Hàn Quốc phát triển tên lửa đối phó pháo binh Triều Tiên
Hàn Quốc thông qua ba kế hoạch quốc phòng lớn, trong đó có phát triển hệ thống tên lửa tầm xa, nhằm tăng khả năng đối phó với mối đe dọa từ pháo binh Triều Tiên.
Tên lửa Spike do Israel sản xuất xuất hiện trong cuộc duyệt binh ở Seoul kỷ niệm 65 năm thành lập các lực lượng vũ trang Hàn Quốc tháng 10/2013. Ảnh: AP.
Trong giai đoạn 2017 – 2020, Seoul sẽ phát triển và triển khai các tên lửa không điều khiển có thể lắp vào hệ thống phóng đa nòng 230 mm mới (MRLS) tự chế tạo để đối phó với mối đe dọa từ pháo binh Triều Tiên, Yonhap dẫn thông báo từ Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Hàn Quốc (DAPA) ngày 16/11 cho biết.
“Nếu được triển khai và phóng đi, tên lửa không điều khiển có thể tàn phá đáng kể các mục tiêu sâu trong lãnh thổ địch”, Kim Si-cheol, người phát ngôn DAPA, nói. Một tên lửa đủ khả năng phá hủy diện tích to bằng ba sân bóng.
Hàn Quốc còn chi khoảng 18,4 tỷ won (16 triệu USD) trong 27 tháng, đến cuối năm 2019, để phát triển thế hệ tàu hộ tống Batch III tiếp theo. Loại tàu chiến này là sự tiếp nối của hai lớp tàu Daegu và Incheon biên chế trong hải quân nhưng sẽ lớn hơn, năng lực mạnh hơn. DAPA dự kiến ký hợp đồng với công ty đóng tàu Huyndai Heavy Industry vào tháng 12 năm nay.
Video đang HOT
Ngoài ra, trong hợp đồng trị giá 6 tỷ USD ký tháng 9, Hàn Quốc sẽ mua 40 chiến đấu cơ F-35 từ Lockheed Martin với điều kiện tập đoàn của Mỹ phải cung cấp một vệ tinh liên lạc cho Seoul để bù đắp.
“Tập đoàn, viện lý do chi phí, đã khiến kế hoạch chậm trễ một năm rưỡi nhưng họ chấp thuận chế tạo vệ tinh nếu Seoul không đòi đền bù thiệt hại”, Kim nói. Lockheed Martin sẽ phải đối mặt án phạt nếu họ lại sai hẹn.
Hàn Quốc thông qua các kế hoạch trên trong bối cảnh tình hình địa chính trị ở bán đảo Triều Tiên đang bất ổn do Triều Tiên tăng cường đe dọa và các nước trong khu vực lo lắng trước chiến thắng bất ngờ của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Như Tâm
Theo VNE
Nga phóng thử thành công 3 tên lửa tầm xa liên tiếp
Nga đã thực hiện thành công 3 vụ phóng thử tên lửa tầm xa riêng rẽ, trong đó 2 vụ phóng do các tàu ngầm từ hạm đội phía Bắc và Thái Bình Dương tiến hành, và một tên lửa đạn đạo liên lục địa được phóng từ trung tâm vũ trụ Plesetsk.
Hệ thống tên lửa Topol M (Ảnh: Sputnik)
RT đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga ngày 12/10 cho hay tất cả các vụ thử trên được tiến hành trong khuôn khổ các cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu và các tên lửa đều bắn trúng mục tiêu giả định.
Từ biển Okhotsk, tàu ngầm hạt nhân Georgiy Pobedonosets từ hạm đội Thái Bình Dương đã phóng một tên lửa đạn đạo vào bãi thử Chizha ở phía bắc nước Nga.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) đã đánh trúng mục tiêu ở thời gian đã định, Bộ Quốc phòng Nga cho hay, nói thêm rằng tên lửa được phóng từ một tàu ngầm lớp Kalmar Dự án 667BDR hoạt động dưới nước.
Trong khi đó, tại Biển Barents, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Novomoskovsk lớp Delta-IV đã tiến hành một vụ phóng thử tên lửa R-29RM Sineva. Cũng được phóng từ một vị trí chìm dưới nước, tên lửa đã bay trúng mục tiêu tại bãi thử Kura ở bán đảo Kamchatka.
Tên lửa Sineva từ lâu được xem là đối thủ của Bulava, loại tên lửa cuối cùng đã trở thành vũ hạt nhân chiến lược của Hải quân Nga. Bulava đơn giản hơn về hoạt động so với Sineva, cho phép cất giữ bớt cồng kềnh và yên tĩnh hơn trên tàu.
Trong vụ thử thứ 3, Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga đã tiến hành thành công vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-12M từ trung tâm vũ trụ Plesetsk, đánh trúng mục tiêu tại bãi thử ở Kamchatka.
RS-12M, còn được biết với tên gọi Topol-M, là một tên lửa đạn đạo liên tục địa với tầm xa tối đa 10.000km. Nó có thể mang một đầu đạn hạt nhân nặng tới 550 kiloton.
Kể từ đầu năm 2016, Lực lượng tên tên lửa của Nga đã thông báo tiến hành tổng cộng 16 vụ phóng ICBM. Bộ Quốc phòng cũng cam kết tăng các vụ thử nghiệm vào năm tới nhằm kiểm tra sự sẵn sàng về mặt kỹ thuật đối với các hệ thống tên lửa.
An Bình
Theo Dantri
Vũ khí mới của Nga, TQ gây tê liệt không quân Mỹ Các thế hệ tên lửa không đối không tầm xa mới của Nga và Trung Quốc có thể đe dọa đến những mắt xích tối quan trọng, khiến hoạt động của không quân Mỹ tê liệt hoàn toàn. Biên đội máy bay MiG-31 của Không quân Nga. Theo nhận định của tác giả Dave Majumdar trên tạp chí National Interest (Mỹ), những mắt...