Hàng trăm triệu USD chờ cơ hội đổ vào thị trường địa ốc Việt Nam
Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam năm 2017 thu hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài. Giới chuyên môn cho rằng, với nhiều yếu tố tích cực, lĩnh vực BĐS thời gian tới vẫn nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, năm 2017, BĐS là lĩnh vực đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (cả vốn trực tiếp – FDI và góp vốn mua cổ phần), với 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đăng ký.
Còn theo số liệu của UBND Tp.HCM, với 1,01 tỷ USD, chiếm 43,4% tổng vốn đăng ký, BĐS là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trên địa bàn thành phố trong năm qua.
Trong đó, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, vào Tp.HCM, cũng như vào thị trường BĐS, đứng thứ hai là Hàn Quốc.
Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho biết, bên cạnh dòng vốn ngoại, trong năm qua thị trường BĐS Tp.HCM còn thu hút dòng kiều hối lớn. Cụ thể, lượng kiều hối chuyển về Tp.HCM trong năm 2017 đạt khoảng 5,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm ngoái, trong đó có khoảng 22% được đổ vào BĐS.
Thị trường BĐS Việt Nam đang có sức hút lớn với các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Lê Toàn
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đánh giá, với những gì diễn ra trong năm 2017, có thể dự báo, năm 2018 và thời gian kế tiếp, xu thế hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn tăng mạnh hơn. Đây là xu hướng đánh dấu sự trưởng thành và ngày càng chuyên nghiệp hơn của thị trường địa ốc. Bên cạnh đó, xu thế phát triển BĐS xanh, nhiều tiện ích, dịch vụ phục vụ khách hàng, cũng ngày càng phát triển, góp phần giúp thị trường phát triển bền vững.
Đơn cử, cuối năm 2017, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation) đã hợp tác với Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) thành lập liên doanh Phuc Khang Mitsubishi Corporation Holding (PKMC) theo tỷ lệ 51%-49% để cùng đầu tư, phát triển dòng sản phẩm xanh Diamond Lotus. Đây là dòng sản phẩm nhà ở đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng, quản lý vận hành theo tiêu chuẩn LEED (Hoa Kỳ) – một tiêu chuẩn công trình xanh uy tín và phổ biến tại 150 quốc gia trên thế giới.
Video đang HOT
“Trước mắt, khoản đầu tư đầu tiên của PKMC được giải ngân thực hiện ngay trong tháng 1/2018 có giá trị 30 triệu USD vào Dự án Diamond Lotus Riverside tại quận 8, Tp.HCM. Ngoài ra, liên doanh PKMC Holding thống nhất sẽ tập trung nghiên cứu, đầu tư, phát triển các quỹ đất hiện hữu của Phúc Khang có giá trị trên 500 triệu USD với tổng quy mô 20 ha trong khu vực trung tâm Tp.HCM, bao gồm quận 1, quận 2, quận 8, quận 10, Tân Bình, Tân Phú… và 1.000ha ở các vùng lân cận chỉ cách khu trung tâm thương mại Tp.HCM từ 20 – 30km”, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation chia sẻ.
Còn ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh tiết lộ, trong 2/2018, Đất Xanh sẽ chính thức ký kết hợp tác với một nhà đầu tư hàng đầu của Nhật Bản để hợp tác phát triển các dự án, trước mắt là một dự án quy mô lớn tại Tp.HCM, trong đó đối tác Nhật góp vốn 30%.
Từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường BĐS cũng ghi nhận khá nhiều giao dịch đáng chú ý có yếu tố nước ngoài, điển hình như Hongkong Land sẽ trở thành đối tác chiến lược với Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) để phát triển nhà ở tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tỷ lệ vốn nắm giữ 64% cổ phần dự án nhà ở tại đây; hay Công ty Keppel Land (Singapore) mua lại 16% cổ phần còn lại của Tổng công ty CP Đường Sông Miền Nam (Sowatco) trong Dự án Saigon Centre thông qua công ty thành viên Krystal Investment Pte., Ltd;…
Theo thống kê của Deal Street Asia, không chỉ trực tiếp rót vốn vào dự án, BĐS còn là ngành thu hút dòng vốn mạnh từ các quỹ đầu tư ngoại thông qua thị trường chứng khoán. Các giao dịch đầu tư nổi bật nhất trong năm 2017 có thể kể đến như: Shinhan hợp tác với Vinacapital đầu tư 100 triệu USD vào Novaland; Warburg Pincus rót vốn vào Vincom Retail; một quỹ đầu tư tư nhân từ Hồng Kông (Trung Quốc) mua 40% cổ phần của Dragon Capital; Samsung Securities cùng với Caldera Pacific; hay Keppel Land đã mua 20% cổ phần của Quốc Lộc Phát, chủ đầu tư của khu phức hợp Sóng Việt tại Thủ Thiêm (quận 2, Tp.HCM).
“Thị trường BĐS Việt Nam thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu thông qua hoạt động M&A. Trong đó, hình thức liên doanh đang trở nên phổ biến. Hiện đang có hàng trăm triệu USD chờ đợi để đổ vào thị trường BĐS Việt Nam, thuộc hầu hết các phân khúc, gồm nhà ở, văn phòng, khách sạn, bán lẻ và khu công nghiệp”, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho biết.
Theo Đầu tư chứng khoán
Giá nhà cao gấp 25 lần thu nhập, có nên tăng thuế nữa?
Nếu thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản thì có thể giúp tăng thêm nguồn thu ngân sách thành phố nhưng sẽ tạo ra hệ quả rất lớn là sẽ làm giá nhà, đất của TP.HCM tăng lên.
Hiệp Hiệp hội Bất Động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản đề nghị chưa đánh thuế tài sản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
Hiệp hội này cho rằng qua nghiên cứu về đề xuất dự kiến thí điểm đánh thuế tài sản trên địa bàn TP.HCM trong dự thảo quy định cơ chế đặc thù cho TP, hiệp hội nhận thấy thuế tài sản, trọng tâm là thuế bất động sản (thuế nhà, đất) là sắc thuế được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng đối với người sở hữu tài sản, bất động sản, đã tạo nguồn thu ngân sách ổn định và bền vững.
Ví dụ: Bang California Hoa Kỳ đánh thuế bất động sản khoảng 1,23%/năm trên giá trị tài sản. Như vậy, sau khoảng 81 năm sẽ thu thuế được 100% giá trị của bất động sản và mở ra chu kỳ thu thuế tiếp theo.
Hiệp hội đề nghị Quốc hội nên xem xét thật cẩn trọng, chưa nên thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản trên địa bàn TP.HCM tại thời điểm hiện nay, mà nên dời lại thời điểm thực hiện đánh thuế tài sản vào thời điểm sau năm 2020 thì phù hợp hơn.
Và nếu thực hiện thì áp dụng đồng thời trên cả nước, không nên thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản chỉ riêng tại TP.HCM hoặc bất cứ tỉnh, TP trực thuộc trung ương nào.
Bởi vì, nền kinh tế đất nước và thị trường bất động sản vẫn còn đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng nhưng chưa thật sự vững chắc, giá nhà vẫn còn rất cao, gấp khoảng trên dưới 25 lần thu nhập trung bình của xã hội (trong khi ở các nước phát triển thì biên độ này chỉ khoảng từ 5-7 lần), thu nhập của người dân nhìn chung vẫn còn thấp và chưa thật ổn định.
Riêng với TP.HCM, mặc dù tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh hằng năm, thu nhập GDP đầu người hiện đã vượt mức 5.000 USD/người và dự kiến sẽ vượt mức 10.000 USD/người vào năm 2020 nhưng chi phí thực tế để đảm bảo nhu cầu cuộc sống tại TP vẫn rất đắt đỏ so với các tỉnh.
Nếu thực hiện thí điểm đánh thuế tài sản thì có thể giúp tăng thêm nguồn thu ngân sách thành phố nhưng sẽ tạo ra hệ quả rất lớn là sẽ làm giá nhà, đất của TP.HCM tăng lên, kể cả giá đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng tăng lên, đẩy giá thành, giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tăng theo.
Điều này làm cho cuộc sống đắt đỏ hơn nữa, đặc biệt là tác động làm giảm sức cạnh tranh của thành phố, bởi lẽ các địa phương khác chưa thực hiện đánh thuế tài sản.
Hiệp hội đề nghị khi dự thảo thuế tài sản cần được xem xét tổng thể trong việc cấu trúc lại hệ thống và chính sách thuế một cách đồng bộ, để tránh tình trạng tận thu, hoặc thuế chồng thuế. Hiệp hội nhận thấy giá nhà, đất hiện đang cao so với thu nhập của người dân, mà một nguyên nhân là do chính sách thuế, chính sách thu tiền sử dụng đất.
"Tiền sử dụng đất" mặc dù không gọi là thuế nhưng là một khoản nộp vào ngân sách nhà nước rất lớn. Thông thường, "Tiền sử dụng đất" chiếm khoảng trên dưới 10% giá căn hộ chung cư; chiếm khoảng trên dưới 30% giá nhà phố; chiếm khoảng trên dưới 50% giá nhà biệt thự.
Do vậy, khi áp dụng sắc thuế tài sản, thì phải đồng thời thay đổi chính sách thu tiền sử dụng đất theo hướng giảm đi.
Hiện nay tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá căn hộ chung cư, chiếm khoảng trên dưới 30% giá nhà phố và chiếm khoảng trên dưới 50% giá nhà biệt thự.
Ngày 8-11-2013, UBND TP.HCM đã đề nghị Chính phủ bỏ chế định thu "Tiền sử dụng đất" và thay thế bằng "thuế chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở", với thuế suất khoảng 10 hoặc 15% giá đất trong bảng giá đất (sát giá thị trường) của các tỉnh, TP trực thuộc trung ương (bỏ quy định Chính phủ ban hành khung giá đất hiện nay).
Về cơ chế "thí điểm", hiệp hội nhận thức rằng chỉ nên thực hiện cơ chế "thí điểm" nếu mục đích nhằm tăng thêm "quyền", "quyền lợi" hoặc làm giảm bớt đi "nghĩa vụ", hoặc "trách nhiệm" đối với đối tượng bị tác động.
Do vậy, việc thực hiện cơ chế thí điểm đánh thuế tài sản mà chỉ áp dụng trên địa bàn TP.HCM, có nghĩa là làm tăng nghĩa vụ nộp thuế (tăng nghĩa vụ tài chính) đối với mọi chủ thể sở hữu tài sản.
Điều này làm giảm thu nhập thực tế, sẽ gây tác động bất lợi trong các tầng lớp dân cư, có thể dẫn đến sự dịch chuyển về dân cư, dịch chuyển dòng vốn đầu tư đến các tỉnh, thành phố khác và sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản TP.
Hiệp hội đề nghị khi xây dựng Luật Thuế tài sản, thuế nhà, đất vào thời điểm sau năm 2020, thì cần phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, như chưa nên đánh thuế đối với nhà cấp 4 trở xuống ở nông thôn hoặc người chỉ có một nhà để ở, có giá trị dưới 1 tỉ đồng ở đô thị hoặc nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư.
Theo Quang Huy
Start up BĐS: Người trẻ với cuộc chơi "cá chép vượt vũ môn" Trong hơn một thập niên trở lại đây, bất động sản đang là bệ phóng nâng tầm cho nhiều tên tuổi. Chính vì vậy, giới trẻ không ngần ngại vào cuộc và xem đó như cách ươm mầm để vươn lên. Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM, chỉ trong tháng 9.2017, cả nước đã có 3.508 doanh nghiệp...