Hàn Quốc tích cực thu hút sinh viên quốc tế
Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO), số lượng người nước ngoài đến Hàn Quốc với mục đích học tập hoặc đào tạo trong nửa đầu năm nay là 204.000 người, tăng 50,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Đây cũng là con số cao nhất từ trước đến nay tính theo tháng và cũng là lần đầu vượt mốc 200.000 người.
Sinh viên trường Đại Học Hàn Quốc. Ảnh minh họa: oia.korea.ac.kr
Phóng viên TTXVN tại Seoul cho biết số lượng người nước ngoài đến Hàn Quốc với mục đích học tập hoặc đào tạo tăng đều đặn, đạt 191.000 người vào nửa cuối năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, nhưng sau đó giảm mạnh trong năm 2020 xuống còn 88.000 người trong nửa đầu năm và tiếp tục giảm xuống còn 30.000 người vào nửa cuối năm.
Cùng với việc dịch COVID-19 dần được kiểm soát, số lượng sinh viên đến Hàn Quốc du học cũng hồi phục. Cụ thể, nửa đầu năm 2022 đạt 55.000 người và tăng lên mức 97.000 trong nửa cuối năm 2022. Con số này tiếp tục gia tăng và đạt mức 178.000 trong nửa cuối năm 2023.
Xét theo quốc gia, Trung Quốc đứng đầu với 112.000 người, tương đương 55,2% tổng số. Tiếp theo là Việt Nam với 33.000 người, Nhật Bản có 6.900 người, Mông Cổ có 6.700 người và Uzbekistan với 5.000 người.
Video đang HOT
Các chuyên gia phân tích sự gia tăng số lượng người nước ngoài đến Hàn Quốc du học hoặc đào tạo phần lớn là do ảnh hưởng của Hallyu. Khi các nội dung Hàn Quốc như âm nhạc (K-pop), phim ảnh, làm đẹp (K-beauty) và ẩm thực (K-food) trở nên phổ biến trên toàn thế giới, sự quan tâm đến Hàn Quốc cũng theo đó tăng lên trong cộng đồng người trẻ tuổi ở nước ngoài. Cùng với đó, có rất nhiều trường hợp người nước ngoài du học Hàn Quốc hoặc học ngôn ngữ, văn hóa Hàn Quốc để phục vụ cho mục đích tìm kiếm việc làm.
Trong bối cảnh số lượng sinh viên Hàn Quốc ngày càng giảm, các trường đại học và chính quyền địa phương của các tỉnh/thành tại Hàn Quốc rất tích cực trong việc thu hút sinh viên nước ngoài.
Trong đó, các trường học cung cấp chương trình giáo dục tiếng Hàn cho sinh viên quốc tế, mở các khóa học cấp bằng tùy chỉnh (đáp ứng nhu cầu của sinh viên nước ngoài) và tổ chức hội chợ việc làm định kỳ.
Chính phủ Hàn Quốc và chính quyền địa phương cũng đang thực hiện nhiều chính sách khác nhau nhằm cung cấp thêm nhiều việc làm trong nước cho sinh viên nước ngoài có trình độ tiếng Hàn xuất sắc. Động thái này được cho là nhằm mục đích giải quyết tình trạng thiếu nhân lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như ứng phó với vấn đề già hóa dân số tại một số địa phương.
Chính phủ Hàn Quốc gần đây đã làm việc với các bộ liên quan như Bộ Doanh nghiệp vừa, nhỏ và Khởi nghiệp cùng Bộ Tư pháp để tìm cách sử dụng sinh viên nước ngoài như một giải pháp giải quyết tình trạng thiếu nhân lực cơ cấu ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Để giải quyết sự bất cân xứng thông tin giữa các công ty và sinh viên nước ngoài, việc thành lập một nền tảng dành riêng cho việc làm nước ngoài, mở rộng các hội chợ việc làm trực tuyến và ngoại tuyến cũng như việc thành lập các trung tâm tuyển dụng tùy chỉnh cho sinh viên quốc tế theo khu vực cũng đang được thảo luận.
Noh Min-seon, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu doanh nghiệp vừa, nhỏ và khởi nghiệp, cho biết không dễ để thu hút các chuyên gia từ nước ngoài, vì vậy việc tích cực sử dụng những sinh viên nước ngoài có thể nói tiếng Hàn sẽ phù hợp với thực tế của Hàn Quốc hơn.
Hàn Quốc: Cho phép các trường đại học tự đặt lịch tuyển sinh cho sinh viên nước ngoài
Trong nỗ lực thu hút sinh viên quốc tế và cứu các trường đại học, cao đẳng khu vực khỏi rơi vào tình thế đóng cửa do thiếu học viên, Hàn Quốc đang xem xét cho phép các trường đại học khu vực độc lập tuyển sinh nhiều kỳ đối với sinh viên quốc tế và học viên trưởng thành (phân biệt với học sinh trong độ tuổi đi học).
Sinh viên trường Đại Học Hàn Quốc. Ảnh minh họa: oia.korea.ac.kr
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, tháng 7 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua sửa đổi một phần Nghị định thực thi Đạo luật Giáo dục đại học. Theo đó, sẽ cho phép các trường đại học tự đặt lịch tuyển sinh cho sinh viên nước ngoài và người học trưởng thành, không giống như học sinh trong độ tuổi đi học.
Ông Kim Taekyung - Trưởng Ban Hợp tác quốc tế tại Trường Cao đẳng Khoa học Dongeui, cho biết không giống như học sinh trong độ tuổi đi ở Hàn Quốc sẽ học nhập học sau khi tốt nghiệp vào tháng 2, học sinh trưởng thành không bị ràng buộc phải nhập học vào tháng 3. Vì lý do này, việc tuyển dụng thường xuyên người học trưởng thành cần nhanh chóng được triển khai nghiêm túc. Điều này có nghĩa là các quy định đã được nới lỏng để cho phép các trường tuyển sinh không phải chỉ 2 lần trong một năm.
Theo ông Kim, hầu hết sinh viên nước ngoài tốt nghiệp vào tháng 6 hoặc tháng 8 tại quê nhà. Vì thế nếu muốn nhập học tại Hàn Quốc thường phải chậm lại 1 kỳ. Vì thế cần cân nhắc thời điểm tuyển sinh phù hợp với sinh viên quốc tế.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết trong bối cảnh tỷ lệ sinh thấp tiếp tục, dân số trong độ tuổi đi học và lực lượng lao động sản xuất đang giảm nhanh chóng dẫn đến sự thiếu hụt đầu vào tuyển sinh của các trường học ở khu vực. Vì thế các cơ quan chức năng đang hướng tới việc ủng hộ chế độ tuyển sinh linh hoạt, thường xuyên sinh viên nước ngoài và người học trưởng thành. Các đối tượng này có thể đặt lịch tuyển sinh riêng so với học sinh trong độ tuổi đi học.
Cùng với việc nới lỏng các quy định của chính phủ về thời gian tuyển sinh, nhiều ý kiến cho rằng Hàn Quốc cũng cần cân chỉnh xu hướng "lấy bằng cấp làm trung tâm" và các trường đại học cần nỗ lực thiết lập một "hệ thống giáo dục linh hoạt", đáp ứng nhu cầu đào tạo theo yêu cầu. Các trường học cũng cần tiến tới vận hành chương trình giảng dạy một cách linh hoạt để phản ánh nhu cầu của người học, tiến tới sự tự chủ trong các tiết học trong tương lai.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các quốc gia được có nền giáo dục tiên tiến như Anh và Australia thường có lịch tuyển sinh mới khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm của trường đại học và khóa học. Điều này là do mục tiêu không phải là đạt được bằng cấp mà là đạt được một mức độ "kỹ năng công việc" nhất định. Chương trình giảng dạy cũng được phân chia chi tiết theo năng lực công việc. Người học có thể lựa chọn thời gian học, cấp độ chương trình và mức độ nghiên cứu chuyên sâu tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cá nhân.
Giáo dục nghề nghiệp ở cả hai nước nói trên phần lớn được chia thành các khóa học cấp chứng chỉ, đủ chứng chỉ thì có thể tốt nghiệp. Ngoài ra còn có lộ trình chuyển tiếp sinh viên từ các trường cao đẳng, cơ sở dạy nghề, v.v. sang các trường đại học phổ thông.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tính đến hết năm 2023, có tổng cộng 152.094 sinh viên quốc tế đang du học tại Hàn Quốc, trong số này 47,5% là sinh viên đại học.
Hàn Quốc với những thách thức về 'xã hội siêu già' Số liệu thống kê từ Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết tính đến ngày 10/7/2024, dân số trên 65 tuổi tại Hàn Quốc đạt 10.000.062 người, chiếm 19,51% tổng số dân. Theo đó, dự kiến con số người trên 65 tuổi sẽ vượt quá 20% vào năm 2025 và kỷ nguyên của xã hội siêu già của Hàn Quốc sẽ chính thức...