Hàng loạt khe hở trong giá nước sạch
Theo các chuyên gia, quy định về suất đầu tư của Bộ Xây dựng còn thiếu, chưa đầy đủ. Không phải cứ công nghệ tiên tiến thì đắt tiền. Bên cạnh đó, giá nước sạch cần minh bạch bởi đây là mặt hàng doanh nghiệp kinh doanh, không phải thứ “xin- cho”.
Hồ lắng nhà máy nước Sông Đuống. ảnh: Mạnh Thắng
Mỗi địa phương một kiểu giá nước
Ngày 28/11/2019, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam tổ chức Tọa đàm về giá nước sinh hoạt tại Hà Nội. Tại đây, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước (HCTN) Việt Nam cho biết, HCTN có cuộc khảo sát ở 68 địa phương, thấy mỗi nơi có một mức giá nước sinh hoạt khác nhau. Giá trung bình 6.000 – 8.000 đồng/m3. Hãn hữu có địa phương giá nước lên đến 11.000 đồng/m3. Trong mỗi địa phương, giá nước mỗi nhà cung cấp đưa ra cũng khác nhau khiến cho nhiều người dân thắc mắc.
Chia sẻ về việc áp dụng, vận dụng các quy định về giá nước sinh hoạt tại mỗi địa phương hiện nay, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, về mặt pháp lý, quy định pháp luật về định giá (gồm Nghị định 117 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung ứng nước sạch, Thông tư liên tịch số 75 năm 2012 liên Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tư 88 của Bộ Tài chính) đã quy định rất chi tiết cụ thể về căn cứ, phương pháp tính giá, quy trình phân cấp định giá…
Theo ông Thỏa, thời gian tới sẽ phải chỉnh sửa các thông tư để phù hợp với tình hình thực tế. Ông Thỏa khẳng định trên thực tế, hầu hết địa phương về cơ bản chấp hành nghiêm túc các văn bản hướng dẫn về định giá. Theo Thông tư số 75, quy định hằng năm có biến động cụ thể được ghi trên hóa đơn thì điều chỉnh giá. Tuy nhiên, có những địa phương tính toán, định giá nước theo lộ trình, việc này áp dụng nghị định 117 năm 2007.
Video đang HOT
Về các mức giá, đại đa số tính mức giá phù hợp, đủ bù đắp được chi phí sản xuất và có lợi nhuận, (tối thiểu 5%). Không phải 100% các địa phương giá nước đều đảm bảo. Có địa phương, giá nước chưa bù đắp được chi phí sản xuất.
Nói về việc mỗi địa phương lại có 1 giá nước, ông Thỏa nêu ra 3 lý do cơ bản: Thứ nhất là vấn đề đầu vào để sản xuất nước sạch có 2 nguồn gồm nước ngầm và nước mặt. Đầu vào khác nhau, kéo theo chi phí xử lý khác nhau, ngay nước mặt tại Hà Nội cũng có chỗ không có phù sa, sông có phù sa thì cần có khu bể lắng để xử lý, nơi có bùn cần có chi phí xử lý bùn.
Thứ hai, trong Nghị định 117, có phương án giá phải dựa trên cơ cấu nguồn vốn đã có, đi vay ít hay nhiều thì lãi vay cao thấp khác nhau.
Bên cạnh đó, quy định về khấu hao tài sản cũng là yếu tố hình thành nên giá. Tài sản đã hết khấu hao nhưng vẫn dùng được vào sản xuất thì không tính khấu hao tiếp theo vào giá.
Như vậy, ba yếu tố trên đã tạo nên các mức giá khác nhau.
Không để dân gánh những khoản vô lý
Ông Nguyễn Trọng Dương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, quy định về suất đầu tư của Bộ Xây dựng còn thiếu, chưa đầy đủ. Theo ông Dương, không phải cứ công nghệ tiên tiến thì đắt tiền. Công nghệ hiện đại giúp chúng ta hạ giá thành sản phẩm. Ví dụ như máy biến tần, giúp máy bơm nước đáp ứng nhu cầu mạng lưới, rất tiết kiệm điện. Nếu có định mức về công nghệ hiện đại, cơ quan quản lý giá hoàn toàn kiểm tra được.
Ông Dương cho rằng, cả nước sông Đuống, hay nước sông Đà đều thiếu các công cụ tính giá, các cơ quan quản lý giá ở địa phương rất vất vả để định giá. Bên cạnh đó, Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng cho phép đưa chi phí thất thoát nước vào giá thành. Đây là điều rất vô lý, bởi thất thoát nước do kỹ năng quản lý vận hành yếu, đồng hồ đo nước sai số… không thể bắt khách hàng phải chịu.
Đồng quan điểm, ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó Chủ tịch – Tổng thư ký HCTN Việt Nam cho rằng, nên dùng tư vấn độc lập để xác định giá nước, để thấy được, các doanh nghiệp sử dụng bao nhiêu hoá chất, điện, nhân công. Vì nếu doanh nghiệp tự kê khai thì người dân sẽ không tin tưởng.
Các đơn vị tư vấn độc lập sẽ có thể tính toán được lượng hoá chất mà nhà máy sử dụng, dù nguồn nước tại sông Đuống có ô nhiễm hơn sông Đà như nhiều người nói.
Theo quan điểm của ông Hưng, doanh nghiệp nói rằng quy trình hiện đại sẽ tốn kém, là chưa thật chuẩn vì càng hiện đại thì tiêu thụ điện càng ít. Chưa kể, nếu tự động hoá cao sẽ tiết kiệm nhân lực, chi phí nhân công thấp. Vì thế, việc tăng giá nước sạch sông Đuống gấp đôi nơi khác là chưa rõ lý do.
Ông Hưng cho rằng, đây là ngành kinh doanh phi lợi nhuận không nên để lợi nhuận quá nhiều. “Người dân muốn minh bạch giá dịch vụ, chúng tôi không xin mà mua nước, nên chất lượng phải đảm bảo, tương xứng với dịch vụ. Bởi chất lượng nước không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai thế hệ tiếp theo”, ông Hưng nêu quan điểm.
Nhà máy nước mặt sông Đuống được lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định là nhà máy nước hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Lãnh đạo Hà Nội cũng nói rằng Aqua One là công ty từng làm nhà máy nước lớn nhất miền Nam tại Long An và “thành phố đã chọn những nhà đầu tư có năng lực để làm”.
Theo TPO
Nước thải nhiều khu dân cư đổ xuống sông Đuống
Nước thải của hàng nghìn hộ dân tại phố Bắc Cầu, Long Biên (Hà Nội) đổ thẳng xuống sông Đuống mà không qua bất cứ trạm xử lý nào. Nguồn nước này hòa nước sông Đuống, là đầu vào sản xuất của Nhà máy nước sông Đuống.
Nhiều cống nước thải xả xuống đầu nguồn sông Đuống và sông Hồng. Ảnh: Minh Đức
Ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, ngã ba sông Đuống - sông Hồng thuộc khu vực cửa Dâu (Ngọc Thuỵ, Long Biên) là khu vực đầu nguồn sông Đuống. Sông Đuống được coi là một nhánh của sông Hồng, đây là khu vực có lưu lượng tàu thuyền đi lại khá đông đúc.
Đáng chú ý, tuyến đường Bắc Cầu, Ngọc Thụy, Long Biên (Hà Nội) có chiều dài gần 3km, với khoảng trên 10 nghìn hộ dân sinh sống nằm cạnh khu vực đầu nguồn nước sông Đuống. Tất cả nước thải của các hộ dân ở đây không hề qua hệ thống xử lý, chảy ra cống thoát nước mưa rồi chia nhánh đổ thẳng xuống sông Hồng và sông Đuống. Ngồi trên chiếc thuyền đánh cá chúng tôi thấy, có hàng trăm miệng cống nước thải đen kịt, bốc mùi hôi thối từ hai bên vệ đường Bắc Cầu - Ngọc Thụy xả thẳng xuống sông Đuống.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Văn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết, hiện có khoảng 10 nghìn hộ dân sống ngoài đê thuộc địa bàn phường Ngọc Thuỵ. Theo ông Văn, hiện tại nước thải của các hộ dân này hầu hết đều đổ xuống sông Hồng và sông Đuống vì chưa có hệ thống xử lý nước thải. Đáng chú ý, khu vực này còn có một số hộ chăn nuôi lợn, gà...
Anh Nguyễn Quang Trình, tổ 38, phường Ngọc Thuỵ (Long Biên) cho biết, nhiều hộ chăn nuôi lợn cũng kết nối đường ống thoát nước thải xả ra hệ thống thoát nước mưa của tuyến phố Bắc Cầu. Nhiều hộ gia đình không thiết kế bể phốt cũng xả thẳng phân tươi ra hệ thống thoát nước mưa của tuyến đường.
Nước thải sau đó chảy xuống sông Đuống, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Theo anh Trình ngoài nước thải các tàu thuyền hoạt động khai thác cát, vận chuyển vật liệu đều có nhà vệ sinh thiết kế thô sơ xả thẳng phân tươi xuống sông Đuống.
Thông tin từ Cục Đường thủy Nội địa (Bộ Giao thông vận tải), sông Đuống là một trong 3 hành lang vận tải chính của phía Bắc, có lượng tàu thuyền qua lại lớn. Trong đó, trạm bơm nước thô của Nhà máy nước mặt sông Đuống thuộc một trong những đoạn tuyến có lưu lượng lớn nhất, nằm cách ngã ba sông Đuống - sông Hồng khoảng 11 km về thượng lưu.
Thống kê của Chi cục Đường thủy Nội địa phía Bắc cho thấy, tại trạm đo đếm phương tiện Dương Hà, từ tháng 1 đến 10/2019, có hơn 41.000 lượt tàu thuyền có trọng tải từ 50 đến 500 tấn và hơn 15.600 lượt tàu thuyền có trọng tải trên 500 tấn đi qua sông Đuống.
Theo TPO
Nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu hội nhập Nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, MTTQVN các cấp trong thành phố không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường phối hợp cùng các tổ chức thành viên để có nhiều cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện các cuộc vận động. Điển hình như Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống...