Hành động xây đắp đảo của Trung Quốc đe doạ cuộc sống của người Việt
Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc Trung Quốc tiến hành xây đắp với quy mô lớn tại Trường Sa, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân.
Khái quát lại hành trình hơn 1 tháng của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nhận định khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng đã hoàn thành. Đây là thời điểm phù hợp để Quốc hội có những nhận định, đánh giá về tình hình đất nước những năm qua, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, ban hành luật pháp và quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh quan trọng khác.
Điểm lại việc xem xét kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2015, Chủ tịch Quốc hội thể hiện sự vui mừng vì tình hình đất nước có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, đời sống của nhân dân được cải thiện, quốc phòng – an ninh được bảo đảm, tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế có những kết quả nổi bật…
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh bối cảnh chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc Trung Quốc tiến hành xây đắp với quy mô lớn tại các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân và hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông để thấy những nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển đã được dự báo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Bối cảnh phức tạp trên Biển Đông cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển đã được dự báo” (ảnh: Việt Hưng).
Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, nâng cao hiệu quả, chất lượng, sức cạnh tranh của kinh tế nước nhà, giữ vững đà tăng trưởng, thực hiện thành công tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình kinh tế; mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, kiên quyết đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Về hoạt động lập pháp, Chủ tịch Quốc hội liệt kê nhiều luật, Bộ luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua hoặc cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này. Trong đó, các luật định hướng cải cách tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân như Bộ luật Dân sự, Hình sự sửa đổi, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Hình sự, Hành chính, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tạm giam tạm giữ, Luật trưng cầu ý dân… đã được dành sự quan tâm thích đáng.
Video đang HOT
Đề cập đến mục tiêu bảo đảm chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động, Chủ tịch Quốc hội đề cập việc ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, thể theo nguyện vọng của người lao động. Nghị quyết xác định người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; trường hợp người lao động có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần, tạo điều kiện để người lao động được lựa chọn phù hợp.
Về hoạt động giám sát tối cao, Chủ tịch Quốc hội nói về chuyên đề giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về vấn đề này, ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo chuyển biến căn bản, không để xảy ra oan, sai và bồi thường cho người bị thiệt hại trong tố tụng hình sự.
Về nhiệm vụ quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc thận trọng và tiếp tục khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
“Quốc hội coi đây là dự án quan trọng đặc biệt quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng động lực phát triển phía Nam và cả nước. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo khả thi, tiến hành các công việc cần thiết để triển khai dự án và hàng năm báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại kỳ họp thứ 9, theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã thảo luận, cân nhắc một cách thận trọng và quyết định bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, quyết định này khẳng định sự nghiêm khắc, công minh của Quốc hội khi xem xét tư cách đại biểu Quốc hội, là yêu cầu về sự phấn đấu, rèn luyện để đại biểu Quốc hội luôn xứng đáng với niềm tin và sự tín nhiệm của cử tri và của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội “chốt” lại phần phát biểu bế mạc kỳ họp với đánh giá, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thành công, để lại niềm tin, ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào, cử tri cả nước về một kỳ họp hợp lòng dân, sôi động, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và đổi mới. Sau kỳ họp này, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội kịp thời gặp gỡ, báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri để luôn có tiếng nói đại diện cho quyền lợi của cử tri vào các quyết định của Quốc hội”.
P.Thảo
Theo Dantri
Chánh án Trương Hoà Bình nói về những nghi án oan đang được "xét lại"
Báo cáo của Chánh án TAND tối cao Trương Hoà Bình gửi tới UB Thường vụ Quốc hội trước phần đăng đàn trả lời chất vấn sáng 13/3 khẳng định, trong 3 năm 2011-2014 chỉ có 1 người bị kết án sau đó được tuyên vô tội. Các nghi án... oan khác đều từ các khoá trước...
Chánh án Trương Hoà Bình quả quyết, những năm qua, công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án nói chung và giải quyết, xét xử các vụ án hình sự nói riêng tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án được đảm bảo và có những tiến bộ nhất định.
Tỷ lệ các bản án, quyết định hình sự bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án thời gian qua luôn ở mức thấp và giảm so với các năm trước. Chánh án Trương Hoà Bình dẫn số liệu thống kê chứng minh, trong các năm 2011-2014, tỷ lệ án hình sự bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán lần lượt là: 0,8% (năm 2011), 0,6% (năm 2012), 0,7% (năm 2013) và 0,6% (năm 2014). Với án dân sự, án hành chính, tỷ lệ này cao hơn (2 và 6%).
Chánh án TAND tối cao Trương Hoà Bình: Đang tiếp tục xem xét 11/35 trường hợp người bị án tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình có đơn kêu oan.
Người đứng đầu cơ quan xét xử khái quát: "Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội".
Chánh án tối cao tiếp tục dẫn chứng, trong 3 năm (2012 - 2014) chỉ có 1 trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và tuyên bố bị cáo không phạm tội.
Ngoài ra, có 6 trường hợp toà cấp sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội, toà phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại và sau đó cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, với các trường hợp này, các Tòa án đang kiến nghị liên ngành xem xét lại căn cứ đình chỉ để phục hồi điều tra cũng như xác định trách nhiệm của cơ quan phải bồi thường.
Chánh án Trương Hoà Bình cũng trình bày thêm, sau phiên chất vấn về án oan tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 (tháng 11/2013), TAND tối cao đã tham gia tổ công tác liên ngành xem xét một số vụ án có đơn kêu oan gửi các cơ quan trung ương.
Cụ thể, các cơ quan đã thụ lý xem xét 35 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII này có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình (chiếm 1,6% số bị cáo có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình trong 03 năm 2012, 2013 và 2014). Trong số 35 trường hợp đó, cơ quan tố tụng đã xem xét, giải quyết 24 trường hợp.
Ông Bình khẳng định, thông qua kết quả giải quyết cho thấy về cơ bản, việc xét xử của Tòa án là đúng pháp luật (có 21 trường hợp đã trả lời không có căn cứ kháng nghị). Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã kháng nghị để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm 3 trường hợp để làm rõ thêm các căn cứ xác định tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.
Đối với 11 trường hợp còn lại, TAND tối cao đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương nghiên cứu, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Chánh án Trương Hoà Bình cũng thông tin, trong năm 2014, TAND tối cao đã xem xét một số vụ án xét xử từ nhiệm kỳ trước, mà bị cáo có đơn kêu oan như vụ án Lê Bá Mai tại Bình Phước bị xét xử về các tội "Giết người" và "Hiếp dâm trẻ em"; vụ án Hồ Duy Hải tại Long An bị xét xử về các tội "Giết người" và "Cướp tài sản"; vụ án Huỳnh Văn Nén tại Bình Thuận bị xét xử về các tội "Giết người", "Cố ý hủy hoại tài sản" và "Cướp tài sản"; vụ án Nguyễn Văn Chưởng tại Hải Phòng bị xét xử về các tội "Giết người" và "Cướp tài sản"...
Từ thực tiễn việc xem xét, giải quyết bồi thường do việc kết án oan người không có tội xảy ra từ các năm trước đây, Chánh án tối cao phân trần, bên cạnh nguyên nhân là do một số Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân còn hạn chế về năng lực, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp, thì việc xét xử các vụ án hình sự chủ yếu được thực hiện theo mô hình xét hỏi, dẫn tới Hội đồng xét xử bị phụ thuộc phần lớn vào các tài liệu chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập. Một số trường hợp, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa kỹ, đánh giá chứng cứ chưa toàn diện, trong khi đó việc tranh tụng chưa thật sự được quan tâm, chưa phát huy hết được vài trò của những người tham gia tố tụng, dẫn đến sai sót trong việc giải quyết vụ án.
Trong số các giải pháp đưa ra để nâng cao hơn chất lượng xét xử, tránh xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, Chánh án Trương Hoà Bình nhấn mạnh việc tăng cường công tác giám sát việc xét xử của toà án cấp trên đối với các toà án cấp dưới. Theo đó, tất cả các vụ án hình sự lớn, trọng điểm dư luận xã hội quan tâm, các vụ án về tham nhũng, các vụ án mà bị cáo bị kết án với mức hình phạt cao nhất, quá trình giải quyết có khiếu nại, tranh chấp kép dài, ông Bình quán triệt, phải được Tòa án chủ động kiểm tra, tự rà soát theo trình tự kiểm tra việc xét xử, không đợi có đơn đề nghị của đương sự thì mới xem xét.
Nói về việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, Chánh án Trương Hoà Bình cho biết đã quán triệt xuống lãnh đạo các cấp toà việc phải đảm bảo các căn cứ theo quy định tại Điều 60 BLHS và hướng dẫn ban hành năm 2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Chánh án TAND tối cao năm 2005 về công tác đấu tranh phòng, chống một số tội phạm hình sự trong tình hình hiện nay và chỉ đạo về tăng cường kiểm tra việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Đối với các vụ án về tham nhũng mà có bị cáo được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ, Chánh án tối cao lưu ý, tòa án đã xét xử phải gửi bản án về TAND tối cao để giám đốc kiểm tra nhằm đảm bảo giám sát chặt chẽ công tác xét xử đối với loại tội phạm này.
P.Thảo
Theo Dantri
455 bị cáo được Toà cấp sơ thẩm cho hưởng án treo sai luật Trong 3 năm (2011-2014), công tác xét xử còn để xảy ra những thiếu sót, sai phạm trong áp dụng, quyết định hình phạt, cho bị cáo hưởng án treo; xảy ra 01 trường hợp kết án oan người vô tội... Theo kết quả giám sát về "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình...