Hàng chục xe khách nối đuôi về Hà Nội phản ứng việc điều chuyển luồng tuyến
Trưa ngày 28/2, khoảng 50 xe khách bị lực lượng Cảnh sát giao thông yêu cầu dừng tại trạm thu phí Pháp Vân. Các xe này được cho là kéo về Hà Nội để phản đối phương án điều chuyển luồng tuyến vận tải xe khách.
Giữa trưa, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội có mặt tại hiện trường (trạm thu phí Pháp Vân) trực tiếp lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp vận tải hành khách bị điều chuyển luồng tuyến.
Ông Viện khẳng định, chủ trương điều chuyển luồng tuyên vận tải hành khách liên tỉnh là để đảm bảo lợi ích chung của TP.Hà Nội là giảm ùn tắc giao thông.
Hàng dài xe khách kéo đuôi trước trạm thu phí Pháp Vân
“Chúng tôi thực hiện việc này không vì bất cứ lợi ích cục bộ nào, mà là lợi ích chung. Chúng tôi cũng rất hoan nghênh các doanh nghiệp thực hiện tương đối nghiêm túc. Do vậy việc phục vụ nhân dân trước và sau Tết đảm bảo rất tốt, nhân dân đi lại các bến xe tương đối thuận lợi, tình hình ùn tắc đường Vành đai 3 đã giảm hẳn”, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói.
Trước sự việc hàng chục xe khách kéo về Hà Nội phản ứng việc điều chuyển luồng tuyến, ông Vũ Văn Viện cho biết, sáng nay sở GTVT đã báo sự việc với UBND Thành phố Hà Nội và Bộ GTVT. Vị Giám đốc Sở cũng thông tin đến các doanh nghiệp rằng, lãnh đạo Bộ GTVT cũng đã đồng ý sắp xếp lịch cùng với TP Hà Nội tiếp các doanh nghiệp vào ngày mai (1/3/2017).
Ông Vũ Văn Viện thông tin về việc sẽ có cuộc đối thoại với các nhà xe vào ngày mai.
Trao đổi với báo chí tại hiện trường, ông Viện cho biết, những băn khoăn của các doanh nghiệp liên quan đến việc điều chuyển luồng tuyến trước đây đều được TP Hà Nội cũng như Sở GTVT có văn bản trả lời theo đúng quy định.
“Đối với các doanh nghiệp tiếp tục có đơn thư được Thủ tướng quan tâm, hiện đã có văn bản chỉ đạo Bộ GTVT cùng với TP Hà Nội đối thoại, giải quyết những kiến nghị của đơn vị kinh doanh. Chúng tôi sẽ phải báo cáo Thủ tướngvề việc này trước ngày 10/3. Vì vậy, tôi nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật”, ông Viện nói.
Video đang HOT
Hình ảnh những xe khách đang dừng tại trạm thu phí Pháp Vân.
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Đội CSGT số 7 – Phòng 10 (Cục CSGT – Bộ Công an) cho biết, sáng nay (28/2) tổ tuần tra kiểm soát của Đội đã dừng hơn 47 xe khách thuộc các tỉnh Nam Định, Thái Bình tại trạm thu phí Pháp Vân.
Các xe khách này được xác định có logo, phù hiệu, treo băng rôn về việc đề nghị xem xét lại quyết định điều chuyển luồng tuyến. Ngoài ra, đi cùng đoàn xe khách còn có nhiều xe con vì khi các xe khách bị dừng tại trạm thu phí, số xe con cũng dừng chờ.
Tại trạm thu phí Liêm Tuyền, CSGT cũng chặn dừng nhiều xe khách cùng đoàn.
Theo lãnh đạo Đội CSGT số 7, các tài xế xe khách cho biết, họ lên Sở GTVT Hà Nội để phản ánh những bất cập trong việc điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách. Một số tài xế khi bị CSGT dừng xe đã phản ứng nhưng sau đó đều chấp hành hiệu lệnh của CSGT, dừng đỗ vào nơi quy định, tránh ùn tắc, hỗn loạn trên cao tốc. Lực lượng chức năng yêu cầu tài xế, phụ xe tập trung di chuyển bằng 2-3 xe về Hà Nội.
Dù có hiện tượng này, cao tốc dẫn vào cửa ngõ Hà Nội vẫn thông thoáng, đường không bị ùn tắc, cản trở.
Được biết, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội sẽ đối thoại với đại diện các nhà xe trong sáng nay.
Trao đổi với PV Dân trí trưa nay, phía sở GTVT Hà Nội cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin các xe khách nối đuôi về Hà Nội phản ứng việc điều chuyển luồng tuyến, Giám đốc Sở ông Vũ Văn Viện đã xuống bến xe Nước Ngầm để nắm bắt thông tin.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội dự kiến sẽ đối thoại với các doanh nghiệp phản đối điều chuyển luồng tuyến ngay tại bến xe Nước Ngầm. Tuy nhiên, đến trưa nay, các nhà xe chưa chịu tới bến gặp gỡ lãnh đạo Sở GTVT.
Trao đổi trực tiếp với phóng viên, ông Vũ Văn Viện cho biết, ông sẽ xuống trạm thu phí Pháp Vân để trao đổi trực tiếp với các nhà xe.
Ghi nhận tại trạm thu phí Pháp Vân, các xe khách, xe con nối đuôi nhau đỗ bên đường, kéo dài hàng trăm mét. Lực lượng CSGT túc trực, đảm bảo tình hình giao thông qua khu vực này được thông suốt, không xảy ra ùn tắc, hỗn loạn. Đồ ăn, nước uống được mang theo. Các tài xế trải bạt ngồi chờ, ăn uống ngay trên đường.
Hàng dài xe khách ở trạm thu phí Pháp Vân.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, sau 2 tháng điều chuyển luồng tuyến, vận tải, xe của họ được chuyển từ Bến xe Mỹ Đình về Bến xe Nước Ngầm, lượng khách giảm đi một cách đáng kinh ngạc, có chuyến không một bóng khách.
“Chúng tôi luôn chấp hành quy định của các cơ quan chức năng trong việc vận chuyển hành khách. Từ ngày điều chuyển bến, các nhà xe chúng tôi đều làm ăn thua lỗ, mỗi tháng lỗ ít thì 18-20 triệu, có nhà xe thua lỗ nhiều thì 30-40 triệu đồng” – một chủ xe cho biết.
Trực tiếp có mặt tại trạm thu phí Pháp Vân, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội – đã trao đổi, đối thoại với đại diện các nhà xe. Theo ông Viện, Pháp Vân – Cầu Giẽ là tuyến cao tốc có lưu lượng giao thông rất lớn. Các doanh nghiệp đỗ xe ở đây sẽ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
Các tài xế mang theo đồ ăn, nước uống để “cầm hơi”.
“Tôi tin rằng việc làm này sẽ ảnh hưởng đến hình cảnh của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, hiệp hội có đơn thư gửi đến Hà Nội và Sở GTVT, chúng tôi cũng đã có văn bản trả lời. Các doanh nghiệp có đơn, Thủ tướng cũng đã văn bản chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Hà Nội làm việc, đối thoại với các doanh nghiệp và báo cáo thủ tướng trước 10/3. Vì thế, tôi đề nghị các doanh nghiệp phải thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng và các quy định pháp luật. Việc làm hôm nay của các doanh nghiệp là không thực hiện đúng quy định. Chúng ta có quyền khiếu nại, kiến nghị nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật.” – ông Viện nói.
Các nhà xe treo băng-rôn “kêu cứu”.
Theo Dantri
Hà Nội 'cấm cửa' 12 xe khách không chấp hành lệnh chuyển bến
12 xe khách của 5 doanh nghiệp không chấp hành điều chuyển luồng tuyến ở Hà Nội bị nhà chức trách đình chỉ hoạt động trong một tháng.
Sở Giao thông Hà Nội vừa có văn bản thông báo đình chỉ hoạt động 12 xe khách của 5 doanh nghiệp không chấp hành điều chuyển luồng tuyến.
Cụ thể, đơn vị này yêu cầu Bến xe Nước Ngầm từ chối phục vụ 12 xe nêu trên trong vòng một tháng kể từ ngày 15/2.
Ông Hà Huy Quang, Phó giám đốc Sở Giao thông Hà Nội phát biểu tại buổi sơ kết công tác điều chuyển luồng tuyến chiều 13/2. Ảnh: Võ Hải.
Lực lượng thanh tra giao thông được Sở giao phối hợp với Công an thành phố giám sát, nếu phát hiện xe bị từ chối phục vụ cố tình hoạt động chui sẽ xử phạt nặng.
Sở Giao thông cũng đề nghị cơ quan chức năng các địa phương liên quan có biện pháp nghiêm túc, thúc giục nhà xe chấp hành quyết định điều chỉnh luồng tuyến của UBND TP Hà Nội.
Văn bản xử lý doanh nghiệp không chấp hành điều chuyển luồng tuyến được Phó giám đốc Sở Giao thông Hà Nội Hà Huy Quang ký ngày 13/2. Cùng ngày đơn vị này tổ chức sơ kết công tác điều chuyển luồng tuyến. Tại buổi sơ kết, ông Quang đã nói: "Nếu doanh nghiệp có ý kiến. Đề nghị thể hiện bằng văn bản và Sở sẽ tiếp tục đối thoại để giải quyết các kiến nghị".
Sở Giao thông Hà Nội yêu cầu Bến xe Nước Ngầm không phục vụ 12 xe của các doanh nghiệp chưa điều chuyển luồng tuyến. Ảnh minh họa: Võ Hải.
Từ 2/1, Hà Nội điều chuyển các tuyến của tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng, về bến xe Nước Ngầm.
Các tuyến của tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái hoạt động tại bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa, về bến xe Mỹ Đình.
Các tuyến của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Điện Biên, Hòa Bình, Kon Tum, Sơn La, Thanh Hóa (các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Quán Lào, Thọ Xuân, Yên Cát đi theo đường Hồ Chí Minh) hoạt động tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm, về bến xe Yên Nghĩa.
Các tuyến của tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn hoạt động tại các bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây, về bến xe Gia Lâm.
Võ Hải
Theo VNE
Nơi kẹt cứng, nơi "dễ thở" trong ngày người dân trở lại Thủ đô Buổi chiều ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Dương lịch, dòng người ùn ùn đổ về thủ đô khiến cửa ngõ phía Nam kẹt cứng. Trong khi đó, sau đợt điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách, Bến xe Mỹ Đình và các đường xung quanh trở nên "dễ thở" hơn. Giờ cao điểm chiều 2/1, đường Phạm Hùng khu vực...