Hàng loạt rạp chiếu phim lớn nhất thế giới đối mặt nguy cơ phá sản, trông chờ được cứu bởi bom tấn Mulan và Black Widow?
Tiếp nối hậu quả từ đại dịch Corona, rạp chiếu phim lớn nhất thế giới AMC rơi vào tình trạng nguy cấp.
Thực tế cho thấy, ngành kinh doanh rạp chiếu phim và các ngành bổ trợ dịch vụ phim ảnh đã gặp những vấn đề về tài chính trước đó. Đại dịch Corona xảy đến như một giọt nước tràn ly, khiến hàng loạt cụm rạp trên đất Mỹ khó mà gánh vác nổi.
AMC, chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất thế giới đứng trước nguy cơ ngàn cân treo sợi tóc
Chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất thế giới AMC đã chia sẻ rằng hãng đang nghi ngờ trước khả năng có thể quay trở lại việc kinh doanh bình thường sau khi phải đóng cửa tất cả các cụm rạp vì dịch Covid-19.
Vào tháng Tư, AMC cho biết đã nhận được một khoản vay để bù đắp chi phí đóng cửa, nhằm kéo dài cho đến khi mở cửa lại vài cụm rạp trước Lễ Tạ ơn. Tuy nhiên, trong một hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán của Mỹ, công ty đã tiết lộ những lo ngại về thanh khoản, khả năng tạo ra doanh thu và thời gian mở cửa trở lại các rạp chiếu.
Trong hồ sơ này, AMC đã công bố kết quả thu nhập sơ bộ. Chuỗi rạp chiếu phim dự kiến sẽ mất 2,1 tỷ đô la đến 2,4 tỷ đô la trong quý đầu tiên kết thúc vào ngày 31 tháng 3. AMC cũng tiết lộ rằng doanh thu của hãng đã giảm xuống còn 941,5 triệu đô la, giảm gần 22% so với 1,2 tỷ đô la mà công ty thu được trong cùng quý năm ngoái. Quý thứ hai dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn.
AMC cho biết các nhà làm phim có thể sẽ lại tiếp tục lùi lịch phát hành các tác phẩm do yêu cầu hạn chế tụ tập đông người vì Corona hoặc do chậm trễ trong việc sản xuất phim. Sau đó, một số hãng phim có thể cung cấp phim theo yêu cầu của khán giả (như trường hợp Justice League bản Snyder Cut chiếu trên HBO Max) hoặc thông qua nền tảng phát phim trực tuyến.
Chuyên gia phân tích Pachter từ công ty chứng khoán Wedbush cho rằng thị trường đang hy vọng sẽ được tăng giá ngay khi AMC mở cửa trở lại. Ngược lại, Pachter lại hoài nghi về điều này. “Tôi nghĩ rằng họ có thể thu hút những người dưới 30 tuổi (chiếm khoảng 40% doanh thu bán vé) nhưng sẽ khó khăn hơn để thu hút những người trên 50 tuổi (40% doanh thu bán vé). Vậy thì chúng ta phải đợi xem liệu họ có thể có lãi 50% hoặc ít hơn từ doanh thu bán vé không,” ông chia sẻ.
Cinemark, rạp chiếu phim lớn thứ 3 ở Mỹ đối diện với cổ phiếu sụt giảm mạnh nhưng vẫn lạc quan
Ngược lại, nhóm rạp chiếu phim đối thủ của AMC là Cinemark cho rằng bản thân hãng vẫn có thể mang lại lợi nhuận ngay cả khi tỷ lệ ra rạp chỉ chiếm 10%. Cuối tuần vừa rồi, Cinemark đã thu hút 20% đến 30% lượng bao phủ tại rạp. Điều này đặt ra câu hỏi, không biết AMC cần tỷ lệ tham gia bao nhiêu để duy trì lợi nhuận.
Các cổ phiếu của rạp chiếu phim bị bán thốc bán tháo giữa đại dịch Covid-19 dù hiện tại tình hình đã khả quan hơn. Cổ phiếu AMC vẫn giảm hơn 19% kể từ đầu năm, trong khi cổ phiếu Cinemark đã giảm gần 53% trong cùng thời gian. AMC có giá trị thị trường là 621,3 triệu đô la, trong khi Cinemark được định giá 1,9 tỷ đô la.
Cinemark, chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ 3 ở Mỹ hy vọng có thể mở cửa trở lại một số rạp chiếu phim vào tháng 7, nhưng không mong đợi sẽ nhận được trải nghiệm xem phim như trước khi Corona bùng nổ.
CEO Mark Zoradi chia sẻ rằng công ty đã lên những kế hoạch khác nhau tùy thuộc vào thời điểm các quy định xã hội và quy định của các tiểu bang được dỡ bỏ, nhưng phải lưu ý rằng không ai biết được khi nào những địa điểm công cộng như rạp chiếu phim được phép mở lại hoặc hạn chế nào sẽ được đưa ra bởi các quan chức y tế.
Sắp xếp chỗ ngồi so le để cho phép một số không gian trống giữa người xem phim và rút ngắn thời gian có thể là một trong những bước được thực hiện. Tuy nhiên, công ty hy vọng nó có thể mang lại lợi nhuận ngay cả khi chỉ lấp đầy ít hơn một phần ba số chỗ ngồi có sẵn của mình.
Cinemark rất lạc quan rằng các tựa phim sắp ra mắt như Mulan (Hoa Mộc Lan), Wonder Wonder 1984 (Nữ Thần Chiến Binh) và Black Widow (Góa Phụ Đen) sẽ thu hút mọi người quay lại rạp vào mùa hè này và vào mùa thu. Mặc dù, công ty cho biết sẽ sửa đổi hoạt động nếu nhu cầu tăng đột biến hoặc chậm lại trong những tháng sau khi mở cửa trở lại.
Liệu các rạp chiếu phim có thể sống sót qua đại dịch?
Việc cách ly xã hội và đóng cửa các rạp chiếu phim khiến những nhà đầu tư muốn rút lui. Họ bắt đầu dỡ cổ phiếu rạp chiếu phim khi hàng trăm địa điểm tạm thời đóng cửa. Các nhà phát hành phim bắt đầu tung bản trực tuyến khiến nền kinh tế của Mỹ dần suy thoái. Nếu các rạp chiếu phim vẫn đóng cửa trong một vài tháng tới thì ngành công nghiệp phim ảnh sẽ thực sự lâm vào rủi ro, theo chuyên gia phân tích của Wedbush Securities, Michael Pachter.
Nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về vấn đề thời gian hồi phục của ngành công nghiệp này. Một số công ty lớn nhất đang phải gánh nợ sau nhiều năm vay để mua tài chính và đầu tư vào các cải tiến như ghế ngồi có thể ngả. Cổ phiếu của họ có thể trở nên vô giá trị nếu họ không thể thanh toán tiền lãi và phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Một số công ty đã bị sốc bởi sự suy thoái của ngành công nghiệp trước khi sự xuất hiện của coronavirus. Chuỗi phim ảnh và thực phẩm cao cấp iPic; nhà sản xuất ghế ngồi có thể ngả lớn nhất trong ngành, VIP Cinema Holdings và Goodrich Quality Theaters đã nộp đơn xin bảo vệ phá sản theo trong 12 tháng. Nhà phân tích Richard Greenfield của LightShed Partners dự đoán rằng sẽ có nhiều vụ phá sản hơn xảy ra và đây là điều khó tránh khỏi của ngành công nghiệp.
Quay lại câu chuyện về AMC, mọi con mắt đều đang đổ dồn về khả năng tài chính của hãng rạp chiếu phim lớn nhất nước Mỹ. Nhà phân tích Mike Hickey của Benchmark Co. nói rằng ông ngày càng quan tâm đến khả năng xử lý khoản nợ 4,9 tỷ đô la trên sổ sách vào cuối năm 2019 của hãng.
Có lẽ để trả lời được câu hỏi này, chúng ta phải đợi thêm thời gian nữa, khi các chính sách y tế của xã hội được ban bố và hy vọng rằng các bản phát hành phim sẽ không bị hoãn thêm nữa.
Nhà phát hành 'Fast & Furious', 'Thế giới khủng long' bị tẩy chay
Nhà rạp AMC thông báo họ sẽ không nhận chiếu phim của Universal trong thời gian tới sau khi nhà phát hành dự tính đưa các tác phẩm lên mạng Internet từ sớm như "Trolls World Tour".
AMC - một trong những chuỗi cụm rạp lớn nhất tại Mỹ, đồng thời sở hữu chuỗi Odeon tại Anh - sẽ ngừng nhận trình chiếu các tác phẩm do Universal sản xuất và phát hành trong thời gian tới.
Do dịch Covid-19, thời gian qua, Universal đã phải đẩy lịch phát hành của nhiều tác phẩm bom tấn xuống cuối năm hoặc sang 2021. Tuy nhiên, với phim hoạt hình Trolls World Tour, hãng giữ nguyên thời điểm 11/4. Phim ra rạp tại những nơi rạp chiếu phim còn hoạt động, đồng thời được đưa lên mạng Internet dưới hình thức VOD (video on demand), cùng lúc.
Universal hiện muốn áp dụng chiến lược phát hành của Trolls World Tour cho một số bộ phim tiếp theo. Ảnh: Universal.
Trailer Trolls World Tour
Sau thành công của Trolls World Tour, Jeff Shell - người đứng đầu NBCUniversal - cho biết Universal hiện cân nhắc chiến lược phát hành tương tự cho một số dự án tiếp theo trong bối cảnh cả thế giới vẫn đang phải chống chọi với dịch Covid-19.
Tuy Shell chưa tiết lộ Universal sẽ áp dụng chiến lược với tác phẩm nào, chủ tịch AMC - Adam Aron - lập tức đáp trả đây là "điều không thể chấp nhận" khi vòng đời (window) chiếu rạp của một tác phẩm điện ảnh hoàn toàn bị phá vỡ.
"Chúng tôi cảm thấy thất vọng. Phát biểu từ Jeff và Universal khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Theo đó, AMC từ nay sẽ không trình chiếu bất cứ bộ phim nào của Universal tại các rạp của mình tại Mỹ, châu Âu hay vùng Trung Đông", Aron phát biểu với giới truyền thông.
AMC thông báo không nhận chiếu các phim do Universal sản xuất và phát hành trong thời gian tới. Ảnh: Universal.
Bất đồng giữa AMC và Universal khiến nhiều khán giả tại Bắc Mỹ trong thời gian tới có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các rạp chiếu Fast & Furious 9 (2021) hay Jurassic World: Dominion (2021). Với riêng 007: No Time to Die, Universal chỉ nắm quyền phát hành bên ngoài Bắc Mỹ.
Adam Aron tỏ ra cứng rắn khi cho biết bất cứ nhà phát hành nào đưa ra chiến lược tương tự như Universal cũng sẽ bị AMC "cấm cửa". Tuy nhiên, phía AMC không lên tiếng với Disney hay Warner Bros. Hai hãng phát hành mới quyết định đưa Artemis Fowl (2020) và Scoob! (2020) lên thẳng mạng Internet, nhưng hủy bỏ hoàn toàn quá trình đưa phim ra rạp.
Trước phản ứng từ AMC, Universal cũng sớm có lời đáp trả. Người đại diện nhà phát hành phát biểu: "Chúng tôi tin vào trải nghiệm xem phim ngoài rạp, chứ không phải điều ngược lại. Như đã thông báo, trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi có thể phát hành các phim ra rạp và dưới hình thức VOD cùng lúc, nếu như mọi yếu tố tỏ ra hợp lý và hài hòa. Chúng tôi mong được thảo luận thêm với các chủ rạp trong thời gian tới, nhưng hiện cảm thấy thất vọng trước phản ứng từ AMC".
Một cụm rạp của AMC. Ảnh: AMC.
Báo chí quốc tế đánh giá dù mạnh miệng, AMC hiện ở thế yếu. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy số đông người dân Mỹ chưa sẵn sàng đến rạp chiếu phim chừng nào vaccine dành cho Covid-19 chưa được đưa vào sử dụng rộng rãi. Theo đó, AMC, hay bất cứ chuỗi cụm rạp nào, cần các dự án bom tấn để lôi kéo khán giả.
Thời gian tới, Universal dự kiến tung ra nhiều dự án hứa hẹn như Fast & Furious 9, Jurassic World: Dominion, Minions 2, các phim quái vật tiếp sau The Invisible Man... Do đó, nhà phát hành hiện được cho nằm ở thế "cửa trên" trong tranh chấp hiện tại.
Dịch Corona hoành hành, chuỗi rạp phim lớn nhất tại Mỹ sắp phá sản? Nếu Nếu Hoa Kỳ ban hành lệnh đóng cửa đến tháng 8, và gần như chắc chắn điều này sẽ xảy ra, thì AMC sẽ không còn cách nào khác ngoài việc tuyên bố phá sản Hiện tại, tình hình đang vô cùng tồi tệ với chuỗi rạp AMC, một trong những thương hiệu lớn nhất tại Mỹ. Tất cả các rạp chiếu...