Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 11
Từ đầu tháng 11/2016, hàng loạt chính sách quan trọng sẽ có hiệu lực như: Hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông khi thấy đèn vàng; Đánh giá học sinh tiểu học theo 3 mức; Nhờ mang thai hộ phải trả đầy đủ các chi phí; Miễn tiền sử dụng đất, thuê đất để xây nhà ở xã hội…
Đèn vàng bật sáng phải dừng xe trước vạch sơn
Thông tư số 06 của Bộ GTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ có hiệu lực từ 1/11 thay thế Thông tư số 17. Theo đó, Quy chuẩn quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ, bao gồm: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, tường bảo vệ và rào chắn, cột kilômét, cọc H, mốc lộ giới, gương cầu lồi, dải phân cách có lan can phòng hộ.
Quy chuẩn quy định về hệ thống báo hiệu áp dụng cho tất cả các tuyến đường bộ trong mạng lưới đường bộ Việt Nam bao gồm: đường cao tốc, đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị, đường chuyên dùng và các đường nằm trong hệ thống đường bộ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (các tuyến đường đối ngoại).
Thông tư hướng dẫn cụ thể người điều khiển phương tiện giao thông khi thấy đèn vàng
Quy chuẩn nêu rõ về tín hiệu đèn vàng là báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”. Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe”, thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau.
Tín hiện vàng nhấp nháy báo hiệu được đi nhưng phải chú ý và thận trọng quan sát, nhường đường cho người đi bộ sang đường hoặc các phương tiện khác theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Đánh giá học sinh tiểu học theo 3 mức
Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi bổ sung một số điều đánh giá học sinh tiểu học có hiệu lực từ ngày 6/11. Thông tư nêu rõ việc đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.”
Video đang HOT
Thông tư hướng dẫn cách đánh giá học sinh tiểu học có hiệu lực từ ngày 6/11
Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kì bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.”
Vào giữa học kì I, cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, kĩ năng để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức sau:
- Hoàn thành tốt: thực hiện tốt các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục;
- Hoàn thành: thực hiện được các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục;
- Chưa hoàn thành: chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục;
Vào giữa học kì I, cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào các biểu hiện liên quan đến nhận thức, kĩ năng, thái độ trong quá trình đánh giá thường xuyên về sự hình thành và phát triển từng năng lực, phẩm chất của mỗi học sinh, tổng hợp theo các mức sau: Tốt, Đạt, Cần cố gắng.
Nhờ mang thai hộ phải trả đầy đủ các chi phí
Thông tư 32 của Bộ Y tế về quy định việc chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm chăm sóc sức khỏe sinh sản của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực từ ngày 1/11. Theo đó, các chi phí bắt buộc bên nhờ mang thai hộ chi trả gồm chi phí đi lại tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được tư vấn, khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe, thực hiện dịch vụ, kỹ thuật y tế: xác định theo giá ghi trên vé, hóa đơn, hoặc giấy biên nhận thanh toán với chủ phương tiện.
Chi phí liên quan đến y tế gồm chi phí thực hiện các dịch vụ tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, kỹ thuật y tế trong việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản được chi trả căn cứ vào các hóa đơn, chứng từ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người mang thai hộ theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cấp có thẩm quyền quy định áp dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế và khám bệnh, chữa bệnh;
Chi phí các loại thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế chưa được tính vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được chi trả căn cứ các hóa đơn, chứng từ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng cho người mang thai hộ theo chỉ định của bác sỹ, phù hợp với quy định, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ Y tế và giá mua theo quy định của pháp luật…
Bên nhờ mang thai hộ phải chi trả đầy đủ các chi phí theo quy định.
Miễn tiền sử dụng đất, thuê đất để xây nhà ở xã hội
Thông tư 139/2016 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 15/11, hướng dẫn về cách tính tiền sử dụng đất phải nộp khi bán lại nhà ở xã hội quy định tại Nghị định 100/2015 của Chính phủ.
Cụ thể, về việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bao gồm cả quỹ đất để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20% của các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị theo quy định của pháp luật về nhà ở, bao gồm cả phần diện tích đất 20% để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải thực hiện các thủ tục để được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Thông tư cũng nêu rõ việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp khi bán nhà ở xã hội. Trong trường hợp người mua, thuê mua nhà ở xã hội bán lại nhà ở xã hội là nhà ở thấp tầng liền kề thì bên bán nhà ở xã hội phải nộp 100% tiền sử dụng đất.
Quang Phong
Theo Dantri
Bán nhà ở xã hội phải nộp từ 50-100% tiền sử dụng đất
Từ 15/11/2016, nếu bán nhà ở xã hội là căn hộ nhà chung cư thì người bán phải nộp cho ngân sách nhà nước 50% tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó. Trong trường hợp bán nhà ở xã hội thấp tầng liền kề thì phải nộp 100% tiền sử dụng đất.
Đây là một trong những nội dung mới tại Thông tư Thông tư số 139/2016/TT- BTC mà BộTài chính vừa ban hành hướng dẫn miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hoàn trả lại hoặc khấu trừ cho chủ đầu tư khi xây dựng nhà ở xã hội và phương pháp xác định tiền sử dụng đất phải nộp khi người mua, thuê mua được phép bán lại nhà ở xã hội.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/11/2016.
Theo Thông tư quy định về việc nộp tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội:
Việc nộp tiền sử dụng đất của người mua, thuê mua nhà ở xã hội khi được phép bán lại nhà ở xã hội sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Trường hợp bán nhà ở xã hội là căn hộ nhà chung cư thì người bán phải nộp cho ngân sách nhà nước 50% tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó.
Trường hợp bán nhà ở xã hội là nhà ở thấp tầng liền kề phải nộp 100% tiền sử dụng đất.
Dự án nào sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất?
Bên cạnh quy định về nộp tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội, Thông tư 139 của Bộ Tài chính cũng quy định việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Theo đó, sẽ miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bao gồm cả quỹ đất để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Đồng thời miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20% của các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị theo quy định của pháp luật về nhà ở, bao gồm cả phần diện tích đất 20% để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Theo Hải Yến (Infonet)
Bình Định: Hơn 130 tỉ đồng xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp Quy mô chung cư Hoàng Văn Thụ (TP Quy Nhơn, Bình Định) gồm 2 block, mỗi block cao 12 tầng với 418 căn hộ. Trong đó, có 334 căn hộ nhà ở xã hội, 84 căn hộ nhà ở kinh doanh thương mại, giải quyết chỗ ở cho khoảng 1.200 người. Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng vừa chấp thuận đầu tư...