Hàng Việt soán ngôi hàng ngoại trong Tết Qúy Tỵ
Chất lượng hàng hóa tăng, giá cả cạnh tranh, mẫu mã bắt mắt…, hàng nội địa sẽ lấn át các sản phẩm ngoại trong mùa mua sắm cao điểm cuối năm nay.
Hiện nay các sản phẩm tiêu dùng nội địa đã dần dần khẳng định được vị thế, hầu hết các mặt hàng nội địa đã có mặt hầu hết các chợ và hệ thống siêu thị trên toàn quốc.
Tại buổi kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối ngày cuối tuần qua tại TP HCM, 30 hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa nhà phân phối và sản xuất đã được ký kết. Đây được xem là cái bắt tay chặt hơn nữa giữa 2 bên trong việc giúp hàng Việt thống lĩnh thị trường nội địa. Song, chất lượng hàng hóa là tiêu chí quan trọng để giới kinh doanh chấp thuận cho lưu thông sản phẩm ở hệ thống phân phối của mình.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho hay, những đơn vị muốn được bao tiêu sản phẩm phải đáp ứng một số yêu cầu. Cụ thể, hàng hóa phải đạt chuẩn Vietgap. Đây là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt. Nhà vườn phải theo quy trình sản xuất nghiêm ngặt, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra. Ngoài ra, hàng hóa phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đối với trái cây và gia cầm, hiện Saigon Co.op đã ký hợp đồng với 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Tiền Giang. Lâm Đồng sẽ cung cấp rau củ quả tươi, còn Đồng Nai cung ứng các loại gia cầm như gà, vịt. Tiền Giang đưa nhiều loại trái cây vào siêu thị như: xoài, mít, vú sữa, bưởi.
Video đang HOT
Bưởi hồ lô được giới thiệu tại buổi kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối ở TP HCM. Ảnh: Thị Hà.
Hiện nay tại hệ thống siêu thị Co.opmart, 90% đồ dùng gia đình, nông sản thực phẩm được sản xuất trong nước, chỉ một số loại trái cây mà cả vùng Đông Nam Á không sản xuất được như táo, nho là nhập từ nước ngoài.
Đối với cặp sách túi da, ông Trần Bá Dũng, Phó giám đốc Công ty túi xách Hương Mi cho biết, giá thành sản phẩm trong nước đã rẻ hơn 20-30% so với các mặt hàng ngoại nên có tính cạnh tranh cao. Hiện nay sản phẩm cặp học sinh của công ty chiếm 30% thị phần cả nước.
Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Ba Huân chia sẻ, sản phẩm của công ty đã chiếm 30% thị phần cả nước. Công ty đứng vững trước những thông tin trứng Trung Quốc tràn lan trên thị trường nhờ chuỗi cung ứng tốt. Để phân biệt sản phẩm với hàng Trung Quốc thì trên mỗi quả trứng có đều có mã vạch, mỗi hộp sản phẩm đều có logo công ty.
Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM, hiện nay hệ thống phân phối thành phố có 27 trung tâm thương mại, 162 siêu thị, 243 chợ truyền thống và trên 500 cửa hàng tiện lợi. Trong năm vừa qua với chất lượng hàng hóa được cải thiện, giá cả ngày càng cạnh tranh, hàng hóa của Việt Nam đã dần dần chiếm lĩnh thị trường Việt. Đối với mặt hàng bánh kẹo Việt giá thấp hơn ngoại 20-30%. Do vậy, bánh kẹo trong nước đã chiếm 90-95% thị phần tại các hệ thống siêu thị và chợ.
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Kim Thoa, các doanh nghiệp Việt đã dần lấn át các doanh nghiệp ngoại nhờ sáng tạo, cải tiến mẫu mã, giá cả sản phẩm. Khâu chăm sóc khách hàng, chăm chút hình ảnh của hàng nội năm nay tốt hơn nên có thể hàng Việt soán ngôi hàng ngoại trên thị trường vào dịp Tết này.
30 hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa nhà phân phối và sản xuất đã được ký kết tuần qua. Cụ thể: Co.opmart ký kết với khóm cầu Đúc, xoài Cao Lãnh, dưa hấu vàng Cần Thơ; Citimart đã ký đơn vị sản xuất bánh bía, nạp xưởng Tân Huê Viên Sóc Trăng; Big C đã ký được thỏa thuận với Thaimex, bưởi hồ lô Hậu Giang; Công ty miền Nam đã ký bao tiêu toàn bộ heo giống của Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Hậu giang; Lotte Việt Nam đã ký bao tiêu sản phẩm cho trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Đồng Nai…
Theo VNE
Hành, kiệu Tết đã về chợ
Thông tin từ chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (H.Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, hai trong số nhiều mặt hàng cho dịp Tết Nguyên đán là củ hành và củ kiệu đã về chợ này từ nhiều ngày qua, tuy nhiên số lượng còn ít.
Mỗi ngày, lượng củ kiệu về chợ mức khoảng 500 kg, trong khi đó lượng củ hành là vài chục tấn nhưng lượng được tiêu thụ ở mức dưới 10 tấn.
Về giá, củ hành và củ kiệu năm nay có giá bán tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, củ hành Vĩnh Châu giá 25.000 đồng/kg, củ hành Long Hương 30.000 đồng/kg, củ hành Gò Công 27.000-30.000 đồng/kg, củ kiệu Huế 25.000-28.000 đồng/kg và củ kiệu Nha Trang 23.000-25.000 đồng/kg.
Ảnh: Diệp Đức Minh
Theo một số tiểu thương tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, củ kiệu loại nhỏ được tiêu thụ mạnh bởi lượng người có nhu cầu mua về ăn, còn củ kiệu loại lớn thì được những người chuyên làm kiệu bỏ mối cho các chợ bán Tết tìm mua.
Trong các loại củ hành thì củ hành Vĩnh Châu đang được tiêu thụ mạnh nhờ ngon mà giá cũng không quá cao.
Theo TNO
Thưởng Tết ở TP.HCM cao nhất hơn 600 triệu đồng Mức thưởng Tết cao nhất trên địa bàn TP.HCM là hơn 600 triệu đồng (Tết dương lịch 2013) và gần 540 triệu đồng (Tết Nguyên đán Quý Tỵ) thấp nhất là 373.000 đồng (Tết dương lịch) và hơn 2,5 triệu đồng (Tết âm lịch). Chiều nay 28.12, Sở Lao động-Thương binh-Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM, đã công bố thống kê lương, thưởng cuối năm...