Hàng trăm nghìn ha bãi triều trên thế giới biến mất trong 20 năm qua
Ngày 13/5, các nhà nghiên cứu Australia cho biết, trong 20 năm qua, thế giới đã mất đi 400.000 ha diện tích bãi triều – vùng đất ngập nước ven biển, hình thành từ bùn do sông và thủy triều mang tới.
Ảnh minh họa: koreabizwire.com
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu tại Đại học James Cook đã tiến hành phân tích hơn 1 triệu hình ảnh vệ tinh được chụp trong hơn 20 năm qua để lập biểu đồ về sự suy giảm diện tích bãi triều.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Nicholas Murray, cho biết nhóm của ông đã phân tích một kho lưu trữ hình ảnh vệ tinh dung lượng lớn để tìm hiểu sự thay đổi của các vùng đất ngập nước ven biển trên thế giới trong giai đoạn 1999-2019. Kết quả cho thấy diện tích bãi triều bị suy giảm trên toàn cầu là 1,37 triệu ha. Con số này thực tế có thể cao hơn nếu không có 970.000 ha diện tích bãi triều được cải tạo, phục hồi thông qua các công trình bảo tồn.
Theo Tiến sĩ Murray, 27% diện tích đất ngập nước bị mất đi và được phục hồi là nhờ các hoạt động bảo tồn của con người. Tất cả những thay đổi khác là do các yếu tố như quá trình phát triển mở rộng dọc các khu vực ven biển và tình trạng biến đổi khí hậu. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện rằng phần lớn – khoảng 75% diện tích bãi triều được phục hồi, là ở châu Á, nơi hoạt động bảo tồn ở các vùng đất ven biển được triển khai mạnh mẽ hơn.
Cũng theo Tiến sĩ Murray, hiện trên thế giới có hơn 1 tỷ người sinh sống ở các khu vực bờ biển thấp, do đó việc đảm bảo sức khỏe của hệ sinh thái này là rất quan trọng đối với cộng đồng địa phương và toàn thể nhân loại. Ông nhấn mạnh các vùng đất ngập nước thủy triều có tầm quan trọng to lớn đối với nhân loại, mang lại những lợi ích như lưu trữ và hấp thụ carbon, bảo vệ bờ biển và phát triển nghề cá. Chuyên gia này khuyến nghị tiếp tục theo dõi sự thay đổi của các vùng đất ngập nước, kết hợp với các chương trình bảo tồn để giúp bảo vệ hệ sinh thái độc đáo này.
Biến đổi khí hậu khiến mực nước biển Trung Quốc dâng cao kỷ lục trong năm 2021
Theo báo cáo của Chính phủ, mực nước biển của Trung Quốc đã dâng cao kỷ lục trong năm 2021 do nhiệt độ nóng lên, khiến nhiều dòng sông băng và các tảng băng ở vùng cực tan chảy.
Lối vào bãi biển Deep Water Bay ở Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters (Anh), Trung tâm Giám sát Môi trường Biển Quốc gia cho biết mực nước ven biển của Trung Quốc trong năm 2021 đã dâng cao hơn 84 mm so với mức trung bình trong giai đoạn 1993-2011. Cơ quan này cảnh báo mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu đang gây ra "tác động không ngừng" đến sự phát triển của các khu vực ven biển. Đồng thời, báo cáo kêu gọi giới chức cải thiện việc giám sát và tăng cường các nỗ lực cảnh báo và phòng ngừa sớm.
Trung tâm Giám sát Môi trường Biển Quốc gia, đơn vị nghiên cứu của Bộ Tài nguyên Trung Quốc, cho biết mực nước biển dâng cao sẽ gây xói mòn hệ sinh thái ven biển và mất bãi triều. Trong khi đó, các thành phố ven biển sẽ đối mặt với nguy cơ lũ lụt và thủy triều muối lớn hơn.
Mực nước biển ven biển trên khắp Trung Quốc hiện đã tăng trung bình 3,4 mm mỗi năm kể từ năm 1980, cao hơn so với tỷ lệ toàn cầu trong cùng thời điểm.
Mặc dù nhiệt độ ở các vùng biển ven biển của Trung Quốc trong năm 2021 đã giảm nhẹ so với năm trước đó, con số này vẫn xếp thứ 3 trong các kỷ lục từng được ghi nhận, và cao hơn 0,84 độ C so với mức trung bình năm 1993-2011.
Năm ngoái, Bộ Môi trường dự báo mực nước ven biển sẽ tăng thêm 55 mm đến 170 mm trong vòng 30 năm tới. Điều này đòi hỏi Trung Quốc phải nỗ lực nhiều hơn để bảo vệ bờ biển của mình.
Trước mối đe dọa này, các thành phố ven biển phía đông Trung Quốc đã bắt đầu lên kế hoạch dự phòng khi mực nước biển dâng cao. Trong đó, trung tâm thương mại Thượng Hải đang xem xét xây dựng các đường hầm thoát nước mới và các cửa thủy triều.
Hy Lạp thả tàu chở dầu Nga bị giữ do lệnh trừng phạt của EU Theo trang tin Republicworld.com, Hy Lạp mới đây thông báo sẽ thả một tàu chở dầu của Nga mà họ đã bắt giữ vào đầu tuần này. EU đề xuất cấm các tàu mang cờ Nga cập cảng của các nước thành viên. Ảnh: Shutterstock "Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp đã được lệnh thả con tàu", một quan chức chính...