Hàng loạt chuyến bay đến phía Nam bị hủy do bão Tembin
Vietnam Airlines và Jetstar Pacific hủy toàn bộ chuyến bay trên chặng Hà Nội/TP.HCM đi Phú Quốc, Cần Thơ.
Do ảnh hưởng của cơn bão Tembin, ngày 25.12, Vietnam Airlines đã hủy 6 chuyến bay từ 12h40 đến 20h30 giữa Hà Nội/TP.HCM đi Phú Quốc; hai chuyến Hà Nội – Cần Thơ và ngược lại. Hành khách bị ảnh hưởng trên các chuyến bay này sẽ được hãng bố trí đi trên các chuyến bay ngày 26.12.
Trong khung giờ 15h đến 23h ngày 25.12, các chuyến bay đến và đi từ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được hãng điều hành linh hoạt theo ảnh hưởng thực tế của cơn bão.
Vietjet Air ngừng khai thác 10 chuyến bay các chặng Hà Nội – Cần Thơ, Đà Nẵng – Cần Thơ, Hà Nội – Phú Quốc, TP.HCM – Phú Quốc và ngược lại.
Nhiều chuyến bay đến phía Nam bị huỷ do bão Tembin. Ảnh minh họa: Đ.Loan
Hãng Vasco hủy 16 chuyến trên đường bay giữa TP.HCM – Côn Đảo, Côn Đảo – Cần Thơ và Cần Thơ – Phú Quốc.
Video đang HOT
Đại diện Jetstar Pacific cho biết sẽ điều chỉnh lịch bay đi và đến từ sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Quốc theo diễn biến của bão.
Trong ngày 25.12, nhiều chuyến bay nội địa khác cũng sẽ bị chậm do ảnh hưởng dây chuyền của thời tiết xấu.
Cơn bão số 16 được dự báo là rất mạnh, ảnh hưởng trên diện rộng tới các tỉnh, thành phố phía Nam. Các hãng hàng không lưu ý hành khách đang có kế hoạch đến hoặc đi từ các sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Phú Quốc (Kiên Giang), Cần Thơ, Cam Ranh (Khánh Hòa) thường xuyên theo dõi các thông tin cập nhật của hãng trên tin nhắn, các kênh truyền thông và chỉ nên mang theo hành lý gọn nhẹ trên chuyến bay.
Theo Đoàn Loan (VnExpress)
Người dân nhẹ nhõm khi tâm bão không vào đất liền
Chiều nay (25.12), nghe thông tin tâm cơn bão số 16 có khả năng không vào đất liền và suy yếu, người dân tại các tỉnh ĐBSCL vui mừng và nhẹ nhõm. Trong khi đó, chính quyền các tỉnh kêu gọi người dân vẫn thực hiện các giải pháp ứng phó cơn bão, không nên lơ là, chủ quan.
Trao đổi với PV, ông Tiết Văn Chiến (ấp Dinh Hạn, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) cho hay: "Nhà tôi có 4 người lớn, một cháu nhỏ đều vào trụ sở của UBND huyện để tránh bão. Vừa nghe thông tin tâm bão không vào đất liền và bão có khả năng suy yếu, tôi rất mừng. Gia đình tôi chỉ mong sao cơn bão qua nhanh, mọi điều bình an để còn về lo làm ăn".
"Nghe thông tin bão suy yếu, tôi thấy bớt sợ hơn lúc sáng. Tuy nhiên cả nhà vẫn quyết định ở lại điểm trú tránh, nhằm đảm bảo an toàn. Nhà tôi là nhà cây lá, rất yếu nên chắc chắn chúng tôi sẽ ở đây đến hết ngày mai rồi mới tính tiếp" - ông Nguyễn Văn Thông (khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) chia sẻ.
Gia đình ông Thông vui mừng khi tâm cơn bão số 16 không vào đất liền. (Ảnh: Chúc Ly)
Trong khi đó, bà Phan Kim Ngân (tên thường gọi là Bảy Muôn, sống trên Cồn Sơn, quận Bình Thuỷ, TP.Cần Thơ) bộc bạch: "Sáng nay (25.12), chính quyền địa phương thông báo di dời đến nơi an toàn vì bão số 16. Vì vậy, bản thân tôi rất lo lắng, chuẩn bị đồ đạc của gia đình để dọn đi và vận động người già, trẻ em rời khỏi cồn".
"Rất may, gần đến chiều cùng ngày, thông tin tâm bão có khả năng không vào đất liền khiến mọi người rất vui mừng mặc dù trời vẫn còn mưa. Nếu thật sự bão vào, tôi không tưởng tượng được cảnh tượng gì sẽ xảy ra đối với cồn này" - bà Ngân chia sẻ thêm.
Cũng như bà Ngân, nhiều hộ dân ở Cồn Sơn cho biết, trong ngày 25.12, việc di dời người già đi đến nơi an toàn đã được tiến hành. Nếu bão vào, việc di dời sẽ trở nên khó khăn vì người dân nơi đây chưa có kinh nghiệm ứng phó.
Nhiều người dân ở chợ nổi (quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) cho biết, tinh thần họ rất nhẹ nhõm khi hay bão có khả năng không vào Cần Thơ hoặc các địa phương lân cận nữa.
"Sáng sớm, các ghe tàu nơi đây đã ngưng hoạt động. Nhiều người rời khỏi chợ nổi để tránh thiệt hại. Rất mừng là bão lệch đi, không vào. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm hoạt động trở lại bình thường" - ông Nguyễn Văn Lượm, người dân kinh doanh trên chợ nổi Cái Răng nói.
Các tỉnh vẫn duy trì phương án di dời và ứng phó với cơn bão số 16. (Ảnh: Chúc Ly)
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Cà mau, đến 17h ngày 25.12, tàu cá trên 20CV trở lên đã kiểm điếm, liên lạc được tất cả 3.465 tàu với 22.049 người hoạt động trên biển; tàu cá ven bờ đã kiểm điếm được 888 phương tiện đang neo đậu an toàn; phương tiện gia dụng là 2.644 chiếc, đang neo đậu an toàn và 746 phương tiện khai thác thủy sản ven bờ dưới 20CV đã được neo đậu tại bờ. Tổng số tàu ngoài tỉnh đang neo đậu tại địa phương là 1.330 tàu/7.998 thuyền viên.
Về lồng bè nuôi thủy sản, tổng số toàn tỉnh Cà Mau có 28 hộ nuôi với 186 lồng trên 21.000 con cá bớp, hiện đã thu hoạch 2 lồng của 2 hộ với 500 con. Số lồng còn lại sẽ áp dụng phương pháp đánh chìm vào thời điểm thích hợp để giảm thiệt hại.
Về di dời dân, kế hoạch di dời dân là 126.299 người. Hiện nay, các huyện đang tiến hành di dời được 55.000 người, đồng thời thực hiện chằng chống 89.361/104.074 nhà thuộc diện phải chằng chống.
Ngoài ra, theo UBND tỉnh Cà Mau, người dân không nên chủ quan, lơ là trước diễn biến của bão; đề nghị các ban ngành chức năng tăng cường quản lý các loại hàng hóa thiết yếu, đảm bảo giá cả ổn định, không có tình trạng ghim hàng, đầu cơ, trục lợi. Các cơ quan, đơn vị khác tập trung thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, đảm bảo an toàn về điện, thông tin liên lạc... Đồng thời tiếp tục đẩy nhanh công tác tuyên truyền, phổ biến liên tục thông tin diễn biến cơn bão, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp ứng phó trước, trong và sau bão.
Theo Danviet
Hậu bão Tembin: Toàn bộ vườn rau xanh ở Trường Sa bị dập, nhiễm mặn Bão số 16 quét qua toàn bộ các đảo phía Nam của Quần đảo Trường Sa như: Phan Vinh, Trường Sa lớn, An Bang, Đảo chìm đá lớn, Tiên Lữ... Theo Đại tá Nguyễn Viết Thuân - Phó Tư lệnh Vùng D Hải quân, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, bộ đội hải quân đã áp dụng tất cả các biện pháp...