Hàng nghìn lao động “đổ xô” đi làm thủ tục xuất cảnh
Trung bình mỗi ngày có 3-4 ngàn lao động đến Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) để làm thủ tục xuất cảnh. Lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Cầu Treo phải huy động tất cả các cán bộ, nhân viên túc trực ngày đêm để giải quyết thủ tục cho lao động…
Đa phần người dân tới đây làm thủ tục là các lao động qua Lào, Thái Lan làm ăn. Sau thời gian về quê ăn tết, các lao động này quay trở lại nước bạn để làm ăn, dẫn tới lượng người đổ xô về Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo làm thủ tục xuất cảnh tăng đột biến.
Đổ xô đi làm thủ tục xuất cảnh Cầu Treo
Sau tết đến nay, trung bình mỗi ngày có từ 3.000 đến 4.000 người dân đến làm thủ tục xuất cảnh
Bắt đầu từ ngày mồng 6 Tết đến nay, bình quân mỗi ngày Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo làm thủ tục xuất cảnh cho 3.000- 4.000 người và hơn 300 lượt phương tiện lao động xuất nhập cảnh. Nhiều người dân đã có mặt từ rất sớm nhưng phải mất 3-4 tiếng mới làm xong thủ tục.
Anh Châu Bá Thông, trú tại xã Sơn Giang, Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, sau những ngày nghỉ về quê ăn Tết cùng gia đình, hiện nay anh phải đi sang Lào để tiếp tục làm việc. Vào những ngày bình thường, làm thủ tục xuất cảnh rất nhanh gọn, nhưng trong dịp này, người đi phải chờ đợi vì quá tải.
Video đang HOT
“Mỗi năm tôi về nhà cũng vài ba lần. Những ngày thường thì làm thủ tục rất nhanh, nhưng dịp này phải đợi lâu, mọi người phải ngồi chờ xếp hàng để tới lượt. Tôi đợi từ 6h sáng đến 10h mới tới lượt”, anh Thông cho hay.
“Trong những năm gần đây, do nhu cầu xuất khẩu lao động sang một số thị trường như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… bị hạn chế nên lao động đã đổ xô sang Lào, Thái Lan để làm việc rất đông. Chưa năm nào em thấy đông như thế này. Bình thường khoảng 10 đến 15 phút là làm xong thủ tục nhưng giờ phải chờ 3 đến 4 tiếng đồng hồ mới xong”, anh Nguyễn Văn Hoài (quê ở Nghệ An) cho biết.
Lực lượng chức năng phải túc trực 24/24 để phục vụ người dân
Để giải quyết nhanh chóng nhu cầu làm thủ tục cho người dân, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, đặc biệt là lực lượng Bộ đội biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã bố trí tất cả lực lượng và tăng ca, phối hợp với các cơ quan chức năng thường trực 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện xuất cảnh sang Lào, Thái Lan một cách nhanh gọn.
Chiều ngày 18/2, Thượng úy Hồ Thọ, Phó trạm trưởng Trạm Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo cho biết, trong dịp đầu năm, người phương tiện xuất và nhập cảnh qua cửa khẩu rất đông, nhất là những người xuất cảnh qua Lào để làm ăn buôn bán.
“Từ tết đến thời điểm này lao động đến đây làm thủ tục xuất cảnh rất đông. Bình quân mỗi ngày có khoảng 3.000, đông nhất có ngày lên đến 4.000 người làm thủ tục xuất cảnh. Đặc biệt là những ngày sau rằm tháng Giêng, người dân lên làm thủ tục xuất cảnh sang Lào, Thái Lan rất đông. Để có thể đáp ứng nhu cầu làm thủ tục cho lao động một cách nhanh nhất, chúng tôi đã phải huy động tất cả các cán bộ, nhân viên thay nhau túc trực ngày đêm để làm tốt nhiệm vụ, đảm bảo an ninh”.
Xuân Sinh
Theo Dantri
Người dân Lạng Sơn liều mình đi qua cầu treo cũ nát
Cầu treo dân sinh Phố Sặt (thị trấn Chi Lăng, Lạng Sơn) bắc qua sông Thương được làm từ năm 1987, qua nhiều lần tu sửa đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Hoàng Văn San (Trưởng thôn Phố Sặt) cho hay, chiếc cầu treo trên địa bàn có chiều dài 57 m, rộng 1,1 m, "lâu nay trong tình trạng gió nhẹ là rung lắc".
Theo ghi nhận, cáp chủ và cáp đỡ chiếc cầu này đã han gỉ nặng và mất khả năng chịu lực, hệ thống thanh treo bị dịch chuyển, ván tre lát mặt cầu mục nát xô lệch.
"Năm 2014, chính quyền đặt biển cấm không cho người dân đi qua cầu. Đến năm 2015, người dân nhận được thông tin xây cầu mới, theo đó cần sớm giải phóng mặt bằng nên đã tự đóng tiền để giải toả hai bên mố cầu. Tuy nhiên, sau hơn một năm chưa thấy dự án cầu mới có động tĩnh gì", ông San nói.
Cầu treo Phố Sặt đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Hồng Vân
Theo Trưởng thôn Phố Sặt, mặc dù cầu treo xuống cấp như trên, khoảng 200 hộ dân thuộc các thôn, làng hai bên sông vẫn sử dụng. "Có việc cần qua sông, nếu đi đường vòng thì bà con phải di chuyển hơn 6 km, trong khi qua cầu chỉ vài trăm mét nên nhiều người chọn cách mạo hiểm", ông San nói.
Thanh tre lát mặt cầu bị mục nát, xô lệch. Ảnh: Hồng Vân
Chị Đỗ Thị Hương (thôn Minh Khai) phản ánh: "Ngày nào tôi cũng dắt xe đạp qua cầu treo này vài ba lần, đi vòng thì quá xa trong khi nếu tôi chở nông sản ra chợ muộn sẽ bị ép giá".
Anh Hứa Văn Lập (thôn Phố Sặt) cho hay có lần đi xe máy qua cầu bị tụt nửa bánh trước xuống do thanh lát mặt cầu bị xô lệch. "Chúng tôi lo lắng nhất là các cháu học sinh phải đi qua cầu để đến trường", anh Lập nói.
Dây cáp cầu treo bị han gỉ. Ảnh: Hồng Vân
Ông Ngô Văn Tuấn (Phó chủ tịch UBND thị trấn Chi Lăng) cho biết, chính quyền sở tại đã tuyên truyền để người dân không qua lại trên cầu, tránh xảy ra sự cố ngoài ý muốn. "Chúng tôi mong muốn dự án xây mới cầu treo Phố Sặt sớm được triển khai, vừa qua đã có đoàn công tác đến khảo sát, khoan thăm dò, đo đạc nhưng rồi chỉ dừng lại ở đó", ông Tuấn nói.
Hồng Vân
Theo VNE
Nữ lao động người Việt ở Angola bị cướp phóng hỏa thiêu chết Đại sứ quán Việt Nam tại Angola và Hội Người Việt Nam tại Angola đau buồn báo tin chị Hoàng Thị Văn mất hồi 22 giờ ngày 7.12 tại tỉnh Huam (Angola) do bị cướp sát hại Ngày 11.12, người thân và cán bộ UBND thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết đã nhận được thông tin từ Angola...