Hàn Quốc: Người không đảng phái thành Thị trưởng Seoul
Một nhà hoạt động dân sự, người chỉ trích Tổng thống Lee Myung-bak và kêu gọi thay đổi chính trị đã trở thành Thị trưởng Thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Nhà hoạt động Park Won-soon, một ứng viên độc lập được sự ủng hộ của phe đối lập – Đảng Dân chủ – đã giành được 53,4% lá phiếu của 4 triệu cử tri, theo Uỷ ban Quản lý Bầu cử trung ương Hàn Quốc. Đối thủ của ông, Na Kyung-won, ứng viên liên kết với đảng Đại Dân tộc của Tổng thống Lee giành 46,2%.
Park Won-soon được xem như “người ngoài” trong hoạt động chính trị Ảnh: Yonhap
“Công dân đã đánh bại quyền lực chính trị“, ông Park nói. Ông là người đã tự chối tham gia một đảng phái chính trị, tự nhận mình là “ứng viên công dân”. Ông khẳng định: “Qua bầu cử, họ đã đánh bại một kỷ nguyên lỗi thời”.
Video đang HOT
Bà Na đã thừa nhận thất bại. “Tôi khiêm tốn chấp nhận ý nguyện của người dân phản ánh trong cuộc bầu cử”.
“ Chúng tôi ngạc nhiên vì chênh lệch lớn hơn chúng tôi dự đoán“, hãng Yonhap dẫn lời một trợ lý cấp cao của Tổng thống Lee như vậy.
Sohn Hak-kyu, đứng đầu đảng Dân chủ cho rằng, chiến thắng của ông Park ở tư cách ứng viên độc lập sẽ thúc đẩy tất cả đảng phái đối lập tự do tập hợp để hướng tới “sự thay đổi chính phủ trong năm tới”. Cuộc bầu cử ở Seoul – ngôi nhà của 1/5 tổng số dân 50 triệu Hàn Quốc, cũng được xem là cuộc trưng cầu dân ý với Tổng thống Lee trước bầu cử quốc hội vào tháng 4.
Kết quả bầu cử thị trưởng là một đón giáng mạnh với ông Lee, người đang vật lộn với sự sụt giảm tín nhiệm giữa lúc xảy ra những bê bối tham nhũng liên quan tới các trợ lý cũ của ông. Nó cũng là một trở ngại với Park Geun-hye, được xem là ứng viên sáng giá nhất của đảng cầm quyền thế chân ông Lee trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới; bà Park đã ủng hộ tích cực bà Na.
Cuộc bầu cử cho dù chỉ giới hạn ở Seoul, đã thu hút sự chú ý ở khắp Hàn Quốc về cuộc đua tranh giữa một phụ nữ với một người đàn ông, một chính khách kỳ cựu với một người ngoài cuộc; giữa bà Park Geun-hye với một ứng viên tiềm năng khác cho cuộc chạy đua tổng thống năm tới – Ahn Chul-soo, một giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul.
Rất nhiều cử tri ở độ tuổi 20, 30 và 40 đã bỏ phiếu cho ông Park. Ông Park, 55 tuổi, là một cựu sinh viên đã bị đuổi khỏi trường đại học những năm 1970 vì biểu tình chống lại cựu tổng thống Park Chung-hee. Ông Park sau đó trở thành một luật sư nhân quyền, dẫn dắt hai nhóm hoạt động dân sự có ảnh hưởng nhất của Hàn Quốc.
Ứng viên vừa mới giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thị trưởng Seoul đã kêu gọi hoà giải với Triều Tiên và lập luận rằng, chính sách cứng rắn của ông Lee với chính phủ Bình Nhưỡng đã góp phần tạo ra những hành động khiêu khích của Triều Tiên. Khẩu hiệu tranh cử của ông là “thay đổi”.
Đối thủ của ông là bà Na, một ngôi sao chính khách. Giàu có và có khả năng hùng biện, bà Na, 47 tuổi, tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu, trở thành thẩm phán và chiến thắng trong hai nhiệm kỳ quốc hội. Cũng giống như tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc, bà chủ trương chính sách cứng rắn với các hành động khiêu khích của Triều Tiên. Bà nhấn mạnh tới sự “ổn định”.
Phía sau cuộc đua của hai ứng viên ở Seoul còn là hai nhân vật mang tính biểu tượng khác: Park Geun-hye và ông Ahn.
Bà Park đại diện cho đảng bảo thủ với hy vọng ghế tổng thống có thể được củng cố bởi uy tín của bà trong số các thành viên bảo thủ Hàn Quốc – những người kính trọng cha bà, cựu tổng thống Park, kiến trúc sư phép màu kinh tế Hàn Quốc.
Được đào tạo như một bác sĩ nội khoa, danh tiếng của ông Ahn bắt đầu “nổi như cồn” khi ông thành lập AhnLab – một công ty rất thành công khi viết ra các chương trình diệt virut máy tính. Ông Ahn rất được yêu thích trên mạng xã hội Twitter và các cuộc thăm dò thường cho thấy, ông sẽ là người thắng cuộc không chỉ ở Seoul mà còn ở tranh cử tổng thống.
Ông không tranh cử ở Seoul nhưng ủng hộ ứng viên độc lập Park Won-soon.
Báo chí Hàn Quốc rộ lên đồn đoán về khả năng ông Ahn sẽ cố gắng giành ghế tổng thống, đặc biệt sau khi ông thúc giục người dân xoá bỏ đi trật tự chính trị cũ, nói họ nên hành động để thay đổi theo gương Rosa Parks, một phụ nữ Mỹ gốc Phi đã từ chối nhường ghế trên xe bus cho một hành khách da trắng năm 1955 để thúc đẩy phong trào đòi quyền dân sự ở Mỹ.
Danh tiếng nổi bật của ông Ahn và tư cách ứng viên độc lập của ông Park đã “ phản ánh sự vỡ mộng của người dân với các đảng phái chính trị hiện hành“, Lee Chung-hee, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Hankuk nói. “ Người dân mong muốn các đảng phái chính trị tổ chức sắp xếp lại” để thức tỉnh, cải tổ hệ thống cũ, giáo sư chính trị Kang Won-taek tại Đại học Quốc gia Seoul bình luận.
Theo VietNamNet