Hãng Pfizer hy vọng có vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi sớm nhất vào cuối mùa Thu
Trong bối cảnh học sinh trên toàn thế giới đang chuẩn bị bắt đầu năm học mới mà dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành, đe dọa quyền được học tập của các em, chính phủ các nước và các hãng dược trên thế giới đang nỗ lực sản xuất vaccine và lên kế hoạch tiêm chủng cho nhóm đối tượng này.
Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 của Hãng Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Một lãnh đạo cấp cao của hãng dược Pfizer, Tiến sĩ Scott Gottlieb, vừa cho biết ông hy vọng cơ quan quản lý dược phẩm của Mỹ sẽ cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng này cho trẻ em từ 5-11 tuổi vào cuối mùa Thu hoặc đầu mùa Đông tới. Theo Tiến sĩ Gottlieb, người từng giữ chức Giám đốc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, hãng này đã có dữ liệu về thử nghiệm vaccine cho trẻ từ 5-11 và sẽ nộp lên FDA ngay trong tháng 9 này.
Tiến sĩ Gottlieb cho biết theo lịch trình, FDA cần khoảng từ 4-6 tuần xem xét trước khi đưa ra quyết định có cấp phép sử dụng khẩn cấp hay không. Tuy nhiên, ông Gottlieb cho rằng biến thể Delta, vốn là nguyên nhân gây ra làn sóng dịch bệnh hiện nay ở Mỹ, có thể ảnh hưởng đến quá trình xem xét vaccine cho trẻ em.
Ngày 23/8 vừa qua, FDA đã cấp phép chính thức cho vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer. Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được FDA cấp phép đầy đủ trong bối cảnh các vaccine khác đến nay đều mới chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Tuy nhiên, quyết định này chỉ áp dụng cho những người từ 16 tuổi trở lên.
FDA cũng đã cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer cho trẻ em từ 12-15 tuổi từ tháng 5 nhưng trên cơ sở sử dụng khẩn cấp. Cho đến nay, Mỹ đã triển khai tiêm vaccine của Pfizer cho trẻ em ở nhóm này. Hôm 27/8, một quan chức Nhà Trắng cho biết khoảng 50% thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi tại Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.
Dù virus được cho là không gây ra nhiều nguy cơ nhiễm nặng cho trẻ em so với những người trên 65 tuổi, nhưng một số nghiên cứu cho thấy trẻ em mắc COVID-19 vẫn có thể lây nhiễm cho người khác. Việc tiêm vaccine cũng sẽ giúp làm giảm việc gián đoạn học tập và giảm khả năng dịch bùng phát ở trường học.
EU đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% người trưởng thành
Ngày 31/8, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết 70% người trưởng thành ở Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, đạt mục tiêu mà liên minh này đặt ra vào đầu năm nay.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Điều này có nghĩa là ít nhất 255 triệu người ở EU đã được tiêm 2 liều vaccine của Pfizer/BionTech, hoặc AstraZeneca, hoặc Moderna hoặc 1 liều của Johnson & Johnson.
Tháng 1 vừa qua, EC tuyên bố vào mùa hè năm nay, các nước thành viên EU cần phải tiêm chủng cho ít nhất 70% người dân trưởng thành của mình. Điều này có nghĩa là mỗi quốc gia trong số 27 nước thành viên EU cần phải đạt được mục tiêu này trước tháng 9.
Việc đạt được mục tiêu trên là một cột mốc quan trọng trong chiến lược tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của EU sau khi khởi đầu một cách chậm chạp. Tuy nhiên, dù đạt được mục tiêu chung nhưng chiến dịch tiêm chủng tại EU vẫn bộc lộ những điểm khác biệt lớn giữa các quốc gia thành viên, trong đó một số nước đã vượt chỉ tiêu tiêm chủng, trong khi những nước nghèo hơn ở khu vực phía Đông lại có tỷ lệ thấp hơn nhiều.
Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), Malta hiện đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 90% người trưởng thành. Tỷ lệ này ở Ireland và Bồ Đào Nha là hơn 80%, Pháp - hơn 70%. Trong khi đó, ở khu vực phía Đông, Bulgaria mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho 20% người trưởng thành, Romania - 30%. Tại Croatia, Latvia, Slovenia và Slovakia, có khoảng 50% số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ.
Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh EU cần tiếp tục thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng và cũng cần hỗ trợ phần còn lại của thế giới trong công tác này.
Singapore cho Australia mượn 500.000 liều vaccine Singapore sẽ chuyển cho Australia 500.000 liều Pfizer theo thỏa thuận "chia sẻ liều tiêm" và dự kiến nhận lại số vaccine này vào tháng 12. "Singapore và Australia đã đạt thỏa thuận chia sẻ vaccine Covid-19. Chúng tôi sẽ gửi cho họ 500.000 liều vaccine Pfizer/BioNTech hiện có và họ sẽ trả lại số lượng tương tự vào tháng 12. Các liều...