Hàng đa cấp ở Kon Tum biến tướng, hậu quả khó lường
Hoạt đông kinh doanh bán hàng đa cấp ở tỉnh Kon Tum có những biến tướng với nhiều chiêu trò gây hậu quả khó lường.
Hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp tại tỉnh Kon Tum đang nở rộ với 20 doanh nghiệp và trên 4.100 người tham gia. Để bán được hàng, không ít doanh nghiệp sử dụng nhiều chiêu trò, như lôi kéo, dụ dỗ, thậm chí lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo. Kiểu kinh doanh bán hàng đa cấp biến tướng này đang gây xáo trộn nhiều làng quê ở Kon Tum và nếu không được ngăn chặn kịp thời hậu quả sẽ rất khó lường.
Sức hút từ việc mua hàng được thưởng, mua càng nhiều điểm tích lũy càng cao lãi sẽ càng lớn, rồi còn có cả “chức tước” đi kèm đang cuốn nhiều người dân Kon Tum vào vòng xoáy bán hàng đa cấp. Lóa mắt trước ảo tưởng làm giàu, không ít người đã bòn vét tài sản gia đình để mua mỹ phẩm, hàng trang sức, bếp từ, nồi cơm điện, máy ôzôn… đắt gấp hàng chục lần so với giá thị trường để trở thành chuyên viên kinh doanh.
Ông A Tik (trái) viết đơn nhờ chính quyền địa phương đòi lại 248 triệu nộp cho Thiên Ngọc VIII.
Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND huyện Đắc Hà, bày tỏ lo lắng khi địa phương có 7 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp với hơn 500 người tham gia. “Người tham gia có giáo viên, cán bộ công chức, người về hưu… Sợ nhất là người ta lấy bìa đỏ vay tiền ngân hàng rồi bỏ vào đấy là chết,” ông Trung nói.
Thực tế cho thấy hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp ở tỉnh Kon Tum có những biến tướng với nhiều chiêu trò khó lường. Tại xã đặc biệt khó khăn Đắc Pxi, huyện Đắc Hà, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con dân tộc thiểu số Sê đăng, người của cơ sở Thiên Ngọc VIII có địa chỉ ở 521 đường Hùng Vương, thị trấn Đắc Hà thuộc Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đã đến tận làng Long Đuân dụ dỗ lôi kéo người dân nộp tiền để được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và lấy lãi suất cao.
Cơ sở Thiên Ngọc VIII thuê ở thị trấn Đắc Hà làm nơi giao dịch.
Đáng chú ý là khi người dân giao tiền, Thiên Ngọc VIII không hề viết hóa đơn hay giấy biên nhận. Khi Ban nhân dân thôn và chính quyền xã Đắc Pxi phát hiện sự việc đã có 8 hộ mang trên 600 triệu đồng nộp cho cơ sở này.
Trong hơn 600 triệu đồng mà 8 hộ dân làng Long Đuân nộp cho Thiên Ngọc VIII, có 3 người nộp nhiều là ông A Tik 248 triệu, A Anh 135 triệu và A Sét 60 triệu. Đây đều là tiền nhà máy thủy điện đền bù cho diện tích đất và hoa màu bị ngập. Ông A Tik cho biết, tháng 4/2015 biết ông sắp được nhận tiền đền bù, bà Nguyễn Thị Nam (hay còn gọi là Mẹ Giang) xuống mời ông nộp tiền vào Thiên Ngọc VIII. Dù thời điểm đó nhà máy chưa chi trả tiền song Thiên Ngọc VIII đã đưa ông cùng nhiều người khác sang tỉnh Đắc Lắc dự Hội thảo. Tại đây công ty đưa trước 35 triệu đồng gọi là tiền thù lao và mọi chuyện diễn ra theo đúng ý đồ của họ.
Video đang HOT
Trong khi đội quân bán hàng đa cấp ở tỉnh Kon Tum ngày càng đông, hiện tới 20 doanh nghiệp với trên 4.100 người tham gia thì công tác quản lý của ngành chức năng lại đang rất bị động. Thời gian dài vừa qua, hàng đa cấp tha hồ “làm mưa làm gió” ở khu vực nông thôn nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những chiếc quần lót, nồi cơm điện được bán cho người dân với giá từ 5 triệu đến hơn 10 triệu đồng không thể được coi là hoạt động thương mại bình thường.
Vợ chồng A Anh không chắc lấy lại được 135 triệu đồng.
Ông Võ Xuân Sơn, Phó giám đốc Sở công thương tỉnh Kon Tum khẳng định, có biểu hiện dụ dỗ, lôi kéo người mua, thông tin sai tính chất công dụng hàng hóa, “thổi giá”, “thổi chất lượng”… trong hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp tại địa phương, song chưa thể xử lý.
“Hiện nay chỉ mới xử phạt được các hành vi chủ yếu là về hợp đồng ký kết không ghi rõ địa chỉ, tổ chức Hội thảo không xin phép, cấp thẻ thành viên không đúng quy định. Còn những hành vi bị cấm thì có đấy nhưng chưa có đủ bằng chứng để kết luận người ta vi phạm nên chưa xử lý được,” ông Sơn cho hay.
Là loại hình kinh doanh hiện đại với những ưu thế nhất định, song việc kinh doanh bán hàng đa cấp ở tỉnh Kon Tum đang bị không ít doanh nghiệp lợi dụng với nhiều biến tướng để thu lợi bất chính. Kiểu kinh doanh mà người bán, kẻ mua không quan tâm tới hàng hóa, chỉ mong dụ dỗ, lôi kéo được nhiều người tham gia vào hệ thống để hưởng hoa hồng và ăn chia lợi nhuận nếu không được ngăn chặn kịp thời chắc chắn sẽ để lại những hậu quả rất khó lường./.
Khoa Điềm
Theo_VOV
Sập bẫy bán hàng đa cấp
Do hoàn cảnh khó khăn, nhiều sinh viên nữ phải kiếm việc làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Không ít người sập bẫy công ty bán hàng đa cấp "dởm", lâm cảnh nợ đầm đìa vì bị dụ vay tiền của các tiệm cầm đồ.
Nguyễn Thị Hoài đang làm thêm ở quán bi-a lấy tiền trả nợ cho tiệm cầm đồ. Ảnh: Quang Lộc.
Cả tin
Nguyễn Thị Hoài (SN 1993), quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh hiện đang là sinh viên trường Đại học KHXH&NV Hà Nội (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) làm nhân viên phục vụ quán bi-a được hơn 4 tháng. Ngày bận học nên Hoài chọn làm ca tối từ 7 giờ tối đến 7h sáng hôm sau với mức lương 10 nghìn đồng/giờ. "Vì tham gia công ty đa cấp nên chịu cảnh nợ nần. Giờ, phải làm thêm vào ban đêm để kiếm tiền trả nợ cho chủ hiệu cầm đồ", Hoài nghẹn ngào.
Hoài sinh ra trong một gia đình đông anh em, bố mẹ làm nông. Để có tiền chu cấp cho con ở Hà Nội, gia đình phải thường xuyên vay mượn. Vì thương bố mẹ, ngay từ năm học đầu tiên, Hoài đã chủ động kiếm việc làm thêm (gia sư tiếng Anh). Hoài kể, bắt đầu từ giữa năm 2014, được một người bạn rủ kinh doanh, có thể thu lợi nhuận cao và được làm việc trong môi trường năng động.
Hoài được bạn đưa tới Văn phòng World - Nets Việt Nam (sau đây viết tắt là công ty). Tại đây, Hoài được nhân viên công ty thuyết trình về công việc kinh doanh. Người tham gia được hưởng nhiều lợi ích từ công ty và có thêm hoa hồng. "Tham gia buổi nói chuyện hôm đó, có nhiều người tự nhận mình là bác sỹ, giáo viên... và cho biết khi tham gia bán hàng đa cấp cho thu nhập cao nên bỏ việc để kinh doanh. Lúc đó, mọi nghi ngờ của mình tan biến, sau mới biết là lừa đảo", Hoài búc xúc kể.
Khi mới vào công ty, Hoài phải đóng 180 nghìn đồng tiền làm thẻ và lệ phí. Để trở thành nhà phân phối, Hoài phải đóng 5,6 triệu đồng theo học mảng khởi nghiệp. Khi Hoài nói không có tiền, một nhân viên công ty đưa tới một cửa hiệu cầm đồ cắm chứng minh nhân dân (CMND), thẻ sinh viên (TSV) vay 6 triệu đồng (lãi suất 5 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày).
Sau khi vay, Hoài nộp hết tiền cho công ty. Sau đó, bên công ty bảo Hoài nộp thêm 18 triệu đồng làm "gói chuyên nghiệp", có thể mua sản phẩm "ưu đãi" mang về kinh doanh. Không có tiền, Hoài được người của công ty dẫn đi và bảo lãnh vay thêm 18 triệu đồng với lãi suất tương tự.
Để có được thẻ của Cty TNHH World - Nets Việt Nam, nhiều bạn trẻ đã phải nộp hàng chục triệu đồng. Ảnh: Quang Lộc.
Thực tế, Hoài không phải là nạn nhân duy nhất của hệ thống bán hàng đa cấp của World - Nets Việt Nam. Tống Thị Nhung (SN 1993) quê Thái Bình, sinh viên trường Đại học KHXH&NV Hà Nội cũng rơi vào "cạm bẫy" đa cấp. Hằng đêm, Nhung phải làm thêm ở quán bi-a để trả nợ. Nhung cho biết, trước cô với Hoài cùng tham gia vào World- Nets Việt Nam. Nghe những lời giới thiệu về tương lai tươi sáng, về những khoản thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng nên đồng ý tham gia. Không có tiền, Nhung được người của công ty đem đến hiệu cầm đồ để cầm cắm TSV, CMND để vay 18 triệu đồng.
Sau khi nộp tiền, Nhung cũng được công ty cấp những mặt hàng thực phẩm chức năng có giá cao ngất ngưởng để mang bán ra thị trường. Ngoài "chiêu bài" mời chào bán sản phẩm, công ty còn khuyến khích mời thêm nhiều người khác cùng tham dự hội thảo và các khóa học.
Người dân địa phương cho biết Cty TNHH World - Nets Việt Nam không hoạt động từ nhiều tháng nay. Ảnh: Quang Lộc.
Nợ nần
Tống Thị Nhung kể, do không có khả năng trả nợ tiền gốc và lãi cho cửa hàng cầm đồ, đã phải cầu cứu bố mẹ ở quê. "Khi thu vén được tiền trả nợ, số tiền lãi đã gần gấp đôi tiền vay, nên chỉ trả được 2/3", mắt đỏ hoe Nhung kể.
Còn Hoài, làm việc được hơn 10 ngày mới biết đang làm cho một mạng đa cấp. Dù vậy, vì gia đình nghèo, bố thường xuyên đau ốm, Hoài quyết định "đâm lao, theo lao".
Hy vọng có thể thu hồi được số tiền đã bỏ ra. Nhưng đó là một quyết định sai lầm. "Thời gian đó, ngày nào mình cũng khóc. Vì áp lực nên không có thời gian để học. Đang học giỏi xuống yếu, bị bạn bè xa lánh. Những đối tượng cầm đồ suốt ngày gọi điện đe dọa. Nhiều lần mình đã nghĩ đến việc tự sát. Thậm chí đã mua lượng lớn thuốc ngủ...", Hoài kể.
Số tiền cầm cố từ 18 triệu đồng đã "lãi mẹ đẻ lãi con" thành 27 triệu. Không có tiền, Hoài bị chủ tiệm cầm đồ đánh đập. Cuối năm 2014, Hoài bỏ học hai tháng sang Bắc Ninh làm công nhân. Để nhận mức lương 6 triệu đồng/tháng, Hoài phải làm việc ngày 12 tiếng. Bị bệnh tim từ nhỏ nên Hoài nhiều lần ngất khi đang làm việc.
Hoài cho biết, khi tham gia bán hàng đa cấp, các sinh viên nữ thường phải cầm cố CMND, TSV để vay nặng lãi nên phải gánh nợ lên tới 50-60 triệu đồng. Không còn lựa chọn, một số người phải làm tiếp rượu ở quán bar, karaoke, thậm chí phải đi bán dâm.
Tỉnh táo khi chọn việc Đó là lời khuyên của PGS.TS Trần Thu Hương, Phó Chủ nhiệm khoa Tâm lý, Đại học KHXH&NV Hà Nội (Đại học Quốc gia Hà Nội) dành cho các bạn trẻ để không bị "sập bẫy" các công ty bán hàng đa cấp. Theo bà Hương, không chỉ các bạn trẻ mà nhiều người đã có công việc ổn định vẫn tham gia các công ty đa cấp. Vì họ nghĩ chỉ cần tìm thấy mạng lưới của mình, mời người tham gia là có thể thu được lợi nhuận và làm giàu nhanh chóng. "Khi các bạn trẻ được tham gia hội nghị, hội thảo của công ty đa cấp, họ sẽ vào một trung tâm "nội bất xuất, ngoại bất nhập", không được sử dụng điện thoại, nên các bạn không có thông tin từ bên trong đến bên ngoài. Gần như trong trạng thái bị thôi miên, xong buổi họp cảm thấy như mình đã tìm ra con đường đổi đời, từ đó quyết định ký kết, cầm cố giấy tờ để kinh doanh", bà Hương nói.
Để tìm hiểu thông tin cũng như hoạt động của Cty World - Nets Việt Nam, PV Tiền Phong đã gọi điện thoại đến số máy (do sinh viên cung cấp) nhưng không liên lạc được. Theo địa chỉ cung cấp, phóng viên tìm đến trụ sở công ty này trên đường Trần Kim Xuyến (số 9 H1, Khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu giấy, Hà Nội). Theo quan sát, tòa nhà hiện trống không, không một biển hiệu và người vào ra. Anh Nguyễn Văn Tài, chủ cửa hàng gò hàn, đối diện cổng trụ sở của Công ty World - Nets Việt Nam cho biết đã chứng kiến nhiều vụ bố mẹ, sinh viên từ các vùng quê lên đây khóc lóc, đòi lại tiền từ công ty. "Nghe người ta bảo, đây là công ty đa cấp, nhiều sinh viên ra đây đi học tham gia công ty nợ nần nhiều lắm", anh Tài nói. Là hộ dân sống cạnh trụ sở công ty, chị Đào Thị Huyền cho biết, nhiều trường hợp nữ sinh đến công ty khóc lóc, bảo công ty lừa đảo này nọ, đòi lại tiền nhưng đều không được. "Có lần, tôi lại thấy có những đám thanh niên, dân xã hội kéo đến đông lắm, thuê hẳn cả đoàn taxi đến đòi lại tiền. Từ hôm Tết đến nay thấy công ty không hoạt động nữa", chị Huyền nói. Theo trung tá Trần Văn Thuần, cảnh sát khu vực phường Yên Hòa, Cty World - Nets Việt Nam đóng cửa không hoạt động được hơn 5 tháng nay. Theo trung tá Thuần, trước đây công ty này hoạt động sôi nổi. Về vấn đề công ty này có lừa đảo sinh viên hay không, chúng tôi không nắm được thông tin, chỉ biết đó là công ty đa cấp. "Lý do là chúng tôi chưa nhận được đơn thư tố cáo công ty này lừa đảo của người bị hại cũng như tình trạng công ty gây rối trật tự trên địa bàn phường", trung tá Thuần nói.
Theo Quang Lộc
Tiền Phong
Cà phê phim giường nằm biến tướng Quán cà phê phục vụ xem phim HD giường nằm dành cho 2 người trong phòng kín, cách âm sẵn sàng phục vụ mọi đối tượng, không giới hạn lứa tuổi..., tiềm ẩn nhiều mối nguy hại Từ phản ánh của bạn đọc về hoạt động không lành mạnh đang diễn ra tại những quán cà phê phim, chúng tôi đã đi tìm...