Hàng chục nghìn người tiếp tục đổ về miền Tây, nhiều tỉnh lo bùng dịch
Một số tỉnh miền Tây có đến 30.000 người về quê cùng lúc, nên các địa phương kiến nghị Chính phủ có phương án can thiệp.
Trưa 3/10, dòng người chạy xe máy từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… tiếp tục đổ về miền Tây khiến cửa ngõ của nhiều địa phương bị ùn tắc cục bộ.
Không kịp xét nghiệm
Trao đổi với Zing , Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết trong đêm 2/10 đến trưa 3/10, có gần 20.000 người từ TP.HCM và các tỉnh phía nam chạy xe máy về địa phương này. Hai ngày trước, đã có trên 10.000 người tự ý về quê khiến các khu cách ly ở tỉnh Sóc Trăng bị quá tải vì chứa đến khoảng 30.000 người.
“Chúng tôi kiến nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về việc tạm ngưng cho người dân về quê trong nửa tháng. Thời gian này, tỉnh tập trung lo cho 30.000 người. Nếu bà con tiếp tục về quê ồ ạt, địa phương không lo nổi”, ông Lâu nói.
Theo ông Lâu, có quá nhiều người nên ngành y tế chưa lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc. Việc này phải chờ người dân ổn định chỗ ở tại các khu cách ly.
Hàng nghìn người về quê được tập trung tại Hồ Nước Ngọt, TP Sóc Trăng, sáng 3/10. Ảnh: Thanh Hoàng.
Tại An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết ông đã kiến nghị Trung ương tạm dừng cho người dân về quê ít nhất 14 ngày. Các khu cách ly và nhiều trường học của tỉnh này quá tải vì có trên 20.000 người tự ý về quê.
“Tôi đã liên hệ với lãnh đạo 12 tỉnh, thành còn lại ở miền Tây để bàn phương án kiến nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về việc dừng cho người dân về quê. TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An phải đóng chốt mới được. An Giang và nhiều tỉnh vỡ trận, không xét nghiệm nhanh cho bà con kịp nữa”, ông Bình chia sẻ.
Ông Bình cũng cảnh báo việc lây lan dịch Covid-19 khi quá nhiều người ồ ạt về quê bằng phương tiện cá nhân dù chưa qua xét nghiệm sàng lọc. Hai ngày qua, tỉnh An Giang chỉ xét nghiệm được cho khoảng 7.000 người, phát hiện hơn 30 F0. Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho 13.000 người còn lại.
Video đang HOT
“Người dân về quê ồ ạt khiến các tỉnh miền Tây oằn mình tiếp nhận. Phải dừng cho bà con về quê 14-20 ngày vì lực lượng làm nhiệm vụ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã quá mệt mỏi”, ông Bình nhấn mạnh.
Kiểm soát hết nổi
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, trong 2 ngày qua, có khoảng 3.000 người từ TP.HCM và các tỉnh về địa phương này. Tính thêm những ngày trước, số lượng này khoảng 15.000 người.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng việc các tỉnh miền Tây đồng loạt kiến nghị Chính phủ dừng cho người dân về quê nhằm giảm áp lực cách ly, điều trị cho các tỉnh và hạn chế được sự di chuyển cùng lúc của quá nhiều người.
“Bà con ồ ạt về quê lúc này gây khủng hoảng cho các địa phương, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch”, ông Bửu chia sẻ.
Nhiều trường học ở An Giang được trưng dụng làm khu cách ly tạm thời. Ảnh: Thanh Trần.
Theo ông Bửu, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục sử dụng nhiều trường học để người dân ở tạm vì các khu cách ly quá tải. Để người dân được ăn, uống đầy đủ, chính quyền địa phương vận động xã hội hóa để giảm chi phí cho ngân sách.
“Chủ trương của tỉnh là người dân phải trả chi phí cách ly. Tuy nhiên, bà con quá khó khăn nên phải áp dụng các chính sách miễn, giảm”, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm.
Tại Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt cho biết 2 ngày qua có hơn 6.000 công dân của địa phương này đi xe máy về quê. Mọi người được bố trí ở tạm tại các trường học để ngành y tế xét nghiệm sàng lọc, phát hiện 25 F0.
Việc có nhiều người nhiễm nCoV, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch Covid-19.
“Các tỉnh miền Tây kiến nghị TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An ngừng cho bà con tạm trú về quê. Về quê quá nhiều người như thế này chúng tôi kiểm soát hết nổi”, ông Việt nói.
Theo công điện ngày 30/9, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiểm soát người ra vào TP.HCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Phần lớn người dân tại 4 tỉnh, thành trên đã được tiêm vaccine mũi 1 nhưng vẫn có thể bị nhiễm nCoV và lây cho người khác trong khi độ bao phủ vaccine tại các địa phương khác còn thấp. Nếu dịch bệnh lan rộng sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng, sức khỏe của nhân dân.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm soát người ra vào 4 tỉnh, thành. Việc đưa đón người ra vào khu vực này phải được chính quyền 4 tỉnh, thành và các địa phương khác thống nhất, tổ chức an toàn, chu đáo.
Bà Rịa Vũng Tàu dùng ôtô đưa người dân về miền Tây
Chính quyền thị xã Phú Mỹ dùng 5 xe giường nằm, bốn ôtô tải chở gần 120 người, 58 xe máy, đồ đạc về các tỉnh miền Tây.
Sáng 3/10, các ôtô rời khu cách ly ở sân vận động thị xã Phú Mỹ về 7 tỉnh miền Tây, dưới sự hộ tống của CSGT. Họ là những người chạy xe máy tự phát về quê hai hôm trước và bị chặn lại ở Đồng Nai. Sau đó, chính quyền thị xã Phú Mỹ vận động quay trở lại.
Hai mẹ con chị Ngữ ở Bạc Liêu được xe đưa về quê sáng nay. Ảnh: Trường Hà
Người đầu tiên đặt chân lên xe về quê, anh Huỳnh Văn Hiếu, 38 tuổi, cho biết, đưa vợ và 3 con từ Đồng Tháp đến thị xã Phú Mỹ làm mướn từ đầu năm. Bốn tháng nay mất việc, ở lại không thể cầm cự được nữa trong khi ở quê cha mẹ già lâm bệnh nên vợ chồng anh quyết về.
Trước hôm rời đi, anh Hiếu mượn người quen 500.000 đồng để ra trạm y tế test nhanh Covid-19 để trên đường đi trình các chốt. "Đổ đầy xăng, mua đồ ăn, tôi còn 140.000 đồng dằn túi, liều đi về", anh Hiếu nói và cho biết, khi bị cảnh sát ở chốt chặn lại khiến anh sợ hãi và nán lại hàng giờ van nài để được đi tiếp.
Cảnh sát cùng người dân đưa xe máy lên ôtô tải để chở về quê. Ảnh: Trường Hà
Đứng cạnh đó, anh Nguyễn Văn Dứt, 20 tuổi, gửi con nhỏ ở quê Đồng Tháp để cùng vợ đến Bà Rịa - Vũng Tàu sống bằng nghề phụ hồ. Công việc bấp bênh, vợ chồng làm chỉ đủ ăn và hàng tháng gửi ít tiền về quê cho ba má lo cho con. Mấy tháng dịch bùng phát, không ai thuê mướn, anh phải đi vay nợ duy trì cuộc sống.
Vừa rồi, nhận tổng cộng 5,6 triệu đồng tiền trợ cấp, vợ chồng Dứt trả nợ, còn chưa tới 500.000 đồng. Chở theo một chiếc vali đựng quần áo, chiếc quạt tường, anh nói rằng biết chính quyền chưa cho phép tự phát rời khỏi địa bàn, song một vài đồng nghiệp cùng quê có nguyện vọng giống mình nên đành liều đi về.
"Nghe chính quyền chở về quê, hai vợ chồng mừng suốt đêm không ngủ được", anh nói và cho biết, những ngày tháng tới không biết sẽ làm gì, song ở quê sẽ đỡ cơ cực hơn vì "xách cần câu cá, câu ếch, rau ráng cũng sống qua ngày".
Người về quê xách hành lý lên xe. Ảnh: Trường Hà
Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ cho biết, người dân sẽ được chở về cửa ngõ các tỉnh miền Tây, bàn giao cho chính quyền sở tại để cách ly theo quy định phòng chống dịch.
Theo ông Thắm, đây là chuyến thứ hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa người dân về miền Tây, xa nhất là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Tới đây, chính quyền thị xã giao cho các địa phương, chủ nhà trọ lập danh sách người dân ở các tỉnh có nhu cầu về quê. Sau khi UBND tỉnh cho phép, địa phương sẽ tổ chức đoàn đưa về đảm bảo an toàn, vừa tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Thống kê sơ bộ của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có hơn 2.600 người dân bị mắc kẹt vì Covid-19 có nguyện vọng về quê. Cuối tháng 9, gần 500 người ở Phú Yên và Nghệ An đã được ôtô đưa về quê.
Sau hơn 3 tháng dịch bùng phát, Bà Rịa - Vũng Tàu công bố 4.152 ca nhiễm. Trừ Côn Đảo, 7 địa phương còn lại đang giãn cách theo Chỉ thị 15.
Bình Dương xét nghiệm, cấp xác nhận miễn phí cho bà con có nhu cầu về quê Trước nhu cầu về quê quá lớn của người dân, tỉnh Bình Dương đã tổ chức xét nghiệm và cấp giấy miễn phí cho hàng chục ngàn người, trong đó có phát hiện cả các ca dương tính. Trong khi đó, Bình Dương vẫn kiên trì khuyên người dân ở lại. Người dân miền Tây từ Bình Dương về quê đi qua chốt...