi: Giờ thấy Trường Sa khang trang, vững mạnh, ai cũng mừng, tự hào.
Ngày trước, các đảo tôi đến còn khá hoang vắng, thiếu thốn đủ bề, bốn bề biển nước và những ụ cát nổi. “Tôi được phân công theo các đoàn xây dựng. Anh em xây hầm hào quân sự, nhà tạm. Mọi người đoàn kết, đồng lòng với nhau”.
Giờ đây, ngày ngày ông Châu “nối nghiệp” Trường Sa với nghề xây dựng. Cánh thầu xây không ngớt lời khen ông bởi sự chuyên cần, trách nhiệm trong từng phần việc. Nụ cười thường trực trên khuôn mặt rám nắng từ sau ngày ông đoàn tụ cùng cha, gia đình.
“Ngày trước, rắn rỏi thế nhưng có khi đang làm thoáng nghe bài hát “Tình cha”, ông lại bật khóc. Giờ lúc rảnh, ông hay đi đi về về Phú Ninh để gặp gỡ người thân. Ai cũng ấm lòng”, bà Oanh nói.
Gia đình mở rộng trước mắt người cựu binh. Bố ruột và gia đình bố nuôi gặp gỡ, chia sẻ với nhau. Cụ Não đi thêm bước nữa và hiện có hai người em một trai một gái được ăn học thành đạt.
Theo: Tienphong.vn
Lính Trường Sa rộn ràng chuẩn bị Tết
Ngày cuối năm, chiến sĩ khắp các đảo ở Trường Sa lại tất bật giết thịt heo, gói bánh chưng bằng lá bàng vuông, trang trí hoa mai... đón xuân mới.
Sáng 28 tháng Chạp, các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở hơn 20 đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa đã chộn rộn chuẩn bị Tết. Ở đảo Sinh Tồn, những người lính mang lá dong từ đất liền đi gói bánh chưng...
... và cùng người dân sống trên đảo giết thịt heo, chuẩn bị cho mâm cơm Tất niên.
Gói bánh chưng ở Trường Sa có đặc trưng riêng là luôn có lá bàng vuông lót phía trong hay bọc phía ngoài. Nhiều chiến sĩ cho biết, nhiều khi lá dong từ đất liền mang trong chuyến quà Tết nếu bảo quản không tốt sẽ bị hỏng, nên bánh chưng chủ yếu vẫn được gói bằng lá bàng vuông.
Sau khi lau khô, lá bàng vuông được đo cẩn thận trước khi cắt vuông vắn để vào khung bánh.
Mọi người quân quần cùng gói bánh chưng, nhộn nhịp không kém gì đất liền.
Thực phẩm vẫn gồm có đậu xanh, thịt heo, hành thái mỏng...
Gói bánh chưng cũng là dịp để những chiến sĩ bày cho nhau cách làm và những bí quyết có được chiếc bánh chứng vuông vức, thơm ngon.
Từ việc ghép lá cho vuông vắn với khuôn...
Đến rải đều nhân đậu, thịt...
Và khéo tay gấp các góc trước khi buộc lạt và lấy bánh khỏi khuôn.
Bánh sau khi nấu chín được đặt lên mâm ngũ quả để cúng Tất niên và trưng bày trong ngày Tết.
Các chiến sĩ ở đảo Phan Vinh có một cây mai lớn. Hoa mai Tết ở Trường Sa độc đáo bởi thân mai được lấy từ những cây sống trên đảo có dáng đẹp mắt, cành lua tua, còn hoa mai làm bằng vải được mang ra từ đất liền.
Theo VNE
Lính Trường Sa luyện võ Những thế võ khống chế đối phương có dao, súng hay huấn luyện bịt mắt tháo lắp súng... được lính Trường Sa (Khánh Hòa) luyện tập thường xuyên với tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Lính Trường Sa luôn được huấn luyện các bài võ cơ bản và nâng cao. Sân bãi còn hạn chế nên các chiến sĩ ở đảo Sinh Tồn...