Hành lang an toàn giao thông đường bộ: Vi phạm chất chồng, xử lý đùn đẩy
Vi phạm hành lang đường bộ là một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông. Từ năm 2007, Chính phủ đã có kế hoạch lập lại trật tự, tuy nhiên, vi phạm vẫn xảy ra, trong khi, xử lý chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm.
Vỉa hè đường Đê La Thành từ lâu đã bị các hộ kinh doanh “trưng dụng”,
không còn chỗ dành cho người đi bộ
Đô thị hóa đường bộ
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) cho biết, mạng lưới đường bộ nước ta hiện có tổng chiều dài gần 280.000km, gồm đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị… Do hệ thống đường bộ được xây dựng qua nhiều thời kỳ lịch sử nên có tiêu chuẩn và quy mô khác nhau, số lượng cầu yếu, tải trọng thấp còn nhiều. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ngày càng gia tăng cả về số lượng và chủng loại, nhất là xe tải trọng lớn. Trong năm 2011, toàn quốc đăng ký mới hơn 160.000 xe ô tô, gần 2,5 triệu xe mô tô, nâng tổng số phương tiện đã đăng ký lên hơn 35 triệu xe. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng TCĐB nhận định, lưu lượng và tải trọng xe tham gia giao thông đã vượt quá xa lưu lượng và tải trọng xe thiết kế của đường, kéo theo các vấn đề liên quan như xung đột, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.
Trong khi đó, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ (HLATGT) ngày càng đa dạng, phức tạp. Những vi phạm phổ biến như lấn chiếm, xây dựng trái phép các công trình nhà ở, lều quán, đấu nối trái phép vào quốc lộ; ngoài ra phải kể đến tình trạng xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư, khu kinh tế – dịch vụ bám dọc các tuyến đường bộ. Hậu quả dẫn đến tình trạng đô thị hóa các tuyến đường, phá vỡ quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, phá vỡ các chỉ tiêu kỹ thuật ban đầu, tạo ra các xung đột bất ngờ, làm phức tạp tổ chức giao thông, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. “Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng số vụ tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, giảm năng lực khai thác của tuyến đường”, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết.
Riêng năm 2011, cả nước xảy ra 1.730 vụ vi phạm. Theo báo cáo của 4 Khu và 32 Sở GTVT, rà soát, thống kê phân loại các trường hợp vi phạm cần giải tỏa là hơn 440.000m2 nhà vĩnh cửu, gần 1.400m2 nhà cấp IV, hơn 1 triệu mét vuông ki ốt, mái che các loại….
Buông lỏng xử lý
Dù năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có kế hoạch giải tỏa vi phạm trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng đường bộ, nhưng vi phạm cũ đến nay vẫn chưa được xử lý, chưa kể còn gia tăng mới. Ông Nguyễn Văn Quyền đánh giá: “Chính quyền địa phương chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc khai thác sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ, quy hoạch chồng chéo hoặc không thực hiện đúng quy hoạch”. Ví dụ một số địa phương cho phép chuyển đất nông nghiệp thành đất ở, kinh doanh, xây dựng công trình trong hành lang đường bộ; tại nhiều địa phương, Bộ GTVT đã xây dựng tuyến tránh đô thị, nhưng chính quyền sở tại lại tiếp tục cấp đất dọc hai bên đường và quy hoạch tuyến tránh thành đường đô thị… Mặt khác, do lịch sử để lại, còn tồn tại nhiều công trình nằm trong chỉ giới này, được xây dựng trên đất thổ cư, đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các công trình này cần phải giải tỏa nhưng chưa thực hiện vì thiếu kinh phí đền bù. Đây là vướng mắc lớn, gây khó khăn trong quản lý và xử lý.
Ngoài ra, việc xử lý vi phạm còn nhiều bất cập, Thanh tra Tổng cục thì không có thẩm quyền, chính quyền địa phương các cấp thì vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội buông lỏng xử lý vi phạm. “Mỗi lần chuyển hồ sơ vi phạm về các Sở GTVT mất đến cả tháng để thẩm định hồ sơ dẫn đến thời hiệu ra quyết định xử phạt đã hết. Phần lớn hồ sơ vi phạm chuyển cho chính quyền địa phương để ra quyết định xử lý thì hầu như họ chỉ chấp thuận tiếp nhận hồ sơ cho đúng thủ tục, vì thế, các vụ việc vi phạm cứ lưu cữu”, ông Nguyễn Văn Quyền nói. Thậm chí, một số địa phương từ chối tiếp nhận biên bản vi phạm và ra quyết định cưỡng chế vi phạm với lý do thuộc thẩm quyền cấp Bộ, Sở GTVT. Nhưng một số Sở khi nhận được đề nghị xử phạt lại trả lời, thẩm quyền này thuộc chính quyền địa phương. Những tồn tại bất cập trong văn bản, sự né tránh trách nhiệm của chính quyền cơ sở khiến hành lang đường vẫn đang bị “xẻ thịt”.
Theo ANTD