Hàng loạt ‘ông lớn’ cổ phần hóa nhưng chưa chịu lên sàn
Theo Bộ Tài chính, còn 755 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong số này góp mặt nhiều tên tuổi lớn như: Cty CP Khách sạn Thắng Lợi, Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam, Cty CP Điện cơ Thống Nhất, Cty CP Vàng bạc đá quý Bến Thành, Tổng công ty May Bắc Giang…
Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN ngày 16/10. Ảnh: Văn Kiên
Tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ngày 16/10, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đến 30/9/2019, đã có 840 DNNN cổ phần hóa (CPH) đã đăng ký giao dịch, niêm yết trên hai Sở Giao dịch chứng khoán, còn 755 DNNN CPH chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Trong đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có 144 DN, TP. Hà Nội có 85 DN, TP. HCM có 97 DN, Bộ Xây dựng có 53 DN, Bộ Công Thương có 46 DN, Bộ Giao thông vận tải có 35 DN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 27 DN, tỉnh Vĩnh Phúc có 33 DN…
Trong số này góp mặt nhiều tên tuổi lớn như: Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), Cty CP Tập đoàn Tân Mai, Cty CP Cảng Quảng Ninh, Cty CP Cảng Quy Nhơn, Cty CP Giống Bò Sữa Mộc Châu, Cty Cổ phần Bánh kẹo Hải Châu.
Cùng với đó là Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam, Cty CP Khách sạn Thắng Lợi, Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam, Cty CP Điện cơ Thống Nhất, Cty CP Cơ điện Trần Phú, Cty CP Vàng bạc đá quý Bến Thành, Tổng công ty May Bắc Giang, Cty CP Sonadezi Long Bình, Cty CP Sonadezi An Bình…
“Đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt đối với 28 DN, trong đó có một số DN bị xử phạt với mức phạt rất cao, số tiền phạt là 350 triệu đồng do không thực hiện đăng ký giao dịch theo quy định”, Bộ Tài chính thông tin.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc chậm đăng ký giao dịch theo giải trình của các DNNN cổ phần hóa có một số lý do chính.
Cụ thể, một số DN hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, lỗ lũy kế trên vốn điều lệ cao, nợ ngân hàng lớn, đang trên bờ vực phá sản hoặc đang trong quá trình giải quyết hậu quả sai phạm phát hiện trong thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, không tổ chức được Đại hội đồng cổ đông để xin ý kiến về phương án đưa cổ phiếu lên sàn, kiểm toán báo cáo tài chính nên không thực hiện được thủ tục niêm yết, đăng ký giao dịch.
Một số DN gặp vướng mắc trong xác định giá trị phần vốn nhà nước khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần, còn nhiều vướng mắc về tài chính và công nợ, chưa thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa theo quy định để kiểm toán xác nhận số vốn điều lệ thực góp, chưa có phương án xử lý tài chính tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần, liên quan đến việc điều chỉnh phần vốn Nhà nước hoặc đang triển khai thực hiện việc mở thủ tục phá sản đối với công ty.
Video đang HOT
Trong khi đó, một số DNNN CPH có cổ đông chủ yếu là cán bộ công nhân viên, nhiều người đã nghỉ hưu, thay đổi địa chỉ liên hệ nên việc tập hợp danh sách cổ đông với đầy đủ thông tin theo quy định của Trung tâm Lưu ký chứng khoán gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian; một số DN có quy mô nhỏ, ở vùng xâu, vùng xa, việc nhận thức các quy định về niêm yết/đăng ký giao dịch còn hạn chế.
Tại hội nghị, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Vương Đình Huệ đánh giá, 3 năm đầu nhiệm kỳ, số lượng DNNN bị thoái vốn không nhiều, nhưng quy mô lớn. Số thu ngân sách từ thoái vốn và cổ phần hóa đạt 218.255 tỷ đồng gấp 2,5 lần 5 năm trước đây.
Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, công tác CPH còn vấp phải một số vướng mắc về thể chế và cách thức thực hiện. Vướng mắc tập trung ở việc sắp xếp, phương án CPH, phương án đất đai trước khi CPH.
Một vấn đề khó khăn nữa cũng được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu là việc xác định giá trị doanh nghiệp trước CPH, trong đó xác định giá trị lịch sử, văn hóa.
Phó thủ tướng cũng phê bình một số bộ ngành và địa phương công tác thoái vốn rất chậm, đặc biệt là 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Ông đề nghị xem xét nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu.
Người đứng đầu Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng thông báo trước hội nghị là đã phát hiện những việc thoái vốn cố ý làm trái pháp luật, trái ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
TUẤN NGUYỄN
Theo Tienphong.vn
Genco1 lỗi hẹn cổ phần hóa
Nằm trong kế hoạch cổ phần hóa (CPH) từ năm 2018, nhưng đến nay Tổng Công ty Phát điện 1 (Genco1) vẫn tiếp tục lỗi hẹn CPH.
Đến nay, Genco1 đã lỡ hẹn CPH lần 2. Ngoài khó khăn xác định giá trị tài sản doanh nghiệp thì vấn đề xử lý nợ tồn đọng của Genco1 đang là vấn đề nan giải, khiến việc CPH của doanh nghiệp này càng thêm bế tắc.
Biến động lợi nhuận của 3 tổng công ty phát điện thuộc EVN.
Lợi nhuận thất thường
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng điện sản xuất của Genco1 đạt 19.589 triệu kWh. Dù điều kiện thủy văn không hoàn toàn thuận lợi, nhưng các nhà máy thủy điện đã vận hành ổn định, một số tổ máy nhiệt điện như Duyên Hải 3, Nghi Sơn 1, Uông Bí có hệ số khả dụng cao và được huy động với công suất tối đa.
Riêng đối với các dự án do Genco1 làm chủ đầu tư, giá trị khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng 6 tháng đầu năm 2019 đạt 6.449 tỷ đồng, hoàn thành 50,33% kế hoạch năm, giá trị giải ngân đạt 6.392 tỷ đồng. Theo đó, các dự án điện mặt trời nổi trên hồ Thủy điện Đa Mi đã được đưa vào vận hành thương mại từ tháng 5/2019.
Nếu như năm 2014, Genco1 ghi nhận khoản lãi ròng hơn 1.070 tỷ đồng, thì đến năm 2015 chỉ còn 396,2 tỷ đồng và giảm tiếp xuống 208,7 tỷ đồng vào năm 2016. Nhưng đến năm 2017, lãi ròng của Genco1 tăng lên 442 tỷ đồng và giảm xuống 321 tỷ đồng năm 2018.
Theo Ban Lãnh đạo Genco1, sở dĩ lợi nhuận của doanh nghiệp biến động thất thường do chịu ảnh hưởng lớn của yếu tố thời tiết. Theo đó, những năm tình hình thủy văn thuận lợi, các nhà máy thủy điện phát sản lượng cao, giúp Genco1 tối ưu hóa doanh thu, lợi nhuận hơn so với các năm nước về thấp. Ngược lại, những năm nước có thủy văn bất lợi, Genco1 phải tăng sản lượng các nhà máy nhiệt điện, dẫn tới tăng chi phí sản xuất điện nên lợi nhuận giảm.
Gánh nặng các khoản nợ
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019, tổng nợ ngắn hạn và dài hạn của Genco1 lên tới 84.908 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ phải trả ngắn hạn lên tới gần 13.577 tỷ đồng.
Với khoản nợ vay lớn, chi phí tài chính chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí hoạt động của Genco1. Con số này trong năm 2018 gần 5.000 tỷ đồng, tăng tới 50% so với năm 2017.
Sở dĩ chi phí tài chính của Genco1 chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí hoạt động của Genco1 do dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, dự án Cảng biển Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải, dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải- chiếm hơn 50% tổng tài sản của Genco1, đi vào hoạt động.
321
tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế của Tổng Công ty phát điện 1, giảm hơn 27,3% so với thực hiện trong năm 2017.
Ngoài ra, Genco1 có khoản nợ vay bằng ngoại tệ lớn, nên biến động tỷ giá ảnh hưởng khá lớn tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp này. Năm 2016, Genco1 ghi nhận khoản chi phí tài chính do lỗ chênh lệch tỷ giá với khoản vay bằng ngoại tệ lên tới 625 tỷ đồng. Năm 2017, nhờ nhận bàn giao vốn và tài sản của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 từ EVN, nên Genco1 được hạch toán khoản lãi chênh lệch tỷ giá hơn 2.849 tỷ đồng...
Thách thức khi CPH
Đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho phép Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quyết định thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp của Genco 1 để CPH trước năm 2021 sau khi phương án sử dụng đất được phê duyệt, xử lý dứt điểm những tồn tại về tài chính của doanh nghiệp này. Các chuyên gia cho rằng, điểm nghẽn CPH ở Genco1 chính là công tác xử lý tồn tại về tài chính.
Về việc thoái vốn tại các Công ty cổ phần, Genco1 đã phối hợp cùng các đơn vị kiểm toán hoàn thiện báo cáo định giá để xác định giá khởi điểm chào bán cổ phần. Trên cơ sở giá khởi điểm đã xác định, Genco1 đang triển khai lựa chọn tư vấn đấu giá để chào bán.
Theo Bộ Công thương, việc CPH Genco1 sẽ là một nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, việc CPH Genco1 là rất cần thiết nhưng phải bảo toàn vốn Nhà nước và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an ninh cung ứng điện cho phát triển kinh tế- xã hội.
Ông Nguyễn Hồng Đăng- Chuyên viên kiểm toán KPMG, cho rằng điểm nghẽn lớn nhất đối với CPH Genco1 chính là việc cân đối tài chính, đảm bảo khả năng trả nợ vay và đảm bảo đủ nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp thông qua các giải pháp: Tái cơ cấu các khoản vay của Genco1 bằng cách chuyển chủ thể các hợp đồng tín dụng từ EVN, đồng thời kéo dài thời gian trả nợ, giảm tỷ lệ lãi suất; Đánh giá lại giá trị tài sản của các nhà máy phát điện hạch toán phụ thuộc trong công ty mẹ khi thực hiện CPH; đồng thời phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, đảm bảo dòng tiền kinh doanh và đầu tư của Genco1 trong điều kiện bình thường...
Ngoài ra, Genco1 cũng cần cơ cấu lại tổ chức hoạt động. "Nếu những phương án trên được thực hiện, thì mới đẩy nhanh tiến độ CPH Genco1", ông Đăng nhấn mạnh.
Gỡ vướng cổ phần hóa DNNN
Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp, cho biết tiến độ CPH hiện nay tuy chậm, nhưng vẫn trong thời hạn thực hiện. Việc CPH chậm trong thời gian qua một phần do cơ quan quản lý đã bổ sung thêm những quy định về tính toán giá trị doanh nghiệp theo hướng chặt chẽ hơn, chẳng hạn như rà soát xác định giá đất theo quy định tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 167/2017/NĐ-CP..., khiến khối lượng công việc trở nên nhiều hơn.
Liên quan đến hướng tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế tài chính, Bộ Tài chính đã rà soát các vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng Nghị định 126/2017/NĐ-CP, cũng như các văn bản pháp lý liên quan để sớm trình Thủ tướng và Chính phủ phương án xử lý.
Tại Nghị quyết số 73/2019/NQ-CP vừa được ban hành, Chính phủ yêu cầu các các Bộ, ngành có liên quan tổng kết, đánh giá và tập trung hoàn thành mục tiêu CPH và thoái vốn nhà nước theo đúng lộ trình và quy định của pháp luật, bảo đảm các nguyên tắc và cơ chế thị trường; minh bạch, công khai thông tin; tháo gỡ khó khăn trong xử lý các vấn đề về tài chính, đất đai, lao động, chính sách khoa học, công nghệ... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số doanh nghiệp đã cơ cấu lại nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh còn chưa khả quan; đồng thời áp dụng biện pháp giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật, nhất là doanh nghiệp nhà nước lâm vào tình trạng giải thể, phá sản mà không có phương án cơ cấu lại khả thi.
Hà Phương
Theo enternews.vn
Mất khả năng thanh toán nghiêm trọng, Tổng công ty Sông Hồng xin Thủ tướng cho thoái vốn ngay 2019 "Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài trong một thời gian rất ngắn nữa thì Tổng công ty cổ phần phần Sông Hồng chắc chắn sẽ buộc phải tuyên bố phá sản"... Tổng công ty cổ phần Sông Hồng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẩn thiết đề nghị cho phép Sông Hồng được thoái vốn ngay trong...