Hàng nghìn người Israel dương tính với virus SARS-CoV-2 dù đã tiêm vaccine
Hàng chục nghìn người Israel vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 dù đã được tiêm vaccine COVID-19 của hãng Pfizer/ BioNTech, trong đó có 69 người đã tiêm liều thứ hai.
Một người đàn ông được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Israel. Ảnh: Reuters
Hãng tin RT (Nga) dẫn nguồn tin từ Bộ Y tế Israel đưa tin khoảng 189.000 người đã được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm chủng. Tuy nhiên, trên 12.400 người (chiếm 6,6%) vẫn có kết quả dương tính với virus này, theo dữ liệu được các trung tâm xét nghiệm báo cáo. Phần lớn trong số họ rõ ràng đã bị nhiễm virus ngay sau khi tiêm mũi đầu tiên của vaccine hai liều.
Trong đó, 1.410 người có kết quả dương tính với virus sau 2 tuần kể từ lần tiêm đầu tiên, dù các chuyên gia cho rằng lúc này khả năng miễn dịch một phần đã có hiệu lực.
Hơn nữa, 69 bệnh nhân đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 mặc dù đã được tiêm cả 2 mũi vaccine, Bộ Y tế cho biết. Israel đã bắt đầu triển khai tiêm liều thứ hai gần hai tuần trước, Thủ tướng Benjamin Netanyahu là người đầu tiên hoàn thành việc tiêm chủng.
Trước tình trạng này, hãng dược phẩm Pfizer cho rằng sự gia tăng đột biến về khả năng miễn dịch sẽ xảy ra từ ngày thứ 15 đến ngày thứ 21 sau lần tiêm đầu tiên, khi đó hiệu quả của vaccine tăng từ 52% lên 89%. Theo các thử nghiệm trước đó, vaccine ngừa COVID-19 do hãng Pfizer/BioNTech cung cấp có hiệu quả đạt 95% vào một tuần sau khi tiêm liều thứ hai.
Video đang HOT
Khi nói đến vaccine, kết quả của các thử nghiệm lâm sàng có thể khác với quá trình tiêm chủng trên thực tế, vì khi đó vaccine được tiêm chủng cho số lượng người lớn hơn nhiều.
Một người đàn ông Do Thái được tiêm vaccine ngừa bệnh COVID-19 tại Ashdod, Israel. Ảnh: Reuters
Hôm 19/1, Chủ tịch Hội đồng chống dịch COVID-19 của Israel, ông Nachman Ash, cho biết việc tiêm vaccine mũi đầu tiên của hãng dược phẩm Mỹ không có đủ hiệu quả. Ông cho biết nó “kém hiệu quả hơn so với những gì họ nghĩ” và “hiệu quả cũng thấp hơn những gì Pfizer đã trình bày”.
Tuy nhiên, Giáo sư Gili Regev-Yohai, trưởng khoa truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Sheba, cơ sở tiêm chủng cho Thủ tướng Netanyahu, vẫn khẳng định trước truyền thông Israel rằng vaccine Pfizer “hoạt động tuyệt vời” sau hai mũi tiêm. Theo ông Yohai, 102 nhân viên y tế tại trung tâm đã được xét nghiệm một tuần sau khi hoàn thành việc tiêm chủng, và tất cả, trừ hai người trong số họ, cho thấy mức độ kháng thể cao hơn từ 6 đến 20 lần so với 7 ngày trước đó.
Israel đang dẫn đầu thế giới về tốc độ tiêm chủng ngừa COVID-19. Trong những tháng qua, khoảng 2,15 triệu người đã được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech, trong đó 300.000 người đã được tiêm cả hai mũi.
Mặc dù đã tiêm chủng cho hơn 20% dân số của mình, Israel dường như không hào hứng với việc chia sẻ tiêm vaccine với người Palestine ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Hôm 20/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ “quan ngại” về khả năng tiếp cận vaccine không bình đẳng giữa người Israel và người Palestine.
Một đại diện của WHO tại Palestine cho biết cơ quan Liên Hợp quốc đang thảo luận với các nhà chức trách Israel về khả năng phân bổ vaccine cho Dải Gaza và Bờ Tây. Bộ trưởng Y tế Israel, bà Yuli Edelstein, cho biết bộ có thể cung cấp liều lượng vaccine còn dư của mình cho chính quyền Palestine, sau khi người Israel đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19.
Nhật Bản mua thêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech
Ngày 20/1, Chính phủ Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận với công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ về việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng này nhằm đảm bảo có đủ vaccine cho 72 triệu người trong năm nay.
Kiểm tra thân nhiệt hành khách nhằm phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 tại cảng Daikoku ở Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, năm ngoái, nước này cũng đã đạt thỏa thuận với Pfizer về việc mua vaccine ngừa COVID-19 cho 60 triệu người (gần một nửa trong số 126 triệu dân). Với thỏa thuận mới đạt được trên, Nhật Bản sẽ có thêm vaccine cho 12 triệu người, nâng tổng số người sẽ được chủng ngừa lên 72 triệu.
Vaccine của Pfizer/BioNTech là loại vaccine ngừa COVID-19 duy nhất đến nay được bộ trên xem xét và còn chờ được chính phủ nước này phê chuẩn. Thủ tướng Suga Yoshihide từng tuyên bố Chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 2 tới.
Theo kế hoạch, nhân viên y tế sẽ là nhóm người được tiêm chủng đầu tiên, sau đó đến những người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên được tiêm vào cuối tháng 3 và tiếp theo là những đối tượng khác.
Sau khi chứng kiến số ca mắc mới bệnh COVID-19 tăng vọt, ngày 7/1, Thủ tướng Suga đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng đối với thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận, sau đó mở rộng ra 7 tỉnh, thành khác.
* Tại Israel, ngày 20/1, một quan chức y tế cấp cao cho biết nước này đã đưa phụ nữ mang thai vào đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine ngừa COVID-19 vì không thấy có nguy cơ rủi ro cho họ và thai nhi.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Modiin, Israel. Ảnh: THX/TTXVN
Quyết định này được đưa ra sau khi một số thai phụ phải nhập viện trong tuần này do xuất hiện những biến chứng của bệnh COVID-19. Theo truyền thông Israel, ít nhất 1 thai phụ phải dùng máy thở và sinh con bằng phương pháp sinh mổ. Theo đó, giới chức Israel khuyến cáo các thai phụ, chủ yếu là những người có nguy cơ mắc bệnh cao, đi tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Israel đã bắt đầu tiến hành chương trình tiêm chủng từ ngày 19/12/2020, trong đó ưu tiên người cao tuổi và một số nhân viên thực hiện những công việc khẩn cấp. Hiện hơn 1/4 người dân Israel đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech.
Người phát ngôn công ty dược Pfizer cho biết việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho phụ nữ mang thai phụ thuộc vào quyết định của cơ quan y tế sở tại. Trong khi đó, cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu hồi tháng trước cho rằng việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho thai phụ cần phải được cân nhắc với từng trường hợp cụ thể.
* Cùng ngày, Vatican bắt đầu chương trình tiêm chủng phòng COVID-19 miễn phí cho người vô gia cư ở Rome. Trong ngày đầu tiên, 25 người đã được chủng ngừa. Công tác tiêm chủng sẽ tiếp tục diễn ra vào những ngày tới. Tuần trước, Giáo hoàng Francis, 84 tuổi, và cựu Giáo hoàng Benedict, 93 tuổi, đã được tiêm mũi đầu tiên.
Bài học từ chiến dịch tiêm chủng thần tốc của Israel Trong hơn một tháng, Israel đã chủng ngừa Covid-19 cho hơn một triệu người, đạt tỷ lệ cao nhất thế giới. Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 thần tốc của Israel là điều nhiều nước trên thế giới mong ước đạt được. Không những vậy, các số liệu sơ bộ về hiệu quả của vaccine ở Israel cũng đem lại những thông tin...