Hàn Quốc tăng cường điều trị trực tiếp cho bệnh nhân mắc COVID-19
Ngày 31/5, Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc Lee Sang-min cho biết chính phủ nước này sẽ mở rộng hoạt động điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khuôn khổ một cuộc họp thảo luận các biện pháp ứng phó với COVID-19, Bộ trưởng Lee Sang-min nêu rõ từ ngày 6/6 tới, Hàn Quốc sẽ giảm hoạt động giám sát từ xa đối với bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao đang được điều trị tại nhà từ 2 lần/ngày hiện nay xuống còn 1 lần/ngày.
Thay vào đó, chính phủ sẽ mở rộng mạng lưới phòng khám tại các địa phương. Những cơ sở này sẽ cung cấp dịch vụ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân COVID-19. Tính đến ngày 30/5, trên cả nước có tổng cộng 6.446 phòng khám như vậy.
Bộ trưởng Lee Sang-min cho biết thêm chính phủ cũng sẽ triển khai các dự án nâng cấp và xây mới cơ sở hỏa táng, phòng ngừa nguy cơ đại dịch bùng phát trở lại và khả năng xuất hiện các biến thể mới. Theo kế hoạch, 238 cơ sở hỏa táng trên cả nước sẽ được nâng cấp.
Về tình hình dịch COVID-19, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) của Hàn Quốc cho biết trong 24 giờ qua (tính đến sáng 31/5), nước này ghi nhận 17.191 ca mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân từ đầu dịch lên 18.103.638 người.
Hàn Quốc tin tưởng sớm đạt mục tiêu 70% dân số được tiêm đầy đủ
Theo Phóng viên TTXVN tại Seoul, Tổng thống Moon Jae-in ngày 14/9 đánh giá, với tốc độ tiêm chủng như hiện tại thì Hàn Quốc hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tháng 10 tới.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN
Phát biểu tại phiên họp Nội các ở Nhà Xanh, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh: "Đó là nhờ người dân đã tích cực tham gia tiêm chủng và là kết quả của những nỗ lực toàn diện của chính phủ để cung cấp và nhận vaccine cũng như sự chăm chỉ của các nhân viên y tế". Tổng thống Moon Jae-in cũng lưu ý Hàn Quốc có thể đạt được mục tiêu hoàn tất mũi tiêm chủng đầu tiên cho 36 triệu người trước lễ Chuseok (Tết Trung thu) như cam kết đưa ra. Theo đó, Hàn Quốc hoàn toàn có khả năng sẽ đạt tỷ lệ tiêm chủng 90% mũi thứ nhất cho người trên 18 tuổi.
Tổng thống Moon Jae-in khẳng định Hàn Quốc sẽ chuẩn bị tỉ mỉ cho kế hoạch phục hồi từng bước bằng cách tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia "đã nới lỏng kiểm dịch để hồi sinh của nền kinh tế". Về tình hình giãn cách xã hội trong kỳ nghỉ lễ Chuseok, ông Moon kêu gọi người dân không lơ là mất cảnh giác biến kỳ nghỉ lễ thành cơ hội cho sự lây lan trên toàn quốc. Chính phủ Hàn Quốc sẽ triển khai biện pháp kiểm dịch đặc biệt dịp lễ Chuseok để ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng hơn.
Số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày ở Hàn Quốc đã ở mức dưới 1.500 ca trong ngày thứ 2 liên tiếp song các cơ quan y tế vẫn lo ngại về khả năng bùng phát đợt lây nhiễm mới trong kỳ nghỉ lễ lớn bắt đầu từ ngày 18/9 tới. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), ngày 14/9 Hàn Quốc đã có thêm 1.497 ca nhiễm mới, bao gồm 1.463 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 275.910 ca. Trong đó, 80% số ca nhiễm mới là ở khu vực Seoul và vùng phụ cận (nơi sinh sống của một nửa dân số Hàn Quốc).
Các cơ quan y tế Hàn Quốc kêu gọi người dân tích cực tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 và tuân thủ các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm nghiêm ngặt hơn trong kỳ nghỉ lễ Chuseok khi hàng chục triệu người dự kiến sẽ đi du lịch khắp đất nước. Theo ước tính, lưu lượng người di chuyển hàng ngày trong kỳ nghỉ lễ Chuseok năm nay sẽ tăng 3,5% so với năm 2020. Các cơ quan chức năng Hàn Quốc sẽ thực thi các biện pháp kiểm dịch đặc biệt, bao gồm vận hành các phòng khám xét nghiệm COVID-19 tại các trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc trong 2 tuần cho đến hết ngày 26/9 tới. Trước đó, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội hiện tại (Cấp độ 4 ở khu vực Seoul và vùng phụ cận) và Cấp độ 3 ở các khu vực còn lại thêm 4 tuần cho đến hết ngày 3/10 tới. KDCA cho biết tổng cộng đã có 33,15 triệu người, tương đương 66,2% dân số cả nước, đã được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên và 20,48 triệu người, tương đương 39,9%, đã được tiêm chủng đầy đủ. Hàn Quốc hiện đang sử dụng các loại vaccine của Moderna, Pfizer, AstraZeneca và Janssen.
*Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 13/9, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã đưa một số quốc gia và vùng lãnh thổ, phần lớn tại khu vực biển Caribe và Ấn Độ Dương, vào danh sách các địa điểm có nguy cơ "rất cao" do COVID-19 đối với hoạt động đi lại. Theo CDC, một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Grenada, Saint Kitts và Nevis, Belize, Mauritius, Lithuania, Albania, Slovenia và Serbia đã chuyển sang danh mục Cấp độ 4 đối với các địa điểm đến có nguy cơ rất cao. Trong khi đó, Afghanistan, vốn đang rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi Taliban tiếp quản và Mỹ rút quân vào tháng trước, cũng đã chuyển sang Cấp độ 4 trong danh sách này. CDC khuyến cáo công dân Mỹ phải đi đến các nơi này nên được tiêm phòng đầy đủ trước khi đi.
Khuyến cáo về các hoạt động đi lại của CDC trải dài từ Cấp độ 1 ("thấp") đến Cấp độ 4 ("rất cao"). Các điểm đến thuộc danh mục Cấp độ 4 của CDC là nơi có tỷ lệ ca nhiễm COVID-19 hơn 500 ca/100.000 cư dân trong 28 ngày gần nhất. CDC cũng bổ sung thêm 4 điểm đến vào danh sách Cấp độ 3, bao gồm Australia, Brazil, Ethiopia và Romania. Trong hướng dẫn đi lại trên, CDC cũng đã khuyến nghị công dân Mỹ tránh tất cả các chuyến đi lại quốc tế cho đến khi được tiêm chủng đầy đủ.
Vì sao Triều Tiên thử tên lửa hành trình nhưng lại gọi là 'vũ khí chiến lược' Khi Mỹ gặp các đồng minh ở Tokyo, Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa hành trình, vốn là "vũ khí chiến thuật", và tuyên bố đây là "vũ khí chiến lược quan trọng". Triều Tiên phóng thử tên lửa hành trình tầm xa mới. Ảnh: AFP/KCNA Sáng 13/9, các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin Bình Nhưỡng...