Hành trình 14 năm đi gõ cửa công lý
Hơn 14 năm qua, không chỉ riêng gia đình đi kêu oan cho ông Huỳnh Văn Nén, còn có cả nhiều người khác làm đơn thư đề nghị xét lại vụ án nhưng không được hồi âm.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà và các tài liệu liên quan tới vụ án Huỳnh Văn Nén – Ảnh: Duy Thanh
Trong số này có người vốn là tù nhân, có người từng là lãnh đạo chính quyền xã, có những người là luật sư. Tất cả những người này đều khẳng định vụ án “có vấn đề”, đồng thời thẳng thắn nêu rõ việc các cơ quan chức năng đã không quan tâm đến đơn thư của họ.
Không nói ra thì lương tâm cắn rứt
Ông Nguyễn Phúc Thành – Ảnh: S.Lâm
Thời điểm ông Huỳnh Văn Nén bị bắt vì dính tới cáo buộc giết bà Lê Thị Bông, ông Nguyễn Phúc Thành đang thụ án tù tại trại giam Sông Cái (Ninh Thuận) do liên quan đến một vụ gây rối trật tự công cộng tại Tân Minh.
“Trước khi vào tù, tôi biết hai thanh niên tham gia giết bà Lê Thị Bông. Chính một trong hai người này nói ra. Qua các bạn tù, tôi biết Huỳnh Văn Nén có thể dính án tử hình nên làm đơn tố cáo gửi về cho ông Nguyễn Thận (chủ tịch UBND xã Tân Minh) và gửi cho trại giam.
Tôi tin tưởng vào Bộ Công an sẽ vào cuộc nhưng không hiểu vì sao người ta lại giao cho điều tra viên Cao Văn Hùng vào tù đe dọa tôi rút đơn tố cáo” – ông Nguyễn Phúc Thành nói.
Sau khi ra tù, ông Nguyễn Phúc Thành cho biết rất sợ bị trả thù, nhưng không kêu oan cho ông Nén thì lương tâm của ông cắn rứt, nên ông vẫn kiên định đề nghị được làm nhân chứng cho vụ án.
Là người từng đi kêu oan cho ông Huỳnh Văn Nén ngót chục năm, ông Nguyễn Thận – nguyên công an xã, rồi làm chủ tịch UBND xã Tân Minh (nay là thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận), hiện là chủ tịch MTTQ huyện Hàm Tân – xót xa nói: “Đây là vụ án oan liên quan đến thân phận của nhiều con người”.
Ông Nguyễn Thận cho biết sau khi nhận đơn tố cáo của ông Nguyễn Phúc Thành vào năm 2000, ông Thận có báo cáo với lãnh đạo xã, mang đơn thư, tờ trình đi khắp các cơ quan chức năng của Bình Thuận và trung ương.
Thế nhưng theo ông Thận, điều đáng nói là suốt 14 năm qua chưa có người nào của các cơ quan chức năng đến gặp ông để hỏi về vụ án.
14 năm là một quãng thời gian đủ dài để người ta quên đi nhiều chuyện, nhưng với ông Nguyễn Thận, những bất hợp lý trong vụ án Huỳnh Văn Nén ông vẫn nhớ như in trong đầu, ông đưa ra phân tích rành rọt từng chi tiết nhỏ.
Ông nói: “Tôi làm công an xã ba năm, rồi làm chủ tịch xã. Tôi có ra hiện trường cả hai vụ án giết bà Dương Thị Mỹ (ông Nén cùng chín anh em họ hàng thoát khỏi vụ án này sau một thời gian bị bắt tạm giam) và vụ giết bà Lê Thị Bông. Đây là hai vụ án kỳ lạ.
Vụ bà Mỹ thì đã được minh oan. Còn vụ bà Bông, tôi quan sát hiện trường biết được có hai loại dấu chân, ít nhất phải có hai người tham gia giết bà Bông. T
rong lúc xảy ra vụ án thì Huỳnh Văn Nén đang say xỉn. Nén là người nhỏ con ốm yếu, còn bà Bông thể hình lớn hơn. Đặc biệt là khi Nguyễn Phúc Thành đứng ra làm chứng thì mọi chuyện hầu như sáng tỏ”.
Video đang HOT
Khi biết tin Viện KSND tối cao kháng nghị hủy một phần bản án đối với ông Huỳnh Văn Nén, ông Nguyễn Thận tâm sự: “Qua kháng nghị, tôi mong sớm làm rõ các vấn đề. Tôi tin pháp luật sẽ được thực thi một cách công minh”.
Phớt lờ kiến nghị có cơ sở
Ông Nguyễn Thận – Ảnh: S.Lâm
Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Hồng Hà – phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa, người cùng một số luật sư từng có kiến nghị giám đốc thẩm đối với bản án dành cho ông Nén nhưng các cơ quan chức năng ở tỉnh Bình Thuận và trung ương đều im lặng.
Hơn 14 năm trôi qua, ông Hà vẫn giữ một số tư liệu liên quan đến vụ án của ông Huỳnh Văn Nén.
Đưa chúng tôi xem “Đơn đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm hình sự Huỳnh Văn Nén can tội giết người, cướp của do TAND tỉnh Bình Thuận xét xử ngày 31-8-2000″ đề ngày 20-10-2000 do chính ông viết, ông Hà cho biết từ thời điểm đó ông cảm nhận có nhiều bất thường trong vụ án Huỳnh Văn Nén.
Theo ông Hà, ngày 16-9-2000 cha ông Nén là cụ Huỳnh Văn Truyện có nhiều đơn kêu cứu khẩn cấp gửi các cơ quan bảo vệ pháp luật ở trung ương và tỉnh Bình Thuận kêu oan cho con, đồng thời có người tố cáo thủ phạm khác giết chết bà Lê Thị Bông chứ không phải ông Nén, UBND xã Tân Minh có công văn ngày 29-9-2000 gửi các cơ quan pháp luật trung ương và địa phương đề nghị khẩn trương làm rõ đơn tố giác tội phạm của ông Nguyễn Phúc Thành.
Từ những căn cứ này, đơn của luật sư Hà khi đó viết: “Chúng tôi nhận thấy đây là những nguồn tin, chứng cứ đáng tin cậy cần được các cơ quan pháp luật trung ương và tỉnh Bình Thuận xem xét, đánh giá lại một cách thận trọng, khách quan để ngăn chặn kịp thời những sai lầm nghiêm trọng trong việc điều tra, truy tố, xét xử có khả năng dẫn đến việc làm oan nhiều công dân vô tội và bỏ lọt tội phạm”.
Thực hiện một so sánh vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang với vụ án của ông Huỳnh Văn Nén, luật sư Nguyễn Hồng Hà bày tỏ: “Điểm chung tuyệt vời trong hai vụ án là ông Chấn có người vợ âm thầm đi tìm chứng cứ để minh oan cho chồng, còn ông Nén có người cha 90 tuổi vẫn liên tục đội đơn đi khắp trong Nam ngoài Bắc kêu oan cho con.
Tiếng kêu oan của những người dân thấp cổ bé miệng cộng với sự kiên trì của các luật sư đồng nghiệp ở Hải Phòng, Hà Nội đưa đến kết quả như bây giờ. Nhưng điểm khác là trong vụ ông Chấn nảy sinh tình tiết mới, thủ phạm thật sự ra đầu thú, nên cơ quan bảo vệ pháp luật tái thẩm.
Còn vụ ông Nén thì bức xúc hơn, nguy hiểm hơn, vì toàn bộ chứng cứ, hồ sơ đều không có gì thay đổi, chỉ nhờ có cải cách tư pháp, có nghị quyết của Quốc hội về rà soát án oan sai, bức cung, nhục hình nên những vi phạm tố tụng mới được đưa ra ánh sáng”.
Mong chồng tôi được minh oan
Trong căn nhà nhỏ chưa được tô tường ở khu phố 2, thị trấn Tân Minh, bà Nguyễn Thị Cẩm (vợ ông Nén) nghẹn ngào nói: “Tôi nhiều lần vào tù thăm chồng. Tôi hỏi ông có giết bà Lê Thị Bông không?
Ông Nén trả lời ổng không có tội gì hết. Ổng nói tôi ráng về nuôi con, khi được trắng án anh về sẽ bù đắp cho gia đình”. Bà Cẩm nói hết câu thì nước mắt chực trào ra.
Mỗi khi đi thăm ông Huỳnh Văn Nén, bà con họ hàng gom góp một ít tiền cho bà Cẩm làm kinh phí vào trại Z30A (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai).
Một hoặc hai tháng bà Cẩm đi thăm một lần, 16 năm nay bà Cẩm trải qua những tháng ngày như thế.
“Tôi mong chờ pháp luật minh oan cho chồng tôi, để cho chồng tôi sớm trở về chứ không có mong muốn gì hơn. Tôi nhờ sự mạnh mẽ của các cơ quan làm pháp luật cứu xét cho chồng tôi” – bà Cẩm tức tưởi.
Đáp ứng yêu cầu lúc đó
Một vị lãnh đạo của Viện KSND tỉnh Bình Thuận cho biết vị này có hỏi ý kiến của lãnh đạo Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh thời kỳ trước thì họ đều khẳng định quá trình tiến hành tố tụng vụ án Huỳnh Văn Nén giết bà Lê Thị Bông là đáp ứng yêu cầu điều tra lúc đó.
“Vụ án xảy ra đã lâu. Thời kỳ đó điều tra như vậy là đáp ứng nhưng bây giờ lật lại hồ sơ, so với các quy định chặt chẽ hiện hành thì chưa đáp ứng. Hiện Viện KSND tối cao kháng nghị thì chờ tiếp các bước thực hiện tiếp theo” – vị này nêu quan điểm.
Chờ cơ quan chức năng làm rõ
Ông Cao Văn Hùng – điều tra viên vụ án Huỳnh Văn Nén: “Chúng tôi vào trại giam gặp Nguyễn Phúc Thành thì đi chung với một tập thể gồm nhiều người, trong đó có ông Đinh Kỳ Đáp, nguyên phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận. Việc người ta nói như thế nào chỉ là một phía. Vấn đề này chờ cơ quan chức năng làm rõ”.
Theo Tuổi Trẻ
Vụ làm oan ông Chấn: 'Không thể chỉ một người chịu trách nhiệm'
Bộ trưởng Bộ Công an, viện trưởng VKSND Tối cao và chánh án TAND Tối cao đã hứa trước Quốc hội sẽ xử lý nghiêm khắc những người gây ra oan, sai.
Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng Việt Nam, một thẩm phán TAND Tối cao xử phúc thẩm làm oan người vô tội đã bị khởi tố. PV đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, xung quanh chuyện này.
Việc kết tội oan ông Nguyễn Thanh Chấn đặt trong bối cảnh Hiến pháp mới đề cao vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân, các nghị quyết về cải cách tư pháp cũng đang được triển khai một cách khẩn trương. Đồng thời, áp lực của Quốc hội, của cử tri, của dư luận về việc xem xét trách nhiệm của người gây ra oan, sai là rất lớn. Bộ trưởng Bộ Công an, viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao cũng đã hứa trước Quốc hội sẽ xử lý nghiêm khắc những người có lỗi gây ra oan, sai. Tôi cho rằng việc xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự các cán bộ làm oan trong vụ án này là thể hiện sự tích cực và nghiêm túc của các cơ quan có thẩm quyền, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và cử tri.
Trách nhiệm của những người liên quan
. Phóng viên: Khi xảy ra án oan, việc cả kiểm sát viên, điều tra viên và thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm đều bị khởi tố là việc chưa từng xảy ra. Vì sao vụ Nguyễn Thanh Chấn làm được điều này, thưa bà?
Theo tôi, đầu tiên dễ nhận thấy là sai ở đây khá rõ, đến mức qua thông tin trên báo chí thì ngay cả người không được đào tạo về luật cũng thấy sai rồi. Chẳng hạn, việc cơ quan tố tụng đã sử dụng tình tiết xác định kích thước bàn chân ông Chấn "gần đúng" với dấu vết bàn chân thu thập được tại hiện trường, ông Chấn có nhiều chứng cứ ngoại phạm nhưng không được xem xét kỹ, việc thu giữ và nhận dạng hung khí gây án có nhiều mâu thuẫn... Cho nên sẽ không quá khó khăn khi quy trách nhiệm về mặt chủ quan cho những người tiến hành tố tụng.
Ông Nguyễn Thanh Chấn trong ngày được trả tự do. Ảnh: VIẾT THỊNH
Vụ án oan ông Chấn: Đâu là trách nhiệm của cơ quan điều tra, công tố?
. Tại phiên giải trình về việc chống bức cung, nhục hình, bà đã đặt vấn đề về việc có hay không có việc bức cung, nhục hình trong vụ án oan của ông Chấn. Câu trả lời của lãnh đạo VKSND Tối cao là có nhục hình, chưa phát hiện thấy bức cung, điều tra viên thực hiện việc dùng nhục hình đã chết nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Bà có hài lòng với câu trả lời nhận được không?
Thực sự, tôi chưa thỏa mãn với câu trả lời đó. Trong vụ án này, một câu hỏi lớn chưa trả lời được là: Với tình trạng sức khỏe tâm thần bình thường, tại sao ông Chấn trong nhiều bản cung lại nhận tội mà mình không thực hiện trong khi ông thừa hiểu rằng việc nhận tội đó có thể dẫn đến bị pháp luật tước đoạt mạng sống hoặc bị phạt tù rất nặng? Từ đó tôi đặt ra nghi vấn về việc có bức cung, nhục hình. Và với một vụ án đặc biệt nghiêm trọng như thế thì theo quy định hiện hành, không thể chỉ có một điều tra viên điều tra và do đó không thể chỉ có một người chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng cần kiểm tra lại hồ sơ để làm rõ những ai tham gia điều tra vụ án này? Trách nhiệm của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, của viện trưởng, phó viện trưởng VKS thế nào? Dẫu thời gian xảy ra vụ việc đã lâu, bối cảnh hỏi cung chỉ có điều tra viên và ông Chấn nên sẽ khá khó khăn cho cơ quan điều tra của VKSND Tối cao. Nhưng chúng tôi cũng đề nghị cần xem xét kỹ hơn những thông tin mà ông Chấn và luật sư nêu ra để làm rõ, tránh bỏ lọt tội phạm.
Quá coi trọng lời nhận tội
. Thưa bà, trong vụ việc này điều khiến dư luận bức xúc là những cái sai mà đến những người không biết luật cũng thấy, như bà vừa đề cập. Như vậy, ở đây có câu chuyện về việc tuân thủ các quy định của BLTTHS của những người tiến hành tố tụng?
Vụ án Nguyễn Thanh Chấn cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi khác: Tại sao xảy ra việc kết tội oan ông Chấn? Lỗi do người áp dụng pháp luật là gì?
Thông tin cho thấy hồ sơ vụ án này có những bản cung ông Chấn nhận tội. Các cơ quan tố tụng sau giai đoạn điều tra đã quá coi trọng lời nhận tội mà không xem xét kỹ những chứng cứ gỡ tội khác. Về cơ bản, ở giai đoạn sơ thẩm, họ đã lấy những lời nhận tội đó làm chứng cứ chính để kết tội ông Chấn, trong khi Điều 72 BLTTHS quy định rất rõ: "Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội". Những người tiến hành tố tụng đã không tuân thủ quy định này.
3.699 ngày oan trái của ông Chấn: Án mạng và 9 ngày bức cung, nhục hình
Cần nghiên cứu về quyền im lặng
. Theo bà, tố tụng hình sự hiện hành đang có vấn đề ở đâu? Cần làm gì để chống oan, sai, chống bức cung, nhục hình?
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ của tố tụng hình sự thì không chỉ cần một BLTTHS tốt. Chúng ta phải xem lại ngay cả những quy định pháp luật liên quan.
Về tạm giữ, tạm giam, liên quan đến việc lấy lời khai của nghi can, quy định thế nào để bảo đảm sự minh bạch khi lấy lời khai, trong bối cảnh chỉ có điều tra viên và nghi can, không có kiểm sát viên, luật sư? Vậy khi người bị giam giữ khai bị bức cung, nhục hình như trường hợp ông Chấn thì lấy gì để chứng minh? Chúng ta sẽ không có gì để bảo vệ người bị tạm giữ, tạm giam cả. Có cần quy định bắt buộc có camera giám sát các cuộc hỏi cung?
Để chống bức cung, nhục hình thì cơ quan quản lý giam giữ phải thực sự độc lập với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, thực tế tại một số huyện thì phó trưởng công an huyện phụ trách công tác điều tra thường kiêm phụ trách luôn nhà tạm giữ. Kể cả tách bạch được hai chức danh này thì cả hai "ông" điều tra và quản lý giam giữ vẫn là người cùng một cơ quan, vẫn có một thủ trưởng chung là trưởng công an huyện. Và công an tỉnh cũng tương tự. Như vậy khó có thể nói rằng đã độc lập giữa cơ quan điều tra và cơ quan quản lý giam giữ trên thực tế.
Quy định về trách nhiệm của VKS trong giai đoạn trước khởi tố trong Luật Tổ chức VKS để ràng buộc trách nhiệm của VKS khi xảy ra bức cung, nhục hình hoặc bỏ lọt tội phạm.
Án oan chấn động: Thẩm phán kết tội ông Chấn không sai?
. Qua vụ này, bà có rút ra vấn đề gì liên quan đến các quy định của tố tụng hình sự?
Quy định về thẩm quyền của công an xã, phường trong việc phối hợp xử lý tin báo, tố giác. Hiện pháp luật không quy định công an xã, phường có thẩm quyền điều tra nhưng thực tế họ đang tiến hành một số hoạt động mang tính chất điều tra ban đầu. Đáng lưu ý, công an xã là lực lượng bán chính quy, không được đào tạo cơ bản nhưng có những thẩm quyền lớn liên quan đến tố tụng hình sự theo Pháp lệnh Công an xã nên đã xảy ra một số vụ việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe nghi can.
Ngoài ra, các quy định khác trong BLTTHS về quyền của luật sư, về giấy chứng nhận bào chữa, về quyền không khai báo (hay là quyền im lặng cho đến khi có luật sư)... cũng rất cần được nghiên cứu, xem xét qua vụ án này.
Từ vụ án này, tôi cho rằng chúng ta cần nhìn trên bình diện rộng để xem tổng thể, từ đó xác định vấn đề gì do áp dụng pháp luật sai và bài học gì rút ra để điều chỉnh pháp luật nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự.
. Xin cảm ơn bà.
Theo Phap luât TPHCM
Đình chỉ công tác phó Trưởng Công an TP Tuy Hòa vụ 5 công an dùng nhục hình gây chết người Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên vừa ra quyết định đình chỉ công tác đối với Thượng tá Lê Đức Hoàn, phó Trưởng Công an TP.Tuy Hòa. Năm công an dùng nhục hình gây chết nghi can Ngô Thanh Kiều, trước vành móng ngựa Chiều 14.10, Thành ủy Tuy Hòa cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã ra quyết định...