Hàng chục bệnh nhân đã được chi trả tới tiền tỷ từ bảo hiểm y tế
Tính từ đầu năm 2019 đến 18/06/2020, Quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả cho 58 bệnh nhân có tổng chi phí trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị nội trú; 12 bệnh nhân có tổng chi phí từ trên 2 tỷ đồng/đợt điều trị.
Người dân cầm trên tay thẻ bảo hiểm y tế sau khi được hướng dẫn sử dụng. (Ảnh Đặng Tuân/TTXVN)
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết nhờ tham gia và có thẻ bảo hiểm y tế, nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua được giai đoạn khó khăn khi có quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám và điều trị bệnh, thậm chí có những người bệnh có chi phí khám, chữa bệnh lên tới hàng tỷ đồng/đợt điều trị.
Nhiều người được chi trả tiền tỷ
Bảo hiểm y tế là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của quốc gia, do Nhà nước tổ chức thực hiện, không vì mục đích lợi nhuận, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn… thực hiện công bằng và nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Để tiến tới thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (năm 2014) quy định, từ ngày 01/01/2015, bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc nhằm khẳng định mọi đối tượng có trách nhiệm phải tham gia bảo hiểm y tế.
Tham gia bảo hiểm y tế, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ miễn phí; các đối tượng thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo; tham gia theo hộ gia đình; người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên… được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí.
Người tham gia bảo hiểm y tế được lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh gần địa chỉ nơi đang sinh sống để đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và có thể thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Khi khám, chữa bệnh đúng quy định, được quỹ bảo hiểm y tế chi trả từ 80-100% chi phí khám, chữa bệnh, tùy từng đối tượng.
Có thể thấy, thời gian qua, việc tham gia bảo hiểm y tế đã giúp không ít người giảm được gánh nặng về chi phí khám, chữa bệnh khi ốm đau, tai nạn, đặc biệt là những trường hợp bệnh nặng, bệnh mãn tính điều trị kéo dài hay những bệnh cần phẫu thuật… Người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh theo quyền lợi và mức hưởng trong quy định.
Theo ông Phạm Lương Sơn, tính từ đầu năm 2019 đến 18/06/2020, thống kê trên Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả cho 58 bệnh nhân có tổng chi phí trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị nội trú; 12 bệnh nhân có tổng chi phí từ trên 2 tỷ đồng/đợt điều trị.
Chẳng hạn như bệnh nhân có mã thẻ HT279793186XXXX (do Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phát hành), quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế 100%, đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện 30/4. Bệnh nhân này đã điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ 12/07/2019 đến 26/08/2019 với chẩn đoán sốc (choáng) nhiễm khuẩn.
Video đang HOT
Tổng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của bệnh nhân là hơn 2 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí thuốc là hơn 897 triệu đồng. Bệnh nhân được sử dụng một số thuốc chi phí cao như kháng sinh Colistimetato 102,5 triệu đồng, Meronem 79,9 triệu đồng, Cancidas 65,3 triệu đồng; chi phí vật tư y tế 678,4 triệu đồng gồm bộ kít thu nhận tiểu cầu túi đôi 57,4 triệu đồng, bộ quả lọc máu liên tục Prismaflex 51 triệu đồng, chi phí máu 175,9 triệu đồng…
Bệnh nhân có mã thẻ HN230302189XXXX (do Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương phát hành) thuộc đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế 100%, đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Trạm y tế xã Hồng Quang-Hải Dương.
Bệnh nhân chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức-Hà Nội từ 11/12/2018-18/10/2019 với chẩn đoán bệnh lý cơ tim, suy tim. Tổng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của bệnh nhân này là 2,1 tỷ đồng, trong đó chi phí thuốc 926 triệu đồng, có một số thuốc chi phí cao như kháng sinh Colistimetato 272,9 triệu đồng; kháng sinh Meronem hơn 161 triệu đồng; vật tư y tế 320 triệu đồng gồm bộ trao đổi huyết tương 186 triệu đồng, phổi nhân tạo ECMO 127 triệu đồng…
Ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người tham gia
Hiện nay, các thông tin về thẻ bảo hiểm y tế được tra cứu trực tuyến và cập nhật trực tiếp vào phần mềm quản lý khám, chữa bệnh của cơ sở y tế đã giúp giảm đáng kể thời gian chờ khám, chữa bệnh của người tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức khám, chữa bệnh, quản lý quỹ bảo hiểm y tế của các cơ sở khám, chữa bệnh và của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Các bác sỹ Bệnh viện Việt Đức thực hiện một ca phẫu thuật. (Ảnh: TTXVN phát)
Các trường hợp gia hạn thẻ bảo hiểm y tế, đủ điều kiện miễn cùng chi trả được cập nhật kịp thời trên hệ thống, giúp người bệnh được đảm bảo đầy đủ quyền lợi khám, chữa bệnh ngay khi đang điều trị tại bệnh viện.
Người bệnh có thể tự tra cứu được thông tin về chi phí điều trị, các dịch vụ đã sử dụng, minh bạch quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế, đồng thời tăng cường vai trò tham gia kiểm soát sử dụng quỹ khám, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế.
Cùng với chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách bảo hiểm y tế đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; là cơ chế tài chính y tế quan trọng giúp người dân khi bị ốm đau không bị rơi vào cảnh nghèo đói.
Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm y tế, hướng tới hoàn thành mục tiêu thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; tăng cường truyền thông về tính nhân văn, nhân đạo của chính sách bảo hiểm y tế… Từ đó, nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế nhằm hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết./.
25 năm vững trụ cột an sinh
25 năm trước, ngày 16/2/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam), đánh dấu sự ra đời của cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ đầu tiên về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT).
Gần 90% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế.
Hành trình một phần tư thế kỷ...
Nền an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT nói riêng là nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội. Ngay từ khi thành lập nước, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy định về các chế độ BHXH và nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Tính đến hết năm 2019, toàn quốc đã có gần 16 triệu người tham gia BHXH, hơn 13,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và gần 86 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ gần 90% dân số).
Năm 2006, Quốc hội đã ban hành Luật BHXH và Luật này được tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện vào năm 2014. Theo đó, chính sách BHXH từ chỗ chỉ thực hiện cho đội ngũ cán bộ công nhân viên chức Nhà nước đã chuyển sang thực hiện cho mọi người lao động (NLĐ), trên cơ sở quan hệ đóng - hưởng. Cùng với đó, năm 2008, Quốc hội đã ban hành Luật BHYT và Luật này tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, hoàn thiện theo hướng đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho người tham gia.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, từ khi thành lập đến nay, hệ thống BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT. Trong 25 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ, không chỉ chăm lo phục vụ tốt các đối tượng tham gia thụ hưởng chính sách, không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ mà còn kịp thời đề xuất với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi nhiều nội dung để Luật BHXH và Luật BHYT đi vào cuộc sống, thực sự trở thành những chính sách trụ cột của hệ thống An sinh xã hội hiện nay.
Quyền lợi về BHXH, BHYT cho NLĐ và mọi người dân được thực hiện kịp thời và ngày càng tốt hơn.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cuộc hành trình một phần tư thế kỷ vừa qua của BHXH Việt Nam đã và đang có những bước chuyển mình toàn diện và mạnh mẽ, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu cao cả về an sinh xã hội, về BHXH, BHYT toàn dân mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, là cầu nối quan trọng để chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Đảng và Nhà nước đến với NLĐ và nhân dân.
...và những con số biết nói
Kết quả hoạt động của hệ thống BHXH Việt Nam có thể thấy qua số người tham gia BHXH, BHYT liên tục tăng lên qua các năm: Nếu như năm 1995 - năm đầu tiên thực hiện Điều lệ BHXH, cả nước có trên 2,2 triệu người lao động tham gia BHXH bắt buộc, thì đến năm 2019 ước có gần 16 triệu người lao động tham gia BHXH.
Tính từ năm 1995 đến nay, toàn Ngành BHXH đã giải quyết cho hơn 3,2 triệu người hưởng các chế độ BHXH hàng tháng, trên 120 triệu người hưởng trợ cấp một lần và các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Trung bình mỗi năm Quỹ BHYT đã đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho trên 1.924 triệu lượt người.
Đáng chú ý, năm 2003 cả nước chỉ có gần 11,5 triệu người tham gia BHYT nhưng tính đến hết năm 2019 ước có trên 85,9 triệu người tham gia (đạt tỷ lệ bao phủ gần 90% dân số). Năm 2009, năm đầu tiên thực hiện BH thất nghiệp, cả nước có gần 6 triệu NLĐ tham gia BHTN thì tính đến năm 2019, ước có trên 13,4 triệu người tham gia.
Bên cạnh đó, một kết quả đáng chú ý là trong 05 năm (2014-2019) số lượng thủ tục hành chính (TTHC) của Ngành BHXH đã được giảm từ 263 thủ tục xuống còn 27 thủ tục (giảm 76%). Số giờ thực hiện TTHC về BHXH, BHYT từ 335 giờ đã giảm xuống còn 147 giờ.
Cải cách TTHC, ứng dụng CNTT trong các quy trình nghiệp vụ luôn được BHXH Việt Nam chú trọng
Theo đánh giá tại Báo cáo Doing Business 2019 về xếp hạng của các tổ chức quốc tế, chỉ số nộp thuế và BHXH của Việt Nam tăng 36 bậc so với Báo cáo Doing Business 2017. Năm 2018, BHXH được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đánh giá là "một trong những đơn vị đi đầu trong cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm".
Cùng với đó, hệ thống CNTT của ngành đang dần hoàn thiện theo hướng hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, được tích hợp, tập trung cấp quốc gia. Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 cho 18/28 TTHC; dần hoàn thiện việc xây dựng hệ sinh thái 4.0, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Đáng chú ý, trong 2 năm liên tiếp 2017, 2018, BHXH Việt Nam là đơn vị đi đầu thuộc khối cơ quan thuộc chính phủ trong việc ứng dụng CNTT để phát triển Chính phủ điện tử theo kết quả đánh giá, xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam do Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Hội Truyền thông số Việt Nam công bố. Trong 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019, BHXH Việt Nam giữ vững vị trí số 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT dành cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công.
Bên cạnh đó, tính đến nay BHXH Việt Nam đã hoàn thiện và quản lý tập trung Cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT theo mã số BHXH, với thông tin của hơn 97 triệu dân, tương ứng khoảng 30 triệu hộ gia đình. Đây là tiền đề cho việc xây dựng, kết nối liên thông, hoàn thiện hệ thống ứng dụng CNTT của ngành, tiến tới xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về người tham gia BHYT, BHXH. Đây cũng là nguồn dữ liệu quan trọng được sử dụng trên hệ thống thông tin giám định BHYT để kiểm soát chi phí KCB BHYT nhằm nâng cao hiệu quả quản lý quỹ BHYT của BHXH Việt Nam, là cơ sở để xây dựng và phát hành thẻ an sinh xã hội cho người dân.
Bùi Anh
Theo PLVN
Bảo hiểm xã hội Việt Nam: 25 năm - vững trụ cột an sinh Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định chính sách BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội...