Hàng triệu người Bắc Mỹ khốn khổ vì cháy rừng
Hàng triệu người ở Bắc Mỹ đang chật vật sống trong cảnh chất lượng không khí ở mức thấp do các đám cháy rừng đang bùng cháy khắp Canada, gây ra tình trạng sơ tán diện rộng, làm gián đoạn việc đi lại bằng đường hàng không.
Bầu trời thành phố New York (Mỹ) chuyển màu cam vì khói từ các đám cháy rừng tại Canada. Ảnh Reuters.
Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Mỹ ngày 8/6 đã mở rộng các cảnh báo về chất lượng không khí tại khu vực Bờ biển phía Đông từ New England đến Nam Carolina, cũng như một phần các bang gồm Ohio, Indiana và Michigan.
Các quan chức y tế tại hơn 10 bang của Mỹ cũng đã cảnh báo người dân rằng việc dành thời gian ở ngoài trời có thể gây ra các vấn đề về hô hấp do có nhiều các hạt mịn trong khí quyển.
Canada đang trải qua mùa cháy rừng tồi tệ nhất từ trước đến nay, hàng loạt các vụ cháy được báo cáo ở gần như tất cả các tỉnh và vùng lãnh thổ của đất nước kể từ tháng 5.
Hơn 400 đám cháy rừng ở Canada vẫn đang hoành hành, đặc biệt là ở tỉnh Quebec, nơi có khoảng 150 đám cháy được báo cáo tính đến ngày 8/6 và khoảng 13.500 người đã buộc phải sơ tán.
Video đang HOT
Thủ hiến Quebec Francois Legault cho biết rằng tình hình “ổn định” và không có trường hợp tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng nào được báo cáo cho đến nay. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng sẽ mất vài ngày nữa trước khi những người sơ tán có thể về nhà.
Các đám cháy rừng đã khiến bầu trời nhuốm màu cam tại các đô thị lớn của Canada và Mỹ, bao gồm cả thành phố New York, đường chân trời của thành phố vốn rất nổi tiếng lại bị che khuất do khói và sương mù dày đặc.
Trong một khoảng thời gian vào ngày 8/6, không khí của tại New York bị xếp hạng ô nhiễm hơn bất kỳ thành phố lớn nào trên thế giới, đạt mức tổng thể là 178 trên thang của Chỉ số Chất lượng Không khí (AQI).
AQI đo lường 5 chất gây ô nhiễm chính, bao gồm các hạt vật chất do cháy tạo ra và chỉ số trên 100 được phân loại là “không tốt cho sức khỏe” trong khi chỉ số vượt quá 300 là “nguy hiểm”.
Thủ đô Washington DC của Mỹ mờ khói từ các đám cháy rừng. Ảnh Reuters.
Vào sáng 8/6 (giờ địa phương), một số chỉ số đã vượt quá 300 ở khu vực Washington DC, khiến các cơ quan y tế địa phương phải tuyên bố “cảnh báo màu tím” để cảnh báo cư dân về “điều kiện không khí rất không tốt cho sức khỏe” liên quan đến các vụ cháy rừng.
“Khói từ các vụ cháy rừng ở Canada đang khiến chất lượng không khí không tốt cho khu vực Washington DC và vùng đông bắc của Mỹ. Vấn đề này có thể sẽ tiếp tục hoặc trở nên tồi tệ hơn cho đến ngày 9/6,” Thị trưởng Washington DC Muriel Bowser viết trên Twitter.
Các đồng minh trên khắp thế giới đã cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ Canada trong cuộc chiến chống lại thảm hỏa cháy rừng.
Khoảng 4,3 triệu ha rừng đã bị cháy, gấp khoảng 15 lần mức trung bình hàng năm trong thập kỷ qua. Điều kiện ấm áp, khô ráo dự kiến sẽ tiếp tục trong những tháng tới.
Mặc dù cháy rừng phổ biến ở Canada, nhưng việc các đám cháy bùng cháy đồng thời ở phía đông và phía tây như hiện nay là điều bất thường, làm tiêu hao các nguồn lực chữa cháy, buộc chính phủ phải cử quân đội đến trợ giúp và làm dấy lên mối lo ngại về hậu quả ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu.
Mỹ đã cử hàng trăm lính cứu hỏa đến Canada trong vài tuần qua và cho biết họ sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm. Tổng thống Joe Biden, trong một tuyên bố ngày 8/6, cho biết ông đã chỉ đạo chính quyền đáp ứng kịp thời các yêu cầu bổ sung lực lượng cứu hỏa và tài sản dập tắt các đám cháy rừng.
Các nước Nam Phi, Australia và New Zealand cũng đã gửi lực lượng hỗ trợ Canada. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 8/6 cho biết Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng đang gửi hơn 280 lính cứu hỏa đến Canada
Cháy rừng ở Tây Ban Nha khiến hàng trăm người phải sơ tán
Giới chức Tây Ban Nha ngày 19/5 cho biết lực lượng cứu hỏa với sự hỗ trợ của binh sĩ quân đội đang nỗ lực dập tắt một đám cháy rừng đã khiến hàng trăm người dân phải sơ tán ở miền Tây nước này.
Lực lượng cứu hỏa nỗ lực kiểm soát cháy rừng tại Villanueva de Viver, Tây Ban Nha, ngày 28/3/2023. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Đám cháy bùng phát ngày 17/5 gần làng Pinofranqueado ở tỉnh Extremadura dân cư thưa thớt. Nhà chức trách địa phương cho rằng đám cháy bùng phát do hành động "có chủ ý".
Bộ an ninh nội địa Tây Ban Nha cho biết ít nhất 550 người dân ở một số ngôi làng đã phải sơ tán tránh hỏa hoạn. Hơn 275 lính cứu hỏa, trong đó có 165 binh sĩ từ Cơ quan tình trạng khẩn cấp của quân đội Tây Ban Nha (UME), với sự hỗ trợ của 14 máy bay phun nước hoạt động để dập lửa, tuy nhiên gió mạnh khiến việc dập lửa rất khó khăn. UME ước tính đám cháy đã tàn phá 1.500 ha đất.
Trên tài khoản Twitter, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết ông đang theo dõi sát sao diễn biến đám cháy rừng.
Tây Ban Nha đang trải qua đợt hạn hán kéo dài sau 3 năm mưa dưới mức trung bình. Nước này đã hứng chịu nhiều đám cháy rừng trong năm 2023.
Theo Hệ thống thông tin cháy rừng châu Âu, năm 2022 là một năm đặc biệt tồi tệ về cháy rừng tại châu Âu, trong đó Tây Ban Nha là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu lục với gần 500 đám cháy thiêu rụi hơn 300.000 ha đất.
Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng hạn hán dẫn đến những điều kiện lý tưởng cho cháy rừng lan rộng không thể kiểm soát và gây thiệt hại chưa từng thấy về môi trường và vật chất.
Hàng nghìn người phải sơ tán do cháy rừng tại Canada Theo thông báo cập nhật của Chính phủ Canada, hàng nghìn người đã buộc phải sơ tán do các đám cháy rừng tại miền Tây nước này bùng phát trong bối cảnh nhiệt độ cao bất thường, vượt 10 độ C so với nền nhiệt trung bình vào đầu tháng 5. Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy miền Tây và miền...