Hàng chục quan chức nhiễm Covid-19, Iran quay cuồng trong hoảng loạn
Iran từng dự đoán Covid- 19 sẽ không ảnh hưởng tới nước này, nhưng giờ có gần 30 quan chức chính phủ và thành viên viên Quốc hội của Tehran bị xác nhận nhiễm bệnh.
Hồi tuần trước, Iran tuyên bố hoãn họp Quốc hội trong bối cảnh dịch Covid-19 leo thang. Nhưng chừng đó không đủ để ngăn 23 nghị sỹ nước này nhiễm bệnh. 9 quan chức Iran khác cho kết quả dương tính với chủng virus corona mới. 2 trong số đó, cựu đại sứ Iran tại Vatican và Cố vấn Lãnh tụ Tối cao Iran thiệt mạng.
Bộ trưởng Y tế Saeed Namako hôm 1/3 tuyên bố sẽ điều động 300.000 binh sĩ và tình nguyện viên đến nhà từng người dân để kiểm tra sức khỏe từ ngày 3/3. Các công tố viên cảnh báo bất cứ ai tích trữ khẩu trang và các thiết bị y tế công cộng khác sẽ đối mặt với nguy cơ bị tử hình.
Chỉ cách đây 2 tuần, các nhà lãnh đạo Iran vẫn tự tin Covid-19 sẽ không tấn công nước mình. Họ còn khoe xuất khẩu khẩu trang ra nước ngoài.
Bây giờ Iran trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới với 77 người thiệt mạng, 2.336 người nhiễm bệnh. Một số y, bác sỹ nói rằng họ được yêu cầu giữ im lặng về tình hình dịch. Ít nhất 2 nghị sỹ Iran công khai tuyên bố chính quyền tìm cách che giấu các trường hợp tử vong vì Covid-19 bằng cách liệt kê các nguyên nhân khác trên giấy chứng tử.
Iran hiện là ổ dịch lớn thứ 3 thế giới. (Ảnh: EPA-EFE)
Ở tỉnh Golestan, nơi ghi nhận hàng chục ca nhiễm, các quan chức y tế tại đây bày tỏ sự thất vọng khi Teheran giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch.
“Chúng tôi hét lên với Bộ Y tế rằng chúng tôi có 594 bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng Bộ lại nói với chúng tôi rằng cho tới khi các anh có kết quả dương tính, chúng tôi sẽ đưa thiết bị các anh cần. Họ cứ nói “đợi, đợi, đợi” và rồi đột nhiên thông báo chúng tôi là ổ dịch. Nhưng ngay từ đầu chúng tôi đã là một ổ dịch”, Abdulreza Fazel – một quan chức địa phương cho hay.
Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc vào cuối năm 2019 trước khi tấn công Iran vào thời điểm Tehran dễ bị tổn thương nhất. Nền kinh tế Iran bị ảnh hưởng nặng nề vì các lệnh trừng phạt của Mỹ, lực lượng an ninh cố đàn áp một làn sóng phản đối công khai, giới lãnh đạo cũng hứng hàng loạt chỉ trích sau vụ bắn nhầm máy bay chở hơn 200 khách của hàng không Ukraine.
Sanam Vakil, nhà nghiên cứu về Iran tại Viện nghiên cứu Chatham House tại London cho rằng Iran đang chần chừ từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác.
“Họ đánh giá thấp hậu quả tiềm tàng của virus”, ông Vakil cho biết.
Video đang HOT
Các quan chức y tế Iran ban đầu tự tin vào năng lực y tế công cộng của mình. Tổng thống Hassan Rouhani hồi tuần trước vẫn khẳng định cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường, nhưng thực tế lại trái ngược.
Các chuyên gia y tế nói rằng dựa trên tỷ lệ tử vong của Covid-19, có thể số người nhiễm bệnh thực sự ở Iran rơi vào khoảng 4.000, gần gấp đôi số ca nhiễm được Iran xác nhận.
Tehran hôm 3/3 tuyên bố tạm thời thả 54.000 tù nhân không có triệu chứng trong nỗ lực làm giảm sự lây lan trong các trại giam đông đúc.
Nhưng không rõ có bao nhiều tù nhân trong số này đã làm xét nghiệm bởi số lượng các bộ dụng cụ xét nghiệm của Iran đang bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Một nhà nghiên cứu của Canada thậm chí còn dự đoán số người nhiễm Covid-19 ở quốc gia Tây Á có thể lên tới 18.000.
Người dân đứng xem nhân viên y tế khử trùng trong một đền thờ ở Iran. (Ảnh: AP)
Người dân bày tỏ sự bất mãn với chính quyền, kêu gọi các nhà chức trách minh bạch hơn tình hình dịch. Họ cùng các bác sỹ kịch liệt phản đối kế hoạch điều 300.000 binh sĩ và tình nguyện viện tới kiểm tra nhà từng người dân vì lo ngại những người không được huấn luyện còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
“Tôi cảm thấy tiếc vì chúng tôi đang ngồi trên một chiếc thuyền đang chìm mà họ quản lý”, Omid Rezaie, bác sĩ ung thư nổi tiếng ở Tehran cho hay.
Tại các con phố ở Tehran, các con đường hiếm bóng người qua lại. Người dân hoảng loạn ở trong nhà vì sợ lây bệnh. Nhưng tại thành phố Qom – điểm đến của những người hành hương dòng Shiite, các nhà thờ Hồi giáo và đền thờ vẫn tổ chức các buổi lễ bất chấp khuyến cáo từ Bộ Y tế.
“Việc Iran không sẵn lòng hạn chế các chuyến đi lễ tại các đền thờ là hành động phạm tội trong mùa dịch hiện nay. Chính phủ đang đặt uy tín tôn giáo lên trước an toàn công cộng“, bác sỹ Amir A. Afkhami, người từng nghiên cứu phản ứng Iran với các dịch bệnh trước đó cho biết.
Iran từng hết sức tự hào về sức mạnh y tế công cộng của họ. Năm 2008, họ thành công ngăn dịch tả từ các nước láng giềng, một phần nhờ lệnh cấm bán rau quả tươi và thức ăn đường phố
Nhưng lần này, giới chức Iran đã coi nhẹ mức độ nghiêm trọng của chủng virus mới.
Do Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng bấc nhất của Iran, Tehran trì hoãn việc hạn chế đi lại với quốc gia tỷ dân. Sau đó, Iran tự hào vì cấp mặt nạ nội địa cho Trung Quốc, làm cạn kiệt nguồn cung của nước này trong khi các nước khác đang âm thầm dự trữ. Người Iran giờ đang phải chắt chiu từng chiếc khẩu trang, thứ họ đáng được dùng nhưng giờ có lẽ đang ở trong tay các bệnh nhân Trung Quốc.
SONG HY (Nguồn: New York Times)
Theo vtc.vn
Chưa dập xong dịch trong nước, TQ lại căng mình đối phó Covid-19 từ nước ngoài
Ngày càng nhiều ca nhiễm virus Corona do người Trung Quốc từ vùng có dịch mang về nước dẫn đến thách thức mới mà truyền thông Trung Quốc gọi là đối phó với Covid-19 ở "hai mặt trận".
Theo Thời báo Hoàn Cầu, một mặt, Trung Quốc tiếp tục ổn định tình hình dịch bệnh trong nước, mặt khác cô lập các ca nhiễm virus có nguồn gốc từ nước ngoài.
Mới nhất là 7 trường hợp là công dân Trung Quốc, đem theo virus Corona khi trở về huyện Thanh Điền (Qingtian) thuộc tỉnh Chiết Giang từ Italia. 6 trong số này quá cảnh ở Moscow, Nga, hạ cánh xuống sân bay quốc tế ở Thượng Hải, từ đó bắt xe về Thanh Điền.
Chính quyền huyện Thanh Điền hôm 2.3 cũng xác nhận một ca nhiễm virus Corona từ Italia. Đây là địa bàn có số đông người Trung Quốc sang nước ngoài làm việc. Để ngăn chặn khả năng virus lây lan sang cộng đồng, chính quyền địa phương đã cách ly hơn 200 người, bao gồm người trở về từ nước ngoài và người thân của những người này, theo Thời báo Hoàn Cầu.
3 nhóm được chính quyền huyện Thanh Điền giao nhiệm vụ tìm hiểu các trường hợp sắp trở về trên địa bàn, túc trực ở sân bay đón người trở về và đưa đi cách ly ngay lập tức, quan chức họ Chu của huyện Thanh Điền nói với Thời báo Hoàn Cầu.
Quan chức này nói thêm rằng địa phương không khuyến khích người Trung Quốc từ nước ngoài trở về trong thời điểm này, nhưng nếu đã trở về thì chính quyền sẽ hỗ trợ.
Một hành khách tên Xiaomin nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng cô cảm thấy lo sợ khi có mặt trên chuyến bay có người ở huyện Thanh Điền nhiễm virus.
Nhiều người Trung Quốc ở vùng có dịch tại Italia, Hàn Quốc, Iran tính quay về nước. Ảnh minh họa.
Chính quyền địa phương ở Trung Quốc khuyến cáo những người có triệu chứng nhiễm bệnh không nên sử dụng phương tiện công cộng. Xiaomin cho rằng nếu biết có bệnh mà vẫn bất chấp thì rõ ràng là hành động vô trách nhiệm và ích kỷ.
Xiaomin nói cô và gia đình đang được theo dõi sức khỏe ở thành phố Thai Châu, phía đông tỉnh Giang Tô. Sau khi có thông tin về 7 ca nhiễm từ nước ngoài, chính quyền Thượng Hải đã truy tìm 71 người tiếp xúc gần với những người trên và đưa đi cách ly.
Một số người Trung quốc ở Italia nói trên Thời báo Hoàn Cầu rằng họ đang cân nhắc về nước vì cho rằng đại lục kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Italia khẳng định với Thời báo Hoàn Cầu rằng sẽ đảm bảo sự an toàn và sức khỏe của người Trung Quốc, trong bối cảnh dịch bệnh lây lan mạnh ở Italia.
Đối với nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc không còn ghi nhận ca nhiễm mới, công tác phòng dịch chuyển hướng sang những người trở về từ vùng có dịch như Italia, Iran, Hàn Quốc.
Yang Jingmin, nhà nghiên cứu tại Viện Quản trị đô thị của Đại học Thâm Quyến, nói trên Thời báo Hoàn Cầu rằng chính phủ Trung Quốc không thể cấm công dân và người nước ngoài được cấp thường trú trở về Trung Quốc, nhưng tốt nhất là nên hạn chế đi lại ở thời điểm này.
Để đối phó với dịch bệnh từ nước ngoài, chính quyền Bắc Kinh yêu cầu cả người Trung Quốc và người nước ngoài, nếu mới đi từ vùng có dịch như ở Hàn Quốc, Nhật bản, Iran, Italia thì phải bị cách ly tại nhà trong 14 ngày hoặc tại nơi cách ly tập trung.
"Tình hình ở các nước khác có chuyển biến xấu, ngày càng nhiều người Trung Quốc muốn về nước. Bắc Kinh đang đối mặt nguy cơ cao có ca lây nhiễm từ bên ngoài", Phó bí thư Thành ủy Bắc Kinh Chen Bei, nói.
Nhiều tỉnh thành khác ở Trung Quốc cũng áp dụng quy định cách ly 14 ngày đối với người trở về từ vùng dịch.
Cho đến nay, tổng số ca nhiễm virus Corona ghi nhận đối với người trở về Trung Quốc là 13. Tám trường hợp từ Italia về Chiết Giang, 2 từ Iran về khu tự trị Hồi Ninh Hạ, 2 từ Iran về Bắc Kinh và một từ Anh về Thẩm Quyến, theo Thời báo Hoàn Cầu.
Theo danviet.vn
Cảnh sát đột kích cơ sở Tân Thiên Địa, ép giáo chủ xét nghiệm lại Thống đốc Lee Jae Myung tối 3/3 đã đến tận Trung tâm Đào tạo của Tân Thiên Địa tại Gapyeong, tỉnh Gyeonggi, yêu cầu ông Lee Man Hee xét nghiệm có thật sự âm tính với virus corona. Thống đốc Lee Jae Myung đã đi cùng cảnh sát đến cơ sở ở Gapyeong để yêu cầu ông Lee Man Hee xét nghiệm lại....