Hãng Pfizer/BioNTech nghiên cứu bổ sung thêm mũi tiêm thứ ba để chống lại biến thể mới
Ngày 25/2, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) thông báo đang tiến hành nghiên cứu bổ sung thêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba vào cơ chế tiêm chủng gồm 2 mũi và thử nghiệm một phiên bản mới của vaccine nhằm vào biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Nam Phi, còn gọi là B.1.351.
Vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một nghiên cứu, hai hãng dược trên cho biết họ sẽ xem xét chuyện gì sẽ xảy ra trong vòng từ 6-12 tháng sau khi đối tượng tiêm chủng được tiêm thêm mũi vaccine thứ 3 trong cơ chế tiêm chỉ có 2 mũi.
Bên cạnh đó, hai hãng sẽ thảo luận với các cơ quan quản lý y tế về tiến thành thử nghiệm phiên bản sửa đổi của vaccine gốc nhằm đối phó với biến thể B.1.351 vốn được cho là một trong những biến thể hiện nay có mức độ nguy hiểm hơn nhờ khả năng tránh được một số hoạt động bao vây của kháng thể nhằm vào các virus SARS-CoV-2 ban đầu. Điều này có nghĩa là những người nhiễm virus SARS-CoV-2 ban đầu dễ bị tái nhiễm hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy biến thể phần nào giảm khả năng bảo vệ của các vaccine ngừa COVID-19 hiện nay.
Hiện nay, các nước trên thế giới đang gấp rút tiến hành tiêm chủng cho người dân do lo ngại các biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao hơn như biến thể phát hiện ở Nam Phi và ở Anh có thể kháng lại các vaccine ngừa COVID-19 hiện nay.
Nghiên cứu quy mô lớn khẳng định hiệu quả của vaccine Pfizer
Một nghiên cứu quy mô lớn của Israel cho thấy vaccine ngừa bệnh COVID-19 của hai hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) có hiệu quả 94%.
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Nghiên cứu, công bố trên tạp chí Y học New England, được tiến hành với 1,2 triệu người ở Israel, trong các điều kiện cuộc sống thực. Chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Y Harvard, một trong các đồng tác giả nghiên cứu trên, ông Ben Reis cho biết: "Đây là bằng chứng lớn đầu tiên về mức độ hiệu quả của một vaccine trong các điều kiện cuộc sống thực".
Nghiên cứu trên cũng cho thấy vaccine trên có khả năng bảo vệ mạnh mẽ - một nhân tố quan trọng trong việc phá vỡ con đường lây lan của virus SARS-CoV-2.
Trong nghiên cứu trên, 600.000 người đã được tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech, 600.000 người không được tiêm nhưng đáp ứng các điều kiện tương đương như những người được tiêm về tuổi tác, giới tính, nơi sinh sống, các đặc điểm y học...
Kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine này có hiệu quả 94% đối với các trường hợp có triệu chứng sau khi tiêm đủ hai liều, tương đương mức 95% được ghi nhận trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Theo thống kê của hãng tin AFP, hơn 217 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech đã được tiêm trên toàn cầu, đa phần ở các nước có thu nhập cao. Hy vọng đang ngày càng lớn rằng việc tiêm phòng sẽ cho phép thế giới thoát khỏi đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người, khiến trên 113 triệu người nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo đại dịch còn chưa kết thúc khi toàn thế giới chưa được tiếp cận với vaccine.
Tin tốt lành về hiệu quả thực tế khá cao của vaccine được công bố trong bối cảnh ngày 24/2, Ghana đã trở thành quốc gia đầu tiên được nhận vaccine theo cơ chế phân phối công bằng vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều phối, mở đường cho các nước nghèo theo kịp các nước giàu trong cuộc đua vaccine. COVAX đặt mục tiêu cung cấp ít nhất 2 tỷ liều vào cuối năm nay, đặc biệt cho 92 nước nghèo.
Chuyên gia Hàn Quốc nhận định vaccine của hãng Pfizer/BioNTech hiệu quả 95% Một ủy ban chuyên gia của Hàn Quốc ngày 23/2 cho biết vaccine của công ty dược phẩm Mỹ Pfizer phối hợp với BioNTech của Đức sản xuất có hiệu quả hơn 95% trong việc phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và việc sử dụng vaccine này cho người trẻ tuổi không tạo ra vấn đề nào. Vaccine ngừa COVID-19 Pfizer/BioNTech....