Hàng trăm hộ dân sống trong ô nhiễm ở Nghệ An
Hơn 1 năm nay, hàng trăm hộ dân ở 7 xóm, thuộc 2 xã Nghĩa Lâm và Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) phải sống trong vùng bị ảnh hưởng ô nhiễm, do nằm cạnh các trang trại bò sữa của Công ty CP thực phẩm sữa TH.
Mặc dù đã có phương án di dời đến nơi ở mới, nhưng sau hơn 1 năm chờ đợi, những mong mỏi của người dân vẫn chưa trở thành hiện thực.
Thung lũng…ô nhiễm
Trong tất cả 7 xóm của hai xã nói trên, xóm Tân Lâm (xã Nghĩa Lâm) bị ảnh hưởng nặng nhất của sự ô nhiễm. Phía trước mặt bao quanh bởi các cụm trại bò, sau lưng là dòng sông Sào, kể từ ngày có đàn bò, 60 hộ dân xóm Tân Lâm đã bắt đầu cảm nhận được nguy cơ “sống chung với ô nhiễm” ngày càng cao, vì thế người dân ở đây gọi xóm mình ở là thung lũng ô nhiễm.
Nước giếng sinh hoạt của người dân không thể sử dụng vì bị ô nhiễm
Có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến đoạn đường dẫn vào xóm bốc lên mùi hôi thối của nước tiểu và phân bò, mặt đường đất đen nhẻm. Ông Trần Hồng Lý – xóm trưởng Tân Lâm ngán ngẩm: “Ô nhiễm hơn 1 năm nay rồi chú à, trời nắng thì bụi (do xe chở phân bò vương vãi), trời mưa thì nước sình đen vì ô nhiễm từ các trang trại đổ về nhà.
Nói thật là chúng tôi muốn di dời lắm, nhưng vẫn chưa được”. Theo chân ông xóm trưởng, chúng tôi men theo con đường nhỏ, mặc dù đường được đổ bê tông nhưng trên bề mặt đường chỉ toàn một lớp đất mùn đen, trộn lẫn với nước, nhão nhoét từ đầu đến cuối xóm.
Nếu như đường sá, vườn tược bị ô nhiễm phân và nước tiểu của trang trại ngấm xuống thì nguồn nước tại đây được xem là mối nguy nhất của người dân. Cứ sau mỗi trận mưa là nguồn nước giếng bị nhiễm bẩn nghiêm trọng, thậm chí có mùi của phân. Anh Trần Văn Trang – cán bộ y tế xóm Tân Lâm cho biết “Lâu nay, nguồn nước giếng của xóm có mùi hôi, màu nước bị đục, tắm bị ngứa, nổi từng mụn nhỏ rất khó chịu”.
Múc thử gầu nước giếng, chúng tôi thấy màu nước rất đục, giống màu đất, có mùi khai. Điều nữa là xung quanh xóm, chỗ nào cũng thấy ruồi nhặng, nhiều gia đình vì ở ngay sát với trại bò nên mỗi khi ăn cơm là phải buông màn. Chị Nguyễn Thị Phượng chia sẻ: “Mưa thì nước chảy vào nhà, nắng thì ruồi nhặng rất nhiều, hơn 1 năm nay chúng tôi phải chịu cảnh khốn khổ này rồi”.
Video đang HOT
Theo ông Trần Hồng Lý, xóm có 14 hộ ở gần trại bò, nước giếng không sử dụng được. Qua phản ánh, Công ty CP Thực phẩm sữa TH đã hỗ trợ 2,7 triệu đồng cho một số hộ mua bình chứa nước và một số hộ khác được hỗ trợ 500 ngàn đồng; thuốc khử làm sạch nước giếng thì công ty hỗ trợ toàn bộ cho các hộ có nhu cầu sử dụng. Hiện nay, nhiều gia đình ở xóm Tân Lâm chỉ sử dụng nước giếng để tắm, giặt, còn nấu nướng phải đi mua nước sạch về dùng.
Mong muốn tái định cư
Trước thực trạng cấp bách của hàng trăm hộ dân, mà đặc biệt là 4 xóm thuộc xã Nghĩa Lâm, chính quyền địa phương từ cấp xã đến huyện đã có phương án tái định cư (TĐC) cho người dân. Nhưng hơn 1 năm nay, việc di dời người dân ra khỏi “thung lũng ô nhiễm” vẫn đang là quá chậm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức An -Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Nghĩa Đàn cho biết “Phòng TN-MT tiến hành khảo sát đất đai để xây dựng khu TĐC. Và sau khi tham khảo ý kiến của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, lãnh đạo và nhân dân thuộc diện TĐC 3 xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn và Nghĩa Yên, Công ty CP Thực phẩm sữa TH đã lựa chọn được 2 vị trí tại xóm Yên Khang, xã Nghĩa Lâm và xóm Sơn Bắc, xã Nghĩa Sơn.
Bên cạnh đó, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nghĩa Đàn cũng đã hoàn thành kiểm đếm về đất đai, nhà cửa, kiến trúc của gần 350 hộ dân phải di dời tại 4 xóm của xã Nghĩa Lâm. Tuy nhiên, việc áp giá đền bù đang phải chờ chủ trương nên chưa tiến hành chi trả tiền đền bù cho các hộ dân”.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Cần – trưởng ban đối ngoại, Công ty CP sữa TH giải thích: “Sau khi có ý kiến phản ánh của người dân, chúng tôi đã hỗ trợ các vật dụng thiết yếu cho việc khắc phục ô nhiễm. Hiện, chúng tôi đang phối hợp với chính quyền để xây dựng xong khu TĐC nhanh di dời người dân về đó.
Như vậy, một dự án lớn, có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nghệ An, mặc dù đã đi vào hoạt động, nhưng những vấn đề phát sinh xung quanh với hàng trăm hộ dân vẫn chưa thực hiện được. Mong rằng Công ty CP TH và các cấp chính quyền nhanh chóng ổn định cuộc sống cho người dân vùng bị ảnh hưởng, đừng để dân phải sống trong tình cảnh ô nhiễm lâu như vậy.
Theo vietbao
Nông dân xót xa cắt lúa cho bò ăn
Trong khi nhiều nơi bắt đầu vào vụ gặt thì gần 3.000 ha lúa sử dụng giống BC15 của hàng ngàn hộ nông dân các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An) bông "trổ cờ" lép hạt, vụ mùa mất trắng. Người nông dân xót xa chỉ biết cắt lúa cho bò ăn.
Lúa lép hạt, dân trắng tay
Chúng tôi tìm về "vựa lúa" Yên Thành những ngày vào vụ gặt, trên các cánh đồng lúa chín đã phủ một màu vàng ươm. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn những thửa ruộng xanh rì, hỏi ra mới biết đó đều là những ruộng lúa được trồng bằng giống lúa BC15. Ông Phan Tất Sang - Bí thư xóm 3, xã Hoa Thành dẫn chúng tôi đi một vòng các thửa ruộng lắc đầu ngán ngẩm khi toàn bộ những hộ dân trong xóm gieo trồng lúa BC15 đều mất trắng. "Vụ mùa năm nay bà con trong xóm gieo bằng giống lúa BC15 đều bị lép hạt trên 70%. Rứa là năm ni lại đói rồi các anh à", ông Sang chua chát nói.
Cả cánh đồng lúa tại xã Hoa Thành (Yên Thành) cấy bằng giống BC15 của Công ty giống cây trồng Thái Bình đều đứng bông, lép hạt
Nhìn vào ruộng lúa BC15 của gia đình chị Nguyễn Thị Vinh (45 tuổi, xóm 3, xã Hoa Thành)cũng như toàn bộ cánh đồng được thâm canh bằng giống lúa này vẫn thấy phát triển bình thường, ai cũng nghĩ là lúa mới trổ đang chuẩn bị cúi. Nhưng khi đến gần, quan sát kỹ mới biết cây lúa trổ đã lâu mà bông không cúi và toàn hạt lép. Chị Vinh cho hay: "Những mùa vụ trước, gia đình tôi cũng sản xuất vài ba sào lúa giống BC15 cho hiệu quả cao, trong vụ xuân 2013 này, gia đình tôi gieo cấy gần 8 sào bằng giống lúa BC15, nhưng đến bây giờ thì mất trắng mà chưa rõ nguyên nhân".
"Gần 3 tháng trời bỏ công chăm sóc cứ tưởng là có một mùa bội thu như năm trước thì lúa năm nay chả thu được hạt nào. Bây giờ gia đình tôi chỉ biết cắt về cho bò ăn để chuẩn bị vụ mùa mới", chị Vinh than thở.
Cùng lâm vào tỉnh cảnh "dở khóc, dở cười" như chị Vinh, anh Phan Bá Hải (xã Hoa Thành) chưa biết xử lý thế nào với 6 sào ruộng gieo bằng giống lúa BC15. Anh Hải cho hay, vụ mùa năm trước gia đình anh cấy thử lúa BC15 trên diện tích 4 sào, cho năng suất từ 3-3,5 tạ/sào, với giá bán khoảng 800.000 đồng/tạ. Thấy giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt, anh mạnh dạn mở rộng diện tích lên 6 sào. "Gia đình tôi đều tuân thủ lịch gieo cấy của huyện cũng như quy trình chăm sóc nhưng không hiểu sao lúa trổ bông nhưng đều bị lép hạt, có những bông lúa không được một hạt nào. Tiền công đầu tư chăm sóc, phân bón gia đình đang còn nợ ngân hàng, bây giờ lúa lại mất mùa thì chúng tôi không biết lấy gì để trả nợ đây", anh Hải nói như khóc.
Ông Nguyễn Khắc Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Thành - cho biết: "Vụ xuân này Hoa Thành cơ cấu trên 200 ha lúa, trong đó có trên 150 ha cơ cấu giống lúa BC15 (do Công ty giống Thái Bình cung ứng). Xã đã gieo cấy tuân thủ lịch thời vụ của huyện, thực hiện tốt quy trình chăm sóc lúa. Cây lúa từ đầu vụ phát triển bình thường, sạch bệnh, trổ bông to, nhưng điều bất ngờ là bông lúa trổ thoát nhưng lại không tạo hạt, chỉ toàn hạt lép từ đầu bông đến cuối bông".
Người nông dân xót xa cắt lúa về cho bò ăn
Chuẩn bị lịch gieo cấy vụ Hè Thu nhưng bà con nông dân ở xã Hoa Thành không buồn gặt lúa mất mùa vì nếu ra công gặt hái thì không bõ tiền trả công kéo, công tuốt lúa. Nhiều người tiếc của đành ngậm ngùi cắt lúa về cho trâu bò ăn hoặc đem phơi rồi làm làm chất đốt.Không chỉ ở xã Hoa Thành mà hiện tại trên địa bàn huyện Yên thành có gần 10 xã thâm canh lúa BC15 cũng đều bị thiệt hại nặng như: Văn Thành trên 200 ha; Tân Thành 100 ha; Thị Trấn 45 ha; Bắc Thành 100 ha...Đời sống người dân ở đây phụ thuộc vào làm nông nghiệp, mất mùa trắng nên nguy cơ thiếu đói đang hiện hữu trước mắt người nông dân nghèo.
Giống lúa BC15 "mẫn cảm" với thời tiết?
Trong vụ Xuân năm 2013, toàn tỉnh Nghệ An gieo cấy khoảng trên 8.000 ha lúa BC15; trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Quỳnh Lưu (khoảng 3.600 ha), Yên thành (khoảng 3.300ha), Diễn Châu (khoảng 1.000ha) và rải rác ở một số huyện khác (Nghĩa Đàn, Đô Lương)...
Đến thời điểm này, theo thống kê ban đầu của Sở NN&PTNT Nghệ An thì có khoảng 3.000 ha bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau, tập trung tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành. Trong đó, huyện Quỳnh Lưu là địa phương có diện tích bị ảnh hưởng lớn nhất, hơn 1.500 ha trên tổng số 3.800 ha diện tích gieo cấy lúa BC15 của toàn huyện, gây thiệt hại khoảng gần 7.500 tấn lúa. Qua kiểm tra thực tế tại các cánh đồng trồng lúa BC15 cho thấy, cây lúa phát triển tốt, không sâu bệnh, bông lúa trổ to, dài nhưng lại không tạo hạt. Số diện tích lúa BC15 không bị ảnh hưởng chủ yếu gieo cấy sớm hoặc chậm hơn lịch thời vụ 5 ngày thì năng suất lại đảm bảo.
Tại huyện Diễn Châu, diện tích lúa BC15 bị ảnh hưởng khoảng hơn 500 ha trên tổng số hơn 1000 ha lúa BC15 gieo trồng toàn huyện. Ông Phan Xuân Vinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu - cho biết: "Giống lúa BC15 đưa vào địa bàn huyện đã hơn 3 năm nay nhưng năm đầu tiên có hiện tượng như thế này. Những năm trước, năng suất lúa tương đối cao, khoảng gần 4 tạ/sào. Hiện nay chưa có kết luận cuối cùng nguyên nhân dẫn đến việc lúa đứng bông, hạt lép nhưng đánh giá ban đầu, có thể do lúa trong thời kỳ trổ bông gặp những trận mưa lớn kèm theo lốc nên ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây. Tuy nhiên, một số giống lúa khác trổ bông cùng thời điểm nhưng lại không bị ảnh hưởng".
Tại buổi làm việc giữa đại diện Công ty Giống cây trồng Thái Bình và huyện Quỳnh Lưu vào sáng ngày 14/5, phía công ty này cho rằng do giống lúa BC15 "nhạy cảm với thời tiết" cùng với thời điểm trổ bông, lúa BC15 gặp phải trận mưa có axit nên không thể tạo hạt được. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều không đồng tình với nguyên nhân mà công ty đưa ra. Bởi theo họ, cùng thời điểm trổ bông với BC15 còn có nhiều giống lúa khác nhưng vẫn tạo hạt và cho năng suất cao.
Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu cũng cho rằng, không thể đổi lỗi hoàn toàn cho thời tiết vì khi tiến hành khảo nghiệm và đánh giá kết quả giống lúa BC15 trên đồng đất Quỳnh Lưu. phía công ty chỉ nêu đặc điểm của giống BC15 là mẫn cảm với các loại sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn chứ công ty không hề khuyến cáo với bà con về đặc điểm mẫn cảm với thời tiết bất thường của giống lúa BC15.
Trước tình hình trên, chiều ngày 13/5, Sở NN&PTNT Nghệ An đã tổ chức cuộc họp khẩn xác định nguyên nhân và bàn các giải pháp xử lý về tình tình thiệt hại lúa xuân 2013. Vụ Xuân 2013, tỉnh Nghệ An gieo cấy được khoảng 88.900 ha lúa, nếu không bị thiệt hại do thiên tai dự kiến năng suất có thể đạt khoảng 6,5 tấn/ha. Riêng giống lúa BC15 đạt gần 7 tấn/ha, thì nay chỉ đạt chưa đầy 2 tấn/ha, năng suất giảm 70%.
Lúa BC15 là giống lúa đã được Bộ NN&PTNT công nhận chính thức tại quyết định số 319/QĐ-CLTTT ngày 15/12/2008 và đã được đưa vào Nghệ An xây dựng mô hình từ năm 2009. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Nghệ An, qua các vụ sản xuất các mô hình đều cho thấy đây là giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, được nông dân một số vùng rất ưa chuộng nhưng có nhược điểm là nhiễm bệnh đạo ôn.
Bước đầu, Sở NN&PTNT Nghệ An xác định nguyên nhân thiệt hại trên diện tích lúa BC15 trà trổ từ ngày 22-28/4 là do: " Giai đoạn lúa làm đòng đến trổ gặp thời tiết bất lợi như nhiệt độ thấp, cường độ ánh sáng yếu, mưa lớn, gió lốc; Đặc biệt là thời kỳ phân hóa đòng nhiệt độ tối thấp xuống 17-20 độ C và không có giờ nắng nào trong ngày; Cùng với đó, giống lúa BC15 là giống mẫn cảm với các yếu tố bất lợi của thời tiết nên đã xảy ra tình trạng trên".
Trao đổi với báo chí, ông Từ Trọng Kim - Trưởng phòng Trồng trọt SởNN&PTNT Nghệ An - cho hay: "Sở NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương để điều tra cụ thể hiện tượng lép hạt, xác định nguyên nhân mất mùa do thời tiết hay giống. Nếu mất mùa do giống thì đơn vị cung ứng giống phải chịu trách nhiệm hỗ trợ cho bà con".
Công ty không khuyến cáo giống lúa "mẫn cảm" với thời tiết?
Giống lúa BC15 được Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình giới thiệu Trên trang thông tin điện tử của Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình giới thiệu: BC15 là giống lúa thuần đã được công nhận là giống Quốc gia năm 2008 và Bộ Nông Nghiệp cấp bằng bảo hộ giống cây trồng 20 năm. Thời gian sinh trưởng: Ở miền Bắc vụ Xuân từ 135 - 138 ngày, Vụ Mùa 110 - 115 ngày. Các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào vụ Xuân 115 - 120 ngày, vụ Hè Thu 105 - 110 ngày. BC15 là giống lúa cảm ôn, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh khá. Đây là giống thích ứng rộng, khả năng chịu chua trũng khá, có thể cấy được ở các chân đất từ vàn cao đến trũng. BC15 đẻ nhánh khỏe, bông dài, tỷ lệ hạt chắc trên bông cao, trung bình từ 250 - 300 hạt/bông, nếu thâm canh tốt có thể đạt 400 - 500 hạt/bông; 100 - 110 tạ/ha/vụ, trung bình đạt 65 - 70 tạ/ha/vụ, có tỷ lệ gạo cao.
Tho Dantri
Lái xe buồn ngủ, "xế hộp" lao xuống ruộng lúa Đang chạy tốc độ nhanh, ô tô 4 chỗ ngồi bất ngờ mất lái lao thẳng xuống ruộng lúa bên cạnh đường quốc lộ. May mắn lái xe tự mở cửa và chui ra khỏi cabin. Chiếc ô tô đang được cẩu khỏi ruộng lúa Sáng nay 25 -3, ô tô con do một người đàn ông điều khiển, chạy trên quốc lộ...