Hạnh phúc muộn của tử tù bị “lãng quên”
“Tôi không dám hứa sẽ mang lại cho vợ cuộc sống giàu sang, sung túc nhưng tôi đảm bảo cho vợ cuộc sống bình yên”, tử tù bị lãng quên Đặng Văn Thế nói.
Mấy hôm nay, căn nhà của ông bà Đặng Văn Sửu (xóm 7, Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An) tấp nập hẳn lên. Ông Sửu, gần 90 tuổi, chống gậy đi qua đi lại, bắt tay người này, đáp lời người kia. Có lẽ, đây là ngày vui thứ 3 trong đời ông, kể từ lần con trai ông – Đặng Văn Thế (SN 1974) được ân giảm từ tử hình xuống chung thân vào năm 2009 và lần Thế mãn hạn tù, trở về gia đình vào tháng 6/2016. Hôm nay, con trai ông – tử tù bị lãng quên Đặng Văn Thế – lấy vợ.
Đám cưới của “tử tù bị lãng quên” Đặng Văn Thế diễn ra trong sự chúc phúc của nhiều người thân, bạn bè.
Đây có lẽ là đám cưới đặc biệt nhất vùng quê này, bởi lẽ chú rể có thể đã là người thiên cổ cách đây gần 20 năm. Đặc biệt bởi đám cưới của một người từng mang án tử, giảm xuống chung thân rồi tù có thời hạn lại có rất nhiều cán bộ quản giáo từ các trại giam tới dự.
Tử tù bị “lãng quên”
Năm 1997, Đặng Văn Thế bị Công an bắt giữ khi cùng Nguyễn Tất Dũng vận chuyển 20 kg thuốc phiện. Phiên tòa mở năm 1998, cả Thế và Dũng đều bị tuyên án tử hình. Năm 1999, Nguyễn Tất Dũng bị đưa đi thi hành án còn Đặng Văn Thế trở thành tử tù có số phận kỳ lạ bậc nhất lịch sử tố tụng Việt Nam khi bị “lãng quên” đến gần 11 năm trời trong phòng biệt giam.
Cuộc sống trong phòng biệt giam, chờ ngày trả án của Thế kéo dài đúng 4.320 ngày mà nói như Thế là “vắt qua hai thế kỷ”. Thế rơi vào sự cùng quẫn của sự tuyệt vọng khi người vợ mới cưới chìa lá đơn li hôn khi vào thăm chồng. Chính trong những tháng ngày tưởng chừng cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, Thế nhận được nhiều tình cảm và sự quan tâm của các cán bộ quản giáo, Ban giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An.
Hạnh phúc muộn mằn của người đã từng phải trải qua hai bản án tử hình, 1 bản án của pháp luật và 1 “bản án” của người vợ cũ khi tưởng chồng mình sẽ bị tử hình.
Cán bộ Lê Văn Tài mang cho Tài mấy con chim, con mèo. Con mèo mà Thế đặt tên là Mương ấy, sau này sinh mấy đàn con, Thế nghiễm nhiên lên chức “ông”. Câu chuyện về cha – con – ông – cháu tử tù Đặng Văn Thế trở thành đề tài “ nóng hổi” trên báo chí thời đó, về một người tử tù không ngừng hi vọng, tin tưởng và yêu thương.
Video đang HOT
Như một cơ duyên, câu chuyện về tử tù bị lãng quên gần 11 năm trong phòng biệt giam được Giám thị Trại tạm giam công an tỉnh Nghệ An lúc đó là Đại tá Nguyễn Duy Tỵ và bà Bùi Thu Hương – Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An “phát hiện” ra.
Trường hợp của tử tù Đặng Văn Thế được báo cáo ra Bộ Công an, Viện KSND tối cao. Như một phép màu, tháng 6/2009, Đặng Văn Thế được Chủ tịch Nước ân xá từ tử hình xuống chung thân.
Thế được “xuống xiềng”, chuyển đến Trại giam số 6 thi hành bản án tù chung thân. Nhờ nỗ lực không mệt mỏi trong lao động, cải tạo, Thế được giảm xuống tù có thời hạn rồi được đặc xá ra tù vào tháng 6/2016.
Hạnh phúc đến muộn
Đặng Văn Thế ôm chầm cán bộ quản giáo Lê Văn Tài trong ngày vui của mình
Còn nhớ, khi mới ra tù, Đặng Văn Thế tâm sự, anh ao ước tìm được một người đủ bao dung với quá khứ, bầu bạn với anh trong quãng đời còn lại. Và rồi, người con gái ấy đã đến, đủ bản lĩnh, bao dung, yêu thương và nguyện gắn bó với anh – người đã có cả một quãng đời đầy bóng tối nhưng luôn hướng về ánh sáng để sống tiếp.
Cô dâu hôm nay là Đào Thị Hiệp, sinh năm 1984, ở xóm bên cạnh. Tiếng là hàng xóm nhưng Hiệp lớn lên thì Thế hết chuyển từ buồng biệt giam đến nhà tù khác nên có biết nhau đâu. Thông qua bạn bè giới thiệu, quen nhau, thế là yêu thôi.
Quá khứ của Thế có lẽ đất Mỹ Sơn này không ai không biết. Đào Thị Hiệp cũng thế nhưng cô gái này đã gạt quá khứ qua một bên, quyết định gắn bó với Thế. “Em nghĩ, tương lai mới là điều quan trọng”, Hiệp tâm sự trong ngày cưới.
Các cán bộ quản giáo cũ đến chúc mừng Thế trong ngày cưới.
Đám cưới của Thế có rất đông cán bộ quản giáo đến dự. Thượng tá Lê Văn Tài, nguyên cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, người đã tặng thế con mèo Mương để bầu bạn những ngày đầu ở phòng biệt giam cũng có mặt. Thế vẫn gọi quản giáo Tài bằng thầy, xưng con, vẫn luôn dành cho ông và những quản giáo đã động viên anh suốt những năm tháng đối mặt với cái chết lòng biết ơn và kính trọng.
“Hơn 35 năm làm quản giáo, Đặng Văn Thế là tử tù quá đặc biệt với tôi. Thế được như ngày hôm nay, thực lòng tôi rất mừng cho Thế. Ai cũng có sai lầm, quan trọng là từ sai lầm đó, biết đứng dậy để sống tốt hơn”, người quản giáo ngày trước cười hiền, uống cạn chén rượu chúc mừng tử tù đặc biệt của mình.
Thiếu tá Nguyễn Văn Quỳnh – cán bộ Trại giam số 6 (Bộ Công an) cũng có mặt, thay Thế tiếp đón khách khứa. “Ngày Thế chuyển đến Trại giam số 6 để thi hành bản án chung thân, tôi đã nhận thấy đây là một người tù đặc biệt. Thế ngoan, nghe lời, làm được việc, nỗ lực không ngừng nghỉ cho đến khi được đặc xá. Thế là đứa có bản lĩnh, sống tình nghĩa”, Thiếu tá Quỳnh tâm sự.
Đặng Văn Thế xúc động trước tình cảm và sự tin yêu mà cán bộ quản giáo, gia đình, bạn bè và cả những người không quen biết dành cho anh.
“Anh mang nợ ân tình của nhiều người nên tự hứa với lòng phải sống tốt, để không phụ lòng tin và yêu thương của mọi người đã dành cho anh. Với vợ, anh không dám hứa sẽ dành cho cô ấy cuộc sống giàu sang, sung túc nhưng anh đảm bảo sẽ cho cô ấy cuộc sống bình yên”, đôi mắt Thế “xiềng” đỏ hoe.
Sau khi mãn hạn tù, Thế kiếm sống bằng nghề phụ xe tuyến Vinh, Hà Nội. Mới đây, Đặng Văn Thế được một công ty vận tải tiếp nhận, phân công làm đại diện ở hai huyện miền núi Tương Dương và Kỳ Sơn. Thế bảo, anh sẽ cố gắng để chăm lo cho gia đình nhỏ của mình, để giữ lấy hạnh phúc, dẫu nó đến với anh rất muộn…
Hoàng Lam
Theo Dantri
Tết ấm áp cho những người từng lầm lỡ
Với mong muốn các phạm nhân được đón Tết trong không khí đầm ấm, giảm bớt mặc cảm tội lỗi và sớm hòa nhập cộng đồng, trại giam Đắk P'Lao đã tổ chức nhiều hoạt động giúp hơn 1000 phạm nhân yên tâm ăn Tết Đinh Dậu.
Từ chiều 24/1, Trại giam Đắk P'Lao (Tổng cục VIII, Bộ công an) tổ chức cho các phạm nhân đang cải tạo tại đây gói bánh chưng, bánh tét, luyện tập văn nghệ... chuẩn bị cho đêm giao thừa và những ngày nghỉ Tết sắp tới. Theo kế hoạch, đến ngày 29 tháng chạp, cán bộ quản giáo sẽ tổ chức cấp phát cho mỗi phạm nhân 1 cặp bánh chưng, bánh tét, trà, bánh kẹo và nước giải khát. Đối với những phạm nhân từ trước đến nay không có người thăm nuôi, giám thị sẽ tới tận phòng để tặng quà và động viên tinh thần.
Các phạm nhân và cán bộ trại giam chuẩn bị bánh chưng, bánh tét đón tết
Đại úy Dương Thiết Nghị, Đội trưởng Đội Giáo dục - hồ sơ, Trại giam Đắk P'Lao cho biết, đây là năm thứ 4 trại giam này tổ chức cho các phạm nhân đón Tết trong trại. Năm nay, các phạm nhân sẽ ăn Tết 7 ngày, hưởng các chế độ theo đúng quy định của pháp luật. Để các phạm nhân yên tâm cải tạo, tâm lý ổn định cũng như vơi bớt nỗi nhớ nhà, từ ngày 29 tháng chạp đến ngày 4 tháng giêng, trại giam sẽ tổ chức nhiều hoạt động như: múa lân, thi văn nghệ, thi thể thao và nhiều hoạt động khác.
Là phạm nhân có 3 năm đón Tết trong trại, anh Nguyễn Công Lợi xúc động: "Năm hết Tết đến ai cũng muốn về với gia đình vợ con, nhưng đây là cái giá phải trả khi sa chân vào con đường tội lỗi. Ba năm nay, anh em đang chấp hành án tại đây được trại giam tổ chức đón Tết nên cũng bớt tủi thân, nhớ nhà, chỉ còn một năm nữa, tôi sẽ được ra trại, nên có lẽ đây là cái Tết ý nghĩa nhất của tôi".
Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, Ban giám thị trại giam cũng họp và chỉ đạo các cán bộ chiến sĩ tăng cường giám sát chặt chẽ các hoạt động đồng thời đả thông tư tưởng cho các phạm nhân, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi hành vi móc nối với kẻ xấu trong và ngoài trại giam, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự.
Ngoài chế độ ăn có giá trị gấp 5 lần ngày thường, mỗi phạm nhân còn được 1 cặp bánh chưng, bánh tét và bánh kẹo
Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Phó giám thị Trại giam Đắk P'Lao nhấn mạnh: "Việc tổ chức cho các phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam được đón Tết cổ truyền nằm trong chương trình công tác giáo dục phạm nhân hàng năm của trại. Đây là hoạt động nhằm cảm hóa những con người từng lầm lỡ, để phạm nhân yên tâm học tập cải tạo. Hoạt động cũng nhằm tăng cường tình đoàn kết giữa cán bộ trại giam và phạm nhân".
Ban giám thị trại giam tổ chức tặng quà cho các gia đình khó khăn trên địa bàn huyện Đắk G'Long
Được biết, ngoài việc tổ chức cho các cán bộ và phạm nhân đón Tết, trại giam Đắk P'Lao còn quyết định tăng thêm số lần gặp mặt giữa phạm nhân và gia đình lên 4 lần (so với quy định 2 lần của ngày thường). Bên cạnh đó, Ban giám thị trại giam cũng tổ chức trao 45 suất quà cho các gia đình khó khăn trên địa bàn huyện Đắk G'Long, nơi trại giam đóng chân.
Dương Phong
Theo Dantri
Bố không đợi được con đến ngày về Họ đều đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm" và chỉ còn trông vào con cái lúc xế chiều nhưng đứa con họ rứt ruột đẻ ra lại vướng vòng lao lý. Những ước muốn nhỏ nhoi của họ như được gặp con khi lìa trần hay có đứa cháu để cất tiếng ru ầu ơ giờ đã trở thành ảo vọng... Nguyễn...