Hành khách có thể đã chết ngạt trước khi MH370 lao xuống biển
Kết luận nói trên được đưa ra sau khi so sánh điều kiện trên chuyến bay mất tích với các thảm họa trước đó.
Reuters ngày 27/6 dẫn báo cáo mới nhất được các quan chức Australia công bố cho hay, hành khách và phi hành đoàn trên chiếc MH370 nhiều khả năng chết vì ngạt thở trước khi chiếc máy bay lao xuống đại dương khi đang trong chế độ lái tự động.
Mọi nỗ lực tìm kiếm MH370 hiện vẫn chưa thu được kết quả (Ảnh: mirror)
Trong một bản báo cáo dài 55 trang do Cơ quan An toàn Giao thông Úc (ATSB) công bố hôm 26/6, cơ quan này đã đưa ra kết luận nói trên sau khi so sánh điều kiện trên chuyến bay mất tích với các thảm họa trước đó.
Bản báo cáo của ATSB cho hay: “Dựa trên việc phân tích lộ trình của MH370, rất có thể hành khách và thành viên phi hành đoàn đã rơi vào tình trạng thiếu oxy khi chiếc máy bay đi đến cuối hành trình về phía Nam Ấn Độ Dương”.
Theo các quan chức Australia, cùng với việc xác định khả năng lớn nhất là MH370 bay về phía Nam Ấn Độ Dương trên một lộ trình bay ổn định, rất có thể MH370 đã rơi ở khu vực xa hơn về phía Nam so với khu vực từng tìm kiếm trước đây.
Video đang HOT
Bản báo cáo nói trên được đưa ra sau hơn 100 ngày kể từ khi chiếc Boeing 777-200 chở 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn biến mất đầy bí ẩn khi đang trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh hôm 8/3.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Australia Warren Truss cũng cho hay, chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines đã ở chế độ “bay tự động” trước khi nó đâm xuống biển.
“Nhiều khả năng máy bay đã ở trong chế độ tự động, nếu không, nó đã không thể đi theo một lộ trình có trật tự như vậy,” ông Truss nói với các phóng viên.
Ông Warren Truss cho biết, cuộc tìm kiếm mới sẽ dịch chuyển xa hơn về phía Nam trên Ấn Độ Dương, dọc theo một hành lang hẹp được xem là điểm kết thúc trong hành trình đầy bí ẩn của chiếc máy bay.
Trên thực tế, cuộc tìm kiếm đã thu hẹp trong tháng 4/2014, sau khi người ta ghi nhận hàng loạt tín hiệu ping, được cho là phát ra từ hộp đen của máy bay. Tuy nhiên, một tháng sau đó, cơ quan điều tra thừa nhận không tìm thấy xác chiếc máy bay trong khu vực tìm kiếm và phạm vi tìm kiếm lại được mở rộng.
Hai con tàu, một của Trung Quốc và một thuộc của Hà Lan, đang vẽ bản đồ đáy biển dọc theo khu vực trên, với độ sâu ở một số khu vực lên đến hơn 5.000m. Theo kế hoạch, giai đoạn tìm kiếm tiếp theo sẽ bắt đầu từ tháng 8/2014, có thể kéo dài khoảng một năm, với diện tích tìm kiếm khoảng 60.000 km2 và tốn kém khoảng 56 triệu USD./.
Theo VOV
Không manh mối, đội tìm kiếm vẫn quyết mò MH370
Sau 61 ngày tích cực tìm kiếm MH370 nhưng công cốc, Malaysia, Trung Quốc và Australia vẫn quyết "mò" máy bay Malaysia mất tích này dưới đáy biển sâu dù tốn kém và khó khăn hơn nhiều.
Đến lúc này, các nhà chức trách của cả ba nước đều đã đánh giá lại tất cả những thông tin họ thu thập được về MH370. Họ cũng xác định cần đến những công cụ nào để thực hiện bước tìm kiếm mới sâu hơn, rộng hơn dưới lòng Ấn Độ Dương.
Các chiến dịch tìm kiếm MH370 vẫn tiếp tục ở Ấn Độ Dương dù không có bằng chứng. (Ảnh: CNN)
Australia ước tính giai đoạn mới sẽ tốn khoảng 60 triệu USD. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất sẽ là rà soát một vùng biển xa không thuộc đặc quyền của nước nào. Yếu tố chính của giai đoạn mới sẽ là vạch bản đồ chi tiết đáy đại dương.
"Chúng tôi biết rõ vùng biển này cực sâu", hãng tin CNN dẫn lời Phó Thủ tướng Australia Warren Truss. "Và giai đoạn tiếp theo sẽ bao gồm các phương tiện siêu âm và tự động, có thể ở độ sâu rất lớn, và chúng tôi cần phải hiểu rõ về lòng đại dương để có thể thực hiện chiến dịch tìm kiếm an toàn và hiệu quả".
CNN cho biết, giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung vào một diện tích 60.000 km2 dưới lòng biển, một tiến tình có thể mất từ 6 đến 8 tháng. Phó Thủ tướng Truss thừa nhận ông không chắc đại dương sâu bao nhiêu ở khu vực này bởi nó chưa từng được bản đồ hóa.
Hy vọng tìm thấy MH370 của người nhà các nạn nhân đang mờ dần. (Ảnh: AP)
Ngoài các thiết bị mới có tính đặc dụng cao được triển khai tìm kiếm, tàu lặn không người lái Bluefin-21 cũng vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình. Đến nay, Bluefin-21 đã rà quét được 400 km2 dưới đáy Ấn Độ Dương nhưng chưa thu được kết quả nào. Mỹ đã cho phép sử dụng con tàu này thêm một tháng nữa. Chi phí hoạt động của nó vào hoảng 40.000 USD/ngày.
Máy bay mất tích mang số hiệu MH370 là của Malaysia Airlines. Nó biến khỏi màn hình radar sớm ngày 8/3 khi chở 239 người từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh.
Mỗi ngày qua đi, hy vọng tìm thấy máy bay của thân nhân những người có mặt trên MH370 lại mờ nhạt thêm. Nhiều người tin rằng sự mất tích của chiếc Boeing 777 này sẽ mãi mãi là một bí ẩn và đa số tin không còn ai trên đó sống sót.
Thanh Hảo
Theo_VietNamNet
Nỗ lực 'khủng' tìm MH370 thành 'công cốc' Tờ Independent của Anh cho hay sau gần hai tháng kể từ khi máy bay MH370 của Malaysia mất tích ngày 8/3, mọi nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay này không cho ra kết quả khả quan nào. Cuộc tìm kiếm máy bay tốn kém nhất trong lịch sử đã không phát hiện ra dấu tích của chiếc Boeing 777 của Hãng...