Hàng nghìn người ở TP.HCM đi tiêm vaccine dại
Chỉ 2 tháng sau Tết 2024, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) đã ghi nhận số trường hợp đến tiêm phòng dại tăng vọt so với năm ngoái.
Nhiều người chờ tiêm phòng dại tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Ảnh: Duy Hiệu.
Chỉ 2 tháng sau Tết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận tới 5.300 lượt tiêm vaccine dại và ghi nhận 7 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Số lượt tiêm chủng và tử vong đều tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời gian gần đây, 90% trường hợp đến khám tại khoa Khám bệnh của bệnh viện là để tiêm vaccine dại.
Lý giải nguyên nhân khiến số lượng tiêm phòng dại tăng vọt, bác sĩ chuyên khoa II Danh Thơm, Phó trưởng khoa Khám bệnh, cho hay thời tiết nắng nóng kéo dài là yếu tố thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình có vật nuôi vẫn còn thói quen thả rông chó mà không đeo rọ mõm khiến dịch bệnh dễ dàng lây lan hơn. Chó, mèo không được tiêm chủng đầy đủ cũng là một phần nguyên nhân.
Bác sĩ Thơm lưu ý hiện bệnh dại không có thuốc chữa đặc trị, khi đã xác định mắc bệnh, bệnh nhân gần như cầm chắc khả năng tử vong (tỷ lệ lên tới 100%).
Nếu không may bị chó, mèo cắn hoặc cào, nạn nhân cần rửa vết thương bằng nước sạch trong 15 phút. Mọi người cũng có thể sát trùng vết thương bằng cồn 70 độ hoặc dung dịch iode.
Video đang HOT
Sau khi xử trí vết thương, người bệnh cần đến các cơ sở y tế gần nhất để tư vấn tiêm vaccine cũng như huyết thanh phòng dại sớm nhất có thể.
Bác sĩ Thơm cũng thông tin thêm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, khoa Cấp cứu tiếp nhận người dân đến tiêm ngừa dại vào tất cả thời gian trong ngày.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại.
Hầu hết trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm virus dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong..
Quảng Bình: Nhiều người đến tiêm vaccine phòng dại sau Tết Nguyên đán
Trong 3 ngày làm việc gần đây, Phòng Tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình thực hiện tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại cho 50 người, trong đó có 14 người tiêm mũi đầu tiên do chó cắn trong dịp nghỉ Tết.
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2024, đơn vị ghi nhận nhiều trường hợp bị chó, mèo và các động vật khác cắn, cào... gây thương tích được tư vấn để tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại.
Quảng Bình ghi nhận nhiều trường hợp bị chó cắn trong 2 tháng đầu năm 2024.
Những ngày qua, Phòng Tiêm chủng CDC Quảng Bình liên tục tiếp nhận các trường hợp bị chó cắn. Trong 3 ngày làm việc sau kỳ nghỉ Tết (mồng 6, 7 và mồng 10 tháng Giêng), phòng thực hiện tư vấn, tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại cho 50 người, trong đó, có 14 người tiêm mũi đầu tiên do chó cắn trong dịp nghỉ Tết.
Ngày 19/2 (tức mùng 10 tháng Giêng), người nhà đưa cháu L.N.G.H. (4 tuổi) trú tại thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch đến đơn vị tiêm chủng. Bố cháu bé cho biết, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, cháu H. chơi với con chó con trong nhà và bị cắn vào má trái, nhưng cháu giấu không nói cho bố mẹ biết.
Ngày 17/2, con chó nhỏ bỏ ăn và chết, thấy má cháu H. sưng tấy nơi có vết xước, gặng hỏi cháu mới nói bị chó con cắn. Người bố nhanh chóng chở cháu đến cơ sở y tế để thăm khám.
Cháu H. được tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại.
"Trong nhà nuôi 3 con chó, 2 con chó lớn đã được thú y tiêm phòng dại, còn con chó nhỏ chưa kịp tiêm thì đã cắn cháu và hiện con chó đã chết", anh Long - bố bé H. cho biết.
Cán bộ y tế đã khám và tư vấn cho gia đình, đồng thời tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại cho cháu H.
Trước đó, ngày 6/2, CDC Quảng Bình ghi nhận trường hợp tử vong nghi do mắc bệnh dại đầu tiên của năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Trước ngày tử vong khoảng 2 tháng, ông N.T. (SN 1956, trú xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch), bị chó thả rông cắn cẳng chân phải, chảy máu nhưng không đi tiêm phòng dại.
Ngày 29/1, ông T. cảm thấy mệt mỏi, đau nhức lưng, tiểu rắt. Đến ngày 2/2, ông T. được người nhà đưa đi khám và nhập viện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới. Đến 6h30 ngày 3/2, ông T. được chuyển tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Sau khi tiếp nhận ông T., Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chẩn đoán bệnh nhân T. mắc bệnh dại. Gia đình được bệnh viện tư vấn đưa bệnh nhân về nhà, bệnh nhân tử vong ngày 5/2.
Người đàn ông tại Quảng Bình tử vong sau 2 tháng bị chó cắn không tiêm vaccine phòng dại.
Theo BS. Đỗ Quốc Tiệp, các trường hợp bị chó, mèo cắn mới ghi nhận thường xảy ra khi người dân đi chơi, thăm hỏi, chăm sóc và chơi đùa cùng vật nuôi trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Điều đáng lo ngại là phần lớn vật nuôi cắn người chưa được tiêm vaccine phòng dại. Nhiều người sau khi bị cắn, đặc biệt là trẻ em đã dấu, không thông báo để được tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại nên tăng nguy cơ mắc bệnh.
Giám đốc CDC Quảng Bình khuyến cáo người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được sơ cứu, tư vấn sau khi bị vật nuôi hay động vật hoang cắn, cào xước. Một số trường hợp cần thiết sẽ tiêm dự phòng bệnh dại bằng huyết thanh và vaccine để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.
Việc tự ý điều trị bằng thuốc nam đến nay chưa được chứng minh có hiệu quả phòng bệnh, ngược lại có thể gây nguy hiểm, tạo điều kiện cho virus dại xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hơn. Do đó khi bị chó cắn, mèo cào... tuyệt đối không sử dụng thuốc nam để điều trị.
Cán bộ CDC Quảng Bình hướng dẫn và yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát các trường hợp bị chó cắn.
Trước tình hình bệnh dại có chiều hướng gia tăng, CDC Quảng Bình đề nghị Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chủ động giám sát để kịp thời phát hiện, vận động các trường hợp có nguy cơ đến cơ sở y tế tiêm vaccine phòng bệnh dại, huyết thanh kháng dại.
Tăng cường công tác truyền thông trong cộng đồng về bệnh dại và dự phòng sau phơi nhiễm với virus dại. Đồng thời, lập kế hoạch, chủ động nguồn cung ứng vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại để kịp thời đáp ứng nhu cầu người dân.
TP Hồ Chí Minh: Người đàn ông bị nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người' sau khi bị mèo cắn Cứ nghĩ mèo đã tiêm vaccine phòng dại nên khi bị mèo cắn vào ngón tay trỏ, anh N.X.H. (44 tuổi, ngụ Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đã không rửa tay, sát khuẩn vết thương ngay. Những ngày sau, anh H. liên tục sốt cao, mê sảng, khó thở, đau nhức khắp người và được người nhà đưa đến bệnh viện cấp...