Hàng trăm số phận bị hủy hoại do tai nạn phỏng điện
Nhiều lao động chính, trụ cột trong gia đình rơi vào cảnh tàn phế do lỗi thiếu hiểu biết, chủ quan, vi phạm hành lang an toàn lưới điện.
Mới đây (ngày 26-10), trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh xảy ra vụ điện cao thế phóng điện giật chết bốn công nhân đang đào móng thi công cột viễn thông. Quá trình điều tra cho thấy vị trí dựng cột viễn thông ngay dưới đường điện 35 kV, vi phạm hành lang an toàn lưới điện .
Chết và tàn phế do phỏng điện
Bốn người xấu số là lao động tự do, trụ cột trong gia đình, có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hai anh em ruột. Không khí tang tóc bao trùm làng quê nghèo.
Trước đó không lâu, vào ngày 26-6, một nhóm công nhân dựng cột bê tông viễn thông khác tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An đã vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện làm đứt đường dây điện 35 kV khiến bốn công nhân tử vong tại chỗ và ba người dân bị thương.
Ghi nhận tại đơn vị khoa Phỏng-Tạo hình BV Chợ Rẫy (TP.HCM), ngày 30-10 có nhiều ca gặp tai nạn phỏng điện cao thế rất nặng đang điều trị tại BV, chủ yếu do lỗi chủ quan , bất cẩn trong thi công các công trình, nhà ở, vi phạm hành lang an toàn lưới điện.
Nhập viện vào ngày 24-10, anh Võ Công T. (26 tuổi, ngụ Bình Thuận) vẫn không ngừng nhăn nhó vì những vết phỏng sâu ở hai tay và hai chân. Anh T. kể lại trong lúc thi công công trình, anh chuyển cây inox lên lầu hai thì bất ngờ bị giật, đẩy văng ra bất tỉnh bởi đường dây cao thế ngoài đường.
Cùng nằm chung phòng với anh T. là anh Lê Hoàng D. (34 tuổi) bị cháy rất sâu ở hai tay. Anh D. cho biết nhà có bốn con đang tuổi ăn học, con nhỏ nhất mới ba tuổi, anh D. rời quê Hậu Giang ra đảo Phú Quốc làm công trình. Ngày 28-10, khi đang đổ bê tông trần nhà thì anh quơ cây sắt trúng đường điện trung thế nên bị giật. “Lần đầu tiên tôi biết phỏng điện kinh khủng và đau đớn như thế nào. Sợ qua cơn này tôi không còn sức để làm việc nữa thì chắc vợ con tôi sẽ khổ lắm” – anh D. đau xót.
Anh Lê Hoàng D. đang điều trị tại khoa Phỏng-Tạo hình, BV Chợ Rẫy, TP.HCM. Ảnh: HL
Hàng trăm ca phỏng điện phải nhập viện
Theo BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng-Tạo hình BV Chợ Rẫy, mỗi năm khoa tiếp nhận khoảng 1.500 ca phỏng nhập viện, trong đó số ca phỏng do điện chiếm 15%, tương đương 230 ca mỗi năm.
Trong đó, gặp nhiều nhất là do xây dựng gần đường điện cao thế bị phóng điện, tháng nào cũng có bệnh nhân bắt buộc bị cắt cụt chi. Thứ đến là các bệnh nhân bị phỏng điện do kéo cáp viễn thông hoặc treo bảng quảng cáo ngay cột điện, không đảm bảo an toàn phòng, chống phỏng điện. Cuối cùng là nhóm sinh hoạt vi phạm an toàn lưới điện như leo mái nhà kéo đường điện thoại, sửa nhà, đặc biệt có nhiều trường hợp phỏng điện do câu cá dưới đường điện cao thế.
Cẩn trọng với điện trong mùa mưa
Video đang HOT
Bình thường không khí khô khả năng dẫn điện thấp hơn, còn vào mùa mưa như hiện nay không khí cực kỳ ẩm ướt làm cho khả năng phóng điện lớn hơn. Người dân cần đội nón, đeo găng tay, đi ủng khi thi công các công trình.
Cũng theo BS Hiệp, có hai loại phỏng điện gồm phỏng dòng điện và phỏng do tia lửa điện. Trong đó, tia lửa điện phát ra trong thời gian ngắn ít gây phỏng sâu như phỏng dòng điện vì lúc này cơ thể con người giống như một điện trở, dòng điện cực nóng đi qua cơ thể gây phỏng vào tận trong xương khớp, gan ruột, não, tim gây tổn thương nặng nề toàn thân và tại chỗ trên đường đi của dòng điện. Cường độ dòng điện trên 25 mA khi qua tim có thể gây rung thất, ngưng tim. Tình trạng sốc phỏng còn làm thiếu máu tới thận gây suy thận. Nếu ngưng thở, chưa ngưng tim, không cấp cứu kịp thời sau 10 phút sẽ tử vong, do đó cần hô hấp nhân tạo.
Đa phần bệnh nhân còn trẻ, đang độ tuổi lao động, có nhiều bệnh nhân bị cắt cụt chi, chịu cảnh tật nguyền suốt đời.
Do đó để đề phòng tai nạn do phỏng điện, BS Hiệp khuyến cáo người dân cần tuân thủ khoảng cách an toàn lưới điện khi lao động gần đường điện cao thế, đặc biệt là vào mùa mưa. Khi điện thế rất cao, không cần tiếp xúc dòng điện vẫn bị phóng điện, khoảng cách an toàn là 0,75-6 m.
Các biện pháp cứu người phỏng điện
- Cắt điện: Tìm mọi cách an toàn tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện (ngắt cầu dao, cầu chì, sử dụng vật cách điện…).
- Dập lửa (cháy quần áo…).
- Ngay sau đó kiểm tra chức năng sống. Nếu ngưng thở, ngưng tim phải hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Kiểm tra các tổn thương khác (gãy tay, chân, cột sống…).
- Che phủ tổn thương phỏng (gạc, áo sạch…).
- Chuyển đến cơ sở y tế gần nhất (chỉ chuyển nạn nhân khi đã khôi phục tuần hoàn, hô hấp).
BS NGÔ ĐỨC HIỆP, Trưởng khoa Phỏng-Tạo hình, BV Chợ Rẫy
Hoàng Long
Theo Pháp luật TPHCM
Đột quỵ tấn công người trẻ: Lời cảnh báo từ những cái chết đầy nuối tiếc
Người tuổi cao có nguy cơ đột quỵ cao nhưng hiện nay tỉ lệ người bị đột quỵ dưới 45 tuổi cũng khoảng 30%.
Thời gian gần đây, các BV trong cả nước tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ khi tuổi còn rất trẻ, có trường hợp chưa đầy 20 tuổi làm dấy lên lo ngại căn bệnh không chừa một ai.
Những cái chết trẻ đầy tiếc nuối
Giữa năm 2018, trong một tuần, BV Nhân dân 115 và BV đa khoa TP Cần Thơ tiếc nuối vì sự ra đi của hai bác sĩ nam, chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình đang đạt phong độ đỉnh cao của sự nghiệp.
Cả hai ra đi khi mới ngoài 40 tuổi do đột quỵ não. Theo các đồng nghiệp của hai bác sĩ kể lại, trước đó cả hai bác sĩ đều sinh hoạt bình thường, không có dấu hiệu nào báo trước của bệnh.
Trường hợp trẻ tuổi đã ra đi vì đột quỵ không hiếm, trước đó vào tháng 6-2018, thầy giáo Phạm Quốc Tuấn (38 tuổi) đang chuẩn bị vào phòng coi thi môn ngữ văn ở hội đồng thi huyện Thới Bình (Cà Mau) thì than mệt rồi đột ngột ngã xuống bất tỉnh.
Sau đó thầy Tuấn được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu ở bệnh viện huyện rồi chuyển tiếp lên tuyến trên nhưng thầy đã tử vong.
Hay mới đây, vào ngày 10-8, một bệnh nhân nữ 40 tuổi nhập khoa Cấp cứu BV đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng hôn mê, tăng huyết áp.
Bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ não cấp do tắc động mạch thân nền và tái thông mạch não, may mắn hồi phục.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân đột quỵ não do tắc động mạch thân nền không điều trị kịp thời có tỉ lệ tử vong 75%-80%; bệnh nhân còn sống bị di chứng tàn phế, liệt tứ chi, sống thực vật.
Lớp học phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ tại BV Thống Nhất. Ảnh: HL
Đột quỵ người trẻ có hiếm?
Theo các bác sĩ, đột quỵ có thể xảy đến với bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi, thậm chí là từ vài tuổi, tuy nhiên người già vẫn mắc nhiều hơn bởi có nhiều yếu tố nguy cơ hơn. Do đó, không ít người trẻ khi nhập viện được chẩn đoán đột quỵ tỏ ra rất bất ngờ, không tin.
BS Ngô Minh Tuấn, Trưởng Đơn vị can thiệp nội mạch BV Trưng Vương (TP.HCM), cho biết BV thỉnh thoảng tiếp nhận những ca người trẻ từ 20 đến 30 tuổi đã bị đột quỵ, đặc biệt có trường hợp mới 17 tuổi đã bị.
Đó là bệnh nhân ĐVH (ngụ huyện Bình Chánh) đang hoàn toàn khỏe mạnh, khi tập thể hình thì ngất xỉu, được đưa đến phòng khám cấp cứu nhưng về nhà vẫn ói, đau đầu nên nhập viện vào tháng 11-2017.
Bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết não do dị dạng động tĩnh mạch bẩm sinh và can thiệp nội mạch cứu sống.
"Dị dạng động tĩnh mạch hoặc phình mạch não, những nguyên nhân gây đột quỵ có thể tầm soát và can thiệp sớm bằng chụp cộng hưởng từ MRI, tuy nhiên kỹ thuật này ít được người dân quan tâm" - BS Trần Minh Thiệu, khoa Chẩn đoán hình ảnh của BV Trưng Vương, cho hay.
BS Thiệu kể vào cuối tháng 10-2016 từng tiếp nhận nam sinh viên (21 tuổi), ĐH Bách khoa TP.HCM đang đá banh thì bị trái banh rơi trúng đầu dẫn đến đột quỵ.
Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết thái dương phải rất nặng do phình và túi phình động mạch não phải rất to, vỡ.
Nam sinh viên đã qua đời sau đó. Nếu bệnh nhân nam này được tầm soát sớm thì sẽ không xảy ra sự việc trên.
Giải thích nguyên nhân người trẻ cũng bị đột quỵ, BS CK2 Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng khoa Nội thần kinh BV Thống Nhất, cho biết ở người trẻ, tỉ lệ đột quỵ do các yếu tố như bệnh tim, dị dạng mạch máu não nhiều hơn, một số trường hợp còn do dùng thuốc ngừa thai đường uống, thuốc kích thích gây viêm mạch máu, vỡ mạch máu...
TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị đột quỵ, Phó Trưởng khoa về Thần kinh BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết mỗi tháng BV tiếp nhận 100-120 ca bệnh đột quỵ.
Trong số đó, chỉ có 8% người bệnh được đưa đến BV cấp cứu kịp thời trong "thời gian vàng" để được áp dụng các biện pháp điều trị thông mạch máu.
Người tuổi cao có nguy cơ đột quỵ cao nhưng hiện nay tỉ lệ người bị đột quỵ dưới 45 tuổi cũng khoảng 30% .
Theo BS Thắng, thời gian vàng để cấp cứu người bệnh đột quỵ là sáu giờ kể từ khi phát bệnh, ba giờ đầu có thể coi là thời gian kim cương.
"Bản thân người bệnh hoặc người xung quanh cần nhận biết ngay các dấu hiệu khi đột quỵ xảy ra như bị méo miệng, nói ngọng hoặc không nói được, yếu tay chân một bên để đưa đi cấp cứu kịp thời" - BS Thắng khuyến cáo.
Để phòng tránh nguy cơ đột quỵ , mọi người cần có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế chất kích thích, tăng cường vận động và tập thể dục thể thao, giảm ăn mặn, giảm mỡ béo, tăng cường rau xanh và trái cây.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần khám sức khỏe định kỳ, phát hiện các bệnh lý nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, xơ vữa động mạch... để chữa trị kịp thời. Người đã từng bị đột quỵ còn cần phải uống các thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh căn nguyên.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc mới đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong và để lại các di chứng sau cơn đột quỵ nặng nề như liệt nửa người, liệt toàn thân, bại não, biến chứng tâm lý, tâm thần... Một điều đáng lo ngại là số bệnh nhân đột quỵ trong độ tuổi trẻ 40-45 cũng đang gia tăng mạnh mẽ, chiếm 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Thậm chí những người ở độ tuổi 20 hoặc trẻ hơn cũng đang có nguy cơ bị đột quỵ. (Theo thống kê từ Hội nghị khoa học Đột quỵ và Thần kinh toàn quốc lần thứ 7).
Theo Pháp luật TP HCM
Khổ như ở nơi chờ tin người bệnh Nhiều bệnh viện cơ sở vật chất chật hẹp, giường cho bệnh nhân còn chưa đủ, nên làm nhà lưu trú cho thân nhân là không dễ. Thân nhân bệnh nhân ở ngoài, lân cận trại 25 Bệnh viện Chợ Rẫy - ẢNH: DUY TÍNH Buổi trưa, sau cơn mưa, trời Sài Gòn nóng hầm hập, trong khuôn viên nhỏ ở trại 25...