Hàn Quốc: Nhà khách của cung điện Deoksu mở cửa đón khách tham quan
Theo hãng tin Yonhap, điện Dondeokjeon – một công trình lịch sử theo phong cách phương Tây trong Cung điện Deoksu tại Seoul ( Hàn Quốc) và được sử dụng làm nhà khách hoàng gia dười thời Đại Hàn Đế quốc (1897 – 1910) – sẽ mở cửa đón khách vào ngày 26/9 sau thời gian phục dựng.
Điện Dondeokjeon – một công trình lịch sử theo phong cách phương Tây trong Cung điện Deoksu tại Seoul, Hàn Quốc sau khi được phục dựng, ngày 25/9/2023. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Việc phục dựng là một phần trong kế hoạch của Cục Quản lý Di sản Văn hóa Hàn Quốc (CHA) nhằm khôi phục nguyên trạng của các cung điện hoàng gia, vốn đã bị hư hại trong thời kỳ Nhật Bản cai trị Bán đảo Triều Tiên.
Dondeokjeon cao hai tầng, được xây dựng lần đầu tiên dưới thời trị vì của Hoàng đế Gojong vào khoảng năm 1901, được sử dụng làm nơi tiếp đón các vị khách nước ngoài. Đây cũng là địa điểm lịch sử nơi con trai ông – Hoàng đế Sunjong lên ngôi vào năm 1907.
Video đang HOT
Theo ghi chép lịch sử, Dondeokjeon được xây dựng với bề ngoài theo phong cách châu Âu. Nội thất bên trong được trang trí theo phong cách sang trọng với rèm và giấy dán tường màu vàng tượng trưng cho hoàng đế. Tuy nhiên, công trình đã bị phá hủy vào những năm 1930, khi chính quyền Nhật Bản biến cung điện thành công viên giải trí dành cho trẻ em.
Chính phủ Hàn Quốc phải mất khoảng 6 năm để xây dựng lại Dondeokjeon sau khi công tác khai quật bắt đầu vào năm 2017. CHA đã khôi phục lại vị trí và diện mạo ban đầu của tòa nhà dựa trên các nghiên cứu về những gì sót lại được khai quật từ địa điểm này, chẳng hạn như đá lát sàn và gạch, cũng như các bức ảnh, tài liệu và thông tin trên báo chí. Tuy nhiên, CHA đã bổ sung thêm một phòng triển lãm, một thư viện và một phòng tổ chức các sự kiện văn hóa – nghệ thuật bên trong để tận dụng tối đa di tích lịch sử nằm ở trung tâm thành phố này. Ngoài ra, còn có không gian dành cho các sự kiện triển lãm và quốc tế ở tầng một.
Không gian trên tầng 2 dùng để triển lãm thường xuyên nhằm nêu bật tầm quan trọng của điện Dondeokjeon trong lịch sử hiện đại của Hàn Quốc và chính sách ngoại giao của Đại Hàn Đế quốc.
Triển lãm gồm 5 phần giới thiệu quá trình thiết lập quan hệ ngoại giao của Đại Hàn Đế quốc với nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm cả Mỹ và Đan Mạch, sau khi ký hiệp ước quốc tế với Nhật Bản vào năm 1876, đồng thời nêu bật những sự kiện lớn trong lịch sử. Triển lãm cũng miêu tả cuộc sống và hoạt động của các nhà ngoại giao Hàn Quốc trong thời kỳ biến động. Một kho lưu trữ sách và tài liệu video cũng đã được dựng lên tại tầng này.
CHA sẽ tổ chức buổi lễ đánh dấu việc mở cửa điện Dondeokjeon vào chiều 25/9. Buổi lễ sẽ có sự tham dự của khoảng 90 người, bao gồm Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo và Cục trưởng CHA Choi Eung-chon, cũng như các đại sứ nước ngoài tại Hàn Quốc.
Văn phòng phụ trách quản lý Cung điện Deoksu của CHA cho biết thông qua việc phục dựng lại di sản văn hóa quan trọng nhất trong lịch sử ngoại giao hiện đại của Hàn Quốc, CHA sẽ khôi phục không gian lịch sử trong quá khứ và tận dụng khu vực này cho các hoạt động trao đổi văn hóa trong tương lai.
Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản thông tin minh bạch về xả nước thải từ Fukushima
Theo hãng tin Yonhap, ngày 24/8, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo kêu gọi Nhật Bản thông tin minh bạch về hoạt động xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima trong vòng 30 năm tới.
Các bể chứa nước thải nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản cùng ngày bắt đầu tiến hành xả nước thải đợt đầu tiên ra Thái Bình Dương. Kế hoạch xả nước thải này dự kiến kéo dài hơn 3 thập kỷ.
Tuyên bố của Thủ tướng Han Duck Soo nêu rõ: "Chính phủ Hàn Quốc hy vọng và một lần nữa kêu gọi Chính phủ Nhật Bản công bố thông tin một cách minh bạch và có trách nhiệm về tiến trình xả nước thải".
Đề cập những quan ngại của công chúng về vấn đề an toàn, Thủ tướng Han Duck Soo cho rằng không cần "quá lo lắng" vì kế hoạch xả nước thải nếu được thực hiện đúng sẽ không gây tác hại đáng kể nào, như nhận định của các chuyên gia trên thế giới. Nhấn mạnh an toàn của người dân là ưu tiên hàng đầu, Thủ tướng Hàn Quốc tái khẳng định rằng hai nước đã nhất trí thiết lập "đường dây nóng" giữa các cơ quan ngoại giao và quản lý nhằm chia sẻ thông tin trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ.
Nhà máy Fukushima lưu trữ hơn 1,3 triệu tấn nước thải trong một hệ thống làm sạch mang tên ALPS kể từ khi 3 lò phản ứng hạt nhân tan chảy do thảm họa động đất và sóng thần năm 2011. Từ năm 2013, Hàn Quốc đã cấm nhập khẩu toàn bộ hải sản từ 8 tỉnh của Nhật Bản gần nhà máy trên do lo ngại mức độ nhiễm phóng xạ. Thủ tướng Han Duck Soo khẳng định lệnh cấm này vẫn có hiệu lực cho đến khi những lo ngại của người dân được giải tỏa và việc giám sát phóng xạ trong hải sản nhập khẩu được tiến hành triệt để. Ông cũng chỉ trích các "thông tin giả mạo" và những hành vi xúi giục đe dọa ngành đánh bắt hải sản mà không có căn cứ khoa học, đồng thời kêu gọi người dân tin tưởng chính phủ và tin vào khoa học.
Cùng ngày, cảnh sát Hàn Quốc đã bắt giữ 16 sinh viên đại học có ý định xâm nhập Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul nhằm phản đối việc Nhật Bản xả nước thải. Theo cảnh sát, những sinh viên nói trên đã tụ tập ở tầng thứ 8 của tòa nhà mà Đại sứ quán Nhật Bản đặt trụ sở, định đột nhập văn phòng đại sứ quán vào khoảng 13h00. Cảnh sát đã bắt giữ các sinh viên này với cáo buộc xâm phạm đại sứ quán và vi phạm luật biểu tình.
Trong khi đó, giới chức hải quan Trung Quốc ngày 24/8 thông báo nước này đã ngừng nhập khẩu tất cả hải sản có nguồn gốc từ Nhật Bản. Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi sẽ theo dõi sát tình hình xả nước thải của Nhật Bản và điều chỉnh các biện pháp quản lý liên quan".
Hàn Quốc ban bố lệnh khẩn cấp phòng nguy cơ sạt lở Mưa lớn kéo dài bất thường trên phạm vi toàn quốc đang gây thiệt hại lớn cho Hàn Quốc và vào rạng sáng ngày 15/7, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo đã ban hành lệnh sơ tán và giải cứu khẩn cấp người dân để đề phòng nguy cơ sạt lở. Tìm kiếm những người mất tích sau vụ lở đất tại Yangju,...