Hạnh phúc quá mong manh!
Quê tôi ngập tràn cây trái, nhà tôi nằm sát một dòng kênh xanh và nơi đó, tôi đã có một tình yêu tuổi mới lớn trong sáng, hồn nhiên
“Nam lấy vợ rồi, bạn biết không?” – nhỏ bạn thuở bé hỏi tôi. Tôi cố giấu vẻ bối rối, ngỡ ngàng. Nam từng là bạn thân của hai chúng tôi và hai đứa đều rất quý Nam.
Ngày ấy, xóm nhỏ tổ chức thi ca cải lương, Nam hát rất mùi, chất giọng trầm ấm, ngọt ngào ấy đến giờ vẫn còn để lại dấu ấn trong tâm trí tôi.
Sau cuộc thi ấy, mỗi lần bắt đầu biểu diễn một bài hát cho mọi người nghe, anh đều nhắn nhủ “Dành tặng riêng em” khiến tôi ngập tràn hạnh phúc và đã vui sướng biết nhường nào khi Nam ngỏ lời yêu.
Những đêm trăng sáng, Nam thường chèo xuồng chở tôi đi hóng mát. Gió lao xao mặt kênh làm đung đưa những bông lục bình tim tím. Biết tôi thích hoa lục bình nên bao giờ anh cũng tranh thủ hái cho tôi những bông đẹp nhất.
Ngày về quê, tôi buồn rười rượi khi nghe cô bạn thân báo tin anh đã cưới vợ (Ảnh minh họa)
Cuộc sống ở quê không êm đềm như mong muốn của chúng tôi. Ngày ấy, hai đứa hẹn nhau, khi Nam học hết cấp 3, anh sẽ đi học sửa điện tử, còn tôi học nghề may rồi cùng về quê lập nghiệp, sau đó sẽ tổ chức cưới.
Nhưng cuộc sống ở thành phố thật khắc nghiệt. Không đủ tiền trang trải học phí, anh nghỉ học nghề xin vào xí nghiệp làm công nhân còn tôi không chọn học nghề may mà thi vào Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại. Và khoảng cách đã dần xuất hiện, khiến anh và tôi dần xa nhau.
Ngày về quê, tôi buồn rười rượi khi nghe cô bạn thân báo tin anh đã cưới vợ. Tôi sẽ cất những hình ảnh đẹp nhất về anh vào kỷ niệm và tôi vẫn luôn cầu mong cho anh hạnh phúc.
Theo Eva
Video đang HOT
Ai cũng có nơi để về
Đợt vừa rồi về thăm nhà, thấy quê mình khác quá đỗi. Tuy Hòa tựa như người thiếu nữ mới lớn, diện lên mình những bộ đồ mới mẻ, yêu kiều hơn khiến con người ta đi xa về không khỏi ngỡ ngàng mà thốt lên "Mình không biết Tuy Hòa cũng có lúc đẹp như vậy". Đó là lần đầu tiên mình thấy quê mình đổi khác.
Thy Thy
Dọc con đường từ quốc lộ 1A dẫn vào thành phố bé nhỏ ấy, đâu đâu mình cũng thấy hoa nở rộ, đủ màu sắc. 18 năm mình đã sống và lớn lên ở đây cộng thêm 5 năm xa xứ đi đi về về, tự hỏi lòng có bao giờ thấy nhớ miền đất này đôi chút?
Chiều buông xuống, rải rác những cây hoa sữa hiếm hoi thoảng hương ngan ngát. Mình không thích hoa sữa lắm bởi mùi nó hăng hăng, thường làm mình hay nhức đầu nhưng trong cái không gian khiến mình đang ngỡ ngàng ấy, tự nhiên hoa sữa cũng trở nên duyên đến lạ. Mình bắt đầu nhắm mắt, cố hít thật no đầy cái ngây ngây của một buổi chiều yên ả.
Nghe bên tai đâu đó lời bài hát "Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm... có lẽ nào anh lại quên em...". Có lẽ vậy, chỉ có con người lãng quên con người như chính ta cũng đôi lần quên mất mảnh đất với những gì thân quen ruột thịt, từng chối bỏ nơi sinh ra mình vì sự cục bộ không phát triển. Ôm ấp lấy đất Sài Gòn xa hoa lắm mộng rồi cũng... vỡ mộng.
Chiều Tuy Hòa - đó là một buổi chiều yên bình, mình ngồi trên cát trắng và biển Tuy Hòa gợn sóng xanh rì. Những bãi dương bạc màu gió thẳng tắp cho đến những gánh hàng rong xíu xíu đầy những xoài, cóc, ổi, đậu phộng, trứng cút... bày bán cũng bị dẹp sạch. Nghe nói người ta sẽ xây resort hết, sẽ thay đổi bộ mặt biển Tuy Hoà xứng đáng cái danh "400 năm Phú Yên và khai mạc năm du lịch quốc gia 2011".
Mình nghe cũng lớn lắm, không biết họ làm nó to đến đâu... nhưng nhìn lại kinh phí thì không nhỏ chút nào. Nhưng thôi kệ, nếu Tuy Hòa mà đẹp hơn, đẳng cấp hơn thì mình cũng thấy vui và hào hứng dẫn bạn bè về, thậm chí nghĩ xa hơn là trở về sống tại mảnh đất này cũng không có gì khiến mình đắn đo như trước nữa.
Mình còn đôi chút lưu luyến vì nhớ những buổi chiều thong dong trên cát, tìm mấy gánh hàng rong bán những món ngộ ngộ ấy mà nhâm nhi... Thích nhiều lắm, có thứ bánh tráng bé xíu xíu cuộn lại, đem nướng lên rồi phết nước tương đen, tương đỏ nóng nóng, ăn giòn giòn mà lại cực rẻ. Mình nhớ những buổi chiều cùng đám bạn "se" nhau mấy ly rượu nếp ngọt ngây mà say lúc nào không biết.
Rồi nhớ những khi mặt trời xuống lưng chừng con sóng cả đám tụm lại đào cát chôn nhau, không thì tìm đôi nào mải mê tâm sự rồi câu dép mà giấu đi. Nghịch ngợm nhưng ít ra cũng có nhiều kỷ niệm nhớ đời. Vậy đó, giờ lớn rồi, mọi thứ cũng thay đổi. Mình ngồi một mình nhìn xuống bãi biển đang ngả màu hoàng hôn... lặng buồn nghĩ về những điều đã cũ.
Sắp hết ngày khi những con đường dọc bờ biển lên đèn, thành phố trẻ cũng vội thay áo mát mẻ xuống phố. Mình cứ ngỡ một góc đường Đồng Khởi - quận 1 của Sài Gòn được ai đó mang về Tuy Hòa, khéo léo giăng ngang những đôi mắt ngạc nhiên và môi mấp máy khen "Ôi... đẹp!". Góc đường Lê Lợi chỗ nhà mình hôm nay cũng được xa xỉ diện màu xanh, đỏ, trắng... chớp nhoáng liên tục. Mình tần ngần bên đường ngắm mãi...
Góc lề đường bên kia, quán bánh canh đêm như cũng ăn theo đôi chút khi cô bán hàng tặc lưỡi: "Vào ăn bánh canh đi con, vừa ăn vừa ngắm. Người ta giăng lên mấy ngày rồi đấy...". Mình chẳng nỡ chối từ, ấy vậy mới biết được đi xa, về lại Tuy Hòa vẫn thấy vị đậm đà, vừa miệng, ngay cả ớt cay cũng thấy ngon hơn xứ người. Chợt nghe lòng ấm lạ...
Mình nhận ra mình yêu quê hơn cả. Nó mộc mạc, giản dị như con người nơi đây đến cả tiếng nói địa phương cũng chả lẫn vào đâu được. Bởi thế, dù đi đâu, ở đâu xa xôi, vô tình nghe ai đó nói "Dìa Ty Quà uống càee... phơ... đé..é é..." (Về Tuy Hòa uống cà phê đá) là không quen biết cũng nhoẻn miệng cười bởi biết ngay người ấy "Made in Tuy Hòa" rồi.
Nói vậy cũng đủ biết ai cũng có một quê hương để trở về cho dù nơi ấy không hào nhoáng, không rực rỡ. Thậm chí người người ra đi đến những miền xa cố mong tìm cho mình một cuộc đời mới nhưng mình tin trong họ vẫn luôn có những khoảng lặng thân yêu dành cho mảnh đất từng sinh ra và lớn lên. Riêng với mình, hôm nay Tuy Hòa không chỉ là nơi về mà còn có cả những tình cảm rất thiêng liêng của gia đình, bạn bè, anh em... và cả những người dưng "xứ nẫu".
Mỗi sáng, mình vẫn quen nghe tiếng càu nhàu của ba mình réo gọi: "Con gái gì ngủ nướng thế, sau này mà có chồng chắc nó rượt chạy không kịp". Mình cũng ráng hé mắt nhìn đồng hồ mới gần 6 giờ. Mẹ mình lúc nào cũng quen đi chợ sáng 4 giờ rưỡi. Mẹ nói lúc đó người ta mới bày bán, hàng nào cũng tươi xanh. Có lần mình cũng ráng dậy sớm theo mẹ ra chợ. Tờ mờ sáng, chợ vẫn còn thắp đèn, tiếng mấy cô hàng thịt nghe chan chát đi kèm tiếng dao đều tay mời gọi không ngớt. Nếu ở Sài Gòn, giờ ấy mình vẫn còn vùi chăn ngủ quên trời đất.
Nhà mình ít người, ba mẹ sinh mỗi hai chị em. Khi xưa còn nhỏ cũng hay chành chọe nhau. Giờ lớn, đi xa mới thấy thương nhiều cái thời mặc chung đồ, chơi chung một con ốc ba cho mà giành giật nhau ỏm tỏi. Giờ em gái mình đã lấy chồng, có con bồng bế. Mình lên chức dì hai nghe vừa lạ, vừa vui. Nhà mình thêm một đứa cháu mười mấy ngày tuổi, miệng chép chép liên tục, nhìn thương không chịu được. Mỗi lần lên xe trở vào thành phố, mình lại thấy thương những điều bình dị ấy, xa lâu lại nhớ nhiều dù cũng có khi tình yêu thương không trọn vẹn.
Dẫu có những bôn ba ngược xuôi nhưng mình tin quê mình sẽ còn đổi khác, đẹp hơn với những tình cảm và giá trị tốt đẹp của mỗi người. Nơi đó có gia đình chở che mình khi va vấp trên đường đời, có những con đường nhỏ chở yêu thương dọc khắp mỗi chân trời sẽ đi qua. Sau này, sẽ có nhiều người tứ phương ghé Tuy Hòa và biết đâu "một nửa" của mình cũng sẽ đến đó. Mình sẵn sàng nắm tay người ấy và tự hào nói rằng "Đến Tuy Hòa quê em rồi đó...".
Theo Ngoisao
Lời xin lỗi muộn màng Cũng như bao người con gái khác, tôi đã quen anh và yêu anh với một tình yêu trong sáng của một người con gái tuổi 19 đầy mơ mộng vào tương lai đang chờ phía trước. Anh trên tôi bốn tuổi, anh chững chạc hơn tôi rất nhiều. Anh và tôi ở cùng chung một xóm nhỏ, hàng ngày tôi đi học,...