Hãng hàng không ít muốn bay đêm
Ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng Cục Hàng không – khẳng định các hãng chỉ sử dụng gần một nửa số lượng chuyến bay có thể tăng chuyến, chứ không phải hãng muốn bay mà cục cắt giảm.
Các chuyến bay quốc tế thường bay đêm vẫn đông khách. Trong ảnh: khách làm thủ tục bay lúc 1g sáng tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất – Ảnh: T.T.D
Sau nhiều băn khoăn về số chuyến bay được cấp cho các hãng so với số đề xuất ban đầu chênh nhau quá lớn, ông Lại Xuân Thanh cho biết các hãng hàng không chỉ sử dụng gần một nửa số lượng chuyến bay có thể tăng chuyến, chứ không phải Cục Hàng không cắt giảm.
Tuy nhiên, các hãng lại cho rằng các khung giờ bay mà họ từ chối chủ yếu rơi vào thời điểm quá khuya…
Không cấp tăng chuyến vào giờ cao điểm
Theo ông Lại Xuân Thanh, con số đề xuất tăng chuyến bay dịp tết ban đầu của các hãng đều tập trung vào giờ cao điểm. Trong khi bình thường sân bay Tân Sơn Nhất đã có một số giờ khai thác đến 40 và 42 chuyến/giờ, sân bay chủ yếu tắc nghẽn vào các giờ này.
Vì vậy, Hội đồng điều phối giờ hạ, cất cánh (slot) thống nhất với các hãng và đơn vị liên quan nguyên tắc: giữ nguyên slot các giờ cao điểm, san các chuyến bay tăng cường vào những giờ thấp điểm.
Các khung giờ ban ngày chưa khai thác đến 38 chuyến/giờ thì cho khai thác đến 38 chuyến/giờ. Khung giờ đêm mới khai thác 7-10 chuyến/giờ thì bố trí thêm để đạt đến 28 chuyến/giờ.
Theo ông Thanh, nguyên tắc trên đã được tất cả các đơn vị đồng thuận, hội đồng đã phân bổ slot tết với tổng số 131 chuyến/ngày tại sân bay Tân Sơn Nhất (từ ngày 16-1 đến 12-2-2017). Như vậy, có tổng cộng 3.668 chuyến bay được tăng cho 28 ngày cao điểm tết.
Lý do các hãng không khai thác nhiều vào ban đêm, ông Thanh nêu cục không đi bắt bẻ vì đó là… sự chủ động của họ, liên quan đến bố trí nhân lực, tính toán thị trường.
Cục chỉ kiểm tra với lịch bay như vậy, năng lực về phương tiện, con người, phi công, tiếp viên có đáp ứng được không, các đơn vị dịch vụ mặt đất, an ninh hàng không có đảm bảo?
Video đang HOT
“Vấn đề không phải là thiếu slot, mà slot vẫn còn nhưng có thể không phù hợp với kế hoạch khai thác. Không thích bay đêm nên các hãng không sử dụng hết. Cho tăng hơn 3.600 slot mà họ không khai thác hết” – ông Thanh nói.
Sẽ đảm bảo cho khách đã mua vé
Trong khi đó trả lời Tuổi Trẻ, đại diện một hãng hàng không cho biết “cục phân chia sao sẽ làm vậy, chứ đâu có cơ hội đàm phán” và từ chối nêu tên.
Trước băn khoăn của khách đã mua vé về việc cắt giảm chuyến tăng cường, ông Trịnh Ngọc Thành, phó tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA), khẳng định hành khách đã mua vé, đặt chỗ của VNA sẽ được đảm bảo kế hoạch bay.
Trong khung giờ cao điểm, VNA đã ưu tiên sắp xếp các máy bay thân rộng chuyên chở được nhiều hơn nên vẫn đáp ứng được nhu cầu của khách.
Xác nhận dịp cao điểm tết tại sân bay Tân Sơn Nhất, khung giờ từ 1-5g sáng mới có 7-16 chuyến/giờ nhưng theo đại diện các hãng hàng không, việc kinh doanh phải căn cứ nhu cầu của khách hàng. Phần lớn hành khách thích đi vào những khung giờ thuận lợi hơn là nửa đêm về sáng.
Vì vậy, dù có mở bán nhưng lượng khách mua vé bay khung giờ này không nhiều, nên các hãng khó bố trí tăng thêm chuyến bay.
Sân bay không đáp ứng được
Đã có đại diện hãng hàng không khẳng định tết năm 2016 sân bay Tân Sơn Nhất khai thác đến 45 chuyến/giờ vẫn đáp ứng được, nhưng năm nay chỉ giới hạn 38 chuyến/giờ (trừ những giờ cao điểm).
Ông Lại Xuân Thanh khẳng định sở dĩ năm trước có những giờ có tới 45-46 chuyến là do có chuyến từ khung giờ trước đó bị chậm nên đổ dồn sang, chứ không phải luôn khai thác với tần suất đó. Tết năm 2016 sân bay Tân Sơn Nhất cũng điều tiết khai thác 38 chuyến/giờ.
“Theo kế hoạch dự định mà các hãng tự lập thì sẽ có giờ lên tới 48 chuyến. Sân bay không đáp ứng chứ cục không tự cắt đi” – ông Thanh nói.
Trước câu hỏi tại sao không duyệt sớm để đến sát tết mới duyệt số chuyến bay tăng cường, ông Lại Xuân Thanh cho biết: đến ngày 30-12-2016 VNA mới trình lịch bay tăng chuyến. Còn Vietjet và Jetstar Pacific trình trước VNA một ngày.
Cục Hàng không đã tổ chức họp ngay khi nhận được đề nghị. Ông Thanh khẳng định việc phân bổ chuyến bay không liên quan đến việc cảnh báo tăng chuyến bay dễ dãi như bộ trưởng Bộ GTVT nói mà một số báo đưa.
“Bộ trưởng chỉ đạo phải điều tiết để khai thác phù hợp với năng lực của hãng, đảm bảo an ninh an toàn… chứ không chỉ đạo tăng lên hay giảm xuống bao nhiêu chuyến” – ông Thanh nói.
Trước thông tin trên thế giới có những sân bay hai đường băng tương tự sân bay Tân Sơn Nhất nhưng khả năng khai thác lớn hơn, ông Thanh nêu ở sân bay Tân Sơn Nhất có cấu hình khu bay, nhà ga hạn chế nên chỉ khai thác được đến thế, chứ không phải có khả năng khai thác cao hơn mà ép khai thác thấp hơn.
Hàng không phục vụ dịp tết: hơn 3 triệu ghế
Theo Cục Hàng không, tổng số 1.270 chuyến tăng cường dịp tết 2017 sẽ cung ứng thêm 236.958 ghế. Nếu giữ số ghế các chuyến bay như thường lệ sẽ chỉ cung ứng được 2.818.680 ghế.
Như vậy với lượng ghế tăng cường, tổng số ghế mà các hãng hàng không cung ứng trong 28 ngày cao điểm tết là 3.055.638 ghế.
Bay đêm giá phải cực rẻ
Theo ông Lê Trọng Sành – nguyên trưởng phòng quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất, có thể điều tiết giá vé ở khung giờ vàng để khuyến khích khách đi ban đêm.
“Giá giờ vàng lên gấp đôi, giá nửa đêm hay rạng sáng bằng một nửa” – ông Sành kiến nghị. Theo ông Sành, muốn giảm tải, trước mắt vào dịp Tết Nguyên đán này phải sử dụng tốt công cụ điều tiết giờ bay với các khung giờ và giá vé tương ứng.
Theo đại diện Hãng Vietjet, hãng sẵn sàng hạ giá vé vào các khung giờ ít sự lựa chọn như sáng sớm hay nửa đêm.
“Nhiều hành khách cũng thích bay các giờ này vì ít kẹt xe và làm thủ tục nhanh hơn giờ vàng” – vị này nói. Tuy nhiên, theo đại diện Vietjet, để làm được điều này thì bản thân ngành hàng không phải hạ giá các dịch vụ mặt đất vào các khung giờ trên mới có cơ sở để hãng hạ giá.
(Theo Tuổi Trẻ)
Sân bay Tân Sơn Nhất có nhà để xe 7 tầng
Công trình được xây dựng trên diện tích 21.351m2, gồm 1 tầng hầm, 1 tầng lửng và 5 tầng nổi, có sức chứa gần 2.000 ôtô và 6.000 xe máy.
Bãi đậu ngoài trời có thể đáp ứng hàng trăm xe taxi và ô tô khách cùng lúc
Công ty Cổ phần đầu tư TCP (chủ đầu tư) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng nhà để xe cao 7 tầng tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Công trình được xây dựng trên diện tích 21.351m2, trong đó nhà để xe có diện tích xây dựng 11.351m2, phần đất còn lại dành cho các hạng mục đường giao thông, sân bãi, vườn hoa, cây xanh.
Trong đó, nhà để xe gồm 1 tầng hầm, 1 tầng lửng và 5 tầng nổi, sức chứa 239 chỗ đậu ôtô ngoài trời (được sử dụng làm bãi đậu xe taxi và bãi đậu xe khách), 1.742 chỗ đậu ôtô trong nhà, 6.000 chỗ đậu xe máy trong nhà.
Tầng hầm với diện tích 2.264 m2 là không gian công cộng kết nối với nhà ga hiện hữu qua hầm chui sẽ được xây dựng trong giai đoạn tiếp theo.
Riêng mặt tiền tầng trệt tiếp giáp với Nhà ga quốc nội được tổ chức các cửa hàng dịch vụ ăn uống cho hành khách chờ đón người thân.
Các ký tự được ghi rõ ràng trên mỗi cột giúp hành khách lấy xe dễ dàng hơn
Ông Phạm Văn Châu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư TCP, đặc biệt nhà xe hiện đại này được lắp đặt hệ thống chữa cháy thông minh khi có sự cố sẽ tự động phun nước chữa cháy, khoanh vùng đang cháy để cách ly với các khu vực khác.
Đơn vị Thanh Niên Xung Phong TP được giao làm dịch vụ giữ xe với giá 5.000 đồng/ lượt/8 tiếng đối với xe máy và 20.000 đồng/lượt/30 phút đối với ôtô.
(Theo Tuổi Trẻ)
Thiết kế tuyến metro vào sân bay Tân Sơn Nhất Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, các đơn vị tư vấn Hàn Quốc vừa hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến metro 4 b-1 từ công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là tuyến metro dài khoảng 2 km đi ngầm trong lòng đất đến cửa sân bay Quốc tế...