Hàng nghìn sinh viên nhận “trái đắng” thôi học
Đừng bao giờ nghĩ đỗ đại học là có thể tốt nghiệp ra trường. Việc “siết chặt” chất lượng đào tạo tại các trường đang khiến hàng loạt sinh viên phải ra trường… trước thời hạn.
Dấu chấm hết vì học tập lơ là
Bị buộc thôi học là “trái đắng” mà N.T.P – cựu sinh viên Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội nhận được sau khoảng thời gian dài tối ngày “cày” game ở ngoài quán. P chia sẻ, hồi cấp ba ở nhà bị bố mẹ “quản thúc” đỗ được ĐH lại ĐH Bách khoa danh tiếng nên gia đình vui lắm. Được bố mẹ chu cấp tiền sinh hoạt đầy đủ và xông xênh hơn nhiều sinh viên khác, lại mang tâm lý “xả hơi” nên P lao vào chơi điện tử, bỏ bê bài vở, thi thoảng lại cúp tiết trốn học đi chơi.
Sinh viên đừng nghĩ thi đỗ ĐH là được xả hơi. (ảnh minh họa). Ảnh: Tùng Anh
Video đang HOT
Nhiều trường ĐH tại TP.HCM mỗi năm cũng cho “rơi rụng” hàng loạt sinh viên. ĐH Nông lâm TP.HCM mỗi khóa có tới 15 – 20% sinh viên bị thôi học giữa chừng. Con số này ở trường ĐH Bách khoa TP.HCM là khoảng 30%. Trường ĐH công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng có khoảng 15 – 20% sinh viên mỗi khóa không “trụ” được đến ngày tốt nghiệp…
“Nhận được quyết định bị thôi học em ân hận lắm, suốt mấy tháng sau không dám về nhà, cũng không dám nói cho ai biết. Giờ thì học hành dang dở, không có mặt mũi nào về quê, gặp gỡ bạn bè. Bố mẹ sau khi biết tin đã rất thất vọng, giờ em vào trường nghề để học về cơ điện hy vọng sau này sẽ có cơ hội lập nghiệp sửa chữa sai lầm” – P nói.
Không giống P, em T.V.C (Tứ Kỳ, Hải Dương) – cựu sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội là một trường hợp bị “rơi rụng” một cách đáng tiếc. Gia đình khó khăn, ngay khi bước vào năm thứ nhất ĐH, C đã lăn lộn kiếm việc làm thêm để trang trải học tập và có tiền đỡ đần thêm cho mẹ. Vừa gia sư, vừa chạy bàn, số tiền C kiếm được mỗi tháng rất khá nên em càng ngày càng bị công việc cuốn đi. Vì lơ là học tập, đến năm thứ 3, nợ môn quá nhiều, tín chỉ không đủ, C bị đình chỉ học tập.
P và C chỉ là 1 trong số hàng ngàn sinh viên bị thôi học giữa chừng. Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị mỗi năm đình chỉ trên 700 trường hợp sinh viên không đủ điều kiện học tập tiếp, ông Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, có nhiều lý do, nhưng chủ yếu là ở ý thức học tập.
“Tâm lý chung sau 12 năm học, nhiều em vào đại học muốn… xả hơi. Thay vì học tập, các em đắm chìm trong điện tử và đủ trò khác. Nhưng chỉ cần 6 tháng không tập trung là kết quả tuột dốc. Hiện nay, theo quy chế đào tạo tín chỉ, nếu 6 tháng toàn bị điểm F, sinh viên sẽ vào diện cảnh báo mức 3 và có thể buộc thôi học” – ông Tớp nói.
Không chỉ ĐH Bách khoa, rất nhiều trường ĐH lớn tại Hà Nội mỗi năm cũng có vài trăm sinh viên bị ra trường trước thời hạn. Theo số liệu thống kê của trường ĐH Sư phạm, từ năm 2013 – 2017, trường đã cảnh cáo học tập hơn 1.000 học sinh và buộc thôi học 620 sinh viên. Trung bình mỗi năm có trên 120 sinh viên trường này bị thôi học.
Con số thống kê số sinh viên bị cảnh cáo, bị liệt vào danh sách “báo động đỏ” và buộc thôi học tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội còn “khủng” hơn rất nhiều. Cụ thể, từ năm 2015 – 2016 đã có 1.409 sinh viên bị cảnh cáo vì kết quả học tập kém (chiếm tỷ lệ từ 4,2 – 10% sinh viên mỗi năm). Những trường hợp bị cảnh cáo là những sinh viên có điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 0,8 đối với học kỳ đầu của khóa học và dưới 1,00 đối với kỳ học tiếp theo. Điểm trung bình chung tích luỹ đạt dưới 1,20 đối với sinh viên năm thứ nhất, dưới 1,40 đối với sinh viên năm thứ hai, dưới 1,60 đối với sinh viên năm thứ ba hoặc dưới 1,80 đối với sinh viên các năm tiếp theo.
Cũng theo thống kê này, số sinh viên bị buộc thôi học trong 2 năm từ 214 – 2015 là 634 em chiếm tỷ lệ từ 3,5 – 6,7 sinh viên toàn khóa. ĐH Ngoại thương được mệnh danh là trường có chất lượng sinh viên thuộc top “đỉnh” trong cả nước, tuy nhiên, lãnh đạo trường này cũng cho biết, mặc dù trường luôn có những cảnh báo cho những em thuộc diện “báo động đỏ”, nhưng mỗi năm trường vẫn phải buộc thôi học khoảng 5 sinh viên.
Đã đến lúc “siết chặt” đầu ra
Không phải cứ đỗ đại học là có thể yên vị đến lúc tốt nghiệp – đó là lời cảnh báo của các chuyên gia giáo dục và lãnh đạo các trường ĐH về tình trang sinh viên lơ là việc học trong 4 năm tại trường.
Ông Kiều Xuân Thực – Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, sinh viên bị buộc thôi học rơi vào 2 trường hợp: Lần thứ 2 liên tiếp thuộc diện cảnh cáo và lần thứ 3 thuộc diện cảnh cáo. Vị trưởng phòng cũng cho rằng, việc phải cho sinh viên thôi học giữa chừng là điều không hề mong muốn, trước khi có quyết định, trường cũng cảnh báo cho sinh viên rất nhiều lần để các em có thời gian thay đổi.
Một số chuyên gia cho rằng, trong số hàng nghìn sinh viên thôi học giữa chừng có con số không nhỏ những em… tự thôi học.
“Việc định hướng nghề nghiệp chưa tốt ở cấp THPT đã khiến các em cảm thấy bị chọn nhầm ngành, nghề sau khi vào ĐH. Tâm lý chán nản, muốn thi lại cũng khiến các em bỏ bê. Ngoài ra còn một bộ phận sinh viên đỗ vào trường ở các nguyện vọng 2, 3… chỉ coi trường là bến đậu tạm thời để tìm cơ hội khác. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những em sắp bước vào ĐH, cần chọn đúng ngành nghề mình yêu thích tránh lãng phí tiền bạc và thời gian” – một chuyên gia cho biết.
Bà Phạm Thị Ly – Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá giáo dục ĐH, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng chỉ ra rằng: “Đã đến lúc người học phải nhận ra việc không ai có thể học thay họ. Nếu vào trường ĐH chỉ mong lấy tấm bằng, tất yếu sẽ ra trường với một mảnh giấy vô dụng ghi tên mình”.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, sinh viên không đủ điều kiện sẽ phải thôi học là kết quả tất yếu phù hợp với chủ trương siết chặt đầu ra.
Theo Danviet