Hàng trăm tấn thủy sản tắc ở cửa khẩu do Trung Quốc tăng kiểm soát
Việc Trung Quốc chính thức khởi động mô hình logistics blockchain xuyên khu vực, xuyên quốc gia đối với hàng thủy sản đã khiến hàng trăm tấn thủy sản của Việt Nam ách tắc ở cửa khẩu.
Nhiều lô hàng tồn đọng
Theo báo cáo của các ngành chức năng tại khu vực biên giới, hiện còn nhiều lô hàng thủy sản tồn đọng tại khu vực cửa khẩu Móng Cái ( Quảng Ninh) do không thể thông quan gồm: Tôm của Khánh Hòa 129,21 tấn; mực, cá từ Bà Rịa – Vũng Tàu gần 34,32 tấn; cá chỉ vàng Tiền Giang gần 60 tấn; tép khôn Phan Thiết (Bình Thuận) gần 14 tấn…
Xuất khẩu thủy sản theo đường biên mậu sang Trung Quốc gặp khó, doanh nghiệp cần sớm thay đổi quy cách sản xuất, bao gói để đáp ứng yêu cầu. Ảnh tư liệu
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do phía Trung Quốc thay đổi nhiều quy định mới về quản lý nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng kịp nên hàng hóa bị tồn đọng ở cửa khẩu hoặc bị trả lại.
Trong Công văn số 5388 UBND tỉnh Quảng Ninh gửi các ngành chức năng và các địa phương cũng nêu rõ những thay đổi trong chính sách biên mậu của Trung Quốc đối với việc nhập khẩu mặt hàng thủy sản.
Theo công văn này, năm 2018 chính quyền thị xã Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) khởi động mô hình logistics blockchain xuyên khu vực, xuyên quốc gia đối với hàng thủy sản. Để triển khai mô hình, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định mới về quản lý nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; quy cách, nội dung thông tin sản phẩm trên tem nhãn; quy cách đóng gói hàng hóa, kiểm dịch; kiểm định chất lượng sản phẩm.
Các sản phẩm của Việt Nam chưa nhận được chấp nhận kiểm dịch tại Trung Quốc sẽ không được giao dịch biên mậu, cụ thể là các sản phẩm thủy hải sản (sứa, cá biển…), nguyên liệu từ bột xương, rong biển và dược liệu.
Video đang HOT
Tất cả các sản phẩm cá nuôi hoặc đánh bắt từ biển (từ hải sản ướp đá), đều phải được lấy từ các công xưởng có đăng ký doanh nghiệp Việt Nam, khi khai báo hải quan phải xuất trình chứng thư về thủy sản do Nhà nước Việt Nam cấp.
Các sản phẩm thủy, hải sản nhập khẩu, bao bì đóng gói in ấn phải chắc chắn (không bao gồm sản phẩm ướp đá). Chú thích ghi nhãn phải đầy đủ, bao gồm: Tên thương mại và khoa học, quy cách, ngày sản xuất, số lô, điều kiện bảo quản, phương thức sản xuất (đánh bắt biển/nuôi trồng), vùng sản xuất, tên và mã số doanh nghiệp chế biến sản xuất phải ghi rõ đích đến là nước Công hòa Nhân dân Trung Hoa.
Trước những thay đổi này từ phía Trung Quốc, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản yêu cầu các Sở: NNPTNT, Công Thương, Thông tin và Truyền thông; Cục Hải quan tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố có biển và các ngành, đơn vị có liên quan chủ động kiểm tra, giải quyết tồn tại, nhằm ngăn ngừa các thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.
Lại có thay đổi từ 1/10/2019
Giữa năm 2018 đến nay, phía Hải quan Trung Quốc liên tục có những thay đổi trong chính sách quản lý, kiểm dịch hàng nhập khẩu. Mới đây nhất, Tổng cục Hải quan Trung Quốc lại tiếp tục ra Thông báo số 70/2019 về quy định quản lý, giám sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói sẵn xuất nhập khẩu của Trung Quốc, thời gian bắt đầu áp dụng từ ngày 1/10/2019.
Theo đó, từ ngày 1/10/2019, không yêu cầu đăng ký hồ sơ lưu đối với nhãn mác bao bì của thực phẩm đóng gói sẵn lần đầu nhập khẩu vào Trung Quốc. Việc kiểm tra nhãn thực phẩm đóng gói sẵn nhập khẩu là một trong những nội dung kiểm tra, kiểm nghiệm đối với thực phẩm, cơ quan hải quan Trung Quốc sẽ căn cứ theo các quy định pháp luật liên quan về kiểm nghiệm hàng hóa xuất nhập khẩu và vệ sinh an toàn thực phẩm để tiến hành kiểm nghiệm theo quy định của pháp luật.
Nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm đảm bảo nhãn mác bằng tiếng Trung Quốc trên bao bì đóng sẵn của thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải phù hợp với quy định pháp luật liên quan của Trung Quốc, phù hợp với quy định hành chính và yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia. Nếu thẩm tra không đáp ứng tiêu chuẩn, không được nhập khẩu.
Thực phẩm đóng gói sẵn khi nhập khẩu sẽ được lấy mẫu kiểm tra xác suất tại hiện trường hoặc kiểm nghiệm trong phòng thí nghiệm, nhà nhập khẩu cần cung cấp tài liệu chứng minh hàng hóa đáp ứng điều kiện nhập khẩu, tài liệu gốc và bản dịch ghi nhãn mác, mẫu ghi nhãn tiếng Trung và các tài liệu chứng minh khác cho nhân viên hải quan.
Theo ông Nguyễn Quý Dương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Trung Quốc sẽ còn có những thay đổi trong chính sách nhập khẩu hàng hóa, nếu các doanh nghiệp không thay đổi về quy cách bao gói, nhãn mác, không đáp ứng đủ các yêu cầu của họ thì sẽ bị ảnh hưởng.
Theo Danviet
Từ việc thanh long ùn ứ ở cửa khẩu: Xuất tiểu ngạch "hết đất sống"?
Dù hàng trăm container thanh long xuất khẩu ùn ứ ở Cửa khẩu quốc tế Lào Cai chỉ là hiện tượng nhất thời, do sản lượng tăng đột biến ở một thời điểm khiến việc thông quan bị chậm lại và không liên quan đến thay đổi chính sách nhập khẩu của phía Trung Quốc .
Nhưng theo ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT, với sự kiểm tra ngày càng chặt chẽ của Trung Quốc, xuất khẩu tiểu ngạch sẽ "không còn đất sống".
Sản lượng thanh long tăng đột biến
Mấy ngày qua, thông tin hàng trăm xe container chở thanh long xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc bị ùn ứ ở Cửa khẩu đường bộ Kim Thành (Cửa khẩu quốc tế Lào Cai) khiến không ít người trồng thanh long hoang mang, lo lắng.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên nông sản XK sang Trung Quốc gặp cảnh này, bởi trước đó, đã nhiều lần những hàng xe dưa hấu xếp hàng nối dài chờ được thông quan tại cửa khẩu Lạng Sơn. Sự gia tăng đột biến về sản lượng khi vào chính vụ là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Hiện, việc thu mua, tiêu thụ thanh long Bình Thuận vẫn diễn ra suôn sẻ. Ảnh: tư liệu
Theo ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, từ đầu năm 2019 đến nay, việc XK 8 loại quả được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu của Việt Nam diễn ra tương đối thuận lợi, có những mặt hàng đang XK khá tốt.
"Tuy nhiên, do Hải quan Trung Quốc thực hiện các bước kiểm tra chặt chẽ hơn, trong khi hàng thanh long dồn về Cửa khẩu Lào Cai nhiều hơn, nên khi số lượng xe hàng tăng đột biến, cộng với khâu kiểm tra, kiểm soát kỹ càng hơn, hàng phải đủ nhãn mác, đảm bảo tiêu chuẩn mới được thông quan, nên dẫn đến ùn ứ. Chứ về mặt chính sách xuất nhập khẩu giữa hai nước không có vấn đề gì" - ông Dương nói.
Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận cho biết thêm, cho đến thời điểm này, mọi hoạt động sản xuất, tiêu thụ thanh long vẫn diễn ra bình thường, giá thanh long thu mua tại vườn đạt 9.000 - 10.000 đồng/kg, đảm bảo cho nhà vườn có lãi khá.
"Ngay khi nhận được thông báo của Cục Bảo vệ thực vật về những thay đổi trong chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc, chúng tôi đã triển khai cho các địa phương, cơ sở đóng gói đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở. Đến thời điểm này, gần như 100% cơ sở đóng gói, diện tích trồng thanh long của tỉnh đã được cấp mã số để XK sang Trung Quốc" - ông Tấn cho biết thêm.
Tiểu ngạch không còn đất sống
Cũng theo ông Nguyễn Quý Dương, kể từ khi Trung Quốc siết chặt chính sách nhập khẩu nông sản thông qua yêu cầu sản phẩm phải có mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, những sản phẩm chưa được phép XK chính ngạch, từ trước đến nay chỉ xuất tiểu ngạch qua các đường mòn lối mở hầu như không đi được nữa.
"Cho đến thời điểm này, thanh long vẫn là loại trái cây XK chủ lực sang thị trường Trung Quốc, các loại quả khác cũng không gặp nhiều khó khăn trong XK. Đối với quả măng cụt, đối tác Trung Quốc đã đi kiểm tra vùng trồng, cấp mã số. Hiện, Cục Bảo vệ thực vật đang tập trung đàm phán cho khoai lang, dừa, sầu riêng tiếp tục được XK chính ngạch sang thị trường này, trong đó ưu tiên đặc biệt cho sầu riêng, vì diện tích sầu riêng của Việt Nam khá lớn, thị trường Trung Quốc cũng ưa chuộng, nhưng năm nay không xuất sang được, việc tiêu thụ đang phụ thuộc nhiều vào thị trường nội địa" - ông Dương nói.
Ông Dương cho biết, khi Trung Quốc gửi thông báo sẽ kiểm soát nông sản nhập khẩu thông qua mã số vùng trồng từ tháng 5/2018, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi công văn đến tất cả các địa phương, nhưng nhiều nơi chưa nhận thức được vấn đề, còn thờ ơ. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, sau khi thấy nhiều mặt hàng không thể xuất sang Trung Quốc, dù thị trường vẫn cần, nhiều địa phương, doanh nghiệp nhận ra, nếu không có mã số vùng trồng thì không thể có cửa sang Trung Quốc, từ đó bắt tay vào đăng ký xây dựng.
Nhận định về thị trường xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc từ nay đến cuối năm 2019, ông Dương cho rằng: "Thời gian tới, chắc chắn họ sẽ có động thái kiểm tra chặt chẽ hơn, còn hiện tại mọi việc vẫn bình thường. Các doanh nghiệp cũng yên tâm là khi có thay đổi, phía Trung Quốc bao giờ cũng thông báo sớm để chúng ta có thời gian chuẩn bị. Điều các doanh nghiệp, người dân cần làm là đảm bảo sản xuất an toàn, có mã số vùng trồng, các cơ sở đóng gói cũng sớm đăng ký mã số rồi đăng ký với hải quan nước họ theo quy định để đảm bảo việc thông quan thuận lợi" - ông Dương khẳng định.
Theo Danviet
200 triệu tấn chất thải hữu cơ: Đem làm phân bón, biến "mỏ vàng" Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), hiện công tác quản lý nhà nước về phân bón đã được củng cố với hành lang pháp lý tương đối đầy đủ. Trong đó, chính sách nhà nước về phát triển phân bón hữu cơ (PBHC) đã được cụ thể hóa tại Điều 4 Luật Trồng trọt năm...