Hàng Điếu
Phố dài 276 mét, từ phố Hàng Gà đến phố Đường Thành. Trước mặt trước chợ Hàng Da là một địa điểm có tới ngót chục đoạn phố hội tụ, phố Hàng Điếu ở ngay chỗ địa điểm đó.
Phố Hàng Điếu gồm khoảng tám chục số nhà ở cả hai bên mặt phố; những nhà lớn có diện tích rộng không nhiều, chiếm độ một phần ba tổng số, còn thì phần nhiều là nhà kiểu cũ, hẹp và thấp như tất cả các nhà có từ xưa ở Cửa Đông, một số đã được tu sửa, đổi mới bề mặt ngoài và nâng gác.
Đoạn đầu phía bắc phố Hàng Điếu bây giờ, từ Hàng Gà đến phố Bát Đàn, ngày xưa gọi là phố Nhà Hoả, vì trong khu vực đó có đền Thần Hoả (Ngũ hiển hoa quang đại đế). Phố xá thủa ấy hay xảy ra những vụ cháy lớn; sách Vũ Trung Tuỳ Bút (cuối thế kỷ 18) có nói đến việc cấm thắp đèn ban đêm, chuyện hút thuốc lào say làm cháy nhà lan ra khắp phố. Đền Thần Hoả dựng năm Minh Mạng 19 (Mậu Tuất 1838), trong đền có treo một quả chuông lớn dùng để báo động khi xảy ra hoả hoạn.
Gọi là phố Hàng Điếu thực ra trong phố không có mấy cửa hàng bán điếu và thuốc lào. ở đầu thế kỷ 20, Hàng Điếu chỉ có vài ba nhà làm nghề bịt bạc và chữa các loại điếu hút thuốc lào: điếu bát, điếu ống; đó là nhà số 54 và nhà số 62 gần ngã tư Hàng Nón. Bát điếu lại bán nhiều ở bên phố Bát Đàn gần đó; còn xe điếu bằng trúc chỉ thấy bày bán ở các chợ. Dần dần về sau điếu không phải là mặt hàng nuôi sống được nhà hàng với giá thuê nhà đắt đỏ, thuế môn bài cao, nên một nhà đã chuyển sang bán thuốc lào Vĩnh Bảo, và một nhà vẫn giữ nghề cũ và thêm cả nghề hàn gắn những đồ sứ cổ sứt mẻ và bịt bạc ấm chén bát đĩa sứ, nậm rượu.
Cũng vẫn dãy nhà bên số chẵn đó, từ chỗ ngang Hàng Nón đến giáp chợ Hàng Da có độ mười hai nhà mở những cửa hàng bán thịt lẻ và giã giò chả (người làng Ước Lễ). Nơi buôn bán như vậy mà lại chen vào vài nhà làm nghề chứa thổ (nhà số 76, nhà số 82Trưởng Tiêu); ban ngày cửa đóng im ỉm, chập tối trở đi khi những nhà khác dọn hàng đóng cửa thì mấy nhà đó đón khách chơi vào ra, lính Tây say thường phá phách gây gổ làm ồn ào khu vực này.
Video đang HOT
Phố Hàng Điếu có một nghề chính là nghề làm và bán đồ da. Bên số lẻ từ đầu phố giáp ngõ Yên Thái đến Hàng Nón san sát cửa hàng bán giày dép bằng da và guốc gỗ. Cùng là đồ da, Hàng Điếu khác với bên Hà Trung. Thợ bên Hà Trung làm yên ngựa, cặp sách, đồ dùng khác bằng da tây cứng; thợ da Hàng Điếu làm giày dép kiểu cổ thông thường bằng da ta, tức là da lộn, da thuộc sơ sài, dép quai ngang, giày da lợn…, sau ở Hàng Điếu người ta buôn thêm cả thứ guốc gỗ sơn, gọi là guốc Sài Gòn.
Trước kia, đến ngày phiên chợ Hàng Da, người ngoại thành mang da sống vào bán, da còn tươi hoặc đã phơi khô qua loa. Mấy cửa hàng giày dép mua da sống về, đem ngâm vôi trong những chiếc bể xây ở sân sau. Da thuộc sơ sài bằng phèn chua và vỏ sú rồi phơi khô, cán cho mềm. Hồi đầu thế kỷ 20, người Việt Nam còn đi dày da lộn, đóng đanh tre. Mùa hè ít việc vì ít khách mua, người làm trong cửa hàng chỉ ngồi chặt sẵn đinh bằng tre đực vót nhọn để dành đến cuối năm, nhất là gần Tết, đóng giày bán cho người đi sắm Tết.
Giày da sống rất cứng, nhưng gặp nước mưa dễ bị mềm nhũn, người đi giày gặp nước phải tụt giày cắp nách lội bùn chân không. Về sau người ta chuộng kiểu giày Gia Định làm bằng da thuộc kỹ bằng thuốc của người Tàu và da láng bóng làm mũi giày; hoặc mua da của các hãng Tây nhập từ Pháp. Nghề làm da lộn và đóng giày mộc không còn nữa.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hàng Nón
Phố Hàng Nón hiện nay là một phố tương đối dài hơn mấy phố chung quanh: 216 mét, đi từ phố Đường Thành đến phố Hàng Quạt, chỗ ngang ngã ba Hàng Hòm.
Ngày xưa thì phố Hàng Nón chỉ là một đoạn của Hàng Nón bây giờ, là ngã tư Hàng Điếu - Hàng Gà đến ngã ba Hàng Thiếc; còn đoạn đầu phía tây giáp Đường Thành mới có về sau đồng thời với phố Đường Thành (khoảng 1920); và đoạn đầu phía đông từ Hàng Thiếc đến ngã ba Hàng Hòm trước kia là phố Mã Vĩ giáp Hàng Đàn.
Đoạn phố ngắn của Hàng Nón giáp Đường Thành vì mở đường sau nối dài đoạn phố chính, chỉ là hai dãy tường bên và cửa ngách của mấy ngôi nhà lớn mặt trước quay sang phố Đường Thành hoặc phố Hàng Điếu. Vì vậy chỗ này không có số nhà (những số nhà hiện có là đặt về sau khi những nhà phụ trở thành chỗ ở chính của những gia đình về Hà Nội sau 1954).
Đoạn chính của phố Hàng Nón, từ xưa là nơi có nhiều cửa hàng bán nón. Cho mãi đến đầu thế kỷ 20, người Việt Nam, có cả người Hà Nội, đàn ông cũng như đàn bà đều dùng nón đội đầu. Đàn ông có nón dứa, nón lông có chóp bằng bạc hoặc đồng. Đàn bà có nhiều loại nón hơn, sang thì dùng nón thúng quai thao (còn gọi là nón Nghệ), người tầm thường, người lao động thì đội nón ba tầm, nón chảo làm bằng lá gồi mềm. Từ những năm cuối thập niên mười, người Hà Nội trừ những người có tuổi, đàn ông không ai đội nón nữa, họ đội khăn bịt, đi ô; đàn bà sang trọng dùng dù vải. Ngoài đường chỉ thấy những người lao động nặng nhọc lam lũ còn đội nón lá.
Trước kia sự dùng nón còn phổ biến trong nhân dân thì ở phố Hàng Nón cả hai dãy mặt phố đều có cưả hàng bán đủ các loại nón, kể cả nón "tu lờ" dành cho nhà chùa. Cửa hàng bán nón ở trong phố thưa dần, sau chỉ còn vài ba nhà giữ nghề cũ, nón chỉ còn thấy bán ở trong các chợ.
Những cửa hàng bán nón ở Hàng Nón được thay thế bằng những hiệu buôn những mặt hàng khác.
Có mấy cửa hàng bán guốc sơn dùng cho phụ nữ: Mỹ Sinh và Mỹ Thịnh; chủ hiệu là người làng Hà Vỹ, một làng có nghề cổ truyền sơn ta. Họ từ Hàng Hòm dọn đến đây mua guốc gỗ đẽo sẵn, sơn mầu để bán.
Có mấy cửa hiệu bán giày, mũ: Đức Long - Chính Thuận (số 39); nhà này sau chuyển sang bán sơn ta và bị cháy to. Một cửa hiệu tơ lụa của Khúc Thành Trần Thị Tư (nhà số 58): buôn và bán lĩnh Bưởi, the La Cả; họ mua hàng mộc về thuê nhuộm rồi gửi vào Nam bán.
Một cửa hiệu may Tây của Chu Mậu mà người Hà Nội thời đó quen với cái tên là Charles Mau's Tailor (Sác Mốt), số nhà 41. Đó là một trong số những người "lăng xê mốt quần áo phụ nữ tân thời" những năm sau 1930. Nhân vật phố Hàng Nón có Bát Dáy, một nhà giàu chuyên cho vay lãi, được nhiều người Hà Nội nói đến tên. Nguyễn Huy Hợi (nhà số 18) làm nhân viên kế toán nhà Gô Đa; ông này đứng ra lập Hội ái hữu nông Công Thương đồng nghiệp, ra tờ báo Hữu Khanh xuất bản trong những năm 1921 - 1923, cụ nghè Ngô Đức Kế làm chủ bút.
Trong những năm 1928 - 1929 do hoạt động của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, có tổ chức ra những Công hội; Nguyễn Đức Cảnh năm 1929 đã triệu tập được một cuộc họp có nhiều đại biểu tham dự trong một nhà có cửa hàng thuốc lào nhỏ (số 15 Hàng Nón).
Qua cơn khủng hoảng kinh tế những năm 1930 - 1931 và nhất là đời sống khó khăn thời kỳ đầu Chiến tranh thế giới (1939 - 1940) nhiều nhà buôn ở Hàng Nón bị sa sút phải bán cửa hàng dọn đi đến ở phố khác; nhưng cũng có nhiều công chức lại chuyển sang kinh doanh hàng tơ sợi Nhật, tơ Bình Định, Quy Nhơn, tranh khách hàng tơ lụa Lyon của Pháp (như nhà Tô Châu). Chiến sự năm 1946 - 1947, Hàng Nón tuy nằm ở giữa Liên khu I song không bị phá hoại mấy.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hàng Cót Phố dài 404 mét, đi từ phố Phan Đình Phùng đến phố Hàng Gà. Phố Hàng Cót và phố Hàng Gà cùng ở trên một con đường cũ có sẵn từ xưa. Khu vực này gần Bến Nứa, trong phố có nhiều nhà làm nghề đan cót bán; người đan cót làm việc ở ngoài vỉa hè. Nguyên đây là đất của thôn...