Hàng trăm trai làng gồng mình phô diễn sức mạnh
Sáng 11/2, trước sự phấn khích của vạn người xem, hàng trăm trai tráng mình trần phô diễn sức mạnh ở lễ hội rước pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh).
Sáng 11/2 (mùng 4 Tết Bính Thân), lễ hội rước pháo Đồng Kỵ diễn ra tại Từ Sơn (Bắc Ninh). Nhân vật chính của lễ hội là 4 quan Đám trước hậu cung của làng. Đây là những người tới tuổi 51 ở 4 giáp trong làng, tượng trưng cho 4 vị tướng chuẩn bị xuất quân đánh giặc.
Vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hôm 19/1, lễ hội rước pháo Đồng Kỵ năm nay được tổ chức hoành tráng hơn các năm trước. Lần đầu tiên đám rước có đội trống và khí nhạc toàn nữ.
Khoảng 10h, sau khi hoàn thành phần lễ tại nhà văn hóa, đám rước bắt đầu đi dọc đường làng. Hàng nghìn người dân Từ Sơn và du khách thập phương đứng chật kín hai bên đường theo dõi.
Gây chú ý nhất trong đám rước là hai quả pháo đại, gọi là pháo nhất và pháo nhị, được rước bởi hàng chục trai tráng. Pháo đại trước kia là pháo thật, khi đốt tạo tiếng nổ như một quả bom. Kể từ khi có lệnh cấm đốt pháo, pháo đại được tượng trưng bằng pháo gỗ, sơn son thếp vàng cầu kì với “tứ linh” long, lân, quy, phụng.
Khí thế trai tráng được thể hiện ngay từ khi đám rước đi qua đường làng, các chú tùy cùng làm động tác vung tay lên trời và đồng thanh hô vang.
Trong lúc đám rước đi dọc làng, trong sân đình, các thanh niên trong đội múa rồng cũng thể hiện những màn múa đầy tốc độ.
Video đang HOT
Sau khi đám rước pháo về đến đình làng, các bậc cao niên cùng bốn quan đám thực hiện các nghi lễ cúng tế trong hậu cung. Không khí trở nên đặc biệt sôi động khi pháo đại một lần nữa được rước ra sân đình, loan báo các nghi lễ cúng tế đã hoàn tất.
Bầu không khí lễ hội được đẩy lên cao trào khi 4 quan Đám được kiệu ra sân đình trình diện trước hàng nghìn người dân. Người dân Đồng Kỵ gọi đây là màn dô quan đám, cũng là phần được mong chờ nhất của lễ hội.
Góp công lớn nhất vào màn dô quan đám là các trai đinh mình trần, có trách nhiệm nặng nề nhất là người kiệu quan đám trên vai. Người này có sức khỏe đặc biệt tốt, nhưng thường cũng chỉ trụ được khoảng 5 phút là phải thay thế bằng một trai đinh khác.
Các quan đám lúc này vào vai phụ nữ, thể hiện các động tác vẫy múa để chào người dân.
Trai đinh là các thanh niên khỏe mạnh ở Đồng Kỵ, số lượng lên đến hàng trăm người. Họ phải phối hợp ăn ý để quan đám đứng vững trên cao, vừa di chuyển quanh sân, vừa thực hiện các động tác múa vẫy nghiêng nghả.
Cuối cùng, các quan đám vẫy tay chào từ biệt dân làng, kết thúc lễ hội tưởng nhớ ngày Thánh Thiên Cương – vị tướng sau này được dân tôn thờ làm thành hoàng làng. Theo truyền thuyết, 4 quan đám sau đó sẽ lên đường đi đánh giặc.
Quý Đoàn
Theo VNE
Hội rước pháo Đồng Kỵ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa được Bộ Văn hóa công nhận, có nhiều lễ hội truyền thống như: rước pháo làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh), hát trống quân (Hải Dương), chiêng Mường (Hòa Bình)...
Ngày 19/1, Bộ Văn hóa ban hành quyết định bổ sung 15 di sản vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Trong danh sách này, có nhiều lễ hội, nghề truyền thống của các dân tộc như: lễ hội cầu năm mới, cầu mùa của người Dao (Tịu siằng thun boaù liu) (Bắc Kạn); đền Hát Môn, đền Và (Hà Nội); nghề gốm Phù Lãng, chạm khắc Phù Khê, gò đồng Đại Bái (Bắc Ninh)...
Hội pháo làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng được ghi tên trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là lễ hội truyền thống, được tổ chức vào mùng 4 Tết hàng năm để tưởng nhớ ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng sau này được dân tôn thờ làm thành hoàng làng, điều quân đi đánh giặc. Tâm điểm của lễ hội là tục rước pháo. Theo đó, những "ông pháo" dài 5-6m có sơn son thiếp vàng, gắn tứ linh được vài trăm trai tráng rước qua các trục đường chính của làng Đồng Kỵ.
Trong lễ hội làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh), vài trăm thanh niên trai tráng sẽ rước 2 "ông pháo" làm bằng gỗ, dài 5-6m qua các trục đường chính về đình làng, rồi tiếp tục cởi trần rước 4 ông đám. Ảnh: Quý Đoàn.
Tiếp đó là màn rước 4 ông đám - những người tới tuổi 51 ở 4 giáp khác nhau, tượng trưng cho 4 vị tướng xuất quân đánh giặc. Các trai đinh cởi trần có nhiệm vụ giữ ông đám không được ngã trong khi di chuyển quanh sân đình. Lễ hội truyền thống với các tục lệ thú vị, mang lại không khí vui vẻ ngày xuân năm mới này, thu hút được đông đảo sự quan tâm của cộng đồng dân cư và dư luận.
Danh sách 15 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới được bổ sung:
1. Hội đua bò Bảy Núi, An Giang
2. Lễ cầu năm mới, cầu mùa của người Dao (Tịu siằng thun boaù liu), Bắc Kạn
3. Lễ hội làng Diềm, Bắc Ninh
4. Lễ hội làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh
5. Nghề gốm Phù Lãng, Bắc Ninh
6. Nghề chạm khắc gỗ Phù Khê, Bắc Ninh
7. Nghề gò đồng Đại Bái, Bắc Ninh
8. Kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của người Mông, Hà Giang
9. Hát trống quân làng Bùi Xá, Bắc Ninh
10. Hát trống quân, Hải Dương
11. Lễ hội Đền Hát Môn, Hà Nội
12. Lễ hội Đền Và, Hà Nội
13. Nghệ thuật Chiêng Mường ở Hoà Bình, Hoà Bình
14. Mo Mường ở Hoà Bình, Hoà Bình
15. Hát Sấng Cọ (hát Ví Lưu Tam) của người Sán Chay, Thái Nguyên
Quỳnh Trang
Theo VNE
Cơ sở đào tạo Y Dược hơn 3 triệu USD của trường Kinh doanh - Công nghệ 37 phòng học và nghiên cứu thực hành trị giá 65 tỷ đồng được coi là tiền đề để Đại học Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội bắt tay đào tạo Y Dược vào năm tới tại cơ sở 2 Từ Sơn, Bắc Ninh. Đại học Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội có hai cơ sở, một đặt tại Vĩnh Tuy,...