Hàn Quốc ra sách trắng, nghi Triều Tiên có công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân
Triều Tiên dường như đã đạt được một “bước tiến quan trọng” về công nghệ thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân để trang bị cho các tên lửa đạn đạo vốn có thể vươn tới đất liền của Mỹ, Bộ quốc phòng Hàn Quốc cho biết hôm nay 6/1.
Tên lửa Taepodong của Triều Tiên. (Ảnh: Yonhap)
Đánh giá trên được đưa ra trong sách trắng quốc phòng 2014 ra mắt hôm nay 6/1. Sách trắng quốc phòng của Hàn Quốc, được xuất bản 2 năm một lần, đã nhấn mạnh tới các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đối với khu vực và xa hơn nữa sau vụ thử hạt nhân thứ 3 và vụ thử gần đây nhất vào năm 2013.
Đây là lần đầu tiên sách trắng quốc phòng Hàn Quốc bao gồm một cuộc phân tích công nghệ về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Các tài liệu trước đó chỉ đơn giản chỉ ra 2 vụ thử hạt nhân trong lòng đất của Bình Nhưỡng vào năm 2006 và 2009.
“Các khả năng của Triều Tiên nhằm thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân dường như đã đạt tới một cấp độ quan trọng”, tài liệu viết. “Triều Tiên được cho là đã sở hữu khoảng 40 kg plutonium cấp độ vũ khí và Bình Nhưỡng được cho là cũng đang tiến hành chương trình uranium làm giàu cao”.
Bình Nhưỡng cho tới nay vẫn chưa chứng minh khả năng thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân, mặc dù các quan chức và chuyên gia từ Mỹ và Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên được tin là đã làm chủ công nghệ chế tạo các tên lửa có thể mang vũ khí hạt nhân.
Trong sách trắng, Hàn Quốc cũng đánh giá rằng Triều Tiên “được cho là đã sở hữu các khả năng tên lửa có thể đe dọa đất liền của Mỹ và đã bắn tên lửa tầm xa 5 lần”.
Đánh giá trên dựa vào việc Triều Tiên đã đưa thành công một vệ tinh vào quỹ đạo trên một tên lửa tầm xa Unha-3 hồi tháng 12/2012.
Video đang HOT
Hãng tin Yonhap ngày 6/1 dẫn lời một quan chức quốc phòng Hàn Quốc giấu tên cho hay một tên lửa tầm xa khác của Triều Tiên, Taepodong-2, được tin là có tầm xa 10.000 km.
Nhưng bất chấp nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm phát triển các tên lửa tầm xa, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên đã đưa chúng vào biên chế, quan chức trên nói thêm.
Tiếp tục coi Triều Tiên là “kẻ thù”
Theo sách trắng quốc phòng của Hàn Quốc, trong một động thái nhằm tăng cường phòng thủ dọc biên giới và để bảo vệ tốt hơn các cơ sở quân sự, Triều Tiên đã thiết lập một đơn vị quân sự mới quy mô quân đoàn tại tỉnh Bắc Hamkyong theo chỉ đạo của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Việc thiết lập này đã nâng tổng số quân đoàn của Triều Tiên lên con số 10.
Tính tới tháng 10/2014, Triều Tiên có 1,2 triệu binh sĩ, tăng khoảng 10.000 binh sĩ so với hơn 2 năm trước, trong khi Hàn Quốc có khoảng 630.000 binh sĩ, sách trắng cho hay.
Triều Tiên cũng đã tiếp tục tăng cường quân sự bằng cách mua thêm các phương tiện bọc thép, máy phóng rocket, các tàu chiến, và được cho là đang chế tạo các loại tàu ngầm mới như một loại tàu ngầm có khả năng bắn tên lửa đạn đạo.
Trong bối cảnh đối mặt với các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Bình Nhưỡng, Hàn Quốc đã xác định chính quyền Triều Tiên và quân đội nước này là “kẻ thù” trong sách trắng, vì Bình Nhưỡng đã gây ra “các mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của chúng ta”.
Vào năm 2004, Hàn Quốc đã bỏ việc sử dụng từ “kẻ thù” đối với Triều Tiên, nhưng quay trở lại dùng nó vào năm 2012 sau khi Bình Nhưỡng tiến hành một loạt các hành động khiêu khích quân sự vào năm 2010.
Cảnh báo mạnh mẽ Nhật Bản
Sách trắng quốc phòng 2014 của Hàn Quốc cũng nhắc tới quần đảo tranh chấp với Nhật Bản ở Hoa Đông.
Sách trắng cho hay, Hàn Quốc đã cam kết “các biện pháp đáp trả mạnh mẽ” đối với các tuyên bố chủ quyền của Nhật đối với quần đảo tranh chấp mà Seoul gọi là Dokdo còn Tokyo gọi là Takeshima, tái khẳng định cam kết của Hàn Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
“Quan điểm giật lùi lịch sử của một số lãnh đạo chính trị Nhật và các tuyên bố chủ quyền phi lý đối với Dokdo đã trở thành vật cản cho sự phát triển quan hệ song phương trong tương lai”, tài liệu viết.
“Bộ quốc phòng sẽ xử lý cứng rắn với các tuyên bố chủ quyền phi lý của Nhật Bản đối với Dokdo, nhưng vẫn tăng cường hợp tác về các vấn đề an ninh lớn như các mối đe dọa của Triều Tiên đối với hòa bình và sự ổn định tại Đông Bắc Á”, sách trắng nói thêm.
Cuộc tranh chấp lãnh thổ vì quần đảo Dokdo/Takeshima đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Vào tháng 8/2012, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Lee Myung-bak đã thực hiện chuyến thăm chưa từng có tiền lệ tới quân đảo này, khiến Nhật Bản vô cùng giận dữ.
Kể từ khi trở thành tổng thống tháng 2/2013, bà Park Geun-hye chưa từng có cuộc gặp song phương nào với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Theo Dantri/Yonhap
Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu tiếp tế loại lớn ra Hoàng Sa
Trung Quốc đã khánh thành một tàu vận tải loại lớn nhằm cung cấp hàng tiếp tế cho các quần đảo ở Biển Đông, báo chí nước này đưa tin, trong một bước đi nữa nhằm phục vụ âm mưu của Bắc Kinh nhằm bá quyền Biển Đông.
Tàu Tam Sa 1 của Trung Quốc. (Ảnh: Ecns)
Theo báo chí Trung Quốc, tàu vận tải có tên gọi Tam Sa 1 ngày 5/1 đã khởi hành từ một cảng ở đảo Hải Nam để tới quần đảo Hoàng Sa sau lễ khánh thành.
Tàu dài hơn 120 m, nặng 7.800 tấn và được trang bị một bãi đáp trực thăng.
Truyền thông địa phương nói rằng tàu Tam Sa 1 sẽ làm nhiệm vụ kết nối đảo Hải Nam với quần đảo Hoàng Sa.
Báo chí Trung Quốc khoe rằng Tam Sa 1 có thể chở nặng gấp vài lần so với một tàu cũ được sử dụng gần đây. Con tàu mới cũng giúp giảm 1/3 thời gian đi lại từ Hải Nam tới Hoàng Sa xuống còn khoảng 10 giờ.
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Vào năm 2012, Trung Quốc đã thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" để quản lý các quần đảo mà nước này nước này ngang ngược tự nhận là của mình ở Biển Đông.
An Bình
Theo Dantri
Indonesia đưa thân nhân tới vùng biển phi cơ AirAsia gặp nạn Quân đội Indonesia đã lên kế hoạch sắp xếp một phi cơ để đưa các thân nhân hành khách từ thành phố Surabaya tới thị trấn Pangkalan Bun, sau đó sẽ lên thuyền tới vùng tìm kiếm chiếc phi cơ gặp nạn QZ8501 của hãng hàng không AirAsia. Các thi thể nạn nhân được chuyển lên máy bay để đưa về Surabaya phục...