Hàng trăm cư dân mạng kéo đến đòi xử lý đối tượng nói năng ‘phản động’ trên Facebook
Cộng đồng ảo hóa cộng đồng thật. Sau khi đăng tải những lời lẽ bậy bạ, Đức đã bị cộng đồng mạng tìm ra tận địa chỉ nhà “hỏi thăm” khiến gia đình phải kêu cứu công an.
Những status “ câu like” của Đức bị cộng đồng mạng lên án
Trong thời điểm dư luận cả nước đang phẫn nộ trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, đâm tàu kiểm ngư Việt Nam tại Biển Đông, nam thanh niên Trịnh Thành Đức (SN 1997, ngụ số 37, đường Nguyễn Thái Bình, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) đãliên tục đăng tải những status trên trang facebook cá nhân với ngôn ngữ đầy tính kích động, phản động như: “Nếu có chiến tranh, tao sẽ theo TQ” hoặc thách thức cộng đồng mạng theo kiểu: “Tao phản động thì đã sao, Wall (tường) nhà tao, muốn ghi gì tao ghi được không”…
Lảm nhảm trên facebook
Sự việc bắt đầu từ ngày 8/5, trên trang facebook của mình, Đức đã đăng tải những câu nói đi ngược lại lòng tự tôn dân tộc. Ngay lập tức, hàng ngàn cư dân mạng lan truyền thông tin này với những bình luận giận dữ. Không lâu sau đó, cư dân mạng đã lần ra địa chỉ nhà riêng của chủ facebook. Nhiều bạn trẻ từ các quận huyện khác nhau như Biên Hòa, Củ Chi, Nhà Bè và thậm chí ở tận Hà Nội đã truy tìm địa chỉ của Đức để đến tận nhà “xử”. Theo lời kể của những người chứng kiến, hàng trăm thanh niên đã tụ tập từ khoảng 9h sáng ngày 8/5 tại nhà đòi “xử” Đức bằng nắm đấm. “Những thanh niên này đến địa chỉ tìm được và hỏi những người xung quanh xem có phải nhà thằng Đức hay không? Vì chúng tôi không biết hỏi để làm gì nên đã chỉ nhà và nói rõ những nơi sinh hoạt của nhà Đức (tầng trệt cho thuê bán cà phê)”, một hàng xóm của Đức kể.
Sau khi đã hỏi được địa chỉ nhà Đức, những người này bắt đầu chụp hình, ghi cụ thể địa chỉ và thậm chí tung cả cả bản đồ chỉ dẫn đường đến nhà Đức cho những người khác biết để tìm tới. Có khoảng gần 100 thanh niên như thế kéo đến đứng chật con hẻm dưới nhà Đức để đợi gặp mặt thanh niên này: “Lúc những thanh niên này đến, tôi không có ở nhà, đến 20h tối tôi về thì thấy người chật quán. Nhân viên cho biết là thằng Đức đã gây chuyện phản động trên facebook nên bị người ta tìm đến nhà “xử”. Thấy quá nhiều người, mà mặt ai cũng hằm hằm sát khí, sợ có điều không hay nên tôi đã gọi công an phường đến giải quyết”, người thuê mặt bằng nhà Đức nói.
Tuy rất đông người và ai nấy cũng ấm ức với những lời lẽ phản động của Đức, nhưng mọi người chỉ đợi bên dưới chứ không hề xông lên nhà mặc dù biết chắc Đức đang ở trên lầu. Thậm chí có người còn đến công an phường xuất trình giấy tờ, yêu cầu công an phải làm việc với kẻ “phản động”.
Vì biết mình đã gây ra tội lớn, Đức gọi điện cho gia đình cầu cứu. Mẹ Đức sau khi nghe chuyện đã không dám bước chân ra khỏi nhà vì sợ. Ngay sau khi nhận được tin báo về sự việc, công an phường 4 đã có mặt kịp thời. “Khi chúng tôi đến, phải cho xe đến sát cửa nhà mới dám cho Đức xuống rồi lên xe đi thẳng về phường. Chúng tôi cũng mời một vài người trong đám đông đại diện về trụ sở giải thích cụ thể. Tình hình lúc đó rất căng thẳng”, Trung tá Lê Tất Toàn, trưởng công an phường nói.
Video đang HOT
Cũng theo lời ông Toàn thì đa số những người tìm đến đây đều không hề quen biết nhau. Chỉ vì quá bức xúc với những lời lẽ của Đức trên mạng nên mới cùng nhau tập hợp đến. Tại phường, Đức đã được viết bản tường trình và xin lỗi cộng đồng mạng về những gì mình đã nói. Đức cũng đã thừa nhận toàn bộ những hành vi của mình và cho rằng vì muốn “chơi nổi” nên đã đăng tải thông tin có tính phản động để câu like.
“Anh hùng bàn phím” bỏ nhà tạm lánh đi nơi khác
Sau khi về nhà, Đức đã gỡ bỏ toàn bộ những status cũ nhưng lại cho rằng “ai đó đã đăng nhập trái phép vào facebook của tôi để chơi xỏ” chứ Đức không hề hay biết điều đó.
Dù Đức đã được mời lên công an phường làm việc nhưng nhiều thanh niên vẫn không chịu rời khỏi nhà thanh niên này. Chủ quán cà phê ở nhà Đức kể tiếp: “Vì sự việc xảy ra, quán tôi phải đóng cửa lúc 22h30 nhưng đến 24h đêm tôi vẫn thấy khoảng 20 thanh niên đang ngồi bên kia đường như đang chờ đợi ai đó”. Một số người dân khi thấy nhiều người tụ tập đã báo cho gia đình Đức biết để đề phòng chuyện không có thể xảy ra. Và gia đình Đức theo nhận định của nhiều người đã sợ “xanh mặt” với hành động ngu ngốc của con mình.
Sự việc diễn ra khiến nhiều người dân trong khu vực vừa cảm thấy hả hê cho một kẻ thích “chơi ngông mà ngu” và ủng hộ ý kiến “trừng phạt”. Nhưng không ít người cũng cho rằng việc làm của những thanh niên đến nhà Đức là không đúng. “Nếu có việc gì cứ báo cho cơ quan chức năng xử lý, chứ nếu xảy ra chuyện không hay, ai sẽ lãnh trách nhiệm”, một người dân nói.
Được biết Đức hiện đang là học sinh lớp 11 nhưng được đánh giá là thanh niên không đàng hoàng, ham mê chơi bời. Thanh niên này “rất muốn thể hiện cái tôi” bằng những việc làm ngông cuồng, việc đăng tải status phản động là một điển hình. Ngoài việc làm trên, Đức còn đeo khuyên tai thật to và thường xuyên nẹt pô xe máy trước mặt người khác để thể hiện mình. Thậm chí, ngay cả khi công an đưa lên xe về phường làm việc. Ngồi trên xe, Đức còn dùng điện thoại chụp hình “tự sướng” đăng lên facebook khoe, câu “like”.
Để tìm hiểu thêm thông tin cũng như cho Đức một cơ hội thanh minh với cộng đồng mạng chúng tôi đã tìm gặp Đức. Tuy nhiên mẹ Đức cho biết sau sự việc trên, vì quá hoảng sợ nên Đức đã ra khỏi nhà đến tá túc nhà bạn bè nhằm tránh chạm mặt với những người phẫn nộ. “Bây giờ biết làm sao đây. Nó gọi điện nói rằng nó không ngờ hành động của mình lại nghiêm trọng như vậy, nó hối lỗi lắm”, người mẹ nói. Được biết Đức đã tự khóa facebook của mình.
Theo Xahoi
Kiện Trung Quốc: Nhiệm vụ cấp bách
Cả thế giới đều biết rằng Trung Quốc dùng vũ lực để cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cách đây 40 năm.
Tàu hải cảnh Trung Quốc (phải) uy hiếp tàu kiểm ngư Việt Nam - Ảnh cắt từ clip của Cảnh sát biển Việt Nam
Luật sư Hoàng Ngọc Giao - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển cho rằng:
- Cả thế giới đều biết rằng Trung Quốc dùng vũ lực để cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cách đây 40 năm. Hành vi dùng vũ lực cưỡng chiếm lãnh thổ thuộc chủ quyền quốc gia khác là vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Đến nay, với việc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (HD 981), Trung Quốc đã trắng trợn xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng công pháp quốc tế và Luật biển quốc tế. Căn cứ vào quy định của Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển, chúng ta hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc.
Ít nhất 2 vụ kiện
* Cơ chế giải quyết vụ kiện ở các tòa án quốc tế hiện quy định ra sao? Chúng ta nên bắt đầu như thế nào?
- Công ước Luật biển năm 1982 có hẳn một phần quy định rất chi tiết về cơ chế giải quyết tranh chấp. Hiện nay, cũng không chỉ có Tòa án công lý quốc tế là nơi để các quốc gia có thể nhờ cậy giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Đối với biển đảo còn có một cơ chế giải quyết tranh chấp riêng, đó là Tòa án luật biển được thành lập theo Công ước Luật biển năm 1982. Chúng ta cần nói rõ là ở biển Đông thì Trung Quốc có yêu sách về vùng biển và yêu sách về đảo, quần đảo. Đối với đảo, quần đảo là yêu sách về lãnh thổ, bao gồm đảo và phạm vi 12 hải lý tính từ đảo. Còn theo Công ước Luật biển năm 1982 với vùng mở rộng 200 hải lý thì quốc gia có quyền chủ quyền chứ không gọi là lãnh thổ. Như vậy, có thể thấy rõ hai vụ kiện. Một là vụ kiện liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa là vụ kiện về tranh chấp lãnh thổ. Hai là vụ kiện về hành vi của Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam - thì lại là vụ kiện chống lại hành vi Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vụ kiện này cần phải đưa ra Tòa án luật biển quốc tế.
Nhưng Trung Quốc không chỉ chiếm đóng trái phép Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa mà còn đưa ra nhiều yêu sách với phần lớn diện tích biển Đông, tức là cả một vùng nước rất rộng lớn. Họ đưa ra "đường lưỡi bò", họ cấm đánh bắt hải sản, họ buộc tàu bè đánh cá phải xin phép... Các yêu sách này không những vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam mà còn của một số quốc gia khác. Ví dụ, với hành vi ra lệnh cấm các nước trong khu vực đánh bắt cá trên phần lớn diện tích biển Đông, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của công ước về quy chế pháp lý của các vùng biển. Nói cách khác, Trung Quốc đã ngang ngược phớt lờ các quy định về quyền của các quốc gia ven biển về vùng đặc quyền kinh tế. Có thể hình dung rằng Trung Quốc đã tự coi biển Đông như ao nhà của mình và tự ý áp đặt luật chơi. Với những hành vi như vậy, nó xâm hại đến tự do hàng hải và các quyền hợp pháp của các nước khác, thì quốc gia bị ảnh hưởng có thể kiện ra Tòa án luật biển theo cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Nghĩa là không nhất thiết cả hai bên tranh chấp phải đồng ý thì mới giải quyết. Philippines đã vận dụng cơ chế này và Tòa án luật biển đang thụ lý vụ việc. Với việc Trung Quốc tuyên bố vùng phải xin phép đánh cá trên phần lớn diện tích biển Đông vừa rồi, chúng ta hoàn toàn có thể kiện ra Tòa án luật biển.
* Ông dự liệu thế nào về những khó khăn chúng ta phải đối mặt khi muốn đưa vụ kiện về chủ quyền lãnh thổ ra Tòa án công lý quốc tế?
- Đến nay, Tòa án công lý quốc tế đã giải quyết rất nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia. Ví dụ như vụ tranh chấp ở biển Bắc giữa Đan Mạch, Na Uy; vụ tranh chấp giữa các nước châu Phi có bờ biển liền kề chồng lấn, gần đây là vụ tranh chấp khu vực đền Preah Vihear giữa Thái Lan và Campuchia... Nói như vậy để biết các vụ kiện về tranh chấp lãnh thổ không phải là chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, việc đưa ra Tòa án công lý quốc tế về mặt thủ tục cũng có những khó khăn, mà khó khăn lớn nhất là Trung Quốc không bao giờ muốn đưa vụ việc này ra cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết. Vì vậy, ai cũng dự liệu được rằng nếu Việt Nam có nộp đơn thì tòa cũng không giải quyết được do Trung Quốc sẽ phản đối. Việt Nam cũng có thể khiếu nại vụ việc này ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhưng Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an nên họ có quyền phủ quyết.
Không chỉ ngoại giao mà còn phải qua con đường luật pháp
* Như vậy việc "mời" Trung Quốc ra Tòa án công lý quốc tế là không khả thi. Vậy chúng ta được gì nếu đơn phương đệ đơn kiện?
- Tôi cho rằng rất khó có khả năng để chúng ta đạt được mục đích là tòa thụ lý vụ kiện, bởi Trung Quốc sẽ phản đối. Tuy nhiên, chúng ta sẽ đạt được nhiều mục đích khác. Trước hết là chúng ta có một bộ hồ sơ pháp lý đàng hoàng. Chúng ta thách thức Trung Quốc ra trước công lý quốc tế. Và khi đó dư luận quốc tế sẽ đặt ra câu hỏi với Trung Quốc rằng nếu anh hành xử đúng pháp luật quốc tế thì tại sao lại từ chối thẩm quyền xem xét vụ việc tại tòa án? Tôi có thể khẳng định rằng khi chúng ta có được bộ hồ sơ pháp lý như vậy sẽ có tác động rất mạnh mẽ đến nhận thức của nhân dân Việt Nam và nhân dân quốc tế về những căn cứ pháp lý, lịch sử xác nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Qua đó, nhân dân Việt Nam và quốc tế hiểu rõ rằng ai là người có đủ tư cách, có đủ căn cứ pháp lý để làm chủ Hoàng Sa và Trường Sa.
Việc đưa vụ kiện theo thủ tục trọng tài bắt buộc về việc Trung Quốc ngang nhiên vi phạm công ước khi ra lệnh cấm đánh bắt, lệnh buộc phải xin phép khi khai thác cá trên biển Đông, cũng như hành vi Trung Quốc hiện nay đang xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là việc đã đến lúc phải làm ngay, và có thuận lợi để làm. Lúc này, bị đơn là một, tức Trung Quốc, còn nguyên đơn bắt đầu có hai là Việt Nam và Philippines (tất nhiên hồ sơ pháp lý của Philippines sẽ khác của Việt Nam). Như vậy, chúng ta góp thêm một tiếng nói không chỉ để bảo vệ quyền của chính mình mà đòi hỏi Trung Quốc tuân thủ nghiêm chỉnh Luật biển quốc tế, tôn trọng "luật chơi văn minh" với các quốc gia khác trong các quan hệ liên quan tới biển Đông.
* Ai sẽ là người đứng ra khởi kiện?
- Theo pháp luật quốc tế, các quốc gia được đại diện bởi nhà nước, do đó việc khởi kiện phải đứng danh của Nhà nước và Chính phủ phải làm việc này. Tất nhiên thủ tục, hồ sơ pháp lý đối với một vụ kiện như thế này là rất phức tạp, công phu. Thông thường các nước đều phải lập ra một nhóm công tác chuyên tâm làm việc này, kể cả thuê các luật sư quốc tế để xây dựng hồ sơ. Nếu chúng ta có quyết tâm cao và ý thức rằng trong bối cảnh hiện nay, để bảo vệ được chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quyền chủ quyền của mình trên biển Đông thì con đường đấu tranh không chỉ dừng lại ở ngoại giao mà còn phải qua luật pháp. Như vậy, chúng ta cần có quyết tâm và bản lĩnh chính trị để đưa vụ này ra kiện. Chúng ta thấy rằng Philippines làm việc này chỉ trong thời gian ngắn, họ vừa nỗ lực ngoại giao vừa nỗ lực về pháp lý.
* Ông bình luận như thế nào về việc Trung Quốc luôn rêu rao rằng mình đúng nhưng lại không dám đối đầu với các vụ kiện thế này?
- Những nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rõ rằng họ vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, với tư tưởng đại Hán và chính sách nước lớn muốn thay đổi lại trật tự thế giới, đặt lại "luật lệ cuộc chơi", thì hành vi vi phạm pháp luật quốc tế của họ có thể được nhìn nhận rằng Trung Quốc đang nỗ lực phá bỏ các quy định của pháp luật quốc tế bất lợi cho lợi ích bá quyền của mình. Từ đó giúp áp đặt những "quy tắc và kiểu chơi" của họ trong quan hệ quốc tế.
Cũng không khó hiểu khi Trung Quốc không chấp nhận thẩm quyền của các cơ quan tài phán quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề ở biển Đông. Một mặt Trung Quốc sợ ánh sáng công lý quốc tế. Mặt khác, Trung Quốc quyết tâm áp đặt "luật chơi" của họ. Điều này lý giải vì sao Trung Quốc cũng không cảm thấy ngại ngùng hoặc lo ngại về uy tín quốc gia của họ, khi họ vô căn cứ đưa ra yêu sách chủ quyền của họ ở biển Đông, đối với đảo Senkaku của Nhật Bản, khi họ dùng các "học giả" và bộ máy truyền thông đưa tin không đúng sự thật về các hành vi gây rối, xâm chiếm của họ ở biển Đông. Do vậy trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, chúng ta phải phát huy sức mạnh của toàn thể dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đấu tranh trên nhiều mặt trận: ngoại giao, pháp lý và tại hiện trường - hành động khéo léo và kiên quyết.
Theo Xahoi
Tàu Trung Quốc ngăn tàu Việt Nam tiếp tế thuốc men ở khu vực giàn khoan Khi tàu của Việt Nam tiếp tế lương thực thực phẩm, thuốc men cho các tàu đang làm nhiệm vụ trong khu vực thì các tàu Trung Quốc có hành động ngăn cản tiếp tế. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam cùng các tàu tấn công gây thiệt hại cho lực lượng chấp pháp Việt Nam...