Hàng trăm tỷ đồng sai phạm ở Từ Liêm chưa được xử lý
Ít ai biết rằng phía sau một bản đề án tách quận “sạch sẽ”, huyện Từ Liêm lại có hàng loạt những sai phạm chấn động với mức thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng… mặc dù hai quận mới đã có quyết định thành lập.
Dính líu nhiều cán bộ lãnh đạo
Ngày 1/4/2014 được xem là thời khắc quan trọng của TP. Hà Nội khi bộ máy hành chính, cơ sở vật chất của hai quận mới là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm chính thức vận hành. Thời điểm này, quyết định thành lập hai quận mới đã được công bố. Tuy nhiên, sau quyết định chưa ráo mực, có một sự thật đã cũ nhưng chấn động, đó là những sai phạm trong công tác giải phóng mặt bằng lên đến hàng trăm tỷ đồng do Thanh tra TP. Hà Nội phát hiện ở huyện này trước ngày tách quận.
Lãnh đạo huyện Từ Liêm (cũ) vẫn chưa làm tròn trách nhiệm trước khi tách quận.
Theo kết luận thanh tra được phát đi hồi giữa năm 2013 của Thanh tra TP. Hà Nội cho thấy rất nhiều sai phạm của các cá nhân, lãnh đạo huyện Từ Liêm trong việc chấp hành pháp luật trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn huyện Từ Liêm trong những năm gần đây.
Kết quả thanh tra chỉ rõ những sai phạm của huyện Từ Liêm trong công tác GPMB từ chi tiền không đúng đối tượng, vượt định mức, xác nhận không đúng về nguồn gốc đất, bồi thường, hỗ trợ về đất sai số lên đến gần 100 tỷ đồng, xin phương án giao đất tái định cư sai quy định đồng thời đề nghị kiểm điểm xử lý hàng loạt cán bộ, trong đó có ông Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, nhiều trưởng, phó phòng ban, chuyên môn…
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, gần như những người có trách nhiệm chính vẫn đang làm ngơ trước những sai phạm chấn động trong GPMB mà Thanh tra TP. Hà Nội phát hiện, đề nghị xử lý trước đó.
Điển hình là Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 32 (đoạn Cầu Diễn – Nhổn) được Bộ trưởng bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1384/QĐ-BGTVT ngày 11/5/2007; phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tại Quyết định số 1925/BGTVT-KHĐT ngày 30/8/2011 với tổng kinh phí là 2.072,64 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách UBND TP. Hà Nội.
Qua kiểm tra công tác bồi thường hỗ trợ (BTHT) và tái định cư (TĐC) dự án, Thanh tra TP. Hà Nội phát hiện những tồn tại, sai phạm của Ban chỉ đạo GPMB thành phố (thay mặt liên ngành) trong việc tham mưu, đề xuất văn bản đặc thù trái với các quy định của Nhà nước trong việc xét giao đất TĐC; của Hội đồng BTHT và TĐC dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 32 (đoạn Cầu Diễn- Nhổn); Trung tâm PTQĐ huyện, Ban BTGPMB huyện, phòng TN và MT huyện trong việc áp dụng chính sách của Nhà nước để lập phương án BTHT sai quy định; UBND các xã, Công an xã Minh Khai, Phú Diễn, thị trấn Cầu Diễn và thanh tra Xây dựng huyện Từ Liêm.
Video đang HOT
Theo đó, trong việc xác định nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất, việc ăn ở tại nơi GPMB của một số hộ dân chưa đúng và đã buông lỏng quản lý trật tự xây dựng để các hộ dân tiếp tục xây nhà trên đất còn lại sau GPMB không đủ điều kiện xây dựng; một số tổ chức cá nhân còn có hành vi làm sai lệch hồ sơ giao đất, xác nhận không đúng về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất,…
Sai nhưng chưa… xử?!
Dẫn nguồn kết luận thanh tra TP. Hà Nội chỉ rõ, phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Chính phủ đã yêu cầu tiến độ hoàn thành dự án Cải tạo, nâng cấp mở rộng quốc lộ 32 (đoạn Cầu Diễn – Nhổn) trong quý III/2010. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra còn 39,24m2 của một hộ dân và gần 2.120 m2 đất do trường đại học Công nghiệp Hà Nội quản lý, sử dụng đã được bồi thường hỗ trợ vẫn chưa GPMB và bàn giao cho các đơn vị có liên quan.
Thanh tra TP. Hà Nội nhấn mạnh, trách nhiệm thuộc Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư dự án, Ban bồi thường GPMB huyện và Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) huyện Từ Liêm.
Thêm vào đó, việc Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư dự án đã tự đề ra chính sách không đúng so với quy định. Trong quá trình đền bù GPMB đường 32, ngoài việc áp dụng các chính sách của Nhà nước, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư dự án đã họp thống nhất hỗ trợ theo đơn giá đất ở cho các hộ sử dụng đất vi phạm Luật Đất đai.
Đó là những trường hợp đất bị thu hồi là đất lưu không đường 32, các hộ tự lấn chiếm, sử dụng và xây dựng nhà trái phép. Từ việc làm trên đã dẫn đến sai phạm nghiêm trọng là hỗ trợ tiền đất không đúng cho 219 hộ, với số tiền là gần 52 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư dự án đã giao đất trái thẩm quyền cho 45 hộ có đất bị thu hồi là đất lưu không đường 32, đất nông nghiệp tự chuyển đổi trước ngày 15/10/1993 được đền bù theo đơn giá đất ở (gồm xã Xuân Phương 9 hộ; xã Phú Diễn 32 hộ; xã Minh Khai 4 hộ), từ đó dẫn đến đền bù không đúng về đất ở với số tiền gần 8,4 tỷ đồng.
Thanh tra TP. Hà Nội nhấn mạnh, tổng số tiền bồi thường hỗ trợ về đất sai này là hơn 60 tỷ đồng và cần phải thu hồi về ngân sách Nhà nước. Đồng thời chỉ rõ, trách nhiệm sai phạm này thuộc UBND huyện Từ Liêm, Hội đồng BTHT và TĐC dự án, Ban BTGPMB huyện.
Trách nhiệm trực tiếp thuộc về lãnh đạo UBND huyện, ông Nguyễn Kim Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện; ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng Ban BTGPMB huyện; bà Nguyễn Thị Nga, Phó GĐ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện; bà Nguyễn Thị Sơn, Trưởng phòng TN và MT huyện và các thành viên khác của hội đồng BTHT và TĐC dự án.
Thế nhưng đến nay, việc xử lý sau kết luận thanh tra vẫn chưa được huyện Từ Liêm (cũ) tiến hành. Những cán bộ bị xác định sai phạm vẫn tại vị và đang chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới khi tách quận. Vậy hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước bị thất thoát ai sẽ chịu trách nhiệm hay mọi việc sẽ lại rơi vào quên lãng khi huyện Từ Liêm biến mất?
Trong một diễn tiến mới nhất có liên quan, Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Đề án số 08-ĐA/TU về việc thành lập tổ chức bộ máy và nhân sự cán bộ chủ chốt của hai quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và 23 phường trực thuộc. Theo đề án, thành ủy yêu cầu nguyên tắc tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ phải tuân thủ đúng pháp luật; bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển; tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế theo chủ trương cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài của hai quận mới. Trong khi đó, dư luận đang hoài nghi về việc lấp liếm sai phạm ở huyện này trước ngày tách quận.
Đề án nhân sự cho hai quận mới cơ bản hoàn tất Dẫn nguồn Đề án 08-ĐA/TU cho thấy, Thành ủy Hà Nội giao cho ban Tổ chức Thành ủy tham mưu với ban Thường vụ trong việc thành lập đảng bộ hai quận mới và đảng bộ của 23 phường, phương án nhân sự, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của hai quận mới theo đúng quy trình, quy định. Huyện ủy Từ Liêm căn cứ tình hình cán bộ hiện tại và cán bộ trong quy hoạch của huyện Từ Liêm báo cáo, tham mưu quá trình triển khai quy trình về công tác cán bộ chủ chốt thuộc diện ban Thường vụ Thành ủy quản lý của hai quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm.
Theo ĐSPL
Hà Nội thêm 2 quận mới Bắc và Nam Từ Liêm
Theo đề án điều chỉnh địa giới hành chính của Từ Liêm (Hà Nội), huyện này sẽ tách ra thành 2 quận với các tên gọi Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm.
Ngày 3/12, hoàn thành lấy ý kiến nhân dân về 2 quận mới
Theo đó, quận Bắc Từ Liêm là phần đất ở phía bắc huyện, bao gồm diện tích trong địa giới hành chính của 9 xã: Thượng Cát, Tây Tựu, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Phú Diễn, Minh Khai, Cổ Nhuế và phần đất thị trấn Cầu Diễn phía Tây sông Nhuệ.
Quận sẽ có quy mô dân số là 319.818 người, với diện tịch 4.335,34ha. Mật độ dân số khoảng 7.377 người/km2.
Dự kiến, quận Bắc Từ Liêm sẽ chia thành 13 phường: Thượng Cát, Tây Tựu, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc 1, Đông Ngạc 2, Xuân Đỉnh 1, Xuân Đỉnh 2, Phú Diễn 1, Phú Diễn 2, Minh Khai, Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2.
Trụ sở làm việc của quận Bắc Từ Liêm được dự kiến tại khu đất nông nghiệp xã Minh Khai với tổng diện tích chừng 20 ha. Trung tâm thể thao văn hóa quận sử dụng khu trung tâm văn hóa hiện có của huyện tại xã Phú Diễn.
Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) đoạn chạy qua huyện Từ Liêm.
Còn quận Nam Từ Liêm sẽ bao gồm toàn bộ phía nam huyện Từ Liêm với các xã: Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ, phần lớn diện tích xã Xuân Phương, một phần thị trấn Cầu Diễn.
Quy mô dân số là 233.490 người, diện tích 3.227,36ha. Mật độ dân số khoảng 7.234 người/km2.
Theo dự kiến, Nam Từ Liêm sẽ bao gồm 10 phường: Mễ Trì, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Phú Đô, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Cầu Diễn, Xuân Phương 1, Xuân Phương 2.
Trụ sở làm việc của quận Nam Từ Liêm sẽ đặt ở khu liên cơ quan rộng 4 ha đã xây dựng hoàn chỉnh của huyện Từ Liêm hiện nay đang sử dụng. Trung tâm thể thao văn hóa quận đã dự kiến chuẩn bị quỹ đất 4ha trong khu đô thị mới Xuân Phương để xây dựng khu trung tâm thể thao văn hóa của quận.
Hiện huyện Từ Liêm hiện có 16 đơn vị hành chính gồm 1 thị trấn Cầu Diễn và 15 xã với tổng diện tích đất tự nhiên là 75,15 km2 và dân số 550.000 người. Đây cũng là khu vực này có tốc độ đô thị hóa cao nhất thành phố, với nhiều trường đại học, cao đẳng và các khu đô thị mới đã hình thành từ nhiều năm nay.
Trước đó, sau đề xuất của Hà Nội, Thường trực Chính phủ đã thống nhất chủ trương cho phép điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm thành 2 quận mới. Đồng thời, yêu cầu thành phố thực hiện các trình tự, thủ tục, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ quyết định.
Mới đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu, UBND huyện Từ Liêm khẩn trương hoàn thành đề án về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường.
Xuân Tùng
Theo_VnMedia
Thủy sản ở Hà Nội an toàn Trả lời báo chí liên quan đến thông tin 98% thủy sản ở Hà Nội nhiễm kim loại nặng đang khiến người dân hoang mang, TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm - Cục An toàn thực phẩm chính thức lên tiếng khẳng định, thông tin này là không chính xác. Thông tin thủy sản tại Hà Nội...