Hàng loạt cù lao đang biến mất ở miền Tây
Nhiều cù lao (cồn) trên hệ thống sông Cửu Long đang bị sạt lở nghiêm trọng, dần biến mất trong sự bất lực, tiếc nuối của người dân.
Ông Nguyễn Văn Côn chỉ vị trí cồn Cả Đôi từng hiện hữu trên sông Hậu, giờ đã biến mất. Ảnh: Cửu Long
34 năm, 10 lần dời nhà chạy sạt lở
Có 48 năm sông trên cồn Sơn nằm giữa sông Hậu (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), ông Cao Văn Ba (66 tuổi) chứng kiến cảnh mảnh đất trù phú ngày càng teo tóp. Gia đình ông hàng ngày phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. “Ngày trước cồn Sơn rộng hơn 100 mẫu (ha), giờ chỉ còn hơn 60 mẫu. Nhà tôi có 2 mẫu đất vườn tại khu vực đầu cồn. Nhưng sạt lở quá nhanh, khoảng 10 năm diện tích đất của tôi mất hơn phân nửa”, ông Ba cho biết.
Cồn Sơn do phù sa bồi đắp, được ví như viên ngọc ngậm trong miệng rồng của làng cổ Long Tuyền. Với lợi thế của thiên nhiên, đất đai màu mỡ, cồn Sơn là xứ sở của những vườn cây trái. Tất cả hộ dân sinh sống ở đây vẫn làm nghề vườn là chính, kết hợp với làm du lịch cộng đồng. Nhưng nhiều năm qua, “hà bá” tấn công ngày càng khốc liệt, nhiều hộ dân mất đất đành bỏ cồn Sơn ra đi, hiện chỉ còn 78 hộ với trên 300 nhân khẩu sinh sống.
Ông Phạm Văn Nhu đang sống tại huyện Bình Tân, Vĩnh Long – người có hàng chục năm gắn bó với cồn Sơn nhưng phải bỏ chạy vào bờ vì lo sợ “bà thủy” truy đuổi. Ông Nhu có một ha đất ở cồn này. Từ năm 1978 đến 2012, gia đình ông phải dời nhà chạy lở 10 lần; mất 8.000 m2 đất. “Không thể trụ được, tôi bán rẻ số đất còn lại, đưa gia đình vào bờ sinh sống”, ông Nhu nói.
Theo những người cao niên, trước kia phần đất ở đầu cồn Sơn kéo dài đến tận khu vực Trà Nóc, cách vị trí hiện tại hơn một km. Do tình trạng khai thác cát quá mức, kéo dài nhiều năm liền khiến sạt lở, sụt lún càng phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại khi đầu cồn tiếp tục xuất hiện nhiều vùng nước xoáy, hố sâu…
Trên sông Hậu, đoạn qua quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ mấy năm nay đã xóa sổ hoàn toàn cái tên cồn Cả Đôi, nằm cặp với cù lao Tân Lộc.
Năm 1960, cồn Cả Đôi rộng trên 20 ha, dài trên 4km, hàng năm được bồi đắp phù sa từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Do đất đai phì nhiêu, nhiều người dân ở cù lao Tân Lộc và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) ra cồn này cắm ranh khai hoang trồng mía, lúa… rất tươi tốt.
“Mỗi sáng sớm, người dân ở vùng lân cận bơi xuồng qua cồn Cả Đôi trồng trọt, chăm sóc cây trái, đến chiều tối họ trở về nhà, rất xôm tụ”, ông Lê Văn Huân, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt nhớ lại và cho biết tên cồn được đặt theo tên của một người dân có công đầu khai phá.
Đứng bên cù lao Tân Lộc nhìn ra khoảng sông Hậu nước trắng xóa, nơi từng hiện hữu cồn Cả Đôi, ông Nguyễn Văn Côn nói: “Ngày xưa, cồn đó rộng lắm, chỉ cách nhà tôi vài chục mét, gọi qua là còn nghe rõ mồn một, giờ thì không còn dấu tích gì”.
Theo ngành chức năng quận Thốt Nốt, đến năm 1990 cồn Cả Đôi còn vỏn vẹn 6 ha nằm chơi vơi giữa bốn bề sông nước. Sau 15 năm, phần đất còn lại của cồn đã bị dòng nước xóa sạch.
Video đang HOT
Hiện nay, trên bản đồ địa giới hành chính phường Tân Lộc cũng như bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của quận Thốt Nốt, cồn Cả Đôi vẫn còn hiện diện, với cây trồng chủ đạo là lúa. Chính quyền địa phương lý giải việc còn lưu giữ cồn Cả Đôi trên bản đồ nhằm xác định địa giới hành chính của phường Tân Lộc với các địa phương khác.
Một triệu người bị ảnh hưởng
Nhìn sự mất đi của cồn Cả Đôi, chính quyền và người dân cồn Tân Lộc cạnh bên không khỏi lo lắng về sự an toàn trước “thủy thần”.
Trong vòng 10 năm qua, đầu cồn Tân Lộc lùi dần khoảng một km do nước xoáy cuốn trôi đất. Năm 2010, cồn có diện tích 3.334 ha, đến nay giảm gần 10 ha. “Tình trạng sạt lở đất tại cồn Tân Lộc đang diễn ra khá mạnh, nhất là khu vực đầu cồn, khiến cho hàng nghìn m2 đất trồng hoa màu của người dân bị mất trắng mỗi năm”, ông Lê Thanh Nghị, Phó chủ tịch UBND phường Tân Lộc, cho hay.
Mới đây, trước sự sạt lở cuốn trôi nhiều nhà cửa, ao cá, hoa màu… khoảng 50 người dân ở khu vực Long Châu và Lân Thạnh 2 (cù lao Tân Lộc) thuê nghe máy rượt đuổi nhiều sà lan đang khai thác cát trên sông Hậu, dẫn đến xô xát khiến công an phải vào cuộc điều tra.
Cù lao Long Phú Thuận ở đầu nguồn sông Tiền đang bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh:Cửu Long
Trong khi đó, tại vùng đầu nguồn miền Tây, sạt lở hết sức phức tạp. Nghiệm trọng nhất là cù lao Long Phú Thuận, cù lao Tây thuộc huyện Hồng Ngự và Thanh Bình, Đồng Tháp; cù lao Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Đến nay, người dân ở cù lao Tây vẫn chưa quên trận sạt lở kinh hoàng hồi giữa năm 2011 khiến 250 nhà dân bị sụp xuống sông Tiền. Khu vực nguy hiểm kéo dài gần 4 km. Chính quyền địa phương phải xây dựng khẩn cấp một tuyến dân cư để đưa các hộ dân bị ảnh hưởng vào sống an toàn. Liên tiếp các năm tiếp theo, sạt lở cuốn trôi nhiều diện tích đất trồng hoa màu, cùng nhiều nhà cửa của người dân thuộc 5 xã trên cù lao này.
Hiện tỉnh Đồng Tháp có hơn 2.100 hộ nằm trong vành đai sạt lở. Tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ gần 900 tỷ đồng khắc phục sạt lở trên địa bàn. Trong khi đó, hàng nghìn hộ dân tỉnh đầu nguồn An Giang cũng đang sống trong vành đai sạt lở nguy hiểm nhưng chưa được đi dời vào nơi an toàn.
Trước nhu cầu bức thiết của nhiều địa phương, Bộ Xây dựng vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định xây dựng bổ sung thêm 132 dự án cụm tuyến và bờ bao bảo vệ khu dân cư tại các khu vực bị sạt lở nghiêm trọng, đảm bảo chỗ ở an toàn, ổn định cho khoảng 44.800 hộ dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, những năm gần đây, mỗi năm sạt lở đã “ngốn” đến 500 ha đất của miền Tây. Hiện miền Tây có 265 điểm sạt lở bờ sông, tổng chiều dài 450 km; 200 km bờ biển cũng trong cảnh tương tự, mức độ ăn sâu vào đất liền 30-40 m mỗi năm. Dự báo đến năm 2050, có khoảng một triệu người ở miền Tây bị tác động trực tiếp bởi xói lở ven bờ và mất đất.
Các chuyên gia xác định, một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi lượng nước, suy thoái đất và suy giảm đa dạng sinh học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là do những năm gần đây, các nước đầu nguồn sông Mekong xây nhiều đập thủy điện đã ngăn lũ, làm thay đổi số lượng và chất lượng trầm tích, gây tác động tiêu cực lên môi trường của miền Tây.
Cửu Long
Theo VNE
Nước xả đập thượng nguồn sông Mekong về tới miền Tây
Người dân các tỉnh đầu nguồn ở miền Tây những ngày qua đã phấn khởi, bắt đầu xuống giống lúa hè thu khi nước xả đập từ Trung Quốc, Lào đổ về.
Từ ngày 27/3, tại đầu nguồn sông Hậu, lượng nước đổ về tăng lên mỗi ngày. Ảnh:A.X
Bà con vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu thuộc hai tỉnh Đồng Tháp, An Giang đang xuống giống lúa hè thu những ngày qua rất phấn khởi khi mực nước trên hệ thống sông, kênh rạch nội đồng dồi dào hơn.
"15 ha lúa của tôi được hai tuần tuổi, cũng khá lo vì nước trong kênh đang kiệt. Nhưng ba ngày qua nước đã tăng lên hơn 3 tấc (30 cm). Bà con ở đây mừng lắm. Mực nước cứ giữ như vầy hơn một tháng nữa sẽ có mưa xuống thì không còn lo thiếu nước nữa rồi", lão nông Lê Văn Lam (66 tuổi, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) nói.
Theo ông Nguyễn Văn Buông - Phó phòng Nông nghiệp huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (đầu nguồn sông Tiền), hiện nay vào kỳ nước kém, nhưng do lượng nước thượng nguồn đổ về nhiều nên mực nước vẫn cao hơn trước 20-30 cm. "Điều này rất có lợi cho 12.000 ha lúa hè thu của người dân địa phương. Nguồn nước mang phù sa sẽ giúp nông dân giảm chi phí bơm tưới. Còn những hộ nuôi cá lồng bè, ao hồ thì có nguồn nước mới thay, đỡ lo ô nhiễm", ông Buông nói.
Tại huyện An Phú, tỉnh An Giang (đầu nguồn sông Hậu), biết nước đổ về, người dân đang cũng chuẩn bị xuống giống 18.000 ha lúa hè thu. Ngoài việc cho nạo vét gần chục kênh thủy lợi, chính quyền cũng khuyến cáo người dân chủ động trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
"Ngành chức năng huyện cho mở các cống thủy lợi, đưa nước vào hệ thống kênh mương nội đồng cho bà con bơm lên làm đất trồng lúa và chăm sóc hơn 4.000 ha rau màu, ông Nguyễn Văn Thao - Phó chủ tịch UBND huyện An Phú nói.
Theo ông Lưu Văn Ninh - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang - lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về các nhánh sông Tiền, sông Hậu mỗi ngày tăng 0,2 - 0,4 m như hiện nay có thể đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của vùng Tứ Giác Long Xuyên. Ngoài ra, độ mặn của tỉnh An Giang và các vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang cũng đã được đẩy lùi.
"Đợt triều cường tới đây cùng với việc Trung Quốc xả đập ổn định như hiện nay thì có khả năng lưu lượng nước sẽ còn tiếp tục tăng đến hết ngày 6/4", ông Ninh dự báo.
Người dân vùng tứ giác Long Xuyên tranh thủ bơm nước vào đồng ruộng. Ảnh:A.X
Tại Cần Thơ, mấy ngày qua, lượng nước trên sông rạch đã nhiều hơn trước. Độ mặn đo được tại các trạm giảm mạnh, dao động từ 0,09 đến 0,19 (hồi đầu tháng 3 có lúc lên đến 1,5-2,5).
Nước ngọt cũng theo sông Hậu về đến Sóc Trăng. Hiện các con kênh ở huyện Kế Sách và huyện Châu Thành đã có nước ngọt, độ mặn được đẩy lùi. "Độ mặn đo được vào những ngày cuối tháng 3 tại các tuyến kênh cao nhất trên sông Hậu tại từ 8,5-24.5, nay chỉ còn 0,6 ", Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Huỳnh Ngọc Vân cho biết.
Theo ông Hà Tấn Việt - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng - để chủ động đón lượng nước ngọt từ Trung Quốc xả về, ngành đã chỉ đạo tất cả hệ thống thủy lợi luôn trong tình trạng mở, thông báo rộng rãi đến người dân lịch lấy nước ngọt.
"Lượng nước ngọt đổ về hiện nay đã chặn diện tích thiệt hại dưới 30% ở các huyện Kế Sách, Châu Thành..., cứu được khoảng 2.000 ha lúa đang trong giai đoạn trổ bông", ông Việt cho biết.
Còn ông Lương Ngọc Lân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu nhận định, lượng nước ngọt từ sông Hậu về thông qua tuyến kênh Phụng Hiệp sẽ có trong một hai ngày tới, tuy nhiên rất ít do địa phương này nằm cuối nguồn. Dù vậy, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo mở cửa tất cả các cống thủy lợi giáp với Sóc Trăng để đón nước ngọt.
Trong khi đó, tỉnh Bến Tre - địa phương ảnh hưởng nặng nhất của hạn mặn - do nằm cuối nguồn nên vẫn còn bị mặn bủa vây. Người dân ở đây vẫn đang ngóng chờ nước ngọt. "Dự kiến trong vòng 2 ngày tới, nước ngọt từ thượng nguồn mới về đến huyện Chợ Lách (cách của biển khoảng 70 km)", ông Nguyễn Thanh Liêm-Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách cho biết.
Thiên tai hạn, mặn ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn ha lúa, hoa màu... của người dân. Ảnh: A.X
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam vừa có thông báo khẩn về mặn xâm nhập và lấy nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, trong tháng 4, các tỉnh ven biển, trong phạm vi cách biển 25-40 km, sẽ có nước ngọt. Viện đề nghị các địa phương tập trung tối đa phương tiện lấy nước ngọt. Trong đó, đặc biệt chú ý mở các cống ở hệ thống ngọt hóa Gò Công, Nam Mang Thít...
Đến nay có 9 trong 12 tỉnh miền Tây bị hạn, xâm nhập mặn hoành hành đã công bố tình trạng thiên tai. Hàng trăm nghìn ha lúa, mía, cây ăn trái, hoa màu, vùng nuôi thủy sản bị thiệt hại; hơn 1 triệu người dân thiếu nước ngọt sử dụng. Nhiều nơi, người dân phải mua nước sông, nước giếng với giá 150.000-200.000 đồng mỗi khối...
Trước đó, Trung Quốc cũng tuyên bố xả nước tại một đập thuỷ điện ở tỉnh Vân Nam từ giữa tháng ba tới ngày 10/4 để cứu hạn cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Lào sau đó cũng quyết định xả nước một số đập thuỷ điện đến cuối tháng 5 nhằm tăng lưu lượng nước chảy vào sông Mekong, giúp Việt Nam giải quyết hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.
Cửu Long - Phúc Hưng
Theo VNE
Miền Tây có nguy cơ biến mất vì không còn lũ Không còn được lũ mang dòng phù sa bồi đắp hàng năm, miền Tây - vựa lúa, thủy sản, trái cây lớn của cả nước - đang đối mặt việc bị lún sâu, sạt lở và tan rã dần. Hiện lượng phù sa từ sông Mekong đổ về miền Tây hàng năm đã sụt giảm 50% . Ảnh: Cửu Long Đồng bằng sông...