Hang Tốc Rù ( Cao Bằng): Di tích lịch sử cách mạng
Hang Tốc Rù nằm ở phía Đông Bắc của Khu di tích Lam Sơn, thuộc xã Hồng Việt (Hoà An). Trong thời kỳ đầu vận động cách mạng, hang Tốc Rù là nơi in báo Cờ Đỏ (tiền thân của Báo Cao Bằng ngày nay), in truyền đơn của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng.
Năm 1932, phong trào cách mạng ở Cao Bằng phát triển mạnh. Nhận thấy tầm quan trọng của báo chí trong công tác tuyên truyền cách mạng, đồng chí Hoàng Đình Giong đã chỉ đạo Đảng bộ tỉnh Cao Bằng xuất bản báo Cờ Đỏ. Hoà An được chọn làm nơi đặt cơ quan in ấn của Đảng bộ Cao Bằng.
Ngày 1/4/1932, tại hang Tốc Rù, số đầu tiên báo Cờ Đỏ của Tỉnh uỷ Cao Bằng ra đời. Mỗi tháng báo ra hai kỳ, mỗi kỳ 60 tờ. Đồng chí Hoàng Đình Giong là chủ bút kiêm biên tập. Những người đầu tiên được giao in báo Cờ Đỏ là các đồng chí Lê Hai, Lê Lai, An Định, Thế Lực, Bích Giang, Thúy Bách là hội viên của tổ báo.
Công cụ để in là một chậu thạch đen hoặc thạch trắng nấu đặc, đôi khi phải dùng đất sét đổ khuôn in thay thạch khi thiếu. Thợ in viết bằng mực tím trên giấy, lật úp tờ giấy lên phiến thạch hay khuôn đất sét, chữ ăn vào đó, rồi lại đặt tiếp tờ giấy khác lên, tay vuốt nhẹ, lật tờ giấy lên là có một trang báo. Do in thủ công nên chỉ in được ít bản, tốn kém nhiều mà càng về sau chữ càng không rõ. Khi đồng chí Bích Giang sang Long Châu (Trung Quốc) mua được giấy nến về thay thế in thì việc in báo bước đầu được cải tiến. Sau mua được phiến đá, Báo Cờ Đỏ chuyển sang in litô thay thế in thạch và giấy nến. Báo in xong được cất giữ trong các ngách hang nhỏ cho đến ngày lưu hành.
Video đang HOT
Cùng với in báo Cờ Đỏ, các đồng chí còn in truyền đơn nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn. Nội dung của báo và truyền đơn là vạch trần tội ác của thực dân Pháp, kêu gọi nhân dân đấu tranh chống bắt phu, chống bắt lính và đòi thả tù chính trị. Báo Cờ Đỏ là tiếng nói của Đảng, kêu gọi đồng bào các dân tộc đoàn kết, đấu tranh dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Các chi bộ Đảng ở các địa phương trong tỉnh lấy báo Cờ Đỏ làm tài liệu tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, giáo dục lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng trong quần chúng nhân dân. Báo được xuất bản đều kỳ và liên tục để các cơ sở nắm sát tình hình chủ trương, đường lối của Đảng và để phong trào được thống nhất. Báo Cờ Đỏ không những được bí mật lưu truyền trong tỉnh mà còn lan rộng sang các tỉnh khác. Báo đã giúp cho Đảng bộ Cao Bằng củng cố về tổ chức và tư tưởng của đảng viên và quần chúng. Báo Cờ Đỏ được lưu hành đến năm 1935 thì ngừng xuất bản, do địch kiểm soát gắt gao nên nơi hoạt động bị lộ, cơ quan Tỉnh ủy phải dời đi nơi khác để giữ bí mật, các đồng chí trong tổ báo gặp nhiều khó khăn về vật chất.
Mặc dù thời gian hoạt động của báo không lâu nhưng báo đã giúp cho Đảng bộ Cao Bằng làm tài liệu tuyên truyền, vận động đảng viên và quần chúng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết vững bước đi lên trên con đường mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) và Đảng đã vạch ra.
Ngoài việc in báo và truyền đơn, năm 1943, hang Tốc Rù còn là nơi chứa lương thực của nhân dân Hoà An đóng góp để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Năm 1995, hang Tốc Rù được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử cách mạng.
Thang Hen - Điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách
Chỉ cách thành phố Cao Bằng khoảng 30 km theo tỉnh lộ 205, cùng với những điểm du lịch khác, như: Khu di tích lịch sử Pác Bó (Hà Quảng), thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao (Trùng Khánh)..., địa danh hồ Thang Hen thuộc xã Quốc Toản (Trà Lĩnh) được nhắc đến như là một trong những địa chỉ du lịch sinh thái nổi bật, hấp dẫn, với nhiều phong cảnh thơ mộng, hữu tình gắn liền với những truyền thuyết, sự tích, kỳ bí thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Huyền thoại về hồ Thang Hen là một sự khám phá thú vị đối với du khách. Theo Truyền thuyết dân gian, ngày xưa ở Cao Bằng có một chàng trai tên là Sung thông minh tuấn tú. Chàng thi đỗ làm quan và được vua ban thưởng bảy ngày vinh quy bái tổ. Về quê, chàng kết hôn cùng nàng Boóc xinh đẹp. Mải quyến luyến bên người vợ xinh đẹp mới cưới, chàng quên mất ngày trở về kinh. Đến đêm thứ bảy chàng mới sực nhớ, vội chia tay vợ và bố mẹ chạy về kinh. Giữa đêm tối trong rừng hoang, Chàng chạy được 36 bước chân thì ngã đầu đập vào núi rồi chết. 36 bước chân của chàng ngày nay là 36 cái hồ lớn nhỏ với những tên gọi khác nhau của tiếng địa phương thuộc huyện Trà Lĩnh. Tương truyền rằng nơi chàng nằm xuống chính là hồ Thang Hen ngày nay.
Hiện nay, quần thể hồ Thang Hen có 36 hồ tự nhiên, mỗi hồ cách xa nhau vài chục hoặc vài trăm mét. Các hồ đều có bờ ngăn riêng, tuy nhiên tất cả đều thông nhau bởi các hang động ngầm dưới lòng đất. 36 hồ nước ngọt tự nhiên này nằm trong một thung lũng rộng lớn tiếp giáp giữa xã Quốc Toản (Trà Lĩnh) và xã Ngũ Lão (Hòa An). Những tên hồ được đặt theo tiếng địa phương, như: Thang Vạt, Nà Ma, Thang Loỏng, Thang Hoi... có từ hàng trăm năm nay. Trong đó, Thang Hen là hồ lớn nhất trong quần thể 36 hồ. Hồ Thang Hen có chiều dài gần 2.000 m, rộng 500 m, được bao quanh bởi những tán rừng già xen lẫn những mỏm đá tai mèo và có độ sâu tới 40 m. Tên của hồ Thang Hen theo tiếng bản địa của người Tày có nghĩa là "đuôi ong", bởi vì từ trên cao phóng tầm mắt nhìn xuống du khách sẽ liên tưởng hình dáng của hồ có hình tựa như đuôi con ong. Các hồ tự nhiên này có nhiều đặc sản do thiên nhiên ban tặng với hơn 100 loại cá lớn, nhỏ khác nhau, như: tôm, tép, cá chép vây đỏ, cá nheo ...
Thang Hen có phong cảnh sơn thủy hữu tình với những hàng cây xanh vươn mình trên vách đá cheo leo, soi bóng xuống mặt nước xanh ngát, uốn vòng theo lòng thung lũng mấp mô những mỏm đá ngầm. Vào buổi sáng, từ đỉnh núi phóng tầm mắt xuống lòng hồ có thể thấy những đám mây lướt qua hệt như những dải lụa trắng tung bay trong gió. Phía đầu nguồn của hồ có một cái hang rộng gọi là hang Thang Hen. Miệng hang sâu 200 m, rộng khoảng 5 - 6 m, cao chừng 5 m thông thẳng lên đỉnh núi. Nước từ trong hang chảy ra quanh năm không dứt. Mỗi ngày hồ Thang Hen đều có 2 đợt thủy triều lên và xuống. Đặc biệt vào khoảng tháng 9 đến tháng 10 giai đoạn lập thu, trong một đêm, nước hồ Thang Hen bị rút cạn chỉ trong vài ba giờ đồng hồ. Không kể mùa lũ hoặc mùa khô, nước trong hồ Thang Hen quanh năm xanh ngắt. Khu vực hồ Thang Hen có bờ vực đá dựng đứng sâu từ 5 m - 30 m, trên núi đá có những loại cây gỗ quý hiếm như nghiến cổ thụ có tuổi thọ hằng trăm năm và nhiều giống hoa lan rừng, các loại thực vật đa dạng phong phú cùng với nhiều loại thú hoang dã, như: khỉ vàng, gà gô, chim gáy rừng...
Năm 2001, hồ Thang Hen được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp Bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa. Năm 2011, Công ty TNHH Một Thành viên Du lịch sinh thái hồ Thang Hen đã đón hơn 20.000 du khách đến du lịch tham quan. Riêng 9 tháng đầu năm 2012, có 10.000 du khách đến hồ Thang Hen du lịch. Theo bà Trần Thị Thơm, Giám đốc Công ty TNHH Một Thành viên Du lịch sinh thái Hồ Thang Hen cho biết: Để trở thành điểm du lịch sinh thái, nghỉ mát lý tưởng đối với khách trong và ngoài nước, từ năm 2007 đến nay, Công ty đã đầu tư cơ sở hạ tầng khu du lịch hồ Thang Hen khá quy mô, hiện đại. Tại Thang Hen hiện có khu nhà sàn gỗ với trên 100 phòng nghỉ từ bình dân đến phòng Vip, trang thiết bị hiện đại, khép kín; có đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên phục vụ du khách tận tình chu đáo, giàu kinh nghiệm. Tại đây, du khách có thể tận hưởng các dịch vụ khác nhau, như: thăm bản làng dân tộc Tày, Nùng, Mông, tham quan hang động, đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ với đồng bào, sân chơi tennis, chèo thuyền tham quan hồ... Trong những năm tới, Công ty tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng cáp treo, khai thác và đưa vào sự dụng điểm du lịch động Kẻ Rằng được phát hiện từ năm 2003, với những hình khối lạ mắt, nhũ đá đẹp, nhiều màu sắc, hấp dẫn du khách tham quan.
Chỉ mất một giờ đi xe máy hoặc ô tô du khách có thể đến Thang Hen để được tận hưởng không khí mát lành, ngắm cảnh sông nước, núi rừng hùng vĩ, thơ mộng, chèo thuyền từ hồ này sang hồ khác, thưởng thức các món ăn đậm đà bản sắc dân tộc từ sản phẩm của hồ và được nếm hương vị rượu thơm ngon nồng ấm chưng cất từ ngô và men lá theo phương pháp cổ truyền của dân tộc Tày.
Khám phá vẻ đẹp kỳ thú động Ngườm Ngao, Cao Bằng Khi nói đến Cao Bằng thì nhiều người thường sẽ nhắc đến thác Bản Giốc, khu di tích Pác Bó... nhưng Cao Bằng còn một điểm tham quan rất thú vị và hấp dẫn khác đó là động Ngườm Ngao thuộc địa phận Bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng Đường vào động Ngườm Ngao Ngườm Ngao được người...